Hôm nay,  

Trung Quốc Và Liên Âu

21/11/200700:00:00(Xem: 7044)

...Euro chưa thể là ngoại tệ thay thế được đồng Mỹ kim...

Tuần qua, Bắc Kinh hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức là ông Peer Steinbruck được dự trù từ lâu cho tháng 12 tới đây. Biến cố ấy khiến các thị trường thế giới e ngại là một cuộc chiến mậu dịch có thể bùng nổ giữa Trung Quốc và Liên hiệp Âu châu, với hậu quả trực tiếp trên đồng Euro của Âu châu. Trong bối cảnh suy sụp của đồng đô la Mỹ, một biến cố như vậy còn gây thêm nhiều giao động tài chính trên thế giới. Do đó, Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu về mối quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và Âu châu với những ảnh hưởng trên thị trường ngoại hối quốc tế. Cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Trong quá khứ, các thị trường thế giới thường nói đến sức ép của Hoa Kỳ đối với việc Bắc Kinh ấn định trị giá đồng nhân dân tệ quá thấp so với đồng đô la Mỹ, trong khi tiền Mỹ cứ tiếp tục mất giá. Tuần qua, dư luận thế giới lại chú ý đến một biến cố khác là mâu thuẫn gia tăng giữa Trung Quốc và Liên Âu trong bối cảnh của việc đồng Euro tăng giá rất mạnh so với tiền Mỹ và với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Vì vậy, trong chương trình kỳ này, xin đề nghị là ta cùng tìm hiểu về quan hệ thương mại và kinh tế giữa Trung Quốc và Liên Âu.

Nhưng, câu hỏi đầu tiên của chúng tôi lại liên hệ tới sự việc khác, đó là tại Thượng đỉnh của các quốc gia xuất khẩu dầu thô OPEC, hai vị Tổng thống của Iran và Venezuela đã kêu gọi các nước hội viên nên bán dầu khí lấy ngoại tệ khác hơn là lấy đô la Mỹ, mà Tổng thống Iran gọi là tờ giấy lộn vô giá trị. Thưa ông, quan điểm ấy sẽ ảnh hưởng ra sao tới trị giá của tiền Mỹ trên thế giới, nhất là khi Việt Nam cũng xuất khẩu dầu thô" 

- Ta sẽ xét tới chuyện OPEC trước và nói về Liên Âu sau. Lãnh đạo của hai nước Iran và Venezuela là những người nổi tiếng chống Mỹ và cả hai nền kinh tế xứ này đang có rất nhiều vấn đề. Khi kêu gọi việc tẩy chay tiền Mỹ, họ chỉ phản ảnh một lập trường chính trị không có cơ sở kinh tế thực tế, và lập tức gây chia rẽ trong nội bộ các nước OPEC. Nếu theo dõi kỹ tình hình Iran thì ta thấy là hôm mùng hai tháng 10, lãnh đạo xứ này đã tiết lộ rằng từ hai năm nay, họ đã hoán chuyển việc sử dụng các ngoại tệ khác thay tiền Mỹ trong việc giao dịch dầu khí, như đã dùng 65% tiền Euro và 20% tiền Nhật và chỉ còn dùng tiền Mỹ trong 15% số mua bán dầu khí mà thôi.

Đây chỉ là một đòn phép chính trị đắt giá của Iran để tẩy chay tiền Mỹ. Nếu đổi đô la ra ngoại tệ khác thì họ tốn thêm 1% chi phí giao hoán, tương đương với 500 triệu Mỹ kim trong sáu tháng đầu của năm nay, một ngân khoản rất lớn cho một xứ sở đang mấp mé khủng hoảng kinh tế vì vẫn phải nhập khẩu tới 70% lượng xăng dầu cho yêu cầu tiêu thụ nội địa. Cho nên, ta nên "trừ bì" về nội dung của loại khẩu hiệu chống Mỹ này, chưa kể là nếu bán tài sản bằng đô la để mua đồng Euro, xứ này sẽ còn gặp nhiều rủi ro lớn lao hơn, là điều chúng ta cũng đã có dịp đề cập tới trong chương trình tuần trước về hiện tượng dầu thô lên giá và Mỹ kim mất giá. Việt Nam không nên để bị giao động vì phản ứng đó.

- Hỏi: Thưa ông có phải vì sự suy sụp của đồng đô la mà thị trường chứng khoán Hoa Kỳ đã bị tuột giá mạnh trong mấy ngày qua hay không"

- Thưa không hẳn vì đô la mà vì những yếu kém trong hệ thống ngân hàng Mỹ, sự sa sút của thị trường gia cư và nhất là nguy cơ suy trầm kinh tế ngày càng cao tại Mỹ, là điều mà chương trình chuyên đề của chúng ta đã đề cập tới cách đây hơn một tháng.

- Hỏi: Trở lại chuyện Euro và mối quan hệ mậu dịch giữa Trung Quốc và Âu châu, tuần qua Bắc Kinh bất ngờ hủy bỏ chuyến thăm viếng của Tổng trưởng Tài chính Đức. Lý do đưa ra là vì hồi tháng Chín, Thủ tướng Angela Merkel đã gặp gỡ đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng tại Đức. Dư luận các thị trường tài chính thế giới cho rằng đây chỉ là lý cớ, chứ bên trong có thể hàm chứa nhiều động lực kinh tế, ông nhận xét ra sao về vụ này"

- Thưa đúng như vậy. Lãnh đạo Bắc Kinh là những người lý tài và thực dụng nên có nhiều cách khác để bày tỏ phản ứng với việc Thủ tướng Đức công khai tiếp xúc với đức Đạt Lai Lạt Ma. Việc Tổng trưởng Tài chính Trung Quốc cáo bận và từ chối gặp gỡ vị tương nhiệm của Đức chỉ là biểu hiện của một mối quan hệ căng thẳng về kinh tế giữa đôi biên.

Đức là cường quốc kinh tế dẫn đầu Liên hiệp Âu châu, một đối tác kinh tế lớn nhất của Trung Quốc vì năm qua, đôi bên đã mua bán của nhau hơn 270 tỷ đô la hàng hoá, trong đó có gần 100 tỷ là riêng với nước Đức. Trong 27 nước hội viên của Liên Âu, Đức cũng giữ vị trí bản lề cho nên qua xứ này, Bắc Kinh muốn tác động vào toàn khối Âu châu. Mà đây là điều Việt Nam nên chú ý trong quan hệ kinh tế với cả hai khối kinh tế Hoa và Âu.

- Hỏi: Cũng chính vì vậy mà chúng tôi đề nghị là ta cùng phân tích tình hình giao thương giữa đôi bên trong chương trình hôm nay. Như ông vừa trình bày, Liên Âu gồm có 27 quốc gia hội viên nên mỗi nước lại có một đặc tính khác trong quan hệ giao thương với Hoa Lục. Những đặc tính ấy là gì"

- Thưa ông, Liên hiệp Âu châu có 27 hội viên có trình độ phát triển cao thấp khác nhau, trong đó có 13 hội viên lại thống nhất tiền tệ là dùng chung một đồng bạc là Euro nên có quan hệ kinh tế rất phức tạp với Trung Quốc. Nhưng then chốt vẫn là vị trí của nước Đức.

- Hỏi: Ông có thể giải thích điều ấy cho rõ hơn được không vì cũng là cơ sở tính toán cho Việt Nam khi mua bán với Âu châu...

- Trước hết, từ khi Âu châu thống nhất tiền tệ vào năm 1999, cơ chế quyết định về chính sách tiền tệ là Ngân hàng Trung ương Âu châu, gọi tắt là ECB, trở thành tâm điểm của nhiều mâu thuẫn về tiền tệ. Thí dụ cụ thể gần gũi nhất là khi Mỹ kim sụt giá so với tiền Âu và lãi suất tại Mỹ được hạ để kích cầu kinh tế, nước Pháp cũng muốn Ngân hàng ECB hạ lãi suất và điều ấy đi ngược với chủ trương của nước Đức. Đấy là một chuyện.

Tuần qua, cuộc khủng hoảng tại Bỉ đã trở thành nghiêm trọng hơn giữa hai xu hướng Flamand và Wallon khiến một nước sáng lập của Âu châu có thể bị vỡ đôi. Điều ấy cho thấy nhiều bất trắc trong cơ chế quyết định của Âu châu, nơi mà 27 hội viên đều có quyền phủ quyết, tức là mọi quyết định chung đều phải có sự nhất trí của tất cả các hội viên.

Bây giờ, ta lại còn phân biệt quy chế tiền tệ thống nhất hay không, và trình độ phát triển thấp hay cao trong cái giỏ hàng hoá trao đổi với bên ngoài, thì mình có thể mường tượng ra mối lo khủng hoảng của một khối kinh tế rất lớn. Và càng thấy vị trí trọng yếu của Đức.

- Hỏi: Đã như vậy, xin yêu cầu ông trình bày luôn những khía cạnh phức tạp ấy về trình độ phát triển và về đặc tính mậu dịch của các nước hội viên để mình có thể thấy rõ hơn các vấn đề khi giao dịch với khối kinh tế thật ra vẫn thiếu thuần nhất như vậy.

- Nếu muốn đi vào chi tiết, ta thấy ngay bốn hình thái hay trình độ kinh tế khác nhau.

Thứ nhất là các nước thuộc Âu châu "cũ" ở miền Nam, có sức trao đổi về cả công nghiệp lẫn nông nghiệp và đều đã thống nhất đồng bạc trong khối Euro. Đó là Pháp, Ý, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Đây là năm nước bị điêu đứng nhất khi Euro lên giá và có phản ứng gay gắt nhất khi Trung Quốc định giá quá thấp đồng nguyên của họ.

Khối thứ hai là các nước tạm gọi là Âu châu "mới", từ khối Xô viết cũ nay đang tích cực đẩy mạnh xuất khẩu nhờ nhân công rẻ. Đó là ba nước Cộng hoà Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania, và bốn nước Đông Âu là Ba Lan, Hungary, Cộng hoà Tiệp và xứ Slovakia. Bảy nước này chưa nhưng muốn gia nhập khối tiền tệ thống nhất và bị chi phối bởi đồng Euro. Hai nhóm này phản ứng mạnh về việc Euro lên giá làm giảm sức cạnh tranh của họ.

- Hỏi: Như vậy, vẫn còn nhiều xứ Âu châu khác, ít ra là 15 nước nữa"

- Thưa vâng. Khối thứ ba là các nước có nền công nghiệp rất mạnh như Đức, Hà Lan, Áo, Bỉ và cả xứ Slovenia ở miền Nam. Năm quốc gia này đều là hội viên cột trụ của khối Euro nhưng nhờ hàng hoá công nghiệp có giá trị, thu nhập nhiều, và sử dụng tư bản có hiệu năng cao họ không bị điêu đứng nặng bằng 12 xứ kia khi Euro lên giá như hiện nay.

Sau cùng, còn một số quốc gia có thể gọi là ngoại hạng, với siêu kỹ thuật tiên tiến và trình độ cung cấp dịch vụ rất cao.  Đó là nước Anh, bốn nước Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan, hay cả xứ Ái Nhĩ Lan, và hai xứ nhỏ là Luxembourg và Cyprus. Tám quốc gia này coi như vô hại khi Euro lên giá vì hầu như không có đối thủ cạnh tranh trong những lĩnh vực tiên tiến của họ.

- Hỏi: Sau khi điểm qua bốn nhóm kinh tế ở trong và ngoài khối Euro như vậy, người ta mới thấy ra những khác biệt về phản ứng khi Euro lên giá và hàng hoá Trung Quốc tràn ngập vào Âu châu với giá quá rẻ. Có phải như vậy không"

- Thưa vâng, trong bốn nhóm đó, hai nhóm đầu bị thiệt hại nặng nhất vì sức cạnh tranh của hàng hoá Trung Quốc và có phản ứng mạnh vì hai yếu tố. Thứ nhất là đồng Euro lên giá tới hơn 50% so với đô la Mỹ khiến cho hàng của họ trở thành đắt hơn. Thứ hai là đồng nguyên của Trung Quốc thực tế lại neo vào tiền Mỹ và giảm giá theo. Hai nhóm này mới vận động những biện pháp bảo hộ mậu dịch và trả đũa Trung Quốc.

Ngược lại, hai nhóm sau thì tương đối bình tĩnh hơn và Euro càng lên giá thì sức mua của họ càng tăng. Tuy nhiên, sức ép ngược chiều của đồng Euro và đồng nhân dân tệ cũng khiến một cường quốc kinh tế như Đức đã phải quan tâm vì cả lập trường chính trị trong Liên Âu lẫn quyền lợi kinh tế của Đức. Vì vậy mình mới nói Đức là một xứ bản lề và nếu nghiêng theo lập trường bảo hộ thì chiến tranh mậu dịch có thể bùng nổ giữa đôi bên.

- Hỏi: Bây giờ, chúng ta nhìn qua Trung Quốc. Vì sao mâu thuẫn lại có thể bùng nổ, Bắc Kinh không có biện pháp gì khác hay sao"

- Thưa chúng ta trở lại với mô thức phát triển của Trung Quốc là bấm bụng xuất khẩu bằng mọi giá - nghĩa là cực rẻ - để tạo ra công ăn việc làm hầu tránh động loạn xã hội và chính trị. Cái gọi là "phép lạ" kinh tế của Trung Quốc chỉ là bóc lột sức lao động với lương bổng rẻ và mức doanh lợi rất thấp, để lao về phía trước như một người đi xe đạp vậy. Xe mà ngưng là chế độ sẽ đổ.

Vì vậy, hàng hoá rẻ mạt - và thật ra có phẩm chất kém của Trung Quốc - mới tràn ngập khắp nơi và gây mâu thuẫn về ngoại thương với nhiều xứ khác. Sau Hoa Kỳ, các nước Âu châu cũng đã than phiền về quy chế của đồng nhân dân tệ, như người ta có thể đã thấy vào ngày 19 tháng trước tại Thượng đỉnh của nhóm G-7 do nước Đức tổ chức. Các nước Âu châu đả kích chính sách ngoại hối và ngoại thương của Bắc Kinh và bắt đầu truy tố Trung Quốc trước cơ chế của Tổ thức Thương mại Thế giới WTO.

- Hỏi: Người ta có thể dự đoán rằng trận đấu trí giữa Trung Quốc và Liên Âu có thể xoay chuyển ra sao không" 

- Sẽ rất gay gắt nhưng chưa chắc là Liên hiệp Âu châu đã thắng dễ dàng. Lý do là Âu châu có một đại biểu là Ủy viên Âu châu về Thương mại là người muốn dung hoà. Thứ hai, Liên Âu có 27 hội viên và phải đạt nhất trí. Thứ ba, cơ chế tiền tệ Âu châu là Ngân hàng ECB thì lại có quy chế độc lập và không muốn giảm giá đồng Euro. Thành thử, các nước Âu châu chỉ có thể kiện Trung Quốc trước diễn đàn WTO, đặt ra hạn ngạch hay định giá lại cho hàng hoá Trung Quốc chẳng hạn. Cuộc chiến sẽ diễn rất phức tạp trước một xứ Trung Quốc có sức thống nhất và phối hợp cao hơn Liên hiệp Âu. Nói chung thì sự kiện này cũng cho thấy Euro chưa thể là ngoại tệ thay thế được đồng Mỹ kim.

- Hỏi: Câu hỏi cuối thưa ông, liên hệ đến chuyện Á châu: từ kinh nghiệm Âu châu về tới Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN đang có Thượng đỉnh tại Singapore, người ta có thể kết luận được gì"

- Tôi thiển nghĩ rằng khối ASEAN còn thua xa Liên hiệp Âu châu để là một thế lực kinh tế hay chính trị đáng kể và rất dễ bị Trung Quốc lũng đoạn hay chi phối theo lối bẻ đũa từng chiếc. Chúng ta có thể thấy điều ấy với Hiến chương mới của ASEAN về Nhân quyền, một nỗ lực hoàn toàn biểu kiến, ồn ào mà không có thực lực, ngay cả với hồ sơ nóng của các nước Đông Nam Á là nạn độc tài tại Miến Điện, được Bắc Kinh bảo trợ ở đằng sau.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
Tại sao lại gọi đó là “cái gọi là Hiến Pháp” " Bởi vì đây không phải là một bản hiến pháp hiểu theo quan niệm phổ quát – một văn kiện pháp lý có gía trị tối ca
Chuyện ngụ ngôn thời xưa kể lại có người Cha già muốn dạy các con bài học “HIỆP NHẤT”: “DDOÀN KẾT THÌ SỐNG, CHIA RẼ THÌ CHẾT…”
The New Economics Foundation (NEF) của Anh, đã đưa ra khái niệm Happy Planet ln "Tốc độ của cả hạm đội không phụ thuộc vào con tàu nhanh nhất
Tôi được sinh ra và lớn lên một phần tư thế kỷ trong xã hội không cọng sản. Tôi được đi học mà chẳng biết “hiến chương nhà giáo” là gì
Thời gian từ đầu năm 2007 cho đến nay tất cả các cơ quan truyền thông báo đài trên cả nước Việt Nam tập trung ráo riết tuyên truyền cuộc vận động
Chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa, thế giới của những người yêu dân chủ VN, lai được chứng kiến phiên tòa phúc thẩm xét xử hai công dân dân chủ ưu tú
Hôm nay tôi sẽ chia sẻ về phần thứ hai của loạt bài diễn giải Tâm Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, nói về Sắc và Không.
Hiện có 161 đồng bào VN tỵ nạn kém may mắn, còn lưu lạc gần  hai mươi năm ở Phi Luật Tàn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.