Hôm nay,  

Trang Sử Việt: Nguyễn Đình Chiểu

23/08/201600:01:00(Xem: 4939)
(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của mỗi nhân vật. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang Sử Việt luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt. Trang Sử Việt đăng trên Vietbao Online thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần).
________________ 
 
NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU
(1822 - 1888)
 
Nguyễn Đình Chiểu hiệu Trọng Phủ tự Mạnh Trạch, thường gọi là Đồ Chiểu, quê Gia Định. Phụ thân là Nguyễn Đình Huy gốc Thừa Thiên, làm thư lại ở Văn hàn ty trong dinh Tổng trấn Tả quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định. Năm 1843, ông đỗ Tú tài, khi ấy có một nhà họ Võ hứa gả con gái cho ông. 
.
Năm 1847, ông ra Huế để chuẩn bị thi Đình năm Kỷ Dậu (1849). Ngày 10-12-1848, nghe tin mẹ mất, trên đường về nhà chịu tang thì bị bệnh mù mắt, phải tạm trú tại Quảng Nam để chữa bệnh. Nơi đây, ông được một vị danh y dạy nghề thuốc. Lâm cảnh mù lòa, hôn thê họ Võ bội ước, cửa nhà sa sút. Ông về nhà chịu tang mẹ 3 năm, rồi mở trường dạy học và làm thầy thuốc ở Gia Định, từ đấy gọi ông là Đồ Chiểu. 
.
    Khi ba tỉnh miền Đông Nam kỳ bị Pháp chiếm (1862), ông không sống vùng giặc chiếm nên dời gia đình về Vĩnh Long. Ông xót xa trước cảnh quân Pháp đã hà khắc đồng bào; buồn bã sự hèn yếu bất lực của triều đình Huế, đớn đau cảnh nước mất nhà tan, ông cảm tác bài thơ “Chạy giặc”:
.
Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lăng xăng chạy
Vỡ tổ bầy chim dáo dác bay
Bến Nghé của tiền tan bọt nước
Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây
Hỡi trang dẹp loạn rày đâu tá?!
Nỡ để dân đen mắc nạn này!.
 .
Tham biện Bến Tre là Michel Ponchon cùng thông dịch Lê Quang Hiền đến ngõ ý trả lại ruộng đất của ông bị trưng thu. Ông thẳng thắn từ chối: “Đất chung còn bị mất, đất riêng còn có được sao?!”.
.
   Tâm ông khí khái, văn thơ lỗi lạc đã ảnh hưởng đến người thân trong gia đình. Năm 1863, em trai út của ông là Nguyễn Đình Huân theo Đốc binh Là chống Pháp, hy sinh ở Cần Giuộc. Con trai là Nguyễn Đình Chiêm, là tác giả truyện Phấn Trang Lầu, con gái Nguyễn Ngọc Khuê là chủ bút báo “Nữ giới chung” là tờ báo phụ nữ đầu tiên ở Việt Nam. 
      Ngày 3-7-1888, ông mất ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
.
      Nguyễn Đình Chiểu đã để lại các tác phẩm giá trị:  
 - Lục Vân Tiên: Truyện thơ Nôm, sáng tác khoảng năm 1851, gồm 2082 câu thơ lục bát, nội dung ca ngợi nhân nghĩa, là một tác phẩm văn học nước ta, đồng bào rất mến mộ. Nhân vật họ Lục bị mù mắt không đi thi được nên bị hôn thê họ Võ bội ước! Có lẽ Đồ Chiểu gởi gấm tâm trạng mình với nhân vật Lục Vân Tiên bị hôn thê họ Võ bội ước chăng?!.
  - Dương Từ Hà Mậu: Truyện thơ Nôm, sáng tác khoảng năm 1854, tập thơ gồm 3.456 câu, trong đó phần lớn là thơ lục bát. Nội dung, bày tỏ thiết tha về đạo và đời.
 - Ngư Tiều y thuật vấn đáp: Sáng tác khoảng năm 1867, gồm 3.642 câu thơ Nôm, trong đó phần lớn là thơ lục bát, Nội dung dạy nghề làm thuốc chữa bệnh. Đồ Chiểu đã lồng vào đấy tư tưởng yêu nước đan xen trong nội dung y thuật.
 - Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc, làm năm 1861.
 - Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh...
 .
 *- Thiết nghĩ: Cụ Đồ Chiểu là một nhà nho đức độ, người con tròn hiếu đễ, người thầy khả kính, một nhà thơ yêu nước nồng nàn. Cụ hun đúc nhân lễ nghĩa trí tín, nhưng không sử dụng cứng nhắc như Khổng-Mạnh. Khổng-Mạnh nêu lễ nghĩa... thường gắn bó với người quân tử. Đồ Chiểu lại uyển chuyển sử dụng nhân nghĩa rất thực tế và trang trải đến từng người dân đen, do đấy rất thích hợp với tình tự dân tộc Việt Nam. Trong truyện Lục Vân Tiên, Tiểu đồng chỉ là người hầu hạ người chủ, vẫn thiết tha tình nghĩa chứa chan:
     “Dốc lòng trả nợ áo cơm
Sống mà trọn nghĩa, thác thơm danh hiền”
.
     Một dân đen nghèo khổ khác là Ngư ông, sống bằng nghề thả lưới, giăng câu. Có ai ngờ, con người ấy lại giàu lòng nhân nghĩa, điều nhân nghĩa lại nổi bậc ở hạng cùng dân, chứ không chỉ có ở người quân tử như Khổng Mạnh:
     “Ngư rằng: lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn”
     Thế nên, truyện Lục Vân Tiên là nơi hội tụ những điều nhân nghĩa. Người tốt được phản ánh trọn lòng sắt son, dù ở địa vị nào trong xã hội. Người thiện và kẻ ác, Cụ Đồ khen chê rạch ròi công bằng để dìu dắt người đời hướng thiện.
 .
     Cụ Đồ Chiểu đã khéo léo hài hoà giữa truyền thống cổ truyền cao quí của dân tộc Việt với Nho, Phật, Lão, bằng ngôn ngữ bình dị, trong sáng. Vì vậy, truyện của Cụ có một sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc. Những tác phẩm của Cụ gắn bó tình cảm sâu sắc: Tình phụ tử, tình mẫu tử, tình phu thê, tình bằng hữu và tình tự dân tộc, quê hương.
  Cụ Đồ Chiểu đã xiển dương rạng rỡ về tinh thần cứu khổ phò nguy, tinh thần trọng nghĩa khinh tài. Cụ sáng tác nhiều thể loại, nổi bật nhất là truyện thơ và văn tế bằng chữ Nôm. Cụ dùng từ nhẹ nhàng, phản ánh đời sống có thực ở dân gian, nên thu hút được mạnh mẽ người đọc, nhất là đối với đồng bào Nam bộ. Những sáng tác của Cụ đã góp phần bồi đắp tình người, tô điểm vườn văn học nước nhà thêm rực rỡ.
.
     Cụ Đồ Chiểu đã thiết tha dùng “văn dĩ tải đạo”, phân biệt rạch ròi giữa bạn và thù. Cụ đã thổ lộ trọn vẹn một lòng yêu nước, thương dân đậm đà. Tuy cụ Đồ Chiểu bị mù không thể xông xáo nơi chiến trận, nhưng Cụ luôn nung nấu lòng căm hận ngoại xâm và khinh khi bọn tay sai theo giặc. Cụ luôn chia sẻ với những kẻ sĩ chống lại thực dân Pháp.
     Riêng tôi, rất khâm phục ở Cụ Đồ Chiểu là những tác phẩm của Cụ dài tới mấy nghìn câu, trong đấy có rất nhiều điển tích, dù mắt bị mù loà không thấy để tra cứu, thế mà Cụ nhớ rõ từng điển tích, đưa vào truyện mạch lạc đầy đủ?! 
     Cụ Đồ Chiểu dù mắt đã bị mù lòa nhưng tâm hồn yêu nước thương dân thì sáng hơn những kẻ mắt còn sáng mở trao tráo mà chỉ biết mưu cầu cho cá nhân và gia đình, có kẻ còn bán nước cầu vinh để được vinh thân phì gia, là sao?!. 
     .
Cảm phục: Cụ Đồ Chiểu
 .
Cụ Đồ Chiểu, quý mến giang sơn!
Lưu luyến quê hương, há mỏi mòn?!  
Bút thép, thẳng thừng ta với giặc
Lòng son, tha thiết nước cùng non
Thổ cương lo lắng, lo chung thủy
Nòi giống nhớ nhung, nhớ sắt son!
Mù mắt, sáng lòng, gìn giữ nghĩa! 
Hồn thơ yêu nước chứa chan còn!
.
Nguyễn Lộc Yên 

.
.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Họ kỷ niệm ngày nổi dậy của dân Tây Tạng tại thủ đô Lhasa - mùng 10 tháng Ba năm 1959 - khi Trung Quốc đưa quân từ các tỉnh miền Đông
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.