Hôm nay,  

Trang Đất Việt: Tỉnh Sóc Trăng

03/07/201400:00:00(Xem: 3762)

TỈNH SÓC TRĂNG

Tỉnh Sóc Trăng, diện tích: 3.300 km vuông. Dân số năm 2011 là: 1.303.700 người, mật độ 384 người/km vuông. Sắc dân: Kinh, Miên, Hoa... Gồm có: Thành phố Sóc Trăng và 9 huyện: Kế Sách, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Long Phú, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung, Trần Đề và Ngã Năm. Tỉnh lỵ ở thành phố Sóc Trăng. Sóc Trăng đông bắc giáp Trà Vinh, Vĩnh Long; tây bắc giáp Hậu Giang, tây nam giáp Bạc Liêu, đông nam giáp biển (72 km). Nhiệt độ trung bình 26,5 độ C. Sóc Trăng ruộng đồng màu mỡ. Chợ búa, giao thông nhộn nhịp, trường trại, phố xá khang trang.

Lịch sử tỉnh Sóc Trăng: Năm 1532, một vị quan Chân Lạp vâng lệnh vua Ang Chan cất chùa Kh’leang và nhà kho tích trữ sản vật. Đặt tên vùng đất này là Srosk Kh’leng, khi người Việt đến phát âm thành Sóc Khalang, rồi phiên âm là Sóc Trăng. Năm 1658, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, người Việt vào Nam khai khẩn đất hoang ở Mô Xoài (Bà Rịa) và Đồng Nai, thời đấy vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân (Ramma Thuppdey) Nặc Ông Chân là cháu ngoại của chúa Nguyễn, con của Công nương Ngọc Vạn và vua Chân Lạp là Prea Chey Chetta II).

Xứ Sóc Trăng khi ấy thuộc vùng đất Ba Thắc (Pháp gọi là Bassac), vùng đất này ngày nay là đất tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Năm 1757, Nặc Nhuận xin cắt đất dâng chúa Nguyễn: Đất Trà Vang (Trà Vinh) và Ba Thắc (Sóc Trăng & Bạc Liêu). Từ năm 1697 đến 1757, chúa Nguyễn đã củng cố bộ máy hành chính trên xứ Nam Kỳ và cương thổ nước Việt đã hình thành, gần giống như cương thổ ngày nay. Năm 1915, Pháp chia Nam Kỳ ra thành 20 tỉnh, trong đó có tỉnh Sóc Trăng.

Di tích văn hóa: Sóc Trăng có 3 sắc dân chính: Người Kinh 65%, người Miên 28% (các tỉnh khác miền Nam khoảng 10%), như vậy có lẽ người Miên ở Sóc Trăng có tỉ lệ đông đảo hơn hết. Sóc Trăng có tới 100 chùa của người Miên và khoảng 50 chùa của người Việt và người Hoa.


Viện bảo tàng người Miên ở Sóc Trăng, trưng bày nhiều hiện vật giá trị như: trang phục, đồ thờ, nhạc cụ...

Người Miên, cúng Trăng, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống an lành, sau phần lễ là đua ghe ngo (tiếng Miên: Tuk ngo). Lễ cúng thần linh từ ngày 1 tháng 8 (ÂL) và kéo dài đến 15 ngày, theo sự tích, vua Pimpisar, một đêm khuya, nghe tiếng kêu đòi ăn uống ở hoàng cung, vua hỏi các cao tăng, thì nói đó là lũ ma đói đòi ăn, từ đó người Miên hàng năm tổ chức sự cúng kiếng này.

Sóc Trăng có vườn Cò Thạnh Trị, có cả hàng trăm ngàn con cò, luôn nhộn nhịp. Cồn Mỹ Phước ở huyện Kế Sách, giữa sông Hậu, do phù sa bồi đắp rất màu mỡ, các cây ăn trái sởn sơ. Tỉnh Sóc Trăng đất đai màu mỡ, nên mỗi ngày một thêm trù phú.

Sóc Trăng non nước bao la
Dân tình chân chỉ, thiết tha tâm tình
.
Cảm tác: Non nước Sóc Trăng

Sóc Trăng đông bắc, giáp Trà Vinh
Bờ biển phía nam, biển Thái Bình
Đường sá phẳng phiu, trường trại đẹp
Bán buôn tấp nập, phố phường xinh
.
Sóc Trăng biển cả, cá tôm đầy
Sông rạch quanh co, khắp đó đây
Cam quít sởn sơ, chen chúc quả
Lúa ngô mướt mượt, tốt tươi cây
.
Sóc Trăng xây cất, lắm chùa chiền
Rải rác gần trăm phật tự Miên
Chùa Việt, chùa Hoa, hình cổ kính
Đền đài, miếu mạo, dáng thiêng liêng
.
Người Miên, cúng kiếng thật linh đình
Hội họp cúng Trăng, tụng niệm kinh
Khấn khứa lâm râm, cầu thịnh vượng
Vái van khe khẽ, ước khang ninh
.
Vườn cò Thạnh Trị, rộng thênh thang
Con lội, con bay, cảnh rộn ràng
Dưới nước lao xao, rình rập cá
Trên không oang oác, nhớ nhung đàn
.
Nơi cồn Mỹ Phước, mượt mà xanh
Hoa quả sum sê, trái trĩu cành
Vườn tược Sóc Trăng, trông đẹp đẽ
Bãi cồn sông nước, bọc quanh quanh

Nguyễn Lộc Yên

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.