Hôm nay,  

Sương Bụi Tro Tàn Mrauk U

22/02/201400:00:00(Xem: 6014)
Sương ở Mrauk U dầy nhưng không thành mây. Cũng không phải mây sà thấp để hóa màn sương trắng. Sương ở miền cực tây sơn cùng thủy tận của đất Miến vẫn là sương. Khi nắng lên, sương tan vào đâu. Trời vẫn xanh.

Có những nơi mây xuống thấp thành sương trắng lung lay, như Dharamsala. Nơi đó mây từ rặng Hy Mã đổ về, gió nóng từ miền nam thốc lên nhào mây như nhào bột. Mây bị vây hãm trong bốn bề núi cao, dùng dằng trong thung lũng rồi lẩn quanh vào trời mây. Mây ở Pa-an như sợi chỉ, trời thòng xuống đậu trên ngọn cây trong thửa vườn bồ đề bát ngát.

Trời ở Mrauk U không mây. Sương và trời không mắc mớ gì nhau. Mặt trời nơi đây lên muộn. Bảy giờ sương vẫn sà thấp như chiếc võng. Chiếc võng trắng phau nằm thẳng băng móc một đầu lên ngôi chùa Htuk Kant Thein 443 năm tuổi hình cái chuông úp lên nền đất vuông. Cả ngôi chùa đen sững, đen bóng, không duyên dáng như những ngôi tháp ở Bagan. Cả khối đen nặng nề lầm lũi nổi lên trong màn sương trắng. Khối đen không lạnh lùng, không làm dáng, không những đường nét hoa văn. Như một người kiên quyết chấp nhận định mệnh, khối đen bất chấp ngoại cảnh trắng tinh đang chờn vờn vồ vập xung quanh. Cách vài chục thước là ngôi chùa Sitthaung 80.000 tượng Phật gần 500 năm tuổi. Cũng một khối đen khổng lồ với những ô vuông xung quanh như pháo đài. Cách hai mươi thước là Andaw Thein 416 tuổi, nơi thờ xá lợi Phật. Cả ba ngôi chùa đều đen. Xung quanh có ô vuông nhỏ lấy ánh sáng soi mờ các tôn tượng thiết trí dọc theo bốn dãy hành lang bên trong. Đứng ngoài nhìn vào không khác gì những lổ châu mai.

Khi nắng lên, sương như bị hút vào các lổ châu mai. Trời trong vắt không mây. Những khối đen, không lầm lì cũng không ung dung, nổi trên màu đất đỏ. Nhưng sương trời đi biệt chứ khói bếp nhà ai vẫn ngùn ngụt cuộn lên trời. Mùi than củi lấn hết bầu khí ban mai, nếu không nghe ra mùi khét cứ tưởng sương sớm còn lẩn vẩn. Sương trời như tấm phông rút biệt để bày ra bộ mặt trần gian nơi vùng đất cây cỏ te tua.

Những phụ nữ từ con đường đất bụi, đội ống nhôm đi lấy nước, chen ra linh động trên nền đất, in hình lên những bức tường đen im lìm. Rồi những phụ nữ đội những bó củi mót trong rừng, lầm lũi đi trên đường mòn ra chợ. Nơi vùng đất xa ngắt này, hai thứ quý giá nhất là nước và củi.

Những chấm người nhỏ bé di động không tạo được sự sống nhưng ít ra, khiến ta nghĩ nên đây còn có người. Cuộc sống nhọc nhằn quá. Những bếp than bếp củi, những ống nhôm đựng nước, những bó củi gầy guộc, tất cả đội trên đầu những phụ nữ bé nhỏ, kéo dép lê trên những con đường đất nhỏ. Những ngôi chùa lầm lầm im lặng Những con người lầm lũi bước.
resized-mrauk-u
Sương mù Mrauk U.

Mrauk U, ngày đầu đã cho tôi cái cảm tưởng là một nơi không phiền não không hạnh phúc, không khóc không cười. Một chút hoang sơ buồn thiu, gần gần với man dại nơi những đôi môi rộng ngoắc lên ở hai đầu mép. Đôi mắt người to đen thản nhiên nhưng không lạnh lùng. Tôi – những ngôi chùa đá đen – không than trách không cảm thán gì thời gian, cứ như chuyện thế gian chuyện trời chuyện đất cuộc sống là như thế.

Sau một tuần trốn chỗ sơn cùng, tôi tưởng sẽ rời Mrauk U suông sẻ. Nhưng không, chiếc tàu hướng về nam mắc cạn trong sáng sớm. Sương dầy quá nên thuyền trưởng không thấy đường, chạy thẳng lên bờ. Đứng ngắm sương khói lảng vảng trên mặt nước, nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu qua bản dịch tài hoa của Tản Đà. Quê hương khuất bóng hoàng hôn. Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

*

Arakan hay Rakhine, vùng đất cực tây của Miến Điện dọc theo vịnh Bengal. Có vẻ như chỗ đó còn nhiều dấu vết của thần thoại Ấn Độ, những người Arakan dữ dằn bốn ngàn năm trước. Rồi máu lửa trong hai năm 2012 và 2013 vì xung đột chủng tộc. Ba lần xin giấy vào không được. Lần thứ tư, tôi đến được thủ phủ của Rakhine là thành phố Sittwe. Mùng 4 tết Giáp Ngọ. 2014.

Dự tính đi khắp Miến Điện sau gần năm năm mới gọi là thành.

Sittwe nhỏ và buồn. Bờ biển Bengal buổi chiều hiu quạnh, bờ cát đen than chạy vài trăm thước mới tới mép nước. Vài chiếc xe đạp thồ chạy bâng quơ. Tôi ngồi trên thềm biển, cũng trở đầu ngó bâng quơ.

Sittwe không có gì để ở lại lâu. Hôm sau bắt tàu chợ ngược sông Kalenda lên Mrauk U. Chiếc tàu cũ kỹ như những chiếc tàu chợ khác khắp Miến Điện, cũng người đội thúng bán bưng nằm ngồi la liệt trên sàn. Tìm một chỗ ngồi khuất gió, ngắm hàng trăm con hải âu trắng soải cánh bay tà tà quanh tàu cả tiếng đồng hồ từ khi tàu tách bến.

Mrauk U như vùng đất thần thoại, chỉ cách Sittwe hơn nằm giờ tàu thủy. Nơi đây có ngôi chùa 80.000 tượng Phật. Có ngôi chùa 90.000 tượng Phật. Và điểm hành hương nổi tiếng nhất là chùa Mahamuni, nơi Đức Phật dừng chân và người dân Arakan xin tạc tượng ngài bằng vóc dáng người thật.

Tôi đến Mrauk U như người đi trong chiêm bao đến vùng đất thần thoại không ngập tràn ánh sáng mà bao phủ trong màn sương cổ tích. Dòng sông yên ả, không dữ dội tuôn tràn như Irrawaddy mùa nước lớn. Hai bờ thinh lặng, những con cò trắng lẻ loi ngó quanh quất. Cả một sông cảnh yên bình.


Thành phố, hay vùng đất mà chính quyền Miến chắc cũng muốn quên, từng là kinh đô của hai vương triều phồn thịnh, giờ chìm trong bụi mờ. Một chiếc xe đạp đi qua cũng cuộn lên những lốc tròn ngột ngạt. Những ngôi nhà chìm trong bụi. Tấm trải giường trong nhà khách rẻ tiền phớt lớp bụi mờ. Mọi con đường đều cong và lồi đá. Một vùng đất đang tàn lụi trong cô liêu nằm sát biên giới Bangladesh. Nơi vua Mahataing Chandra thành lập vương quốc Vesali năm 327. Cả hoàng thành giờ chỉ còn một dãy gạch thấp hơn bờ ruộng. Nhưng cũng tại phía bắc của vương thành này hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Phật Thích Ca đã dừng chân trên núi Thalagerg. Pho tượng Thích Ca bằng vàng lừng danh ở Mandalay được tạc vào thời Đức Phật tại ngôi làng Shinkyawmunei cách núi Thalagerg chừng hai mươi cây số. Đến thế kỷ 18 tượng bị một ông vua cướp mang về Mandalay. Người Arakan cam chịu thua cuộc, tạc một tôn tượng khác nhỏ hơn để tôn trí nơi Đức Phật dừng chân. Ngôi chùa này chỉ cách Mrauk U 50 cây số nhưng không đông đúc như chùa Mahamuni ở Mandalay.

Tôi bắt bọn để mướn xe jeep và đi đò lên Chin, tiểu bang thứ 14, điểm cuối cùng cho trọn lộ trình Miến Điện toàn tập. Một ông giáo sồn sồn người Thụy Sĩ dạy tiếng Pháp và Đức nhưng rất ghét người Đức. Miến Điện là nước thứ 85 ông ta đến nhưng càng đi càng thấy người Đức khó chịu, khinh người, rặt đầu óc phát-xít. Một ông già người Úc làm quản lý một nhà hàng lâu đời nhất Sydney. Ông già cực kỳ vui tính, nhà khách không có nước lạnh giữa trời 15 độ C thì ba ngày tắm một lần cũng không chết. Một chàng tuổi trẻ người Ba Lan mới xong đại học, làm hướng dẫn viên du lịch cho người Ba Lan qua Trung Quốc nhờ chàng biết tiếng Tàu. Người Tàu chỉ giỏi sao chép, coi chữ viết của họ cũng biết vì sao, cứ copy cho đúng hình thù sự vật rồi làm chữ viết, chùa thì cái nào cũng mái cong cong có rồng chầu. Tại cái chữ viết của họ khiến người Tàu sáng tạo không nổi. Ý kiến ngồ ngộ của chàng Ba Lan khiến con đường dồng sốc lên bang Chin ngắn bớt. Rồi bỏ xe, mướn đò đi ngược sông Lay Mro như dài bất tận.

Chúng tôi đến mấy ngôi làng người Chin, căn nhà sàn nào cũng te tua mái lá vách tre. Họ trồng một ít đậu phộng, dưa hấu, vài cây xoài và me tơi tả trong bụi. Ghé hai ngôi trường tiểu học phát kẹo và bong bóng. Nơi đây phụ nữ lớn tuổi còn xăm mặt. Một bà cụ 73 tuổi bị một cái cây chọc vào mắt muốn lòi tròng, gặp “đám Tây” cụ xin thuốc nhỏ mắt nhưng không ai đem theo. Chúng tôi đi là rà mấy hàng quán trong làng, đến cái “siêu thị” thứ ba thì tìm được một chai thuốc nhỏ mắt Miến Điện to gần bằng chai bia lùn. Ông giáo Thụy Sĩ, từng làm cho Chữ Thập Đỏ Quốc tế ở châu Phi bốn năm, nói: Cũng chịu thôi. Ừ, người Việt gọi là phước chủ may thầy.

Người ở Mrauk U làm thuê làm mướn (nhưng tuyệt không đào tường khoét vách) đủ đường để sống. Người Chin sống cạnh sông. Sinh kế của họ là nuôi heo mọi, lặn xuống lòng sông lượm đá và vào rừng chặt tre để đổi lấy gạo tiền với người Mrauk U văn minh. Bang Chin, giáp cả Bangadesh và Ấn Độ, lọt thỏm giữa núi rừng. Những ngôi làng chỉ nghe tiếng lá, và từng bầy con nít lấm lem chạy tung bụi mờ.

Nơi đây là vùng đất để thủ. Thế đất dựa vào núi, những ngọn đồi thấp, như con thú rừng ngồi xổm trông ra vịnh Bangal. Những người Rohinya vô thừa nhận sống lẩn lút trong rừng gần biên giới Bangladesh. Cả những ngôi chùa cũng xây theo kiến trúc phòng thủ, tường đá dầy kiên cố đủ sức chịu đựng súng thần công. Cung điện ngày xưa giờ toàn gạch vụn. Nhưng trong một mảnh đất nhỏ của di tích kinh thành Vesali còn sót lại, có ba cây sứ già, thật già, gốc to vài thước, những chiếc cành toe ra như những lọn tóc thắt bím không có một lá cây nào. Cả ba thân cây đều khô khốc, trắng bệch và rúm ró tưởng chừng không còn chút sự sống. Nhưng trên những đọt cao lại ẩn hiện vài bông sứ trắng nhỏ bằng bông cau.

Có vẻ như người Arakan ở Mrauk U, những ngôi chùa ở Mrauk U, những con đường bụi ở Mrauk U, và những thân hình bé nhỏ đội nước đi giữa trời Mrauk U chưa hoàn toàn khánh kiệt, như những bông sứ trắng trổ từ thân cây già.

Vẫn ra hoa cho tròn phận sự.
Dù đã mỏi mệt lắm rồi.


Tôi không hiểu sao mình lại đến chốn này. Mấy năm liền tưởng nhớ một vùng đất trong tâm tưởng. Đi coi lại cái đã mất chứ không tìm lại dĩ vãng (làm chi). Cứ như nhìn một ngôi sao lớn trên bầu trời gần sáng, một vầng trăng khuyết thượng tuần tháng Giêng, những ngọn đồi khô lấm bụi vàng, rồi khí trời đất đá thở ra, tất cả trộn vào nhau, nhào nặn từ càn khôn hàng thiên niên kỷ trước, khi tôi đến, chạm vào thì tất cả vỡ tan thành tro bụi. Những hạt bụi ấy mang biết bao dòng sinh mệnh buồn vui, trở về không.

Trên sườn núi Thalagerg vắng tanh, tôi ngồi ngắm màu vàng sẫm của hoàng hôn phủ xuống những ruộng đồng khô khốc gốc rạ. Đã đến nơi sơn cùng thủy tận. Đã khắp cùng đất nước hình ngọn lửa. Thả nhẹ lần cuối chút tro than của mẹ nơi Đức Phật dừng chân ngày nào. Bụi đã trở về với đất. Mùa xuân không còn nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa... Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần... Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng. Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”
Cách đây hơn 100 năm, có một thanh niên, mới ngoài 20 tuổi, sinh tại Nghệ An đã tới Anh để tìm kế mưu sinh sau khi gia đình gặp hoạn nạn. Theo một nguồn tin chính thống của Hà Nội, đó là thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành tới Luân Đôn bằng đường biển vào khoảng giữa năm 1914...
Đố ai chứng minh được ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” như đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền? Càng mơ hồ hơn khi nghe nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 10 năm 2023 đã làm một việc mà chưa từng làm bao giờ trước đây trong lịch sử của nước này: Truất phế chức Chủ Tịch Hạ Viện. Kevin McCarthy, đảng viên Cộng Hòa tại California, đã mất chức trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 216/210. Để nhìn sâu hơn vào vấn đề này, The Conversation U.S. có cuộc trò chuyện với giáo sư chính trị học Charles R. Hunt tại Đại Học Boise State University.
Nếu Mỹ duy trì các liên minh, đầu tư cho riêng mình và tránh các khiêu khích không cần thiết, Mỹ có thể giảm xác suất lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Trung Quốc. Nhưng để xây dựng một chiến lược hũu hiệu, Mỹ sẽ phải tránh những phép loại suy luận quen thuộc trong lịch sử nhưng gây hiểu lầm.
Nếu vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ đã thay đổi tình hình ở Trung Đông và toàn thế giới, thì "ngày 7 tháng 10" cũng có thể ảnh hưởng đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi tuy hoàn toàn không có một chút liên hệ trực tiếp nào với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng trên thực tế, sự quan tâm đang xoay qua cuộc chiến Hamas-Israel lại có thể là một lợi thế cho Nga. Việc Hamas có thể tấn công bất ngờ vào Israel không chỉ là một thất bại đối với tình báo Israel, mà ngay cả Mỹ cũng đã hoàn toàn bị ru ngủ. Chỉ một tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng "khu vực Trung Đông ngày nay yên bình hơn so với nhiều thập kỷ trước".
Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lớn nhất Đông Nam Á thì chắc chắn là một “kỳ quan” của thế giới rồi. Không được xem (qua) quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo báo chí thì dù mới khánh thành nó đã bị bong gạch hết trơn rồi. Thôi thì đi chỗ khác chơi cho nó lành. Tôi quyết định sẽ đi thăm Địa Đạo Củ Chi. Trước khi tới nơi tưởng cũng nên ghé Wikipedia coi qua chút đỉnh:
Theo Hội Thư Viện Hoa Kỳ (American Library Association), nỗ lực cấm sách ở các trường công lập và thư viện công cộng trong năm 2022 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, và có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt vào năm 2023. Phong trào cấm sách trong thời gian qua có vẻ như là một chiến dịch phối hợp diễn ra ở cả cấp tiểu bang và địa phương; những cuốn sách bị nhắm mục tiêu thường là những cuốn có nội dung đề cập đến chủng tộc, giới tính hoặc cả hai. Thậm chí một số nỗ lực còn dẫn đến việc ban hành luật đe dọa tống tù các thủ thư.
Ít nhất cũng còn hơn 2 năm nữa mới đến ngày bầu nhiệm kỳ XIV của đảng Cộng sản Việt Nam, 2026-2031, nhưng tiêu chuẩn để được chọn đã bộc lộ tư duy giáo điều, bảo thủ và chậm tiến của đảng CSVN...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 2 người Chăm: Ông Thông Thanh Khánh (Khanh Pham), nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Sinh trưởng tại Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn và Cambodia. Và Ông Lưu Quang Sáng (Amuchandra Luu), sinh tại Phan Rang, hiện sống và làm việc tại California, Thạc sĩ toán và có gần 20 năm giảng dạy ở trường đại học cộng đồng tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa USA, qua 7 nhiệm kỳ chủ tịch...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.