Hôm nay,  

Hội-Nghị Việt-Phi Về Biển Đông

4/12/201507:04:00(View: 6100)

HỘI-NGHỊ VIỆT-PHI VỀ BIỂN ĐÔNG

Tâm Việt

 

            Một hội-nghị về Biển Đông rất đặc-sắc đã diễn ra ở Manila, Phi Luật Tân, vào ngày 27 tháng 3 vừa qua.  Sở dĩ ta có thể dùng chữ “đặc-sắc” ở đây là vì, đây không phải là một hội-nghị bình-thường như các chính-phủ đã đỡ đầu khá nhiều ở một số quốc gia như Việt-nam hay Mỹ trong thời-gian qua về các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.  Đây là lần đầu tiên có một nỗ lực ở mức quốc-tế mà lại do các xã-hội dân-sự VN và Phi Luật Tân mời họp để bàn về một đề-tài nóng bỏng liên-quan đến tương-lai trước mắt của hai nước trước những bước xâm-lược ngày càng lộ liễu của Trung-Cộng.

            Là một sáng-kiến của Họp Mặt Dân Chủ và VOICE về phía VN, Hội-nghị về Biển Đông ở Manila đã không thể diễn ra được nếu không có sự tiếp tay sốt sắng của các tổ-chức dân-sự Phi như U.S. Pinoys for Good Governance (Tổ-chức Người Mỹ gốc Phi Luật Tân tranh đấu cho một Chính-quyền Tốt đẹp), DI KA Pasisiil Movement (Phong Trào Yêu Nước Phi), và Institute for Maritime Affairs and Law of the Sea (Viện nghiên cứu các vấn-đề Biển và Luật Biển) thuộc Viện Đại Học University of the Philippines.  Chính bởi có sự hưởng-ứng tốt của phía Phi Luật Tân mà hội-nghị đã được tổ-chức ngay tại Trung-tâm Bernas của Trường Luật Ateneo de Manila, nằm trong khu Rockwell thuộc Makati City, Manila.

 

Dàn diễn-giả Phi

 

            Mở đầu hội-nghị và chào mừng quan-khách là Luật-sư Trịnh Hội của VOICE, ông giới-thiệu hai đại diện Ban Tổ-chức về phía VN và Phi: G.S. Nguyễn Ngọc Bích, nhân danh Họp Mặt Dân Chủ đến tử Mỹ, và ông Roilo Golez, cựu-Cố-vấn An-ninh Quốc gia của Tổng-thống Phi Luật Tân và đã từng là một dân-biểu ở Quốc-hội Phi trong sáu nhiệm-kỳ.
blank

            Sau đó là phần trình bầy chi-tiết đi vào nội-dung của phía Phi Luật Tân.  Chính ông Roilo Golez đã mở màn với một bài diễn-thuyết đầy ắp dữ-kiện, đi kèm theo là những hình ảnh chứng minh sự xâm lấn của Trung-Cộng vào các vùng biển của Phi như bãi cạn Scarborough hay bãi san-hô Mischief chưa kể những sự xây cất của Trung-Cộng trên những đảo hay đá, bãi ngầm bãi cạn ở Trường-sa đe doạ an-ninh trong toàn vùng.  Tiến-sĩ Jay Batongbacal trình bầy về vụ kiện của Phi Luật Tân đưa Trung-Cộng ra Toà Trọng-tài ở The Hague, Hoà Lan, và những kết-quả mà ta có thể mong chờ được từ vụ kiện đó.  Cuối cùng là bà Tiến-sĩ Celia B. Lamkin nói về những cuộc vận-động của người Mỹ gốc Phi Luật Tân trong những năm qua nhằm chuyển đổi chính-sách của Hoa-kỳ về Biển Đông, nhất là đối với an-ninh quốc-phòng của Phi Luật Tân.  Tưởng cũng nên nhắc, một số cuộc vận-động bên cạnh Quốc-hội Hoa-kỳ và biểu tình của người Mỹ gốc Phi ở Washington DC, Los Angeles, San Francisco, Houston v.v. cũng đã có sự tham-dự của người Mỹ gốc Việt.

            Phần trình bầy của ba diễn-giả Phi Luật Tân được điều hợp bởi Tiến-sĩ Jeremy Barns, giám-đốc Bảo-tàng-viện Quốc gia Phi Luật Tân.

 

Sang phần Việt Nam

 

            Sang phần Việt Nam, người điều hợp là G.S. Đặng Đình Khiết, đến từ Virginia, Hoa Kỳ.  Người chính được giao trọng-trách trình bầy quan-điểm của phía Việt Nam là G.S. Nguyễn Ngọc Bích, cũng đến từ Mỹ.  Ông nêu ra những bằng-chứng chủ-quyền lịch-sử không thể chối cãi được của VN từ thế-kỷ 17, rồi đến các hiệp-định quốc-tế (San Francisco 1951, Genève 1954, Paris 1973 và Định-ước Quốc-tế năm 1973) khẳng-định chủ-quyền của VNCH trên hai quần-đảo Hoàng Trường-sa, một điều tự nó phủ-nhận công-hàm Phạm Văn Đồng năm 1958, rồi đề ra mấy hướng giải-quyết hoà-bình những tranh chấp ở Biển Đông.  Thạc-sĩ Hoàng Việt, đến từ Việt Nam, nói về các phương-thức giải-quyết theo luật quốc-tế và luật biển.  Cuối cùng, Tiến-sĩ Trần Huy Bích, đến từ California, đưa ra làm chứng mấy bản-đồ của Trung-quốc có từ dưới thời nhà Minh và nhà Thanh để cho thấy là điểm cực-Nam của Trung-quốc không hề đi xa quá đảo Hải-nam.  Vào giờ ăn trưa, còn có chiếu dương-ảnh một số bản-đồ rất phong phú cửa VN và Trung-quốc do học-giả Nguyễn Đình Đầu ở Sài-gòn thu thập được và chứng minh cho thấy chủ-quyền VN thật rõ ràng.

 

Các diễn-giả quốc-tế

 

            G.S. Đoàn Viết Hoạt là người điều hợp phần các diễn-giả quốc-tế mà tên tuổi có thể nói là ai cũng nhận ra một cách dễ dàng.  G.S. Carlyle Thayer, chẳng hạn, đến từ Úc nơi ông đã dạy ở Trường Quốc Phòng Úc (Australian Defense University).  Ông đã trình bầy là cả quan-điểm của Mỹ lẫn của Úc, do không muốn bênh bên nào trong các quốc gia có tranh chấp nên thành ra cũng như “chấp nhận” sự lấn lướt của Trung Cộng ở Biển Đông (“acquiescing to China’s assertiveness in the South China Sea”).  Một nhận-định khá sâu sắc và đáng để cho chúng ta suy ngẫm!


blank

            Tiến-sĩ Ota Fumio, một cựu phó-đề-đốc Nhật-bản, đã có một bài trình bầy thật sâu sắc (theo sự đánh giá của một tham-dự-viên) vì ông là người độc-nhất trong các diễn-giả đã nối kết được các mưu-đồ của Trung-Cộng ở Biển Đông với những quan-niệm chiến-lược chiến-thuật của Tôn Tử mà chính ông đã có dịp quan-sát khi sang thăm các viện nghiên cứu chiến-lược và quốc-phòng bên lục-địa Trung-hoa.  Tóm lại, một bài viết với chiều sâu tư tưởng của phương Đông!
blank

            Trình bầy quan-điểm của Liên-hiệp Âu-châu là bà Tiến-sĩ Sophie Boisseau du Rocher thuộc Viện nghiên cứu quan-hệ quốc-tế của Pháp (Institut français des Relations internationales).  Bà cho biết quan-niệm của Âu-châu là có nhiều quan-tâm về vấn-đề hàng hải tự do cũng như chiến-lược và thương mại ở Biển Đông, tuy-nhiên Âu-châu không muốn trông thấy bất ổn nơi đây hay tranh chấp đi đến chiến-tranh.  Theo bà thì Âu-châu chỉ là một đệ-tam-nhân đáng tin cậy, nhất là nếu ta cần đến họ trong việc mưu tìm các giải-pháp hoà-bình.
blank

            Đặc-biệt đáng chú ý là một bài thuyết-trình ngắn nhưng nói về một sự-kiện ít ai biết của nhà nghiên cứu người Pháp, ông François Xavier Bonnet, đang làm việc ở IRASEC (Institut de recherche sur l'Asie du Sud-est contemporaine), Bangkok, Thái-lan.  Đó là, tất cả những phiến đá có mốc thời-gian 1902, 1912 và 1921 mà Trung-quốc và Trung-Cộng thường nêu ra như những bằng-chứng chủ-quyền của họ ở Hoàng Trường-sa đều là những đồ giả, đồ rởm: bởi ông đã tìm được ra cuộc tranh cãi ở ngay Trung-quốc về chuyện này khi có nguồn tin cho biết tất cả những phiến đá có mốc thời-gian đó đều chỉ được đưa ra các đảo vào năm 1937.

            Không có mặt nhưng cũng có bài tham-luận gởi từ Luân-đôn là ông Bill Hayton, tác-giả một cuốn sách nổi tiếng nhất về vấn-đề tranh chấp Biển Đông (cuốn The South China Sea: The Struggle for Power in Asia), theo đó các chấp-thuyết về chủ-quyền lịch-sử do phía Trung-quốc đưa ra không có giá trị.  Vì sao?  Vì ông chứng minh được phần lớn các tên Trung-quốc cho các đảo ở Trường-sa lả dịch thẳng từ tiếng Anh, như vậy người Trung-quốc chỉ biết về các đảo đó từ sau khi người Âu-châu đã đến và đặt tên cho các đảo đó.

            Tóm lại, các quan-điểm quốc-tế tại hội-nghị Manila đều đã ủng-hộ và củng-cố cho lập-trường của Việt-nam và Phi Luật Tân trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông với Trung-Cộng.

 

Thông-cáo chung đưa ra năm điểm

 

            Cuối ngày, Hội-nghị Manila đã đưa ra được một thông-cáo chung (Joint Statement) gồm năm điểm:

            Một là tiếp-tục nghiên cứu việc nên đặt một tên chung cho Biển Đông (hay Biển Nam-hải, Biển Tây Phi Luật Tân v.v.) là "Biển Đông-Nam-Á."  Đây là một sáng-kiến đã được đưa ra cách đây cả mấy năm trời bởi Nguyễn Thái Học Foundation và một vài chuyên-gia như sử-gia Phạm Cao Dương mà ông Bích nhắc lại trong bài nói chuyện của ông.  G.S. Carlyle Thayer đã đứng lên phát biểu là ông hoàn-toàn ủng-hộ đề nghị này.

            Hai là việc kêu gọi tất cả các quốc gia trong vùng, nhất là Trung-quốc, hãy ngưng ngay mọi bồi đắp hay xây cất trên Biển Đông làm thay đổi nguyên-trạng các bãi đảo trong vùng trong khi chờ đợi việc ra đời một Quy-ước Ứng-xử (Code of Conduct) có sự thỏa-thuận của các bên.

            Ba là việc kêu gọi việc thành-lập một ủy-ban quốc-tế độc-lập, không thiên-vị để giúp giải-quyết các tranh chấp qua thương-lượng cho đến khi có được Quy-ước Ứng-xử nói trên.

            Bốn là, trong khi chờ đợi, kêu gọi chính-quyền của hai nước VN và Phi Luật Tân hãy tìm cách thương-thảo với nhau để có được một giải-pháp tạm ổn trong các vùng tranh chấp giữa hai nước ngõ hầu đi đến khai thác chung các tài-nguyên như ở Trường-sa và đương đầu hữu hiệu với các mưu-đồ của Trung-quốc.

            Và cuối cùng là ủng-hộ việc thiết-lập một Ban Công-tác Hỗn-hợp của các Xã-hội dân-sự Phi Luật Tân và Việt Nam nhằm thúc đẩy những giải-pháp đã được bàn tới ở Hội-nghị Manila này cũng như tổ-chức những sinh-hoạt tương-tự trong các năm kế tiếp.  Chủ-yếu là để cho phép người dân được học hỏi thêm về các vấn-đề Biển Đông cũng như có tiếng nói của mình (tỷ như của các ngư-dân VN) trong tiến-trình bàn thảo về Biển Đông.

            Được biết, Kỷ-yếu về Hội-nghị Manila (với những thông tin rất mới) cũng đang được dự-trù sẽ được công-bố trong thời-gian tới đây.

 (Hình ảnh: Lý Kiến Trúc)

 


.
,

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tưởng tượng một khu vườn xinh đẹp như vườn thượng uyển của vua chúa ngày trước với hoa lá muôn màu lung linh trong gió hiền và nắng ấm. Rồi bỗng dưng một cơn mưa đá đổ xuống. Cây, lá, cành, nụ… đủ sắc màu quằn quại dưới những cục đá thả xuống từ không gian. Tàn cơn mưa, những nụ, những hoa, những cánh lá xanh non tan nát. Những cục nước đá tan đi. Bạn không còn tìm ra dấu vết thủ phạm, bạn chỉ thấy những thứ bạn phải gánh chịu: ấy là những tổn thất bất ngờ. Ở một nơi mà vô số các sắc tộc sống chung với nhau như Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, mỗi ngôn ngữ là một loài hoa đầy hương sắc trong khu vườn muôn sắc màu ấy. Nhưng rồi trong trận thiên tai, mỗi sắc lệnh của chính phủ là một hòn đá ném xuống, hoa lá cành tan nát theo nhau. Bạn không biết những cơn mưa đá còn bao lâu. Bạn cũng không thể nào đoán trước được những tổn thất chúng đổ xuống cho khu vườn yêu quý mà bạn dày công gầy dựng.
Elon Musk đang có một vị trí vô cùng quan trọng trong chính quyền mới của Trump. Là người đứng đầu Bộ Cải Tổ Chính phủ (Department of Government Efficiency – DOGE), Musk có quyền lực gần như vô hạn trong việc cắt giảm hoặc tái cơ cấu lại chính phủ liên bang theo ý mình. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Musk còn có ảnh hưởng đến tổng thống trong nhiều vấn đề chiến lược quan trọng. Một trong những vấn đề nổi bật chính là TQ. Trong khi phần lớn nội các của Trump đang theo đuổi chính sách cứng rắn đối đầu với Bắc Kinh, Musk lại là một ngoại lệ rõ rệt. Là một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung, Linggong Kong (nghiên cứu sinh của trường Auburn University) không hề ngạc nhiên trước những phát biểu ủng hộ Bắc Kinh của Musk trong suốt nhiều năm qua. Bởi lẽ, từ trước đến nay, ông luôn tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh tại TQ.
Một nữ nhà văn sống ở Pháp, bày tỏ trên Facebook của bà rằng: “Xin tiền, rất khổ! Zelenski không chỉ khẩu chiến với Trump mà cả... Biden. Hai tổng thống đã cãi nhau trong một cuộc điện đàm tháng 6/2022, khi Biden nói với Zelensky rằng ông vừa phê duyệt thêm $1 tỷ viện trợ quân sự cho Ukraine, Zelenski lập tức liệt kê tất cả các khoản viện trợ bổ sung mà ông ấy cần. Sự không biết điều này đã khiến Biden mất bình tĩnh, ông liền nhắc nhở Zelenski rằng người Mỹ đã rất hào phóng với ông ấy và đất nước Ukraine, rằng ông ấy nên thể hiện lòng biết ơn nhiều hơn.”
“Nếu tôi muốn nói chuyện với Âu Châu, tôi phải gọi cho ai?” Câu hỏi nổi tiếng này, được cho là của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Henry Kissinger, ám chỉ sự thiếu thống nhất của Âu Châu trong việc thể hiện một lập trường chung trên trường quốc tế. Dù đã trải qua nhiều thập niên hội nhập dưới mái nhà Liên Âu (EU), câu hỏi ai là đại diện cho Âu Châu – hoặc Âu Châu muốn trở thành gì trong tương lai – hiện nay có lẽ còn khó trả lời hơn bao giờ hết.
Bài phát biểu dài 1giờ 40 phút của Tổng thống Donald Trump trước Quốc hội đã nêu cao nhiều sáng kiến ​​của ông, từ việc trấn áp nhập cư đến thuế quan và chính sách năng lượng trong sáu tuần bắt đầu nhiệm kỳ của mình, nhưng nhiều bình luận của ông bao gồm thông tin sai lệch và gây hiểu lầm.
Khoa học gia người Mỹ da đen nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 George Washington Carver (1864-1943) đã từng nói rằng, “Giáo dục là chìa khóa mở cánh cửa vàng của tự do.” Đúng vậy! Chính vì vai trò quan trọng của giáo dục đối với tự do mà các nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 như Phan Chu Trinh (1872-1926), Phan Bội Châu (1867-1940) đã tận lực vận động cho việc nâng cao dân trí để canh tân đất nước hầu có thể giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Đất nước Hoa Kỳ nhờ có tự do, dân chủ và dân trí cao mà trở thành đại cường quốc trên thế giới. Nền giáo dục của Mỹ đã trở thành kiểu mẫu được nhiều nước ngưỡng mộ, cho nên số lượng sinh viên ngoại quốc du học tại Mỹ là cao nhất trên toàn cầu, với 1,126,690 người vào năm 2024, theo https://opendoorsdata.org.
Tổng thống Donald Trump vẫn luôn có sở thích tự đặt biệt danh cho chính mình: từ “thiên tài vững chãi,” “Don Trung Thực,” và giờ thì lên hẳn ngôi “vua.” Nhưng lần này, danh xưng vua chúa mà ông tự phong đã khiến nhiều người phải giật mình suy nghĩ. Hôm thứ Tư tuần qua, Trump tuyên bố “đánh bại” kế hoạch thu phí giao thông của New York dành cho Manhattan để giảm kẹt xe. Ông hớn hở đăng trên Truth Social: “KẾ HOẠCH THU PHÍ GIAO THÔNG ĐI TOONG RỒI. Manhattan và toàn bộ New York đã ĐƯỢC CỨU. HOÀNG ĐẾ VẠN TUẾ!”
Chúng ta thử nhắm mắt hình dung một ngày nọ, tất cả những cơ quan đầu não chiếm vị trí hàng đầu trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia nằm dưới sự lãnh đạo của các nhân vật có số năm kinh nghiệm là số 0. Chưa hết, Hoa Kỳ nay đứng về phía Nga và các quốc gia phi dân chủ, bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc xâm lược Ukraine.
Nhà văn Võ Hồng ví von: “Bụng to như bụng xe đò.” Nhận xét của ông, rõ ràng (và hoàn toàn) không… trật! Xe đò thường đầy khách mới chịu rời bến nhưng trên đường đi tài xế vẫn luôn dừng bánh “hốt” thêm mấy con nhạn là đà để kiếm thêm chút đỉnh. Khách lên sau thì ngồi ghế súp.
Gần ba năm sau khi Nga tấn công xâm lược Ukraine, Mỹ và Nga đang bắt đầu xúc tiến công cuộc đàm phán, nhưng Mỹ tuyên bố là châu Âu không được tham gia diễn biến này. Do đó, nhiều tranh chấp cố hữu giữa châu Âu và Mỹ về Ukraine mang lại một sắc thái nghiêm trọng hơn, trong khi chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, châu Âu có những phản ứng quyết liệt vì muốn trực tiếp tham gia vào tiến trình đàm phán.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.