Hôm nay,  

Trung Quốc Đảo Nợ

21/05/201500:00:00(Xem: 6100)

...khối nợ khổng lồ của các doanh nghiệp, trị giá gần 17 ngàn tỷ đô la...

Tiếp theo chương trình kỳ trước về khoản nợ quá lớn hiện nay của Trung Quốc, kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về những biện pháp giải quyết của lãnh đạo Bắc Kinh qua một số sáng kiến vừa được ban hành hôm Thứ Năm 14 vừa rồi, Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyên Lam về vấn đề này với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trong tuần qua, các thị trường tài chính trên thế giới đều theo dõi một số biện pháp của nhà cầm quyền Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề cực kỳ phức tạp là khối nợ quá lớn hiện nay của nền kinh tế. Khi theo dõi thì người ta thấy trước hết, hôm Thứ Năm 14 vừa qua, Chính quyền Bắc Kinh cho biết rằng đến Tháng Chín này thì họ sẽ hoàn tất bước đầu của một kế hoạch gọi là đảo nợ cho các chính quyền địa phương. Qua hôm sau Thứ Sáu 15, thì Bộ Tài Chính và Ngân hàng Trung ương lại ra chỉ thị là các cơ quan tài chính phải tiếp tục tài trợ các dự án bị lỗ lã ở địa phương trong khi tiến hành biện pháp đảo nợ. Thưa ông, trước loại tin dồn dập như vậy, dư luận bên ngoài chú ý đến ba chuyện là số tiền nợ, là chính quyền địa phương và thứ ba là việc đảo nợ. Ý nghĩa của các động thái này là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin trước hết nói về bối cảnh của cả vấn đề rộng lớn và phức tạp mà chương trình của chúng ta đã đề cập vào tuần trước, là chuyện nợ nần.

- Một là Trung Quốc hiện mắc nợ rất cao mà tới cỡ nào thì khó ai biết, kể cả các cơ quan hữu trách, từ Bộ Tài chính tới Ngân hàng Nhà nước hay các Ủy ban kiểm soát của đảng. Khi nói về tiền nợ, ta dùng đơn vị là tỷ bạc, là nghìn triệu, nhưng khi con số lên tới ngàn tỷ, là triệu triệu, thì mình có thể mất luôn khái niệm. Thí dụ như tổng số nợ hiện nay của Trung Quốc được tổ hợp tư vấn McKinsey ước lượng cỡ 282% của Tổng sản lượng, mà sản lượng của xứ này được tính là khoảng 10 ngàn tỷ đô la thì mình quy ra tổng số nợ phải ở mức 28 ngàn 200 tỷ Mỹ kim, một con số ít ai mường tượng là lớn cỡ nào.

- Thứ hai là khi phân giải tổng số nợ thì ta có thêm vài chi tiết rắc rối khác. Theo lối thông dụng, người ta xếp loại nợ của từng chủ thể đi vay, như chính quyền trung ương nợ quãng hai ngàn 100 tỷ, các doanh nghiệp nợ gần 17 ngàn tỷ, các tổ chức tài chính nợ gần hai ngàn tỷ, xấp xỉ với nợ của nhà nước trung ương, các hộ gia đình thì nợ 280 tỷ và chính quyền địa phương nợ 190 tỷ. Đấy là con số do tờ Financial Times của Anh tính ra.

- Nhưng ngoài ra còn có loại nợ đặc biệt là của cả vạn “cơ sở tài trợ chính quyền địa phương”, quốc tế gọi là Local Government Financing Vehicles, viết tắt là LGFV. Số nợ của các cơ sở này lên tới ba ngàn 500 tỷ đô la. Khi nghe nói về khoản nợ của chính quyền địa phương thì ta nên nhớ rằng đấy không là 190 tỷ đô la mà là ba ngàn 500 tỷ của các cơ sở tài trợ LGFV này. Biện pháp đảo nợ được nói tới chính là liên hệ đến các cơ sở ấy và ba ngàn 500 tỷ là nhiều lắm!

Nguyên Lâm: Có lẽ ông đang đi từng bước để thính giả của chúng ta có cái nhìn toàn cảnh đã, thế thì các cơ sở tài trợ chính quyền địa phương này là gì mà mắc nợ nhiều như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một đặc điểm của kinh tế xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa.

- Vì luật ngân sách từ năm 1994 của Trung Quốc không cho chính quyền địa phương đi vay dưới hình thức phát hành trái phiếu, là bán giấy nợ lấy tiền về xài, mà các địa phương đều phải thi đua thực hiện những dự án quy mô trong mục tiêu tạo ra công ăn việc làm để địa phương khỏi bị loạn, họ bèn phát huy sáng kiến là lập ra công ty đầu tư. Đấy là các cơ sở tài trợ chính quyền địa phương mình đang nói. Các công ty này vay của ai? Của các ngân hàng và tổ chức tín dụng tại địa phương.

- Nghĩa là chúng ta có các công ty đầu tư thực ra là quốc doanh, của nhà nước ở địa phương, đi vay các ngân hàng và tổ chức tín dụng chủ yếu cũng của nhà nước ở địa phương, để thực hiện các công trình xây dựng hạ tầng hay dự án địa ốc nhà cửa, trên đất đai cũng do nhà nước địa phương quản lý và phân bố. Nói vắn tắt thì tay mặt của nhà nước vay tay trái của nhà nước và thế chấp bằng đất đai cũng của nhà nước ở cấp địa phương. Và đảng viên cán bộ của nhà nước ở địa phương thì có thể làm giàu trong quy trình làm ăn đó.

Nguyên Lâm: Thưa ông, thế Chính quyền trung ương có biết việc ấy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Dĩ nhiên là biết mà thấy rằng đấy là sáng kiến hay, vì giải quyết yêu cầu tài trợ ngân sách địa phương và tạo ra các công trình như cầu đường, thiết lộ, phi trường, cao ốc, v.v… được tính vào sản lượng nên đưa tới những con số tăng trưởng ngoạn mục. Khi thế giới bị tổng suy trầm vào năm 2008-2009, lãnh đạo Bắc Kinh đã quyết định tăng chi và bơm tín dụng để kích thích kinh tế thì địa phương càng ra sức hoạt động với các công ty đầu tư ráo riết đi vay thêm.

- Họ lấy rủi ro lớn vì quản lý dở nhưng vẫn yên tâm là mọi thứ đều lên giá, bản thân thì có lời và địa phương sẽ dư tiền hoàn trái, trả nợ. Thật ra họ bị thiếu thanh khoản và khó trả được nợ trong khi các dự án hoành tráng kia chỉ là những cơ sở ế ẩm. Bây giờ thì làm sao trung ương giải quyết số nợ của các công ty đầu tư địa phương này khi nó đã tăng vọt mà kinh tế địa phương lại trì trệ và cần sản xuất để tạo ra việc làm cho cư dân?

Nguyên Lâm: Tuần qua, khi Bắc Kinh thông báo là cho các chính quyền địa phương được đảo nợ thì đấy có phải là biện pháp giải quyết không? Và thưa ông, cụ thể thì họ tiến hành ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ rằng khoản nợ của các địa phương đã tăng vọt, lên tới ba ngàn 500 tỷ và có khi còn cao hơn nữa, mà địa phương lại hết tiền hoàn tất các dự án dở dang.

- Thế rồi Bắc Kinh loan báo là từ nay đến Tháng Chín, các địa phương được phát hành trái phiếu có hạn kỳ dài hơn với phân lời thấp hơn để hoàn trả các ngân hàng ở địa phương. Nghĩa là nợ tín dụng ngân hàng được thay thế bằng trái phiếu với điều kiện dễ thở hơn cho các công ty đầu tư của địa phương. Nhưng đây là biện pháp có giới hạn vì thu gọn vào một ngân khoản tương đương với 160 tỷ đô la so với núi nợ là ba ngàn 500 tỷ, tức là chưa bằng 5%.

Nguyên Lâm: Hồi nãy ông vừa nói rằng trước kia Chính quyền Trung Quốc tại trung ương không cho các địa phương được quyền phát hành trái phiếu. Bây giờ thì phải chăng là họ đã đổi ý nên mới có biện pháp phát hành trái phiếu để đổi nợ ngân hàng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này mới dẫn chúng ta qua một chuyện kinh hoàng khác.

- Trước hết, ta không quên rằng Trung Quốc là xứ rất rộng mà không áp dụng thể chế liên bang để phân định quyền hạn giữa trung ương với các địa phương một cách ổn định. Vì vậy, họ vẫn gặp bài toán ngàn đời là mâu thuẫn và tranh đoạt ảnh hưởng giữa trung ương với các địa phương, và giữa các địa phương với nhau. Thật ra, chế độ cộng sản ngày nay cũng không khác.

- Lãnh đạo tại trung ương không muốn các địa phương có quá nhiều quyền hạn nên cấm địa phương phát hành trái phiếu và gom nhu cầu tài trợ vào một số ngân hàng của nhà nước cùng các chi nhánh ở dưới để gián tiếp kiểm soát địa phương. Khi thế giới bị tổng suy trầm thì giải pháp tài trợ các công ty đầu tư của địa phương cũng phù hợp với ý hướng kiểm soát ấy. Và quả thật là khi ngân sách địa phương chiếm tới hơn 80% của ngân sách toàn quốc thì các công ty đầu tư này có giải quyết được một phần của yêu cầu tài trợ. Nhưng khi các công ty đầu tư của địa phương bành trướng hoạt động và mắc nợ quá nhiều thì trung ương can thiệp và khóa bớt vòi tài trợ của các ngân hàng nhà nước ở địa phương. Hậu quả bất ngờ là đà gia tăng của “ngân hàng chui”, “shadow banking”.

Nguyên La: Chúng ta lại bước qua một vấn đề khác trong cái mối làm ăn trồng chéo này. Thưa ông, hiện tượng ông gọi là “ngân hàng chui” đó là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong mọi xã hội, khi người ta không có điều kiện đi vay ngân hàng thì phải tìm nguồn tài trợ khác, với tiền lời cắt cổ và rủi ro rất cao. Sự sáng tạo tại Trung Quốc là lập ra các cơ sở đầu tư có danh nghĩa là “quản lý tài sản” để đi vay các ngân hàng vẫn của nhà nước, nhưng là vay ngoài biên chế, ngoại ngạch, và không có sổ sách. Hình thái ngân hàng chui này có nhiều rủi ro nhưng giải quyết yêu cầu tài trợ của các địa phương và lại đẻ ra một núi nợ khác.

- Người ta dự toán rằng từ 30 đến 40% khoản dư nợ của các ngân hàng là loại rủi ro đó, tức là có thể lên tới từ 600 tới 800 tỷ đô la trong số ba ngàn 500 tỷ của các công ty đầu tư. Do đó từ năm 2013 trung ương lại phải can thiệp để hạn chế hình thái tài trợ bất thường này. Cũng vì vậy một phần mà trái bóng đầu cơ địa ốc mới xì và kinh tế bắt đầu suy trầm từ năm 2014.

- Bây giờ trung ương mới phải giải quyết bài toán nợ nần có quá nhiều mặt này. Biện pháp cho phép các chính quyền địa phương phát hành trái phiếu nhắm vào mục tiêu đó. Nghĩa là các địa phương được thêm quyền đi vay để giảm bớt sức ép và rủi ro mất nợ cho hệ thống ngân hàng của nhà nước. Biện pháp ấy cũng bắt các địa phương phải tính toán cẩn thận hơn khi đi vay tiền.

Nguyên Lâm: Nhưng thưa ông, phải chăng là quyết định này cũng cho các địa phương có khả năng linh động về ngân sách, về việc chi thu mà vẫn không giải quyết được bài toán nợ nần của cả nước? Họ mới chỉ đổi nợ mắc bằng nợ rẻ và thử nghiệm một dự án đảo nợ chỉ có 160 tỷ thôi?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy, việc trả nợ vẫn chưa bắt đầu và ngay hôm sau là Thứ Sáu 15 thì các địa phương còn được chỉ thị là tiếp tục tài trợ các dự án lỗ lã mà chưa hoàn tất ở địa phương. Qua chuyện này người ta mới thấy ra những lúng túng của lãnh đạo Trung Quốc với bài toán đa diện và quá nan giải này.

- Nói tiếp về biện pháp cho địa phương đảo nợ thì khi nhận về trái phiếu có phân lời thấp và kỳ hạn dài, các ngân hàng thương mại có thể thế chấp trái phiếu với ngân hàng trung ương để được tái tài trợ với lãi suất rẻ hơn. Đấy là một hình thức gián tiếp xóa nợ của nhà nước để các ngân hàng thương mại khỏi bị thiệt, nhưng hậu quả vẫn là sự xuất hiện của một loại giấy nợ mới nếu các địa phương được tiếp tục phát hành trái phiếu để giảm nợ. Với kinh nghiệm làm ăn và hiệu năng quản lý kém của các chính quyền địa phương thì ta có thể kết luận là Trung Quốc vẫn còn mắc nợ với nhiều rủi ro mới. Có lẽ sang năm thì mình có thể kiểm điểm lại dự đoán này.

- Chuyện thứ hai là trong khi đó trung ương vẫn phải củng cố quyền lực đối với các địa phương và sẽ còn bị cưỡng chống nữa, trong khi các chính quyền địa phương vẫn lại phát huy sáng kiến để mở rộng khả năng giải quyết các vấn đề trong quản hạt của họ. Cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp tục.

- Trong khi ấy - và đây mới là chuyện đáng nói nhất - khối nợ khổng lồ của các doanh nghiệp, trị giá gần 17 ngàn tỷ đô la, tương đương với hơn 60% của tổng số tín dụng tồn đọng, vẫn còn nguyên và chưa được giải quyết! Chúng ta sẽ có dịp trở lại bài toán vĩ đại này trong các chương trình tới sau khi nhớ rằng dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh chỉ ở khoảng gần bốn ngàn tỷ đô la mà thôi.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Văn phòng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ báo cáo thường niên trước Quốc hội: Những diễn biến quân sự và an ninh liên quan đến Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc...
Tại sao chính sách Hoa Kỳ phải giúp đỡ những quốc gia khác, kể cả những quốc gia chống đối quyền lực của Hoa Kỳ? Có anh hàng xóm tức giận muốn qua đốt cháy nhà mình, mình lại đem tiền qua giúp đỡ; đôi khi lại mang con qua xây dựng hàng rào, chuồng gà, sơn quét nhà cửa cho anh ta. Chuyện thật ngược đời. Đảng Cộng Hòa nói: Không được. Đảng Dân Chủ nói: Được. Đáng giúp đỡ. Còn bạn, nghĩ sao? Ngày 18 tháng 10 năm 2023, Hãng thông tấn ABC News đưa tin: “Chính quyền Biden đang soạn thảo gói viện trợ nước ngoài trị giá 100 tỷ USD, bao gồm hỗ trợ cho Israel cũng như các ưu tiên an ninh hàng đầu khác.” Dự thảo này phải được quốc hội phê chuẩn. Chắc hẳn sẽ gặp khó khăn vì Đảng Cộng Hòa giữ đa số ở hạ viện. 100 tỷ là số tiền khá lớn, trong lập luận của đảng Cộng Hòa, tại sao không dùng số tiền này để phát triển kinh tế nước Mỹ? Xây dựng những công trình nội địa mang lợi ích đến cho người dân? Trong lập luận của đảng Dân Chủ, giúp người tức là tự giúp mình
Lại một lần nữa, cộng đồng tình báo quốc tế cho thấy khả năng dự báo hoàn toàn sai lạc khi nhận định rằng xung đột Trung Đông không có dấu hiệu leo thang trong khi chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn. Nhưng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phạm phải sai lầm nghiêm trọng hơn khi thiếu chuẩn bị các biện pháp phòng thủ cần thiết, vì ông tin tưởng tuyệt đối ưu thế quân sự của 170.000 quân Do Thái so với 40.000 chiến binh Hamas. Chính ông Ehud Barak, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng 80% dân chúng cũng đồng quan điểm, cho rằng Thủ tướng Netanyahu phải chịu trách nhiệm chính trị cho thảm hoạ hiện nay.
Thái độ chán học Mác và ngán nghe theo lời Bác dậy lan tràn trong sinh viên, học viên các trường Đảng đã làm cho tình trạng “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa” trong đảng tăng cao đe dọa sự tồn vong của chế độ...
Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa... Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần... Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng. Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”
Cách đây hơn 100 năm, có một thanh niên, mới ngoài 20 tuổi, sinh tại Nghệ An đã tới Anh để tìm kế mưu sinh sau khi gia đình gặp hoạn nạn. Theo một nguồn tin chính thống của Hà Nội, đó là thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành tới Luân Đôn bằng đường biển vào khoảng giữa năm 1914...
Đố ai chứng minh được ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” như đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền? Càng mơ hồ hơn khi nghe nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 10 năm 2023 đã làm một việc mà chưa từng làm bao giờ trước đây trong lịch sử của nước này: Truất phế chức Chủ Tịch Hạ Viện. Kevin McCarthy, đảng viên Cộng Hòa tại California, đã mất chức trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 216/210. Để nhìn sâu hơn vào vấn đề này, The Conversation U.S. có cuộc trò chuyện với giáo sư chính trị học Charles R. Hunt tại Đại Học Boise State University.
Nếu Mỹ duy trì các liên minh, đầu tư cho riêng mình và tránh các khiêu khích không cần thiết, Mỹ có thể giảm xác suất lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Trung Quốc. Nhưng để xây dựng một chiến lược hũu hiệu, Mỹ sẽ phải tránh những phép loại suy luận quen thuộc trong lịch sử nhưng gây hiểu lầm.
Nếu vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ đã thay đổi tình hình ở Trung Đông và toàn thế giới, thì "ngày 7 tháng 10" cũng có thể ảnh hưởng đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi tuy hoàn toàn không có một chút liên hệ trực tiếp nào với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng trên thực tế, sự quan tâm đang xoay qua cuộc chiến Hamas-Israel lại có thể là một lợi thế cho Nga. Việc Hamas có thể tấn công bất ngờ vào Israel không chỉ là một thất bại đối với tình báo Israel, mà ngay cả Mỹ cũng đã hoàn toàn bị ru ngủ. Chỉ một tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng "khu vực Trung Đông ngày nay yên bình hơn so với nhiều thập kỷ trước".
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.