Hôm nay,  

Như Những Đời Diêm

09/08/201300:00:00(Xem: 5885)
Trần Khải Thanh Thuỷ
(LGT: Thi Văn Hợp Tuyển tựa đề “Ngày Bão Loạn” của nhà thơ Hương Giang đã xuất bản tuần qua. Buổi ra mắt đã thực hiện tại trung tâm ViVo San Jose chiều 8/07/2011. Bài này do nhà văn Trần Khải Thanh Thủy viết với ghi chú “Cảm xúc khi đọc Ngày Bão Loạn của Hương Giang.”

Tìm mua “Ngaỳ Bão Loạn” tại nhà sách Hương Giang (San Jose, CA) ; Tự Lực, Tú Quỳnh (Orange County, CA) hoặc liên lạc trực tiếp với tác giả qua email: huonggiangnqq@gmail.com hoặc qua Tel: 714-854-2010 hỏi chị Thanh Nhàn.)

Sinh ra và lớn lên trong lòng Xã Hội Chủ Nghĩa, cha mẹ sinh con, đảng, đoàn sinh tính. Tôi bị nhồi sọ khá nhiều điều sai lệch về hình ảnh của những người lính Việt Nam Cộng Hoà - Những người theo lối tuyên truyền của Việt Cộng là không có tim óc, cội nguồn, gốc rễ quê hương, chỉ có hận thù, bắn giết. Vì chút bơ thừa, sữa cặn của quân đội Mỹ mà sẵn sàng xả súng vào đồng bào mình, gây bao cảnh tang tóc, đau thương.

Lớn lên, khi miền Nam “giải phóng” tôi tìm vào thăm các bác, các anh, rồi đến lượt các anh, các chị lặn lội ra miền Bắc thăm gia đình tôi, tôi thấy các anh thật hiền lành, tốt bụng, tốt hơn cả những anh bộ đội cụ Hồ, các chiến sĩ giải phóng quân v.v… vốn là hình tượng một thời của giới trẻ miền Bắc chúng tôi… Trong những lần lặn lội đi lại ấy, chính các anh là người đầu tiên mở mắt cho tôi hiểu rõ hơn về con người và phẩm chất của người lính Việt Nam Cộng Hoà, khác hẳn với những gì mà báo chí Cộng sản tuyên truyền.

Tuy vậy phải đến khi đọc “Ngày Bão Loạn” của Hương Giang tôi mới hiểu rõ hơn về chân dung sống động của những người lính Việt Nam Cộng Hoà, càng hiểu điều mà tác giả định truyền tải tới bạn đọc… Giữa không khí yên bình trên mảnh đất tự do, giàu có của xứ sở Hoa Kỳ mà tên tập sách lại là “ Ngày Bão Loạn” hẳn phải có uẩn khúc, duyên cớ gì?

Càng đọc, tôi càng hiểu được nỗi lòng của tác giả, mỗi câu chữ trong những bài chị viết dần dần thấm đẫm đầu óc, gan ruột tôi, tạo thành những cơn bão lòng nặng nề, day dứt, bão từ trong gan ruột bão ra. Các anh - những kháng chiến quân đầu tiên của khu chiến trong chiến dịch Đông Tiến: Sống trên đất Mỹ mà chết lại vùi nơi đất Thái. Những trái tim như ngọc sáng ngời.

Ngay từ những trang đầu trong “vài trích đoạn về Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh” đã làm tôi sững sờ, choáng váng, bất ngờ rên lên những tiếng nói bi thương, oai hùng, cảm kích: “Tôi đang chỉ thị cho hai chiếc Alpha đến kéo chiếc Monitor bị đạn ra thì bỗng thảm hoạ xẩy ra trước mắt. Thuỷ thủ LVN trên chiếc Tango Bạch Hổ vừa trong ụ súng khẩu đại liên 20mm bước ra ngoài, có lẽ không khí trong thành sắt quá hầm. Một tiếng "phụt" vang lên, thây anh ngã vật xuống sàn, cái đầu văng đâu mất tiêu. Trái B41 không biết từ đâu bay tới hớt gọn cái đầu của anh, rồi lướt qua sàn platform, nổ tung giữa sông... Qua ánh đèn pin chiếu xuống sàn tàu hắt lên, tôi giật mình kinh ngạc, nhận ra người đầu tiên nhảy sang tàu tôi chính là Đại Tá Hoàng cơ Minh, Tư Lệnh Lực Lượng Thuỷ Bộ. Ông Minh bước đến xác thuỷ thủ N, lật tấm mền ra, cố ôm cái xác cụt đầu lên, cằm ông bạnh ra như muốn kìm chế nỗi thương tâm người thuộc cấp.

Mọi người lặng đi trong nỗi xúc động tột cùng. Suốt cả đời tôi không bao giờ quên cảnh tượng bi hùng trong giờ phút ấy...”

Còn tôi, không sao vơi nỗi ám ảnh khi đọc trường đoạn đau thương này. Trường đoạn mà tôi đọc đi đọc lại đến thuộc lòng, và một tứ thơ đột nhiên bật ra trong óc:

Vì đâu con chết mẹ ơi?

Đầu văng xuống đất, nụ cười lăn theo

Câu hỏi cũng là câu trả lời. Nếu chỉ vì bản thân, các anh hoàn toàn được yên vị trên đất Mỹ, Nhật Bản hoặc Đan Mạch, bên gia đình, vợ con, sống quãng đời tự do, giàu có nơi xứ người, đâu phải lao đầu vào chốn hiểm nguy, tạo thành những chấm nhỏ trên dòng sông Mê Kông mênh mông, hung dữ, nối với nhau bằng một sợi dây để trở về bên kia bờ quê hương và phải chịu những cái chết rùng rợn như thế?

Bao gian nan bất hạnh, bao sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cũng là bấy nhiêu thử thách của lòng người. Giữa rừng già, thiếu ánh mặt trời, thiếu ăn, thiếu mặc, nhưng các anh đã làm đúng bổn phận của người trai thời loạn như lời tâm sự của chiến hữu Hoàng Cơ Minh: “Chúng tôi chỉ muốn tiếp tục làm tròn sứ mạng của một người quân nhân chiến đấu cho tự do của quê hương. Chúng tôi (5000 người di tản sang Phi Luật Tân) cần một chỗ để tiếp tục chiến đấu, cũng là một chỗ để chết cho quê hương”.


Kết cục, người nằm lại giữa dòng sông nước xiết như chiến hữu đoàn trưởng Dương Văn Tư, người nằm lại giữa rừng biên giới Thái Lan vì sốt rét, ngã nước ( Đặng Quốc Hiền…) Người hy sinh dưới bàn tay Việt Cộng (Trần Hướng Việt, Võ Hoàng, Huỳnh Văn Tiến, Phùng Tấn Hiệp v.v…) Người tự sát trên đường di chuyển ra vùng biên giới để không rơi vào tay Cộng sản (Ngô Chí Dũng, Trần Thiện Khải v.v…)

Những cái chết hào hùng của các anh đã để lại trăm ngàn nấm mộ nơi biên giới Nam Lào, Thái Lan, Campuchia, hoặc Việt Nam. Những nấm mộ không người qua lại chăm sóc, song đã lặng lẽ biến thành những quả tim của đất, đập mãi cùng non nước hôm nay.
ngay_bao_loan_san_jose_y_resized
Trong buổi ra mắt sách “Ngaỳ Bão Loạn” ở San Jose.
Chứng kiến sự hy sinh anh dũng của các anh - những người được gọi bằng cái tên vô cùng trìu mến là “kháng chiến quân” tôi không khỏi bàng hoàng, xúc động, câu thơ tôi không chỉ đứng làm khăn trắng, cúi đầu trước di ảnh của các anh trong những ngày bão loạn của đất nước mà còn bùng lên một câu hỏi:

Thù này bao thuở mới nguôi ?

Cây rừng đẫm lệ thương người trẻ trai!

Vâng, các anh đã có những giấc ngủ say vào cõi hư vô, nhưng tinh thần quả cảm, ý chí kiên định thì còn vang vọng trong lòng người dân mãi mãi: “ Sống huy hoàng trong Việt Nam giải phóng. Chết oai hùng để giải phóng Việt Nam”

Những con người mang trong mình lý tưởng dấn thân giữa vùng khu chiến bạt ngàn gió độc, rắn rết, đói ăn, thiếu mặc ấy không bao giờ chết được, mà ngược lại, trĩu trên vai các anh bao sự tích anh hùng. Tiếc rằng trong phạm vi bài viết nhỏ này, tôi không thể nào truyền tải nổi toàn bộ nội dung mà tác giả đã viết. Vì vậy, chỉ có những người nào biết nâng niu tác phẩm “Ngày Bão Loạn” tìm mua và cầm về nhà đọc mới thấu hiểu hết sự tích anh hùng của họ, cũng là nỗi lòng tác giả.

Điều mà tác giả “Ngày Bão Loạn” muốn truyền tải tới bạn đọc đó là: “Trước sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử trao tặng, các anh tự nhận ra giá trị của mình là phải làm một que diêm cháy bùng lên trong đêm trường tăm tối của dân tộc để soi đường cho lớp trẻ hôm nay”. Tính chất đặc biệt của que diêm mà trong cuộc sống đời thường ai cũng biết, đó là chỉ được sống khi đã và đang đi vào cõi chết… Phải âm thầm chịu đựng, nhốt mình trong hộp tối bao ngày để rồi trong một phút giây ngắn ngủi bùng lên, toả sáng cho cộng đồng, người thân, gia đình và xã hội. Ánh sáng chân lý mà các anh mang theo chính là khi chạm vào cái chết( trong giây phút đối đầu với Cộng sản) - Những kẻ mượn chiêu bài giải phóng miền Nam, nhưng lại tàn phá miền Nam.

Con đường Đông Tiến là con đường gian nan nguy hiểm, con đường dẫn tới cái chết...Các kháng chiến quân đã phải trả giá bằng tuổi trẻ đầy sinh lực, đầy tài năng và chính mạng sống quý giá của mình, như những lời tâm sự của chiến hữu Huỳnh Văn Tiến trong lá thư gởi từ khu chiến cho Nữ Hoàng và chính phủ Đan Mạch: “...Trong khi về nước chiến đấu thì vợ và các con tôi vẫn tiếp tục sống ở Danmark. Trong đời sống này chắc chắn tôi không làm tròn trách nhiệm làm chồng, bổn phận làm cha, nhưng tôi không thể làm khác được! Đối với người Việt Nam, văn hóa Việt Nam chúng tôi có rất nhiều bổn phận. Bổn phận người dân đối với tổ quốc, người học trò đối với thầy, bổn phận của người con đối với cha mẹ, gia đình, anh chị em. Bổn phận làm chồng, làm cha...Chúng tôi sống để thọ ơn, trả ơn. Ơn ông bà cha mẹ, ơn tổ quốc, đồng bào, ơn xã hội loài người, ơn miếng cơm manh áo, ơn cứu giúp khi lênh đênh trên biển, ơn định cư..v.v.

Chúng tôi sống để thi hành những bổn phận và trả những ơn nghĩa kể trên rồi chết! Và tôi chọn con đường có nhiều trách nhiệm nhứt”

Đó cũng là tâm sự của chiến hữu Ngô Chí Dũng: “Sự sống - ai mà không quí trọng ? Sự sống còn quan trọng gấp nhiều lần đối với những người đang chiến đấu cho tương lai tươi sáng của dân tộc. Nhưng sự sống mà những người kháng chiến quân quan niệm chính là được chết cho công cuộc giải phóng Việt Nam. Đó là cái sống miên viễn với thời gian, với dòng lịch sử bất tận của dân tộc”

Xin được bắc cầu về cõi âm trong một phút cúi đầu tưởng niệm. Mong linh hồn các kháng chiến quân siêu thoát, phù hộ độ trì cho tương lai dân tộc Việt Nam.

Sacramento 27/7/2011
TKTT

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Thứ Ba hàng tuần là ngày họp của hội đồng thành phố San Jose và tối ngày 20.11.2007
Ngày nay việc sử dụng Internet được xem như là một phần trong sinh hoạt hằng ngày của đa số chúng ta. Internet là tai mắt và đồng thời cũng là sợi dây liên lạc
Những hoa hồng hôm qua nở đẹp dưới nắng buổi đầu thu, nay đã rụng xuống sân, vẽ thành một khoanh nhỏ
Có lẽ những người dân trong nước cũng như đảng viên của đảng cộng sản rõ hơn ai hết câu truyền miệng "Đi với Trung Quốc thì mất nước
Một năm, không theo trong Phật giáo, thông thường dân gian có ba ngày rằm chính. Đó là: Rằm tháng giêng, Rằm tháng bảy và Rằm tháng mười.
Kỳ họp 2 của  Quốc hội khoá XII kết thúc ngày 21/11 (2007) sau một tháng làm việc,nhưng xem ra tính bù nhìn vẫn không thay đổi
Đã thành thói quen, tôi thức dậy là mở máy computer, rồi mới đi pha ly cà phê đầu ngày. Khi ngồi vào chỗ thụ hưởng thì công việc đầu tiên là check mail
Anh Hùng Liệt Sĩ, các Anh Thư, các Chiến Sĩ Vô Danh, Hữu Danh và nguyện cho các vị đã quá vãng được siêu sinh, còn các vị hiện tiền được vạn sự cát tường
Kỷ niệm 40 năm thành lập, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN vừa chứng minh rằng tổ chức này vẫn chưa trưởng thành vào tuổi bốn mươi.
Máu chảy ruột mềm! Trong hoàn cảnh của những người lao động VN đình công thiếu thốn
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.