Hôm nay,  

Những Liều Thuốc Đổ Bệnh

9/26/201300:00:00(View: 11735)
...thiểu số làm giàu rất nhanh trong khi đa số và thành phần trung lưu vẫn bị khó khăn...

Năm năm sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ mà cao điểm là sự sụp đổ của tập đoàn đầu tư tài chính Lehman Brothers vào ngày 15 Tháng Chín năm 2008, tình hình kinh tế Mỹ đã có vẻ khả quan hơn. Nhưng tại sao hai năm sau vụ khủng hoảng về ngân sách khiến giá trị trái phiếu của Hoa Kỳ bị tụt hạng vào đầu Tháng Tám năm 2011, nước Mỹ lại có thể gặp khủng hoảng nữa khi ngân sách liên bang bị phong toả vì không được nâng định mức đi vay? Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về chuyện này và thấy ra hiện tượng gọi là "hậu quả bất lường" của chính sách kinh tế...

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Vụ khủng hoảng tại Hoa Kỳ năm 2008 khiến hàng loạt tập đoàn tài chính Mỹ bị rúng động và chính phủ phải ban hành đạo luật cấp cứu với 700 tỷ đô la đắp vốn cho các cơ sở lâm nạn. Sau đó tình hình có dấu hiệu khả quan hơn và các ngân hàng lớn nhất của Mỹ nay thu lời rất cao. Trận khủng hoảng cũng khiến thế giới bị Tổng suy trầm và Hoa Kỳ có nhiều biện pháp kích thích khiến bội chi ngân sách tăng vọt cùng gánh nặng công trái lên tới mức kỷ lục. Nạn bội chi và đi vay mới dẫn tới vụ khủng hoảng chính trị vào Tháng Tám năm 2011 khi Quốc hội Mỹ không thể nhất trí về việc giảm chi và tái quân bình ngân sách. Tuần qua, nguy cơ ách tắc chính trị này lại tái diễn với một dự luật được biểu quyết tại Hạ viện. Khi tổng kết về chuyện khủng hoảng tài chính, suy trầm kinh tế và ách tắc chính trị, ta cần nhìn ra cả hai mặt tích cực và tiêu cực về chính sách ứng phó vì có thể rút tỉa bài học hữu ích cho xứ khác, vào thời khác. Theo dõi câu chuyện này từ nhiều năm nay, ông nghĩ rằng thính giả của chúng ta nên quan tâm nhất đến bài học nào?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Vì chúng ta làm việc tại Hoa Kỳ và nhìn nước Mỹ từ nhiều giác độ khác nhau nên có thể gây ấn tượng sai lầm rằng mình luôn luôn coi Hoa Kỳ là nhất. Sự thật nó không đơn giản như vậy và câu hỏi của ông là có ích vì giúp ta nghĩ đến các "hậu quả bất lường" của chính sách ứng phó. Tôi xin được gọi đó là bài học về "những liều thuốc đổ bệnh".

Vũ Hoàng: Chúng ta sẽ khởi đi từ những liều thuốc này. Thưa ông, trước hết vì khủng hoảng và cần phải bốc thuốc chữa bệnh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi xin lùi về thật xa để nói đến đặc tính văn hóa, hoặc loại quy luật bất thành văn của xã hội Hoa Kỳ. Quốc gia này quá mới quá trẻ và có tiềm năng quá lớn nên nói chung người dân lạc quan cho rằng việc gì họ cũng làm hơn được xứ khác. Nhưng vì quá trẻ nên từ tình trạng lạc quan hồ hởi họ lại dễ hốt hoảng khi hữu sự và có phản ứng thái quá.

- Bây giờ, về nguyên nhân khủng hoảng, tổng kết lại các công trình nghiên cứu ta có thể thấy ra sự lạc quan sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991 và thế giới được "nhất thể hóa", toàn cầu hóa với trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tư bản được giải tỏa tự do hơn. Thứ hai, nhờ tiến bộ khoa học, thị trường phát minh ra nhiều phương thức đầu tư tài chính tân kỳ mà chính trường không kịp nhìn ra rủi ro để ban hành luật lệ giám sát. Và chính trường cũng lạc quan từ hơn 20 năm trước khi nhà nước khuyến khích thị trường phát triển đầu tư về gia cư để giàu nghèo gì cũng dễ mua nhà và khi giải toả chế độ kiểm soát ngân hàng từ năm 1999. Trong thế giới rộng mở đó, tiết kiệm dư dôi từ Á Châu chảy vào Mỹ kiếm lời có làm hạ lãi suất và càng gây ra tinh thần hồ hởi khiến người ta đi vay dễ dàng và vay quá sức trả, để đầu tư vào những ngành có quá nhiều rủi ro mà cả giới đầu tư, ngân hàng và nhà nước đều đánh giá sai. Tức là trong nhiều thập niên liên tục, người ta gây ra những thất quân bình nghiêm trọng mà lạc quan tin rằng mọi sự vẫn an toàn. Nếu nhớ lại lời phát biểu của các giới chức hữu trách từ những năm 2006 đến đầu năm 2008 thì mình thấy ra tinh thần lạc quan phổ biến ấy.

Vũ Hoàng: Chúng ta bước qua giai đoạn tâm lý đảo ngược, từ lạc quan biến ra hốt hoảng như ông vừa nói, hoặc đã trình bày trên diễn đàn này từ hơn năm năm trước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là nếu không chấn chỉnh thì từ đầu cái gì nghiêng quá sẽ đổ. Khi trái bóng gia cư, một hậu quả của sự lạc quan, bắt đầu xì từ năm 2006 thì những bất toàn của cả hệ thống phức tạp này được phơi bày. Nó dẫn tới sự khủng hoảng của nhiều ngân hàng Âu Châu từ năm 2007 đã lỡ tài trợ quá nhiều cho loại nghiệp vụ quá rủi ro được gói kín trong những kén nợ bị ung thối. Từ đó mới có nạn ách tắc tín dụng và dội ngược về Mỹ thành vụ sụp đổ của tập đoàn Lehman Brothers và hàng loạt doanh nghiệp tài chính hàng đầu của nước Mỹ.

- Vì đây là loại cơ sở quá lớn nên nếu sụp đổ thì sẽ gieo họa cho các thân chủ và nhiều ngành khác nên chính quyền mới lúng túng về cái lẽ nên cứu hay không, cứu ai mà bỏ ai và làm sao cứu khi các doanh nghiệp tài chính đều mất nợ, kẹt vốn và thiếu thanh khoản mua lại tài sản của các cơ sở lâm nạn? Chính là sự lúng túng đó của chính trường sau khi đã chểnh mảng trong nhiệm vụ giám sát mới gây hốt hoảng cho thị trường. Và vụ khủng hoảng tín dụng gia cư trị giá mấy trăm tỷ và tập trung ở bốn năm tiểu bang biến thành khủng hoảng rộng lớn trên cả nước và lan ra toàn cầu thành Tổng suy trầm. Từ nạn hồ hởi sảng, người ta hốt hoảng bậy và lãnh hậu quả là tài sản người dân bị mất 11 ngàn tỷ đô la, kinh tế sa sút, thất nghiệp vượt 10%.

Vũ Hoàng: Theo như cách ông trình bày thì chính là phản ứng thái quá này mới dẫn tới những chính sách ứng phó mà ông gọi là "liều thuốc đổ bệnh". Có phải như vậy không?


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đúng như vậy vì năm 2008, Hoa Kỳ có tổng tuyển cử để bầu lại cả Hành pháp lẫn Lập pháp. Trong tình trạng hoang mang chung, ta rất dễ quên phần trách nhiệm của mình mà cứ chỉ ra những sai lầm khiếm khuyết của người khác. Sai lầm nặng nhất, bị quy trách cho mọi chuyện chính là thị trường hay lòng tham của ai khác. Và đấy là lúc người ta có phản ứng thái quá là tin rằng nhà nước sẽ giải quyết được mọi chuyện.

- Kết quả là nhà nước tăng chi, gây khiếm hụt ngân sách và đi vay tới mức kỷ lục nên mới gây ách tắc chính trị về ngân sách năm 2011. Vậy mà kinh tế chưa hồi phục khiến ngân hàng trung ương hạ lãi suất tới sàn và sau đó còn thi hành ba đợt bơm tiền rất hãn hữu gọi là QE để nâng thanh khoản và giảm lãi suất. Tháng Năm vừa qua, khi ngân hàng trung ương Mỹ thông báo có thể giảm dần chính sách bơm tiền kể từ Tháng Chín thì người ta lại hốt hoảng là giai đoạn tiền rẻ sẽ chấm dứt và cổ phiếu sụt giá làm cả thế giới rúng động trong mấy tháng liền.

- Tuần qua, ngân hàng trung ương lại quyết định ngược, rằng tình hình kinh tế chưa khả quan nên sẽ duy trì chính sách bơm tiền khoảng 85 tỷ đô la một tháng thì mọi người lại hoang mang. Giữa khung cảnh đó, cuộc tranh luận về ngân sách tái bùng nổ với dự luật của Hạ viện bên đảng Cộng Hoà là không cho nâng định mức đi vay nếu ngân sách liên bang lại mất tiền thi hành đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế ban hành từ Tháng Ba năm 2010. Vì đòn phép chính trị này, người ta lại sợ rằng từ đầu Tháng 10, ngân sách Hoa Kỳ bị chặn và hết tiền trả lương công chức!

Vũ Hoàng: Trong cả một chuỗi vấn đề quá phức tạp đó, chúng ta có thể thấy ra hai chuyện. Thứ nhất là kế hoạch cấp cứu nhằm đẩy lui và không để tái diễn một vụ khủng hoảng tài chính. Thứ hai là kế hoạch kích thích kinh tế để ra khỏi tình trạng suy trầm. Trong hai chuyện có vẻ biệt lập mà thật ra lại có quan hệ hữu cơ gắn bó với nhau thì đâu là những liều thuốc đổ bệnh?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước hết về lĩnh vực tài chính ngân hàng, Hoa Kỳ đã bơm tiền chuộc nợ cho các cơ sở lâm nạn và kết quả thành công, các ngân hàng đã có lời và trả lại tiền nợ cho nhà nước. Song song, các cơ chế hữu trách của Mỹ và quốc tế đều bắt hệ thống ngân hàng cải thiện quân bình tài chính qua việc tăng vốn và hạn chế tỷ lệ đi vay để tránh rủi ro.

- Nhưng phần tiêu cực của kế hoạch cấp cứu và ngăn ngừa khủng hoảng tái diễn là chế độ kiểm soát quá chi ly rắc rối, cho đến nay mới chỉ khai triển được chừng 40% nội dung thành điều lệ áp dụng. Nó lại không giải quyết được một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng là hiện tượng tập trung tư bản vào loại ngân hàng gọi là "quá lớn nên không thể đổ". Đây là hậu quả bất lường đáng kể nhất, là liều thuốc đổ bệnh khiến cho khủng hoảng sẽ còn có thể tái diễn.

Vũ Hoàng: Xin ông giải thích cho, hiện tượng ngân hàng "quá lớn nên không thể đổ" là gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Khi tư bản tài chính tập trung vào một số ngân hàng thì các cơ sở này là trung tâm thu hút và phân phối tiền bạc cho nhiều khu vực kinh tế nên chi phối cả hệ thống. Vì vị trí đó, chúng trở thành loại cơ sở mà nhà nước không thể để cho sụp đổ nên dễ lấy quyết định rủi ro vì hiện tượng "ỷ thế làm liều" trong kinh tế học. Khi vụ khủng hoảng bùng nổ, chính trường Mỹ có đạo luật kiểm soát để không tái diễn nạn tập trung tư bản như xưa.

- Nhưng kết quả lại ngược với thực tế là ngày nay các ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã quản lý một lượng tài sản còn lớn hơn năm 2009. Giải pháp lý tưởng là có nhiều ngân hàng loại trung bình đi sát thị trường và doanh nghiệp và phải thẩm định rủi ro khi cho vay vì sẽ không được cứu nếu bị lỗ, giải pháp ấy vẫn là lý tưởng. Và việc cấp cứu năm 2010 là liều thuốc đổ bệnh vì vẫn duy trì nạn ỷ thế làm liều. Chuyện này rất dễ xảy ra cho mọi quốc gia, không chỉ riêng tại Hoa Kỳ.

Vũ Hoàng: Sau liều thuốc đổ bệnh trong kế hoạch ngăn ngừa khủng hoảng, thưa ông, đâu là hậu quả bất lường của những kế hoạch kích thích kinh tế đã được áp dụng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi chỉ có thể tóm lược khái quát về một tình hình quá phức tạp.

- Đó là kinh tế Mỹ đã hồi phục trên nền móng còn bấp bênh. Sau khủng hoảng thì giới đầu tư đã thịnh vượng hơn mà đa số ở dưới thì chưa nên nạn chênh lệch lợi tức hay bất công xã hội vẫn tiếp tục và số người phải lãnh trợ cấp đã lên tới mức kỷ lục nên trở thành gánh nặng ngân sách và gây tranh luận về chính trị. Nói cách khác, người ta kích thích không đúng nơi và tạo cơ hội cho một thiểu số làm giàu rất nhanh trong khi đa số và thành phần trung lưu vẫn bị khó khăn. Hiện tượng tập trung tư bản không chỉ có trong lĩnh vực ngân hàng và là vấn đề nghiêm trọng.

- Thứ hai, sau khi hốt hoảng và trông cậy vào chính quyền, đa số tới 60% dân Mỹ ngày nay lại thấy nhà nước có quá nhiều quyền lực và tỷ lệ tín nhiệm của dân chúng dành cho giới lãnh đạo, nhất là trong Quốc hội, đã sụt tới mức thấp nhất. Liều thuốc đổ bệnh là nhân khi người dân hốt hoảng thì nhà nước mở tầm can thiệp, gây thêm bội chi ngân sách và lại gây nhiều vấn đề khác. Nhờ có chế độ dân chủ và tự do báo chí, người dân có quyền phê phán những chuyện đó để rút tỉa bài học cho các cuộc bầu cử về sau. Kết luận của tôi là Hoa Kỳ là nơi mà mọi người đều có quyền lên tiếng và cảnh báo về những liều thuốc đổ bệnh sau một cơn hốt hoảng!

Vũ Hoàng: Xin cảm ơn ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Biển Đông hiện như một thùng thuốc súng và, liệu nếu xung đột bùng ra, chúng ta có phải đối phó với một quân đội Trung Quốc man rợ mà, so với quân đội Thiên hoàng Nhật trong Thế chiến thứ hai, chỉ có thể hơn chứ khó mà bằng, đừng nói chuyện thua? Như có thể thấy từ tin tức thời sự, cảnh lính Trung Quốc vác mã tấu xông lên tàu tiếp tế của Philippines chém phá trông man rợ có khác nào quân cướp biển từ tận hai, ba thế kỷ trước? [1] Rồi cảnh chúng – từ chính quy đến dân quân biển, thậm chí cả ngư dân – trấn lột, cướp phá, hành hung và bắt cóc các ngư phủ Việt Nam từ hơn ba thập niên qua cũng thế, cũng chính hiệu là nòi cướp biển.
Hội nghị Trung ương 10/khóa đảng XIII kết thúc sau 3 ngày họp (18-20/09/2024) tại Hà Nội nhưng không có đột phá nào, mọi chuyện vẫn “tròn như hòn bi” dù đây là hành động đầu tiên của tân Tổng Bí thư Tô Lâm...
Việc nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do trước thời hạn có lẽ là một trong những vấn đề đã được nội các chính quyền Biden-Harris quan tâm và vận động từ năm 2021.
Đối với triết gia Immanuel Kant, lời nói dối là “cái ác bẩm sinh sâu xa trong bản chất con người” và cần phải tránh xa ngay cả khi đó là vấn đề sống còn1. Trong tác phẩm “Deciphering Lies”, Bettina Stangneth, 2017, viết rằng: “Trong số những lý do khiến người ta nói dối vì điều đó có thể giúp họ che giấu bản thân, ẩn náu và tránh xa những người xâm phạm vùng an toàn của họ.” Stangneth cho biết thêm, “cũng không khôn ngoan khi thả trẻ em ra thế giới mà không biết rằng người khác có thể nói dối chúng.” The Wasghington Post, ban kiểm tra sự thật, cho biết: Trong bốn năm làm tổng thống thứ 45, từ 2017-2021, đến cuối nhiệm kỳ, Trump đã tích lũy 30.573 lời nói dối trong suốt nhiệm kỳ tổng thống - trung bình khoảng 21 lời tuyên bố sai lầm mỗi ngày. Từ khi thua cuộc tái ứng cử vào tay tổng thống Joe Biden cho đến giờ này, tranh cử với bà Harris, ông Trump càng gia tăng khẩu phần nói dối, phong phú đến mức độ không thể đếm cho chính xác.
Câu chuyện hoang tưởng “di dân ăn thịt chó, mèo” của Donald Trump và JD Vance gây ra nỗi sợ hãi, tạo ra nhiều kích động tiêu cực, vì nó được nói ra trước 81 triệu dân Mỹ, từ một cựu tổng thống. Những lời vô căn cứ tràn đầy định kiến và thù hận đó như một bệ phóng cho con tàu “Kỳ Thị” bay vút vào không gian của thế kỷ 21, thả ra những làn khói độc. Nó như một căn bệnh trầm kha tiềm ẩn lâu ngày, nay đúng thời đúng khắc nên phát tán và lan xa. Nói như thế có nghĩa, con tàu “Kỳ Thị” này, căn bệnh này, vốn đã có từ rất lâu đời. Nó âm ỉ, tích tụ, dồn nén theo thời gian, chực chờ đến ngày bùng nổ. Một tuần qua, người Haiti, là nạn nhân của cơn bùng phát này. Gần nửa thế kỷ trước, và cho đến tận nay, là cộng đồng người gốc Việt.
Sự trỗi dậy của những nhóm cực hữu đang làm sống lại làn sóng kỳ thị chủng tộc, một căn bệnh trầm kha chưa bao giờ thực sự chấm dứt ở Hoa Kỳ. Để thực hiện những chương trình nghị sự của mình, những người theo chủ nghĩa thượng tôn da trắng đã thực hiện nhiều chiến lược, chiến thuật khác nhau. Trong những năm gần đây, nhiều nhà hoạt động đã cảnh báo các nhóm cực hữu đang cố sử dụng nền tảng giáo dục làm công cụ để bảo vệ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Một bài viết trên trang mạng lithub.com của tác giả Jason Stanley đã phân tích sâu sắc về đề tài này.
Nhìn ở bề ngoài thì ông Benjamin Netanyahu, Thủ tướng Do Thái, đang làm cái việc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) Nguyễn Văn Thiệu từng làm với cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 1968. Năm đó ông Thiệu bị cáo buộc là hành động để đảng Dân Chủ thua đảng Cộng Hòa còn bây giờ thì, xem ra, ông Netanyahu lại đang tháu cáy với nước cờ tương tự tuy nhiên bản chất hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.
Khi còn tại chức, không ít lần, T.T Nguyễn Xuân Phúc đã khiến cho dân tình hoang mang hay bối rối khi nghe những câu chữ rất lạ kỳ: “Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế của cả nước’, ‘Vĩnh Phúc sẽ vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước’, ‘Long An phải trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước’, ‘Hải Phòng là đầu tàu quan trọng của cả nước’, ‘Bình Dương phải là đầu tàu phát triển kinh tế mạnh nhất của cả nước …”
Nhưng 64 năm sau (1960-2024), đảng đã thoái hóa, biến chất. Đảng viên thì tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống tự diễn biến và tự chuyển hóa, bài bác Chủ nghĩa Mác-Lênin và cả “tư tưởng Hồ Chí Minh” nữa...
Một tuần sau, sau khi dư luận nổi sóng về phát biểu của thiếu niên Chu Ngọc Quang Vinh (“tôi coi đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân”) tạm lắng – hôm 7 tháng 9 vừa qua – nhà văn Phạm Đình Trọng kết luận: “Sự việc cho thấy người dân, nhất là thế hệ trẻ đã có nhận thức sâu sắc về pháp luật, có ý thức về sự có mặt của cá nhân trong cuộc đời, trong xã hội”.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.