Hôm nay,  

Cuộc Tranh Luận Dân Chủ

19/10/201500:00:00(Xem: 5020)

...Nói tóm lại, bà Hillary đại thắng, tất cả bốn ông kia thua to...

Sau khi các ứng viên Dân Chủ (DC) đã tích cực vận động tranh cử cả nửa năm thì cuối cùng đảng DC đã có được cuộc tranh luận đầu tiên, được đài truyền hình CNN tổ chức tại một khách sạn tại Las Vegas, với một cử tọa hơn 1.000 người, dĩ nhiên cũng toàn phe ta hết.

Tham gia cuộc tranh luận là:

- Bà Hillary Clinton, cựu ngoại trưởng;

- Ông Bernie Sanders, thượng nghị sĩ Vermont;

- Ông Martin OMalley, cựu thống đốc Maryland;

- Ông Jim Webb, cựu thượng nghị sĩ Virginia;

- Ông Lincoln Chafee; cựu thượng nghị sĩ Rhode Island.

Đây là cuộc tranh luận đầu tiên của phe DC. Khiến cho các ứng viên đảng DC tố cáo ban lãnh đạo đảng đã cố tình giúp bà Hillary bằng cách giới hạn tối đa những cuộc tranh luận, không cho các ứng viên không nổi tiếng có dịp ra mắt thiên hạ.

Có ba vấn đề chúng ta muốn xem xét qua cuộc tranh luận này: a) quan điểm của các ứng viên về những vấn đề quan yếu nhất của nước Mỹ hiện nay, b) ai thắng ai thua, và c) ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc.

QUAN ĐIỂM CỦA CÁC ỨNG VIÊN

Cũng giống như hai cuộc tranh luận bên Cộng Hoà (CH), đây là cuộc tranh luận để dành phiếu trong nội bộ đảng, tức là tranh luận để dành phiếu của những thành phần cấp tiến nhất của đảng. Đại khái thi xem ai cấp tiến nhất.

Câu hỏi mở đầu của nhà báo Anderson Cooper dành cho bà Hillary, liên quan đến việc bà bất nhất trong lập trường, thay đổi lập trường như thay đổi áo. Bà Hillary trả lời lòng vòng chẳng đâu vào đâu, khiến anh Cooper phải nhắc lại câu hỏi và yêu cầu bà trả lời thẳng câu hỏi. Bà Hillary cười cười trả lời lần thứ hai, cũng y chang lần đầu, chẳng trả lời gì hết, mà chỉ lợi dụng có dịp nói để quảng bá lập trường của mình. Anh Cooper đành chịu thua, không hỏi lần thứ ba.

Đây là cách rõ ràng nhất để ta hiểu tranh luận chỉ là phương tiện để các ứng viên tự quảng cáo mình trước mấy chục triệu người, miễn phí. Không khai thác dịp may là dại, trả lời thẳng những câu hỏi hóc búa là ngu. Tất cả các tranh luận, DC hay CH cũng vậy thôi. Hiểu như vậy mới biết được ý nghiã và giới hạn của các cuộc tranh luận.

Người theo dõi sẽ thấy rõ ràng tất cả các ứng viên đều có quan điểm giống nhau như chống chiến tranh chung chung, ủng hộ dân da màu trong chuyện “Black Lives Matter”, cổ võ việc giới hạn súng đạn, sỉ vả tài phiệt, ủng hộ giới lao động và trung lưu,... Khác biệt chỉ ở tầm mức, đi xa tới đâu.

Chẳng hạn trong vấn đề kiểm soát súng đạn, ông Sanders đã bị chỉ trích nặng nề vì quan điểm tương đối cởi mở nhất, qua việc ông đã từng biểu quyết chống lại việc kiểm soát súng đạn quá gắt gao. Tiểu bang Vermont của ông là nơi mà đại đa số dân vẫn hăng hái bảo vệ quyền tự do mua súng đạn, vì là vùng săn bắn nổi tiếng của Mỹ.

Câu chuyện súng đạn ở Mỹ là một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về sự giả dối của các chính khách Mỹ, DC cũng như CH. Ai cũng mở miệng sỉ vả chuyện bắn giết tràn lan ở Mỹ vì quá dễ dàng mua súng đạn, hô hào kiểm soát, giới hạn, nhưng kết quả cả mấy chục năm nay vẫn chẳng làm gì cụ thể hơn đấu võ miệng. Ngay cả TT Obama, mới đây đã lên tiếng phàn nàn là ông đã phải lên TV chia buồn với gia đình các nạn nhân các vụ bắn giết quá nhiều. Thưa Tổng Thống Obama, nếu kẻ viết này không lầm thì ông là tổng thống mà! Tổng thống được dân bầu để giải quyết các vấn đề của đất nước chứ đâu phải để than phiền hay bình luận khơi khơi như kẻ viết này! Dĩ nhiên ra luật là việc của quốc hội, nhưng vận động, thuyết phục, mua chuộc, hay … siết cổ các vị dân cử là trách nhiệm của tổng thống, miễn sao ra được luật mới là tổng thống giỏi, có phải không thưa tổng thống? Chứ còn không làm gì, chỉ ngồi than vãn và đổ thừa thì ai cũng làm được, kể cả kẻ viết này. Tổng thống đã từng bất chấp quốc hội, ra chỉ thị ngưng trục xuất di dân ở lậu được, sao không làm gì để kiểm soát súng đạn được?

Câu chuyện “Black Lives Matter” cũng khá lý thú. Một anh da đen rất trẻ, có vẻ là học sinh chứ chưa phải là sinh viên đại học, hỏi đại khái “theo quý vị, black lives matter or all lives matter?”, nghiã là “mạng sống dân da đen quan trọng, hay là tất cả các mạng sống đều quan trọng?”. Cái ý bóng gió trong câu hỏi này là cố tình ép các ứng viên phải nói mạng sống dân da đen quan trọng hơn mạng sống của những người khác. Dĩ nhiên, tất cả các ứng viên đều xúm xít khẳng định mạng sống dân da đen quan trọng, không ai dám hé răng đụng đến cái vế thứ hai của câu hỏi là tất cả mạng sống đều quan trọng. Ông OMalley trước đây đã làm cái sai lầm là tuyên bố “mạng sống dân da đen quan trọng, mạng sống dân da trắng quan trọng, tất cả mạng sống đều quan trọng”. Thế là bị xúm lại sỉ vả đến độ phải rút lại lời nói rồi xin lỗi dân da đen. Đối với khối dân da đen, mạng sống dân da đen mới đáng kể, anh chị nào dám nói các mạng sống khác như da trắng, da nâu hay da vàng cũng đáng kể thì coi như tiêu tùng, vì dân da đen là khối cử tri quan trọng nhất của đảng DC hiện nay.

Nếu nói CH là đảng của dân da trắng được thì nói DC là đảng của dân da đen cũng không sai lắm.

Một biến chuyển đánh dấu cuộc tranh luận là khi bà Hillary bị hỏi về vụ email. Bà trả lời chuyện bà làm là sai lầm tuy không bị bộ Ngoại Giao cấm, và bà đã xin lỗi. Ở đây, vấn đề còn đang được FBI điều tra, bà Hillary muốn nói hợp pháp hợp lệ cũng được, nhưng đó là ý riêng của bà.

Đến phiên ông Sanders được hỏi về vụ này thì ông hùng hổ trả lời đại khái “Im sick and tired of the email issue”, tức là ông chán ngán muốn bệnh luôn về chuyện này rồi, không muốn nói đến nữa. Câu tuyên bố được hội trường phe ta hưởng ứng vỗ tay nhiệt liệt, bà Hillary cười tươi hơn hoa, vồn vã bắt tay ông Sanders, cám ơn rối rít.

Phản ứng của ông Sanders, cho đến nay là đối thủ cạnh tranh số một của bà Hillary là bất ngờ lớn nhất của cuộc tranh luận. Nôm na ra, ông Sanders tự ý hủy vũ khí nặng ký nhất của mình, khiến không ai hiểu ông tính toán gì. Rất có thể ông đứng trước một cử toạ toàn phe ta, cử tri DC, không muốn thấy những xì-căng-đan không mấy hay ho của phe ta bị khui ra, mai này sẽ bị phe CH khai thác đến chết. Cũng có thể ông đang ngắm cái ghế phó cho bà Hillary. Phản ứng đó giúp chấm dứt câu chuyện email trong nội bộ đảng DC. Mấy ông ứng viên khác, cũng như ngay cả anh điều hợp Cooper cũng cụt hứng, không dám đào sâu vấn đề nữa.

Nhưng bà Hillary cũng vẫn bị chất vấn về chuyện thay đổi lập trường, trước đây cổ võ cho TPP (thoả ước thương mại liên Thái Bình Dương), bây giờ lại chống. Bà nhìn nhận đã thay đổi quan điểm, nhưng nói bà khi đó “hy vọng” (I hoped) TPP sẽ tuyệt hảo, nhưng bây giờ đọc kỹ lại thoả ước thì thấy không tuyệt hảo như bà mong đợi. Các báo ngày hôm sau, đã coi lại câu chuyện và thấy thật sự bà đã ca tụng TPP là tuyệt hảo, chứ không phải là bà chỉ “hy vọng”. Đại cương có thể hiểu bà có ý đổ thừa thay đổi quan điểm vì TT Obama đã ký một thoả ước khác với thoả ước bà ủng hộ. Bán cái và đổ thừa dường như là mô thức hoạt động tiêu biểu của đảng DC, từ TT Obama đến bà Hillary.

Bà Hillary khoe thành tích tại Libya như là “smart power at its best”, tức là sử dụng quyền lực thông minh nhất. Không ông ứng viên nào có phản ứng. Nhưng bảo đảm phe CH sẽ đưa ra cả trăm hình ảnh khủng bố đủ loại đang đánh nhau tại Libya, cũng như hình ảnh cả ngàn dân Libya liều chết vượt biển qua Âu Châu để chạy trốn chiến tranh tại đây. Thông minh nhất?

Bà Hillary cũng khoe trong vụ khủng hoảng gia cư và tài chánh năm 2007-08, bà đã có thái độ mạnh chống các đại ngân hàng. Báo Washington Post nhận định chẳng có bằng chứng gì là bà đã kềm hãm các tài phiệt Wall Street, trái lại, khi đó bà là thượng nghị sĩ của New York, hết sức thân thiện với các tài phiệt và nhận bạc triệu của họ, kể cả tiền của ông Donald Trump.

Tạp chí cực tả Rolling Stones nhắc lại một lý do quan trọng của cuộc khủng hoảng là các đại ngân hàng trở thành quá lớn, không ai kiểm soát nữa, và TT Clinton chính là người đã ký lệnh thu hồi luật Glass-Steagal, là luật kiểm soát ngân hàng đã có từ thời TT Roosevelt.

Được hỏi ai là kẻ thù của bà, thì bà liệt kê tổ chức NRA (hội những người sở hữu súng), chính quyền Iran, và … đảng CH. Muốn làm tổng thống cả nước mà lại coi đảng đối lập là kẻ thù? TT Obama được bầu phần lớn vì hô hào đại đoàn kết dân tộc, chứ không phải vì hô hào chống kẻ thù CH. CH bảo đảm sẽ nhắc lại chuyện này. Ta chờ xem dân Mỹ nghĩ sao.

Trong không khí chống mấy chính khách chuyên nghiệp hiện nay, bà Hillary vỗ ngực tự cho mình là người hoàn toàn ngoài lề, vì lý do bà sẽ là phụ nữ đầu tiên làm tổng thống. Lý luận kiểu này là ngụy biện. Thiên hạ không ai không thấy bà Hillary là chính khách lão làng nhất trong tất cả hai chục ứng viên tổng thống của cả hai đảng. Cử tri chán chính khách cồ điển trên phương diện chính sách, chứ không nói đến chuyện giới tính.

Có nhiều vấn đề quan trọng nhưng tuyệt đối không được nêu lên, vì lý do giản dị là tất cả các ứng viên đều đồng ý, chẳng hạn như vấn đề di dân ở lậu, bảo vệ mọi hình thức trợ cấp, chủ trương cho phá thai tự do, hôn nhân đồng tính, Obamacare,... không có gì để bàn.

Cũng có nhiều vấn đề lớn khác không được nêu lên vì quá “tế nhị” cho đảng DC, như vai trò của Mỹ trong cuộc chiến tại Trung Đông, cách đối phó với khủng bố nói chung và ISIS nói riêng, vụ giết đại sứ Mỹ tại Benghazi, ảnh hưởng ngày một lớn của Putin, chuyện “lưỡi bò” Biển Đông,..., tất cả đều liên quan đến chính sách đối ngoại mà bà Hillary làm ngoại trưởng. Ở đây, ta thấy đài phe ta CNN cố tình tránh gây quá nhiều phiền toái cho bà Hillary.

Những vấn đề không được nêu ra trong cuộc tranh luận mới chính là những vấn đề mà phe đối lập CH sẽ chú trọng để tấn công sau này.

Quan trọng hơn nữa, nếu không có thay đổi bất ngờ lớn lao nào, thì có nhiều triển vọng bà Hillary sẽ là ứng viên của DC. Và khi đó, tư cách cá nhân, thành quả, và những xì-căng-đan của bà Hillary sẽ được khai thác tối đa. Bảo đảm không có chuyện ứng viên CH tuyên bố “Im sick and tired of the email issue”. Trái lại, email sẽ là đề tài có thể nói là quan trọng nhất. Có thể các cử tri phe ta nhàm chán chuyện emails của bà Hillary, nhưng chắc chắn đa số dân Mỹ vẫn thắc mắc và không bỏ qua dễ dàng như vậy.

Nói chung, trong cuộc tranh luận, tất cả các ứng viên đều cố tranh đua xem ai cấp tiến hơn ai. Phe CH hiển nhiên sẽ ghi nhận rất kỹ để khai thác tính cấp tiến cực đoan này khi đến cuộc chạy đua chính thức giữa hai đảng. Cũng như phe DC đã ghi nhận quan niệm cực hữu của các ứng viên CH trong mấy cuộc tranh luận của họ.

Riêng về bà Hillary, báo Washington Post đã nhận định, tất cả mấy ông ứng viên chẳng ông nào dám thật sự đấu chưởng, thách thức bà hết. Theo ý kẻ viết này, ông nào cũng muốn chừa chỗ cho cái ghế phó cho mình.

Quý độc giả đã nhận thấy phần bàn trên tập trung vào bà Hillary nhiều nhất. Vì hai lý do, bà nói nhiều nhất trong cuộc tranh luận, và bà có 90% hy vọng làm đại diện cho DC (theo thiển ý).

AI THẮNG AI THUA?

Thật ra, ai thắng ai thua trong một cuộc tranh luận chẳng có nghiã lý gì đối với cuộc bầu cử thật sự, nhưng lại là điều hiếu kỳ mà ai cũng muốn biết.

Những người ủng hộ bà Hillary hô hoán bà Hillary thống trị cuộc tranh luận, cãi nhau tay đôi với ông Sanders cho tới khi ông này tự nhiên “tự sát”, kêu gọi dẹp bỏ câu chuyện email của bà Hillary.

Sự thật chưa rõ ràng như vậy. Nhiều thăm dò cho thấy ông Sanders thắng lớn, như Time: 64%; MSNBC: 84%; Slate: 75%.

Phải nói ngay là CNN đã không hoàn toàn công bằng, dành cho bà Hillary nhiều câu hỏi và nhiều thời gian trả lời nhất khiến ông Webb phàn nàn, khiếu nại mấy lần, đến độ có lúc ông nói quá lâu, bị chặn lại mấy lần mà vẫn bất cần cứ tiếp tục nói gỡ.

Hai ông OMalley và Chafee chẳng có điểm gì đặc biệt thu hút cử tri. Ông OMalley cũng là cựu thị trưởng Baltimore là thành phố vừa qua cơn khủng hoảng cảnh sát da trắng bắn chết một anh da đen, khiến dân da đen nổi loạn. Với thành tích này, rất khó thắng cử. Ông Chafee là cựu đảng viên CH, nhẩy rào qua đảng DC.

Ông Webb thì... người theo dõi có cảm tưởng ông này đang ghi tên tranh cử... lộn đảng. Ông Webb là cựu quân nhân chiến đấu tại VN có vợ là dân Việt tỵ nạn, với khuynh hướng tương đối bảo thủ trong cái đảng cấp tiến.

Nói tóm lại, bà Hillary đại thắng, tất cả bốn ông kia thua to.

Nhưng người thua đậm nhất có lẽ là người... không có mặt, tức là ông Phó Biden. Ông này đang ngắm nghé nhẩy ra, nhưng vẫn do dự, lằng nhằng không dứt khoát vì không muốn nhẩy ra lần thứ ba để rồi lại thua nữa. Lần này, ông muốn đóng vai người hùng Lê Lai cứu đảng DC, nếu bà Hillary có vẻ thất bại. Nhưng với thế thắng lợi của bà Hillary trong cuộc tranh luận, rất có thể bà sẽ phục hồi và củng cố tư thế số một của bà, và đảng DC sẽ không cần ông Biden nữa. Có triển vọng ông sẽ không ra tranh cử, hay có ra thì cũng khó hạ bà Hillary.

Nói cách khác, tất cả những ứng viên hy vọng có dịp qua cuộc tranh luận hạ bà Hillary, đưa tên tuổi mình lên. Nhưng kết quả, ngược lại, chỉ củng cố vị thế của bà Hillary, và chứng minh mấy ông chỉ là cây kiểng cho cuộc chạy đua bên DC có vẻ sống động hơn một tý.

TÁC ĐỘNG LÊN CUỘC TRANH CỬ CUỐI CÙNG VỚI ĐẢNG CH

Điểm đầu tiên, cũng là rõ ràng nhất là... chẳng có gì thay đổi hết. Ngay từ đầu, đảng CH cũng như cả thế giới đều nghĩ bà Hillary sẽ đắc cử làm đại diện DC ra tranh cử. Bây giờ, sau cuộc tranh luận, cũng vẫn vậy thôi, ngoại trừ trường hợp bà Hillary bị FBI truy tố vì phạm luật nào đó.

Cuộc tranh luận đã không đề cập gì đến những xì-căng-đan của bà Hillary, về vụ emails dĩ nhiên, nhưng luôn cả những chuyện tiền bạc của quỹ Clinton Foundation mà CNN dĩ nhiên không hỏi đến, nhưng phe CH sẽ truy ra tận gốc, cũng như vụ Benghazi.

Một vị độc giả của Việt Báo, ủng hộ đảng DC tối đa, ngay sau cuộc tranh luận, đã mau mắn gửi một bài báo Mỹ cho kẻ viết này, nhận định cuộc tranh luận coi như đã chôn vùi mọi hy vọng của đảng CH, và do đó... chia buồn với kẻ viết.

Có hai điều đáng nói.

Thứ nhất cuộc tranh luận thật ra chẳng thay đổi gì hết. Nhiều người hy vọng bà Hillary sẽ thất bại vì bà chưa bao giờ nổi tiếng là người có khả năng tranh luận giỏi. Điều này khó xẩy ra. Bà Hillary dù muốn dù không, là người lăn lộn trong chính trường cả đời, từ thời sinh viên cho đến thời đệ nhất phu nhân Arkansas, đệ nhất phu nhân Mỹ, thượng nghị sĩ, ngoại trưởng. Dư thừa khả năng đấu chưởng với các ông tay mơ Webb, OMalley, Chafee, và ông già gàn cực tả Sanders. Nôm na ra, đám cầu thủ DC chỉ thuộc hạng ruồi, chẳng có ai xứng tay với bà Hillary.

Ngoài ra, kẻ viết này thấy chẳng có triệu chứng hay yếu tố nào có thể được viện dẫn ra để khẳng định cuộc tranh luận đã chôn vùi đảng CH. Đây là cuộc tranh luận trong nội bộ đảng DC, sao lại chôn vùi đảng CH được? Tất cả những vấn đề CH chỉ trích DC đều không được đề cập tới trong cuộc tranh luận.

Báo Washington Post viết rõ ràng những điều bà Hillary nói hôm tranh luận sẽ trở lại ám ảnh bà trong cuộc chạy đua chống đảng CH vì sẽ bị CH khai thác triệt để.

Thứ nhì, kẻ viết này tuy có tư tưởng bảo thủ, thường đồng ý với đảng CH nhiều hơn là với đảng DC, nhưng chẳng qua cũng chỉ là người bàng quang, viết lách lai rai cho quý độc giả đọc đỡ buồn. Chuyện DC hay CH thắng hay thua, chỉ là đề tài của một bài viết thôi. Chẳng có gì vui, không có gì buồn, cũng chẳng có gì phải mất ngủ hay ngủ ngon hơn. (18-10-15)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Cáo lỗi: Trong bài viết tuần rồi, tác giả có hứa sẽ viết bài về ông Trump tuần này, nhưng vì tính thời sự sốt dẻo của cuộc tranh luận, nên bài về tranh luận này được đăng tuần này. Bài về ông Trump, xin khất đến tuần sau vậy.

Ý kiến bạn đọc
21/10/201519:01:56
Khách
Trong cuộc đua vào tòa nhà Trắng năm 2016.Phía Dân- chủ có cả thảy 5 ƯCV TTchính thức nhập cuộc gồm bà Clinton, các Ông Sanders, Omalley, Chaffee và Jim Webb. Tuy nhiên vào ngày 10-20-15 ƯCV/TT Jim Webb tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua. Số ƯCV /TT gọi là Trừ-bị gồm Phó TT Biden, Ngọai-trưởng Kerry và Bà TNS Warren .. Sở dỉ có số Trừ bị là vì Đảng Dân-chủ e rằng ƯCV/TT Hillary Clinton, hiện nay đang đứng đầu sổ, nhưng lại có nhiều tai tiếng về Email, và vụ Benhgaji nên rất có thể không có cơ hội thắng cử, và trong trường hợp bất trắc xẩy ra, sẽ có ƯCV/TT trừ bị thế chỗ. Thời gian vừa qua có nhiều tin đồn Phó TT Biden sẽ nhập cuộc, nhưng sáng thứ ba 10-21-2015, đột nhiên Phó TT Biden tuyên bố rút lui. Hiện chưa rõ lý do thầm kín về việc Ông Phó Biden rút lui, nhưng có những đôn đóan cho rằng cốt lõi là tạo sự đòan kết nhất trí trong Đảng Dân-chủ. Có thật vậy không?? Chờ xem. Vubinh
21/10/201518:19:28
Khách
Trong cuộc chạy đua vào tòa Nhà-trắng, đảng Dân-chủ trình làng cả thảy 7 con Ngựa, trong đó chỉ có 5 con chấp nhận vào cuộc gồm Ngựa Clinton,Sanders,Omalley ,Chaffee và Webb . Ngày thứ ba đầu tuần, Ngựa Webb xin bỏ cuộc với lý do cho rằng cuộc đua này có nhiều uẩn .Số 3 con Ngựa dược liệt vào hạng Trừ-bị gồm Ngựa Phó TT Biden, Kerry, và Bà Warren. Sáng thứ tư 10-21-15 ,Ngựa Phó Biden tuyên bố không nhập cuộc như tin rò rỉ từ nhiều tuần qua, có thể là chủ gánh Ngựa Obma không muốn có tạo thêm chia rẽ trong Đảng Dân-chủ . Ngựa Phó Biden nhập cuộc sẽ làm lu mờ hình ảnh của Ngựa Clinton,nhưng có cái lợi trước mắt là Ngựa Phó , nếu thành công trong cuộc đua sẽ giúp bảo vệ "thành-quả" {Lagacy) 8 năm tại Ngai-vàng của Obma. Thành ra cuối cùng, do những toan tính chính trị. Ngựa Phó Biden đành thúc thủ bỏ cuộc, và nhường lại cuộc đua cho 4 Ngựa còn lại, trong đó Ngựa Clinton , mặc dầu luôn đưng đầu sổ, nhưng do những về những tai tiếng vừa qua như Bengaji và Email,chưa chắc Ngựa Clinton thắng cuộc đua này. Tòan đảng Dân-chủ hiện rất lúng túng, ra công đỡ đòn dùm Ngựa Hillary Clinton.Chúng ta hãy chờ xem. !!! vubinh
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.