Hôm nay,  

Trang Sử Việt: Mạc Đăng Dung

27/04/201512:19:00(Xem: 7117)
Trang Sử Việt: Mạc Đăng Dung

(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của đề tài. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang Sử Việt luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt.)
________________

                                                      MẠC ĐĂNG DUNG
(1483 - 1541)

Mạc Đăng Dung quê làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương (nay huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có tài liệu nói quê Hải Dương, ông là cháu đời thứ 7 của Mạc Đĩnh Chi. Ông làm nghề chài lưới, có sức mạnh, thi đô vật được trúng đô lực sĩ, nên được vua Lê cho cầm dù che lọng theo hầu. Thời Lê Chiêu Tông, ông là tướng võ, song cũng biết văn chương và chính trị. Triều Lê suy yếu, các tướng tranh giành lẫn nhau, bên ngoài nông dân nổi dậy khởi nghĩa, mạnh nhất là lực lượng Trần Cảo đánh chiếm kinh thành Thăng Long, các tướng lại đồng tâm đánh dẹp. Đến khi Trần Cảo rút quân, các tướng lại tiếp tục hãm hại lẫn nhau.

Năm 1511, Mạc Đăng Dung mới 29 tuổi được phong Vũ xuyên hầu. Năm 1516, được phong Tả Đô đốc. Ông thấy uy thế của Trần Chân hùng hậu, liền kết thông gia với Trần Chân, cưới con gái Trần Chân cho con trai cả của mình là Mạc Đăng Doanh. Năm 1518, Lê Chiêu Tông lo ngại uy quyền của Trần Chân và nghe lời gièm pha, nên cho giết Trần Chân. Thủ hạ của Trần Chân là Nguyễn Kính nổi loạn. Bấy giờ Đăng Dung đang trấn thủ Hải Dương. Chiêu Tông bèn triệu Mạc Đăng Dung và Nguyễn Hằng Dụ về cứu giá. Hoằng Dụ bị thua trận chạy về Thanh Hóa thì chết.
Mạc Đăng Dung cầm quân dẹp được loạn nên nắm hết quyền bính. Năm 1521, Đăng Dung chiêu hàng được Nguyễn Kính, dẹp được Trần Cung (con Trần Cảo), quyền thế át cả Chiêu Tông. Chiêu Tông lo sợ nên chạy ra ngoài gọi quân Cần vương. Đăng Dung bèn lập em Chiêu Tông là Xuân lên ngôi đế hiệu Lê Cung Hoàng, tuyên bố phế truất Chiêu Tông. Vua Chiêu Tông được các tướng: Hà Phi Chuẩn, Đàm Thận Huy, Lê Đình Tú về cứu, thanh thế rất lớn. Nhưng sau đó Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra phò trợ, các tướng bất hoà. Trịnh Tuy tranh công, đưa Chiêu Tông vào Thanh Hoá, ra lệnh các đạo bãi binh, từ đó các tướng không theo Chiêu Tông nữa.
Năm 1523, Mạc Đăng Dung đem quân đánh Thanh Hoá do Trịnh Tuy phò Lê Chiêu Tông ở đấy. Năm 1524, Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết. Đăng Dung được phong làm Bình chương quân quốc trọng sự thái phó Nhân quốc công.

Năm 1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông đem về Thăng Long và giết chết năm 1526. Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Các đối thủ đều dẹp yên không còn ai ngăn trở. Tháng 6 năm 1527, Mạc Đăng Dung phế vua Cung Hoàng, bắt vua Lê viết chiếu nhường ngôi, do họ Mạc soạn sẵn: “Từ cuối đời Hồng Thuận gặp lúc quốc gia nhiều nạn, Trịnh Tuy lập kẻ nghịch lên ngôi, lòng người lìa tan, trời cũng không giúp, lúc ấy thiên hạ đã không phải của nhà Lê vậy. Ta (Cung đế) bạc đức nối ngôi không thể gánh nổi, mệnh trời và lòng người hướng về người có đức. Vậy nay Thái Sư An Hưng Vương Mạc Đăng Dung là người trí đức, tư chất thông minh, đủ tài văn võ, bên ngoài đánh dẹp, bốn phương đều phục, bên trong trị nước thiên hạ yên vui, công đức lớn lao, trời người đều qui phục, nay theo lẽ phải nhường ngôi cho...”. Mạc Đăng Dung lên ngôi, lập nhà Mạc, sau đó vua Lê bị tống giam với Thái hậu và bị giết chết.
Mạc Đăng Dung phong Mạc Đăng Doanh làm Thái tử, phong chức vương cho hai người em trai là Mạc Quyết và Mạc Đốc; phong Công chúa cho 3 người em gái tên Ngọc, Huệ và Di. Rồi thăng thưởng các quan trong vây cánh, xong đại xá thiên hạ.
Mạc Đăng Dung sai sứ qua Tàu nói dối “Con cháu nhà Lê không còn ai, nên vua Lê trước khi băng hà di chúc cho đại thần họ Mạc tạm quản lý việc nước, để yên dân”.Ngoài ra sai người đem vàng bạc đút lót các quan nhà Minh gần biên giới.

Năm 1530, Mạc Đăng Dung nhường ngôi cho con trai lớn là Mạc Đăng Doanh. Đầu năm 1541, biết nhà Minh lăm le xâm lăng nước ta, lấy cớ phạt tội họ Mạc soán ngôi nhà Lê. Mạc Đăng Dung tự trói mình trước phủ của quân Minh ở trấn Nam Quan, nhục nhã nạp dâng vàng bạc và 6 động: Tế Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liêu Cát, An Lương và La Phu cho nhà Minh.
Mạc Đăng Dung sợ lòng người tưởng nhớ nhà Lê cũ sẽ sinh biến, nên mọi việc đều noi theo chế độ triều Lê, do vậy các sửa đổi của ông về mọi quy chế trong nước là không nhiều. Sau đấy, Mạc Đăng Dung tự thấy nhục nhã về việc cúi mình dâng đất tại Nam Quan (Lạng Sơn), nên về nhà ngẫm nghĩ hối hận rồi lâm bệnh chết cùng năm (1541).

Sử gia Trần Trọng Kim, lên án Đăng Dung: “Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một người nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một người phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cởi trần, trói mình, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch, để cầu lấy cái phú quý cho một thân và cho một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.”

*- Thiết nghĩ: Chúng ta hãy xem xét lại hoàn cảnh lúc bấy giờ: Năm 1533, sau khi Lê Trang Tông lên ngôi, sai Trịnh Duy Liễu dẫn phái đoàn, dùng thuyền buôn đến Trung Hoa, cầu nhà Minh xuất quân đánh nhà Mạc. Năm 1536, một lần nữa Lê Trang Tông sai Trịnh Viên cầu nhà Minh đánh họ Mạc. Hành động của vua Lê và Nguyễn Kim kêu gọi ngoại bang đến xâm lăng nước nhà, có phải sai trái không?!.

Nhân đấy, năm 1540, nhà Minh cử Tổng đốc Cừu Loan, Tán lý quân vụ Mao Bá Ôn, đem quân đến biên giới nước ta. Lúc ấy nước ta ở thế yếu, mà họ Mạc đã nhẫn nhục để tránh được cuộc chiến, vì biết trước thất bại sẽ về mình, đưa dân ra khỏi ách đô hộ bởi nhà Minh. Sự đầu hàng bằng cách này thật nhục nhã, nhưng khó trách?! Từ ải Nam Quan về hướng nam do nhà Mạc cai trị, đâu có một viên Thái thú Tàu nào dòm ngó nước ta; như vậy sự chịu nhục để nước nhà được tạm yên. Vậy Mạc Đăng Dung đáng khinh bỉ nhưng có ít nhiều cảm thông chăng?! Từ đấy, loạn thần Mạc Đăng Dung, kẻ phản nghịch soán ngôi, kẻ dâng đất cho giặc, có thể giảm tội được phần nào không?!

Cảm khái: Mạc Đăng Dung

Gẫm Mạc Đăng Dung, hại giống nòi!

Lưới chài sinh sống, vận lên voi

Sửa sang chính sự, mon men đế

Sắp đặt đồng liêu, soán đoạt ngôi

Sáu động dâng Tàu, oan uổng quá!

Một tên phản quốc, xấu xa rồi!

Khom lưng, quì gối, đồ hèn hạ?!

Bán nước cầu vinh, nhục hẳn hoi?!

Nguyễn Lộc Yên
.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam
Hàng năm người Hoa Kỳ dành ngày Thứ Năm trong tuần lễ cuối của tháng Mười Một để cử hành lễ Tạ Ơn.  Ngày lễ Tạ Ơn cũng còn được gọi là "Ngày Gà Tây"
Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.