Hôm nay,  

Nhạc Giao Hưởng Việt: Hiện Tượng Lê Văn Khoa

06/05/201400:00:00(Xem: 6196)

Theo đề nghị của Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, bài này được viết để nhận xét –thay vì phân tích vì tác giả không phải nhạc sĩ - về dòng nhạc giao hưởng “tân lãng mạn” đồ sộ lẫy lừng của Nhạc Sư Lê Văn Khoa, về nỗ lực của ông đưa dân ca Việt ra thế giới và về chính hiện tượng Lê Văn Khoa của dòng nhạc không lời này. Bản quốc thiều VNCH mà ông soạn hòa âm do dàn nhạc The Presidental Symphony Orchestra của Ukraine hòa tấu; xuất hiện trong DVD “Hồn Việt” hồi 2012 là một chứng minh cụ thể và phổ biến. Ông không chỉ là cây đại thụ nhạc giao hưởng Việt, ông còn là nhà khai phá thành đạt, người soạn hòa âm giao hưởng phá kỷ lục của VNCH, nhà giáo, nhiếp ảnh gia và nhà tranh đấu cho tự do dân chủ không mệt mỏi.

Khi mới nhận được năm dĩa audio tặng phẩm của tác giả qua ban tổ chức, kẻ viết bài này đã để trong tủ nhạc Việt một cách tự nhiên theo thói quen để chờ đưa tuần tự vào máy; và sau khi thưởng thức xong toàn bộ các giai tác này –nhiều lần- thì mới nhận chân ra nội dung “áo bà ba” của các bài dân ca không còn “đóng phèn” nữa; mà đã óng ánh những sợi kim tuyến mang nét chấm phá nghệ thuật thích nghi với thính thị của mọi dân tộc từ Âu sang Úc; từ Mỹ sang Á châu; và đặt chúng vào tủ nhạc giao hưởng quốc tế.

Chiều hướng đem dân ca Việt vào dòng nhạc giao hưởng phương Tây; cụ thể là dòng nhạc giao hưởng Mỹ đã khiến nhạc sư Lê Văn Khoa phải bỏ ra nhiều nỗ lực để khán thính giả bản xứ quên đi trong chốc lát “khẩu vị” quen thuộc cố hữu của họ để (bước đầu) thưởng thức cái “hương vị” xa lạ đến từ nửa vòng trái đất qua người Việt tỵ nạn cộng sản; để có ngày nào đó sẽ trở nên “khoái khẩu” không thể thiếu vắng trong “dạ tiệc” tại các nhạc viện và hý viện. Khán thính giả bản xứ sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị khi thưởng thức một giai tác của ông mà nghe như của Frederic Chopin (1810-1849) và các đại nhạc sư khác; nghe như “Nocturne” ở Áo, ở Đức, ở Pháp mà tựa đề lại là “A Night in Vietnam” (11:51 phút) trong dĩa “Piano Solo”!

Trong dịp trình tấu ở Washington DC năm 2009, Ns Lê Văn Khoa than “cô đơn” trong nỗ lực quốc tế hóa dân ca Việt; quả cũng không sai! Thiện chí tìm kiếm và nhiệt tình tìm hiểu nền âm nhạc Việt của các bạn hữu bản xứ của ông đã trở nên vô ích vì gặp trở ngại lớn từ các “đỉnh cao trí tệ”và chủ trương “hồng hơn chuyên” của đảng CSVN cầm quyền; điển hình là trường hợp Tiến sĩ Giáo sư Deborah Rosen của Irvine Valley College đã tốn công tốn của đến “CH.XHCN.VN” để nghiên cứu và rồi trở về với thành quả là mớ nhạc tuyên truyền rẻ tiền của chế độ; không đáng để dùng làm luận án được!

Nhạc Lê Văn Khoa không phải chỉ để hợp xướng; nó cũng được dùng để đơn ca và song ca; độc tấu và song tấu thời văn hóa khởi sắc Việt Nam Cộng Hòa; và sau này ở hải ngoại. Nó được hòa tấu tại các hý viện tráng lệ ở Mỹ, Âu và Úc châu. Hơn thế nữa, nó còn được dùng để đấu tranh chống chế độ cộng sản phi nhân bản và phi dân tộc ở Việt Nam hiện nay; điển hình là “Trường Ca Việt Nam Quê Hương Mến Yêu” đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc của Tổng Thống VNCH; rồi “Trường Ca Khóc Đi Em, Trên Biển Cả, Ca Ngợi Tự Do, Lý Chim Khuyên..vv..” và bằng cả lãnh vực nhiếp ảnh nữa trước 1975! Khúc giao hưởng “Symphony Vietnam 1975” hoàn thành ở hải ngoại là tác phẩm lớn nổi tiếng nhất về mặt này; được đánh giá như một sử ký viết bằng âm nhạc, một “legacy” của tác giả. Nó là tấu khúc Việt đầu tiên được trình diễn ở Melbourne ngày 22/10/2005 bởi The Royal Melbourne Philharmonic Orchestra trong lịch sử 150 năm của dàn nhạc này.

Tên gọi “Symphony Vietnam 1975” đã được tác giả đặt theo kiểu “Overture 1812” và “Symphony 1997” (đánh dấu hai biến cố chính trị bi tráng ở Nga và HongKong) để ôn lại từng thời kỳ lịch sử bi ai của dân tộc Việt. Trong chương trình này, chính nhạc trưởng Andrew Wailes đã hát bài “The Last Time” (6:32’ dĩa LVK Souvenir); câu cuối “goodbye” nghe chẳng khác gì lối trình bày của Julie Andrews trong “The Sound of Music” của bà. Đàn tranh trong “Full Moon” đã quyện với các nhạc cụ phương Tây thật nhịp nhàng. Dĩa “Symphony Vietnam 1975” thu thanh ở Ukraine có tiếng đàn bandura, nhạc cụ cổ truyền của nước này (dùng để bẩy thay vì gẩy vì có rất nhiều dây san sát nhau, mang sẵn âm giai cố định trưởng thứ tựa đàn Harpe). Bản “The Rice Drum” (4:19’) trong dĩa “Souvenir” đã được độc tấu bằng chiếc đàn này, một nhạc cụ khiến người Nga; nhất là bạo chúa Staline phải sợ hãi đến độ tiêu hủy hết, giết hết nhạc công và cấm tuyệt để ngăn ngừa lòng ái quốc của dân Ukraine.

Có thể nói mỗi tác phẩm giao hưởng của ông là một giai tác. Nhạc Lê Văn Khoa “quen” vì nghe biết ngay là dân ca; là “lý”; là “hò; là “Chopin, Beethoven, Strauss, Berlioz, Mozart, Haydn..vv..“; nhưng cũng “lạ” vì có các nhạc cụ cổ truyền Việt và Ukraine cùng hòa tấu với nhạc khí Tây phương; vì nhiều nốt “lạ” không dễ xoay trở ngón đàn. Âm thanh thì bàn tay trái có lúc phải với nốt “lá” ở bậc cao; bỗng bàn tay mặt phải lặn sâu nốt “là” ở bậc thấp như trong bài “In The Pond” (4:50’) của dĩa “Piano Solo” do Gs Lyudmila Chichuk độc tấu. Bè thì có khi bổng khi trầm, vắt ngang vắt chéo, vắt ngược vắt xuôi (Hymn to Freedom 5:43’); cung thì chuyển từ mineur sang majeur, tiết nhịp khi đột ngột, thoăn thoắt; lúc lại khoan thai bởi hiện tượng “lạ” bốn bàn tay cùng lướt trên phím đàn piano (Song of The Black Horse 1:49’); nghe như vó ngựa dập dồn chỉ có ở nhạc của ông. Bàn tay phù thủy của ông chuyển nốt từ quãng âm có số bán độ trưởng, thứ để thành cung trưởng hay thứ; hoặc nốt từ quãng âm này chồng lên quãng âm kia để biến mineur thành majeur, hoặc ngũ cung thành thất cung và ngược lại..vv.. Hình thái đặc biệt này thuộc loại mà theo định nghĩa của âm nhạc học là cung cách mà một tác phẩm tự lực để đạt sự độc nhất vô nhị (La forme, c’est la manière don’t une oeuvre s’efforce d’atteindre l’unité).

Lê Văn Khoa là cây đại thụ nhạc giao hưởng Việt bởi khuynh hướng và thành quả. Từ tiểu khúc đến bản giao hưởng đều diễn tả được nỗi lòng của tác giả. Ba mặt sáng tác, trình tấu và thưởng thức đã hội tụ như góc tam giác, như kiềng ba chân nên đã giúp cả ba được cộng hưởng. Nhạc giao hưởng của ông tựa cấu trúc căn nhà lầu ba tầng; trong đó đại gia đình đông đảo leo lên xuống không ngừng; kẻ chậm rãi, người thoăn thoắt tùy đặc tính và vai trò của họ. Nhạc ngũ cung không chỉ dùng trong dòng nhạc LVK, nó thoáng hiện trong hầu hết các tác phẩm của các soạn giả trứ danh phương Tây; ẩn tàng tung tích một cách kín đáo. Hòa âm cho giao hưởng còn xa lạ thời VNCH. Nó là sản phẩm đặc thù của châu Âu có mặt muộn màng ở Đông Dương thời Pháp hồi 1938-1939. Dòng nhạc giao hưởng của ông tựa như mưa tưới cánh đồng khô hạn của nhánh nhạc này trong nền âm nhạc VNCH. Trong nhạc giao hưởng LVK, từng nốt nhạc được trình tấu bằng từng nhạc cụ khác nhau. Âm nhạc của ông đủ ước lệ mà không cần ca từ; do đó, đã không cần sinh ngữ vì âm nhạc là sinh ngữ quốc tế phi biên cương. Ông đánh thức tâm khảm Việt bằng kho tàng âm nhạc ngũ cung; đem chuông ngũ cung tiềm ẩn đi đánh vào tâm tư xứ người bằng nhạc khí của chính họ. Chủ trương dùng nhạc cụ Tây để đánh nhạc Ta của ông thật là một ý tưởng cách mạng về âm nhạc; khác với chủ trương bảo thủ khép kín của các nhạc sư Nguyễn Hữu Ba, Trần Văn Khê và các nhà văn hóa khác.


Dĩa “Lullaby” có hai bài điệu Valse. Bản “Dream” (5:28’) âm thanh tiết tấu nghe nửa như nhạc cung đình châu Âu, nửa như quân nhạc từ các quân đội hoàng gia. Các bài “Dawn of My Country” (5:57’), và “Dream of My Homeand” (5:20’) có lời ca nghe hùng hồn nhịp quân hành. Bản “Memory” (5:10’) có lời nghe như Tiếng Tơ Đồng trước 1975. Bài “Serenade” (5:31’) do Ns Semchuck độc tấu violon nghe thật duyên dáng, yêu kiều đến lạ lùng! Trong dĩa “Souvenir”, bản “The Last Time” (6:32’) giọng Ngọc Hà đơn ca bộc bạch; thổ lộ lời ca trau chuốt hợp soạn của hai người đậm nỗi hợp tan của loại tình yêu đôi lứa. Bản “Welcome Spring” (1:57’) điệu Polka ngắn ngủi nhưng rộn ràng, tươi vui tạo lạc quan. “Autumn Everning” (5:43’) lạ vì đệm giọng ngân soprano và đàn guitar; nghe chẳng khác một tấu khúc opera! “Wondrous Love” (5:32’) đơn ca nam giọng tenor đệm bằng nhiều bè trôi nổi; nghe như nửa nhạc yêu nước, nửa thánh ca. “The Rice Drum” (4:19’) dân ca Nam bộ nghe bi tráng với dàn orchestra; lạ tai với nhạc khí truyền thống Bandura của dân Ukraine và kết thúc đột ngột tựa Argentine Tango. Trong dĩa “Memories”, bài “Nocturne” (4:57’) của ông với solos violon và piano phụ họa đã không miên man trầm lắng như các Nocturne khác; mà lại có lúc vui tươi, nhộn nhịp; kết quả việc đổi âm giai thứ ra trưởng. Nếu đã có “Nocturne” ở châu Âu của Chopin, Schubert... thì nay người Việt hãnh diện vì cũng có “Nocturne” của ta! Trong hai bài song tấu piano, bài “On the Way Home” (4:48’) diễn đạt như cơn mưa đổ; lúc nặng hạt của mưa rào; lúc mưa phùn từ mái nhỏ giọt xuống thềm tí tách. Bản “In the Moonlight” (6:36’) có tiếng flute của Kalitovky nghe như tiếng sáo dài thanh trong. Dĩa “Piano Solo” kết thúc với bài số 7 “A Night in Vietnam” (11:51’) tuy chỉ độc tấu nhưng nghe như có lời vì thính giả Việt ai cũng thuộc các bài dân ca Nam bộ. Bài số 5 “Cut the Tree” có âm thanh quốc thiều VNCH văng vẳng nghe như hồn nước hiện về; thật cảm động! Bài số 7 với ban hợp ca nam nữ trong dĩa legacy “Symphony Vietnam 1975” tuy dùng tiết nhịp của bài dân ca “Lý Chim Quyên” nhưng nghe hùng hồn, bi tráng; không mộc mạc như dùng nhạc cụ dân tộc.

Giới hạn của bài này không cho phép đề cập đến phạm vi nghệ thuật nhiếp ảnh của ông. Tuy nhiên có một kỷ niệm liên quan khá đẹp và khó quên: Trước Tết Mậu Thân 1968, khi đài truyền hình THVN9 mới được quân đội Mỹ giúp thành lập được mấy năm, Ns Lê Văn Khoa đã có chương trình dạy nhạc định kỳ và hợp xướng bất định kỳ trên màn ảnh đài này. Trong một chương trình đặc biệt, ông đã mời Hoa Hậu đài THVN9 và hai Á Hậu; trong đó có người nhà của kẻ viết bài này, Á Hậu Hoàng Tô Châu xuất hiện trong chương trình. Chân dung của họ cũng được hân hạnh lọt vào ống kính nghệ thuật của nhà soạn nhạc kiêm nhiếp ảnh gia đa tài này để rồi lần lượt được xuất hiện trên bìa các tuần báo phụ nữ tại thủ đô Saigon của VNCH thời đó. Trước 1975 ít ai nhắc đến ông vì nhiều nguyên do; chẳng hạn họ không có TV, không thưởng thức nhạc giao hưởng hoặc không có nhạc giao hưởng để thưởng thức và nhất là vì ông rất khiêm tốn.

Ngoài mấy lần phải trích đoạn thay vì được trình diễn nguyên bài vì thời lượng hạn chế hoặc phải viết lại để thích ứng với tình huống thay đổi nhạc cụ và số lượng nhạc công trình tấu bất ngờ xảy ra không tiên liệu được, đã không có lời bình bác nào về dòng nhạc của ông. Nhưng chắc hẳn Việt Cộng, Việt gian và vài kẻ tị hiềm nào đó có thể chỉ trích vì không lợi dụng được và vì đố kỵ. Nhà văn Pháp Octave Mirbeau (1848-1917) đã chẳng có câu “Jamais la critique n’a su discerner un ouvrage remarquable, trouver un artiste, faire surgir un nom glorieux!” (Phẩm bình không bao giờ biện bác được một giai tác, nhận chân được một nghệ sĩ và nêu bật được một tên tuổi lẫy lừng); vả lại, bi kịch gia Philippe “Néricault” Destouches (1680-1754) trong bi hài kịch về phong hóa “Le Glorieux” đã có câu “La critique est aisée, et l’art est difficile!” (bình bác thì dễ, nghệ thuật mới khó). Cũng là đại thụ nhưng Lê Văn Khoa không bị “hòa hợp” (hòa hoãn hợp tác) bởi chế độ phi nhân CSVN. Trái lại, ông đã không để cho kẻ thù núp bóng lâu đài âm nhạc đồ sộ lẫy lừng của mình để lợi dụng tuyên truyền lừa bịp. Ông hòa nhã nhưng bất khuất; tựa Gloria Estefan của Cuba vậy.

Vì nhạc giao hưởng kén thính giả (quần chúng Việt phần lớn quen nghe boléros và cải lương) và vì ông Lê Văn Khoa không chủ trương kinh doanh nghệ thuật, việc thực hiện một compact disc nhạc loại này để phổ biến bằng một ban hòa tấu tiêu chuẩn 60 nhạc công trở lên và một hý viện tráng lệ; chi phí ắt không phải là trung bình. Tình trạng này chắc hẳn phải khiến việc phát hành các CD nhạc không lời của ông - đôi khi có bài có lời (lyrics) - rốt cuộc chẳng CD nào có “lời” (interests) cả! Tuy nhiên, cổ ngữ Latin có câu “bis vivit qui bene” (kẻ sống gấp đôi người khác thì sống mạnh mẽ); nhạc sư Lê Văn Khoa chính là típ người này để mà tự hào! Cũng tựa Hoa Hậu không chỉ bởi cái đẹp thể chất, thiên tài không chỉ bởi bản thân cái tài mà còn phải có cái đức nữa. Ông có cái đức của người quốc gia chân chính; của nhà giáo, nhà tranh đấu cho nhân quyền, tự do và dân chủ. Và bởi những thành quả vô song mà ông đã nhiều thập niên tạo dựng. Có nhìn và nghe thấy những Kateryna Myronyuk (Ukraine) độc tấu bandura bài “Trống Cơm”, Suzuki Hitoshi (Nhật) độc tấu cello bản “Memory”, Phương Oanh (Pháp) độc tấu đàn tranh “Hát Hội Trăng Rằm”, nhạc trưởng Andrew Wailes (Úc) hát “The Last Time“ (Lần Cuối) mới thấy được bức tranh “Thế Giới Đại Đồng” với bản sắc dân tộc khác nhau quấn quít trong tình người và nghệ thuật; không phải thứ thế giới đại đồng ảo vun xới bằng dối trá, bạo lực và xác hàng triệu dân vô tội mà cái đuôi mãng xà CSVN; dù đầu đã bị đập nát từ 1989 vẫn đang mù quáng toan tính áp đặt!

Nếu gọi các tay vĩ cầm là “vĩ” nhân thì Lê Văn Khoa không phải vĩ nhân trong số đó; bằng không, ông chính là vĩ nhân nhạc giao hưởng Việt của nền âm nhạc VNCH và trên trường quốc tế hiện nay. Nếu gọi thiên “tài” là tiền từ trời rơi xuống thì ông chưa có thiên tài; bằng không, với lứa tuổi từ thượng thọ đến đại thọ và với “legacy” đã có, ông chính là thiên tài về âm nhạc của VNCH và của cộng đồng Việt tỵ nạn cộng sản khắp nơi; chưa kể nhận xét đồng tình của các nhạc sư bản xứ các nước. Có thể nói dòng nhạc giao hưởng Lê Văn Khoa là một hiện tượng đặc thù đáng để trân quý và thưởng ngoạn. Nói theo văn phong của Đại Tướng Douglas McArthur kết thúc 52 năm binh nghiệp, trong diễn văn giã biệt trước Quốc Hội lưỡng viện Hoa-kỳ hôm 19/4/1951; kết thúc bằng câu “Old soldiers never die; they just fade away” thì composer Lê Văn Khoa; một ngày nào đó buông “đũa thần” cũng sẽ phải nói “Old composers never die; they just de-compose (away)!”.

HÀ BẮC

Ý kiến bạn đọc
06/05/201420:21:07
Khách
Tôi đọc bài không hiểu bác này nói cái gì vể nhạc LVK, tôi trân trọng đóng góp của LVK. Nhưng nghe bac này nhận xét, tôi nghĩ bác LVK chắc mắc cở và buồn lắm vì ông này đã không giải thích được là như thế nào, hay ra sao cái hay của nhạc LVK, mà còn đem tên các nhạc sĩ khác ra so sánh như Trần văn Ba, Trần văn Khê rồi ...... sau đó so sánh với Gloria Estafen hát nhạc pop ???? .... Bài viết này giúp cho nhạc LVK "decompose away" ( theo cách dùng chử rất là ngoạn mục tới mức thượng thừa của sự trơ trẽn) nhanh hơn là giúp thính giả hiểu nhạc giao hưởng của LVK.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1991, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, rất nhẹ. Nhưng dư luận nước Mỹ lúc đó đều nghe thấy những hồi chuông báo tử
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.