Hôm nay,  

Cuộc Chiến Tranh Mới Của Mỹ

9/30/201400:00:00(View: 10197)

...khi máy bay Mỹ đánh bom Syria thì TT Obama bận tham dự hội nghị LHQ về khí hậu...

Sau khi tấm màn được kéo lên và khán giả có dịp nhận diện rõ hình ảnh trên sân khấu, thì sự thật hiện ra: nước Mỹ chính thức bước vào một cuộc chiến mới tại Trung Đông. Chống một đối thủ mới là lực lượng khủng bố ISIS. Trên một lãnh thổ mới là Syria.

Trước hết, phải nói ngay kẻ viết này hoan nghênh quyết định của TT Obama. Cuối cùng thì tổng thống cũng đã quyết định hành động, không thể tiếp tục vùi đầu dưới cát, chối cãi sự thật để tiếp tục khẳng định al-Qaeda đã bị tiêu diệt, các nhóm khủng bố chỉ là tép riu, kiểu các đội bóng rổ trung học.

Nhưng rồi xin tổng thống thứ lỗi, kẻ viết này cũng phải nhận định đây có lẽ là một cuộc chiến lạ lùng nhất trong lịch sử nhân loại, tự cổ chí kim, chứ chẳng riêng gì trong lịch sử hơn hai trăm năm của Hiệp Chủng Quốc Cờ Hoa. Dưới đây là vài điểm đặc biệt khó hiểu.

- Cuộc chiến này là cuộc chiến tranh đầu tiên trong lịch sử nhân loại (hay ít ra cũng kể từ ngày có giải Nobel!) được phát động bởi một người đã từng được giải Nobel Hòa Bình. Từ trước đến giờ, ta thường thấy những người được giải Nobel Hòa Bình là những người cố gắng chấm dứt chiến tranh, cho dù bằng tương nhượng như cựu thủ tướng Do Thái với cựu tổng thống Ai Cập, hay bằng chiến thắng trọn vẹn như Lê Đức Thọ, hay bằng... tháo chạy như Kissinger. Bây giờ Liên Hiệp Quốc được nghe diễn văn của một tổng thống Nobel giải thích tại sao ông phát động chiến tranh.

- Cuộc chiến này là cuộc chiến duy nhất trong lịch sử nhân loại mà vị Tư Lệnh Tối Cao của một bên công khai tuyên bố trước khi lâm trận là sẽ không có một người lính nào của ông tham gia trận chiến, trong khi ông đang cố vận động các quốc gia đồng minh cùng tham chiến làm Lê Lai cứu Chúa, gửi lính của họ đến đánh dùm. Năm xưa TT Johnson cũng đánh bom Bắc Việt ào ạt mà không thả lính Mỹ xuống, nhưng ít ra ông không tuyên cáo trước “không có một đôi giầy lính Mỹ nào chạm đất” –no boots on the ground, và cũng không kêu gọi các đồng minh thả lính đến đánh thế. Hiệu quả của không tập như thế nào ai cũng thấy, khỏi bàn thêm.

- Cuộc chiến này cũng là cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử nhân loại mà một phe “không có sách lược” gì, không biết mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến là gì. Vị Tư Lệnh Tối Cao khi thì tuyên bố mục đích là “tiêu diệt” –destroy- địch, khi thì lại xác định chỉ muốn “hạ cấp xuống một vấn đề có thể quản lý được” –downgrade to a manageable problem. Có thể mục tiêu là muốn tiêu diệt thật, nhưng vì đánh nhau kiểu chân ngoài chân trong, chỉ muốn kiếm cớ tháo chạy, nên lại thòng theo câu “vấn đề có thể quản lý được” để khi cần thiết là có lý do cuốn cờ về tử thủ ở Hạ Uy Di. “Tiêu diệt” thì ai cũng biết nó như thế nào. Nhưng “quản lý được” thì chẳng ai hiểu nghiã là gì, tức là muốn rút thì gọi là “quản lý được rồi”, chưa muốn rút thì nói “chưa quản lý được”. Uyển chuyển đến vậy là hết cỡ.

- Cuộc chiến này cũng hết sức đặc biệt ở điểm dù không có chiến lược tổng quát, nhưng tất cả các mục tiêu quân sự có tính chiến thuật thì lại phải được quyết định từng trường hợp một, tại Tòa Bạch Ốc bởi đích thân tổng thống và ban tham mưu, trong đó không có một người nào đã đi lính tới một ngày, nhưng tất cả đều là chuyên gia tranh cử. Có nghiã là tất cả mọi quyết định sẽ được lấy theo nhu cầu chính trị bầu cử quốc nội, không phải theo nhu cầu quân sự trên chiến trường. Đây cũng là cuộc chiến đầu tiên được mở màn bằng cuộc chiến nội bộ giữa vị Tổng Tư lệnh trong Toà Bạch Ốc và các tướng lãnh trong Bộ Quốc Phòng. Để chính trị nội bộ chi phối một cuộc chiến sinh tử bên kia thế giới có vẻ hình như tréo cẳng ngỗng, nếu không muốn nói sẽ bảo đảm thua trên cả hai mặt trận. Cái gương TT Johnson đích thân chỉ huy các cuộc đánh bom Bắc Việt còn sờ sờ đó.

- Cuộc chiến này cũng là cuộc chiến có một không hai khi toàn bộ lực lượng chiến đấu được đặt dưới quyền của một vị tướng đã về hưu, tướng TQLC 4 sao John Allen, cựu Tư Lệnh chiến trường Trung Đông, chịu trách nhiệm trực tiếp với Bộ Ngoại Giao, chứ không phải Bộ Quốc Phòng. Tư lệnh mặt trận Trung Đông –CentCom- là tướng Lloyd Austin, đóng tại Tampa, bây giờ chịu trách nhiệm trước ông tướng đàn anh đã về hưu.

- Cuộc chiến này cũng có điểm đặc thù quái lạ: Mỹ đang muốn tiêu diệt lực lượng ISIS, ISIS đang muốn tiêu diệt TT Assad mà Mỹ cũng muốn tiêu diệt Assad luôn. Bình thường thì kẻ thù của kẻ thù của ta phải là bạn của ta, nhưng trong trường hợp này, kẻ thù của kẻ thù của ta cũng là kẻ thù của ta luôn.

Tất cả những điểm lạ lùng, “lần đầu tiên” nêu trên xác nhận đây là một cuộc cách mạng toàn diện trong binh pháp, mà cử tri Mỹ đã kỳ vọng –Change We Can Hope For-. Những Clausewitz và Tôn Tử quả đã đi vào lịch sử từ lâu lắm rồi. Bây giờ là thế kỷ thứ XXI, với một Barack Obama như tân Clausewitz hay tân Tôn Tử, với binh pháp quái chiêu thắng hữu chiêu.

Bình luận về cuộc chiến này thật không dễ. Điểm đầu tiên phải hỏi, đây là cuộc chiến mới hay cũ? Địch thủ ISIS hoàn toàn là địch thủ mới lạ, mới xuất hiện trong vòng vài ba tháng nay, trước đây không hề ai nghe nói tới. Lãnh thổ bị đánh bom là Syria, là nước từ trước đến giờ chưa bị dính dáng trực tiếp vào cuộc chiến tại Iraq. Trên lý luận, hiển nhiên đây là cuộc chiến mới toanh. Nhưng Tòa Bạch Ốc giải thích TT Obama lần này ra quân không cần phải “xin phép” quốc hội như vài nhà báo đặt câu hỏi, vì đây là cuộc chiến Iraq tiếp nối, một cuộc chiến đã được cả hai viện quốc hội cho phép năm 2003, theo yêu cầu của TT Bush.

Khi tranh cử những năm 2007-08, ứng viên Obama chỉ trích cuộc chiến Iraq là cuộc chiến chẳng những “ngu xuẩn” mà còn “bất hợp pháp” vì TT Bush đã lừa quốc hội. Bây giờ TT Obama ra trước dân Mỹ và cả thế giới giải thích khủng bố đe dọa cả thế giới, ông có nhu cầu phải tiêu diệt khủng bố, và ông chỉ tiếp nối chuyện TT Bush đã làm không phải là một cuộc chiến mới. Thế thì cuộc chiến của Bush có còn là “ngu xuẩn và bất hợp pháp” nữa không? Hay là chỉ sau khi làm tổng thống 6 năm ông mới nhìn ra cái lý của cuộc chiến của Bush?

TT Obama giải thích lý do phát động cuộc chiến là nhu cầu nhân đạo, an ninh nhân loại, chống khủng bố cuồng tín không biết lẽ phải, không thể điều đình, mà chỉ có thể dùng võ lực để truy diệt, v.v... Nếu không nghe giọng và thấy hình TT Obama, mà chỉ đọc bài viết, thì thiên hạ sẽ tưởng đây là bài diễn văn của TT Bush. Đó là nhận định của báo phe ta Washington Post.

Nói đi nói lại, tóm lại, TT Obama quyết định đánh bom Syria, nếu không phải là một cuộc chiến mới toanh thì cũng là bành trướng rất lớn cuộc chiến của Bush, mà không hề xin phép quốc hội gì hết. Khi biểu quyết cho TT Bush đánh Saddam, quốc hội không hề ghi vô điều khoản tự do thả bom Syria. Khi quốc hội mới đây biểu quyết về chuyện Syria, cũng chỉ cho phép TT Obama viện trợ súng đạn cho những nhóm chống đối Assad được coi như “ôn hòa”, không hề có điều khoản cho phép TT Obama tự do đánh bom trên đất Syria như đất vô chủ.

Thật ra, cuộc chiến Trung Đông, từ Afghanistan đến Iraq chưa bao giờ chấm dứt, cho đến nay vẫn còn tiếp tục, chưa bao giờ ngưng. Nếu có chuyện “chấm dứt” thì chỉ là chấm dứt sự tham gia của Mỹ vì TT Obama đã quyết định tháo chạy, bỏ mặc các đồng minh do chính Mỹ dựng lên trong một cuộc chiến do chính Mỹ phát động, để mặc các chính quyền Kabul và Baghdad tự lo lấy thân. Không khác gì ngày xưa bỏ mặc chính quyền và quân lực VNCH tự lo lấy thân.

Cái điểm khác biệt lớn giữa Miền Nam VN ngày xưa và Trung Đông ngày nay là tại Miền Nam VN, Mỹ có cuốn cờ về nước và VC có chiếm được cả miền nam VN thì Mỹ cũng chẳng sao, vì VC không có ý định cũng như không có khả năng đe dọa tới Hoa Thịnh Đốn. Nghỉ ngơi vài năm cho thiên hạ “quên bớt hận thù” là chúng ta lại có quyền bắt tay lo chuyện áp-phe, cùng nhau kiếm tiền. Chưa phải là tận thế.


Tình trạng Iraq và Afghanistan không như vậy. Nếu khủng bố thắng, sẽ không có chuyện bắt tay nhau kiếm tiền, chúng sẽ tìm cách đánh Mỹ trên đất Mỹ ngay, kiểu như 9/11. Không một tổng thống nào dám để chuyện này xẩy ra lần nữa. Do đó, trước sự suy xụp mau lẹ của chính quyền Iraq, Mỹ không còn lựa chọn nào khác hơn là lại phải trở lại để diệt trừ mối hoạ khủng bố Hồi giáo cuồng tín. Đúng như TT Bush đã cảnh giác từ năm 2007. Trở lại để đối đầu với một địch thủ lớn mạnh và nguy hiểm hơn xa Saddam hay al-Qaeda. Cũng đúng như TT Bush đã tiên đoán.

Mối đe dọa khủng bố hiện nay rõ hơn ban ngày, ai cũng thấy. Cả thế giới đều thấy. Và TT Obama loan báo sẽ thành lập một liên minh của cả thế giới để chống khủng bố ISIS. Nhưng danh sách các nước đồng minh cũng như sự tham gia của họ được giữ kín, bí mật hoàn toàn. Không ai biết có bao nhiêu nước đồng minh, bao nhiêu tướng tá, quân lính hay máy bay, đại bác “đồng minh” tham gia. Bí mật quân sự. Hay bí mật chính trị?

Thiên hạ lúc đầu chỉ được thông báo là có “rất nhiều nước đồng minh tham dự”. Có thể là một triệu quân đồng minh của 100 nước, hay chỉ 20 quân nhân của 3 nước. Hiểu sao cũng được. Rồi mới đây, trong cuộc tập kích Syria, nếu tin vào sự khoe khoang của Nhà Nước Obama thì thiên hạ được biết có năm nước Ả Rập “yểm trợ” –supported-, trong đó có Ả Rập Saudi, Jordan, và ba tiểu vương Vùng Vịnh, mỗi tiểu vương chắc lớn hơn tỉnh Mỹ Tho một chút! Không ai hiểu rõ “yểm trợ” nghiã là gì. Có thể một máy bay Mỹ cất cánh từ căn cứ Qatar, bay qua không phận Ả Rập Saudi và Jordan để tới Syria cũng đã được kể như là ba nước Qatar, Ả Rập Saudi và Jordan đã “yểm trợ” cuộc chiến của Mỹ. Tích cực hơn thì có thể mấy nước này tham gia theo kiểu gửi hai chiếc phản lực thả bốn quả bom cho có rồi chạy về cũng coi như đã “chung lưng sát cánh” với Mỹ rồi.

Điều đáng nói trong cuộc tập kích Sayria đầu tiên là sự vắng bóng của tất cả các đồng minh Âu Châu, cũng như sự vắng bóng của hai cường quốc Trung Đông là Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, là hai nước mà TT Obama đã viếng thăm đầu tiên khi mới nhậm chức, đầu năm 2009, để vuốt ve khối Hồi giáo. Cái bóng thiếu vắng quan trọng nhất và cũng có ý nghiã nhất là của Anh Quốc, một đồng minh đã chấp nhận sinh tử với Mỹ trong các cuộc chiến Afghanistan và Iraq trước đây.

Năm xưa, TT Bush tập hợp được một “liên minh” 48 nước để đánh Saddam. Dĩ nhiên, đa số các nước trong “liên minh” cũng chỉ tham gia có tính cách tượng trưng, như Uganda gửi một tiểu đội chẳng ai biết để làm công tác gì, nhưng dù sao cũng có gần 50 nước chính thức ghi danh đăng ký. Danh sách chính thức được công bố hẳn hoi. Nhưng khi đó, thiếu bóng hai đại cường đồng minh Pháp và Đức, thế là truyền thông cấp tiến nhao nhao sỉ vả liên minh cuội, chỉ là ông cao bồi Bush một người một ngựa múa gậy rừng hoang thôi. Bây giờ, TT Obama hùng hổ khoe Mỹ “không chiến đấu một mình”, mà chung lưng sát cánh với các đồng minh. Nhưng “liên minh” của TT Obama cho đến nay chỉ mới thấy vài anh Ả Rập tép riu tượng trưng, mặc dù cũng đủ để CNN ra rả tung hô “lực lượng đồng minh”, -partner nation forces-, và “US and Allies bomb ISIS”, nghe như là mấy chục không đoàn oanh tạc cơ Ả Rập đang đánh vậy.

Cho đến nay, lý do tại sao các đồng minh NATO dè dặt trong việc tham gia không được giải thích cho rõ, truyền thông phe ta im lặng tránh bàn, nhưng có rất nhiều lý do chính đáng.

- Lý do đầu tiên là cơ sở pháp lý quốc tế của chuyện đánh bom Syria không có. Dù sao Syria cũng là một nước độc lập, có chủ quyền. Không được phép của Syria, không tuyên chiến gì với Syria, không có biểu quyết gì tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tự nhiên đơn phương đánh bom ào ào thì chỉ có Mỹ mới làm thôi, coi công pháp quốc tế như pha. Còn tệ hơn Bush. Năm xưa, Bush đánh Afghanistan và Iraq đều có quốc hội cho phép, và Liên Hiệp Quốc biểu quyết. Bây giờ một mình Hoàng Đế Obama quyết định, xong rồi ra trước Liên Hiệp Quốc lên lớp thế giới phải chống khủng bố tích cực hơn. Cuối cùng thì dưới áp lực mạnh của Mỹ, một vài nước đồng minh NATO rồi sẽ tham gia, nhưng có triển vọng sẽ chỉ giới hạn trong Iraq chứ không đánh Syria.

- Đại đa số các nước chưa tin tưởng lắm vào sự “lãnh đạo” của ông tổng thống Nobel, không có chiến lược mà chỉ có chiến thuật lãnh đạo từ sau lưng. Họ cần có những bảo đảm vững chắc hơn, đề phòng ông tổng thống này lạnh cẳng, tháo chạy bất tử để họ ở lại lãnh đủ.

- Các nước đồng minh NATO chưa chịu nhẩy vào lửa là có lẽ họ thấy rõ sách lược –tạm cho là có sách lược đi- của TT Obama rõ ràng không phải là tiêu diệt ISIS, mà chỉ là ngăn cản không cho ISIS bành trướng quá lớn, có thể xáo trộn hoàn toàn cái thế hiện hữu ở Trung Đông, rồi đe dọa trực tiếp đến an ninh của nước Mỹ. Nếu chỉ là kềm hãm ISIS trong một giới hạn nào đó để khỏi đe dọa an ninh của Mỹ thì một mình Bác Sam lo được rồi, không cần các đồng minh NATO nhẩy vào làm gì khi các nước này đang lo sót vó về những mưu đồ của TT Putin bên Đông Âu. Câu hăm doạ của Putin là có thể chiếm bất cứ thủ đô Đông Âu nào trong vòng hai ngày vẫn còn văng vẳng bên tai.

- Tình hình Trung Đông rối hơn tơ vò. Ai cũng thấy rõ ISIS là khủng bố, là kẻ thù, nhưng ngoài mấy ông ISIS ra, thì không ai rõ ai là đồng minh của ai, ai là kẻ địch của ai. Cách đây không lâu, Mỹ giúp đánh bom giết Khaddafi, thành lập tân chính phủ Libya, bây giờ Mỹ vắt giò lên cổ tháo chạy khỏi Libya. Cách đây không lâu, TT Obama đòi thanh toán TT Assad của Syria, bây giờ lại thông báo cho Assad biết là Mỹ sắp đánh bom ISIS để cứu Assad. Cách đây không lâu, Mỹ đòi thanh toán các giáo chủ cuồng tín Iran, bây giờ lại nghe tin ngoại trưởng Kerry cố vận động hậu thuẫn của các giáo chủ để chống ISIS. Kiếm một xứ khủng bố có khả năng có bom nguyên tử làm đồng minh để diệt một nhóm khủng bố vừa chiếm được vài mỏ dầu hỏa. Tính toán chiến lược của Mỹ quả đúng như TT Obama đã khẳng định: chưa có chiến lược gì hết, đang mò mẫm tìm lối thoát.

- Và lý do cuối cùng, cũng là quan trọng nhất khiến khối NATO dè đặt: đánh bom ISIS tại Syria bây giờ, rồi sao nữa? Đánh bom bao nhiêu lâu? Bước kế tiếp là gì? Nguy cơ tình trạng đổ đốn, chiến tranh tràn lan khắp Trung Đông không thể là chuyện không thể xẩy ra và không đáng quan tâm. Có tin ISIS dự tính trả đũa bằng cách đánh thẳng vào thủ đô Baghdad, mà quân Iraq sẽ không chống đỡ nổi. Vậy thì Mỹ sẽ làm gì? Thả bom phá nát Baghdad để cứu Baghdad? Hay thả dù tướng Lương Xuân Việt xuống để cứu Baghdad?

Sáng ngày 23 tháng 9, cả CNN lẫn báo Washingon Post rầm rộ quảng bá sáng nay TT Obama sẽ ra trước truyền hình công bố chiến lược chống ISIS. Truyền thông háo hức chờ đợi. Cuối cùng thì TT Obama đã có chiến lược. Rồi TT Obama xuất hiện, trong vòng chưa đầy năm phút, chỉ để quảng cáo có tới 5 đồng minh Ả Rập chung lưng sát cánh với Mỹ. Hết. Vẫn chưa có chiến lược hay gì gì khác. Vẫn mò đường.

Trong khi lửa cháy bùng bùng khắp nơi trên thế giới thì TT Obama lo báo động về chuyện... hâm nóng địa cầu. Không phải hâm nóng vì những cuộc chiến đó, mà hâm nóng vì thay đổi khí hậu thế giới trong 15.000 năm nữa. Trong khi máy bay Mỹ đánh bom Syria thì TT Obama bận tham dự hội nghị thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về khí hậu tại Nữu Ước. Bây giờ nước Mỹ đã vào mùa thu, để xem năm nay mùa đông có ấm áp hơn chút nào không. (28-09-14)

Vũ Linh

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: [email protected]. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Một bài bình luận của báo Chính phủ CSVN hôm 2/9/2024 viết: “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…” Những lời tự khoe nhân dịp kỷ niệm 79 năm (1945-2024) được gọi là “Tuyên ngôn độc lập” của ông Hồ Chí Minh chỉ nói được một phần sự thật, đó là Việt Nam đã có độc lập. Nhưng “tự do” và “ấm no hạnh phúc” vẫn còn xa vời. Bằng chứng là mọi thứ ở Việt Nam đều do đảng kiểm soát và chỉ đạo nên chính sách “xin cho” là nhất quán trong mọi lĩnh vực...
Năm 2012 Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng; năm 2013 trở thành Chủ Tịch Nước; đến năm 2018 tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức mang vào Hiến Pháp với tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Tập Cận Bình đem lại nhiều thay đổi sâu sắc trong xã hội Trung Quốc, mối bang giao Mỹ-Trung và nền trật tự thế giới...
Xem ra thì người Mỹ, không ít, đang chán tự do và nước Mỹ đang mấp mé bên bờ vực của tấn thảm kịch mà nước Đức đã sa chân cách đây một thế kỷ khi, trong cuộc bầu cử năm 1933, trao hết quyền tự do cho Adolf Hitler, để mặc nhà dân túy có đầu óc phân chủng, độc tài và máu điên này tùy nghi định đoạt số phận dân tộc. Mà nếu tình thế nghiêm trọng của nước Đức đã thể hiện từ trước, trong cương lĩnh đảng phát xít cả khi chưa nắm được chính quyền thì, bây giờ, với nước Mỹ, đó là Project 2025.
Từ 20 năm qua (2004-2024), vấn đề hợp tác giữa người Việt Nam ở nước ngoài và đảng CSVN không ngừng được thảo luận, nhưng “đoàn kết dân tộc” vẫn là chuyện xa vời. Nguyên nhân còn ngăn cách cơ bản và quan trọng nhất vì đảng Cộng sản không muốn từ bỏ độc quyền cai trị, và tiếp tục áp đặt Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh “làm nền tảng xây dựng đất nước”...
Cái ông Andropov (“nào đó”) nghe tên cũng có vẻ quen quen nhưng nhất thời thì tôi không thể nhớ ra được là ai. Cả ủy ban nhân dân Rạch Gốc và nhà văn Nguyên Ngọc cũng vậy, cũng bù trất, không ai biết thằng chả ở đâu ra nữa. Tuy vậy, cả nước, ai cũng biết rằng trong cái thế giới “bốn phương vô sản đều là anh em” thì bất cứ đồng chí lãnh đạo (cấp cao) nào mà chuyển qua từ trần thì đều “thuộc diện quốc tang” ráo trọi – bất kể Tây/Tầu.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký 14 Văn kiện hợp tác an ninh Chính trị, Kinh tế-Thương mại và Văn hóa-Báo chí trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 18 đến 20/08/2024. Trong số này, Văn kiện kết nối và thiết lập 3 Tuyến đường sắt giữa hai nước được gọi là “anh em” đã giúp Trung Quốc liên thông ra Biển Đông và bành trướng thế lực kinh tế...
Tại Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo, trị giá 1,7 tỷ USD sẽ kết nối Phnom Penh và Vịnh Thái Lan, tượng trưng cho niềm tự hào dân tộc, an ninh và kết nối thương mại quốc tế. Người ta có thể cảm thấy như thế qua lời tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Manet và của ông Hun Sen, trong cương vị cố vấn, người đã chuyển giao quyền lực từ cha sang con vào năm ngoái...
Danh từ được tác giả dùng trong bài này không phải là danh từ theo tự loại mà là một thuật ngữ của Việt Cộng. Thuật ngữ Việt Công hay là danh từ Việt Cộng là những thuật ngữ, những từ được dùng trong nước dưới chính quyền Cộng sản Việt Nam. Ở trong nước người ta không dùng từ “Việt Cộng” mặc dầu Việt Cộng chỉ có ý nghĩa là Cộng Sản Việt Nam chớ không có nghĩa gì khác. Phải nói rõ ràng và dài dòng như vậy để tránh hiểu lầm và hiểu sai. Những danh từ đề cập trong bài viết này đa số là những danh từ kinh tế, vì chủ đề của bài viết là kinh tế, phân tích những ván đề kinh tế, nhận định về kinh tế chớ không phải chính trị, mặc dầu kinh tế không thể tách rời khỏi chính trị, xuất phát từ chính trị và tác động trở lại đời sống của mỗi con người chúng ta.
“Tôi hơi chậm hiểu lại rất chóng quên nên dù đã lê lết qua hơi nhiều trường ốc (trong cũng như ngoài nước) nhưng trình độ học vấn và kiến thức cũng chả̉ tới đâu, vẫn chỉ ở mức làng nhàng. Nói tóm lại là thuộc loại “xoàng”! Ơ! “Xoàng” thì đã sao nhỉ? Cũng không đến nỗi trăng/sao gì đâu, nếu tôi biết điều (biết chuyện – biết thân – biết phận) hơn chút xíu. Khổ nỗi, tôi lại cứ tưởng là mình cũng thuộc loại đầu óc trung bình (hoặc chỉ dưới mức đó không xa lắm) nên ghi danh học – tùm lum/tùm la – đủ thứ phân khoa: Triết Lý, Tâm Lý, Xã Hội, Nhân Chủng …
Một bài viết ngay sau khi được bầu vào chức Tổng Bí thư đảng CSVN cho thấy ông Tô Lâm đã hiện nguyên hình một người giáo điều, bảo thủ và hoài nghi trong “hợp tác quốc tế” với các nước. Trước hết ông cáo giác: “Các thế lực thù địch, phản động chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.” Lời tố cáo này không mới vì chỉ “nói cho có” và “không trưng ra được bằng chứng cụ thể nào”, giống hệt như những người tiền nhiệm...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.