Hôm nay,  

Đông Á Suy Trầm

10/12/201200:00:00(View: 9569)
...hoàn cảnh của Việt Nam quả là nguy ngập hơn nhiều.

Trong vòng một tuần, ba định chế tài chính quốc tế là Ngân hàng Phát triển Á châu, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đưa ra những dự báo bi quan về đà tăng trưởng kinh tế của thế giới, trong đó có các quốc gia đang phát triển tại Đông Á và Thái Bình Dương. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng suy trầm đó qua phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây cùng chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Khi Việt Nam đang lo sợ nạn vỡ bóng đầu tư bất động sản sẽ lan vào lĩnh vực ngân hàng với một núi nợ khó đòi và sẽ mất thì tuần qua ba định chế tài chính quốc tế cùng đưa ra dự báo bi quan về tình hình kinh tế toàn cầu. Chúng tôi đề nghị là trong tiết mục chuyên đề kinh tế kỳ này ta sẽ cùng tìm hiểu về dự báo đó. Trước hết xin ông giới thiệu cho quý thính giả của chúng ta về những dự báo này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa rằng đầu tiên là báo cáo do Ngân hàng Phát triển Á châu công bố hôm mùng ba tuần trước tại hội sở ở Philippines. Với tiêu đề là "Viễn ảnh Phát triển Á châu" báo cáo dày 190 trang này cập nhật hóa những dự báo về các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á. Thứ nhì là phúc trình ngắn gọn hơn của Ngân hàng Thế giới được phổ biến hôm mùng tám về các nền kinh tế Đông Á Thái Bình Dương, cũng với điều chỉnh bi quan hơn dự báo mới công bố hồi Tháng Năm. Thứ ba là báo cáo thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về "Viễn ảnh Kinh tế Toàn cầu", đưa ra hôm Thứ Ba mùng chín với dự báo đầy lo ngại về nạn suy trầm toàn cầu.

- Về hoàn cảnh xuất hiện thì Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới có kỳ họp thường niên, năm nay tổ chức tại Tokyo từ mùng chín đến 14. Nhân dịp này, hai định chế tài chính quốc tế phổ biến công trình nghiên cứu và cập nhật hoá để 188 quốc gia hội viên và thế giới tham khảo. Đáng chú ý là cả ba định chế ấy đều rà soát lại các dự báo mới chỉ xuất hiện mấy tháng trước nhưng theo chiều hướng bi quan hơn về kinh tế toàn cầu nói chung và của châu Á nói riêng.

Vũ Hoàng: Thưa ông, vì thời lượng không cho phép chúng ta đi vào từng bản báo cáo, xin đề nghị ông tóm lược những điểm tương đồng chính yếu của các dự báo này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi lại xin bắt đầu bằng bối cảnh chung của thế giới, trước khi tập trung vào kinh tế Á châu rồi Đông Á và Việt Nam.

- Thế giới bị Tổng suy trầm trong các năm 2008-2009 và phục hồi quá chậm trong ba năm sau. Bây giờ, vào Thu 2012, người ta thấy ra là sự hồi phục đó còn có thể bị đẩy lui. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng năm nay đà tăng trưởng bình quân của toàn cầu chỉ còn là 3,3% với giả thuyết lạc quan là hai khối kinh tế dẫn đầu là Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ vượt qua những khó khăn hiện tại.

- Báo cáo của Ngân hàng Thế giới thì tập trung vào Đông Á Thái Bình Dương, nhưng cũng dự phóng là đà tăng trưởng toàn cầu cho năm nay chỉ còn khoảng 2,3%. Ta nên chú ý đến con số 2,3% ấy vì theo định nghĩa thông thường của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khi sản lượng trung bình của toàn cầu chỉ tăng có 2,5% thì thế giới bị suy trầm, hay "recession". Tức là, sau vụ Tổng suy trầm 2009, toàn cầu có thể lại bị suy trầm lần nữa vào năm 2012-2013.

- Theo Quỹ Tiền tệ, lý do chính vẫn là chính sách kinh tế bất cập của các nước đã phát triển, là khối Euro và Hoa Kỳ, mà lần này khả năng ứng phó của các nước lại còn nan giải hơn năm 2009. Phúc trình của Quỹ Tiền tệ có nội dung toàn cầu và bao gồm nhiều khối kinh tế khác biệt nên được các thị trường quốc tế chú ý và tường thuật nhiều hơn hai báo cáo của Ngân hàng Phát triển Á châu và Ngân hàng Thế giới.

Vũ Hoàng: Thưa ông, xin đề nghị là mình sẽ đi từ đầu bằng cách phân biệt các khối kinh tế này để thấy ra vị trí của Đông Á và Việt Nam ở bên trong.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Rất chí lý thưa ông. Khi người ta nói đến đà tăng trưởng là 2 hay 3% của toàn cầu thì đấy là kết số chung của nhiều khối kinh tế.

- Trước hết, ta có nhóm tiên tiến của các nước công nghiệp hóa, chủ yếu là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Âu châu, trong đó có khối Euro của 17 nước. Nhóm tiên tiến này có mức tăng trưởng chỉ ở cỡ 1,3% thôi. Kế tiếp, ta có các nước "tân hưng" hay mới nổi, kết hợp với các nước công nghiệp hóa thì ra khối kinh tế của tổ chức OCDE gồm 34 quốc gia coi như giàu nhất mà cũng có tốc độ tăng trưởng khá thấp và làm giảm số bình quân của toàn cầu. Bước thứ hai là nhóm đang phát triển, từ Nam Mỹ châu qua Á châu với đà tăng trưởng cao hơn nhóm công nghiệp vì là các nước đi sau.

- Trong khối này mới có các nước đang phát triển tại Á châu, từ Nam Á bên trong có Ấn Độ, qua Trung Á tới Đông Á Thái Bình Dương. Đáng lưu ý nhất là nhóm Đông Á, có sức tăng trưởng khá cao là hơn 7%, đó là Trung Quốc và 10 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong nhóm này, người ta còn phân biệt Đông Á ngoài Trung Quốc, với đà tăng trưởng dự báo năm nay là cỡ 5,3%. Những con số rắc rối ấy đáng chú ý ở một khía cạnh là các nước đang phát triển Á châu vẫn lệ thuộc vào các nước đã phát triển, và khi kinh tế Âu-Mỹ bị suy sụp thì đà tăng trưởng của Á châu bị giảm vì mất thị trường xuất khẩu.

Vũ Hoàng: Có bức tranh toàn cảnh rồi, mình mới đi vào phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thưa ông hình như là với cách đánh giá không lạc quan về hai khối kinh tế Âu-Mỹ.


Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta nhớ lại bối cảnh Tổng suy trầm 2008-2009 và những nỗ lực có phối hợp của các nước để chặn đứng sự đình trệ lan rộng từ hai khối kinh tế Âu-Mỹ ra toàn cầu. Ba năm sau, tình hình chưa khả quan và bội chi ngân sách trong khối Âu-Mỹ vẫn tăng, mà mâu thuẫn chính trị về các giải pháp ứng phó lại gây thêm vấn đề và đánh sụt niềm tin của thiên hạ.

- Có một nghịch lý rất đáng quan tâm ở đây. Đó là sau khi liên tục điều chỉnh dự báo, coi như hai tháng một lần, ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế thật ra vẫn lạc quan hơn cách đánh giá của giới đầu tư quốc tế vì dựa vào giả thuyết là khối Euro sẽ ra khỏi khủng hoảng và Hoa Kỳ sẽ tránh được hố sâu ngân sách vào đầu năm tới, khi mà quyết định của Quốc hội Mỹ từ Tháng Tám năm ngoái sẽ tự động giảm chi và tăng thuế cả ngàn tỷ. Nhiều người không tin vào hai giả thuyết đó và xác suất của một vụ tổng suy trầm có thể cao hơn ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế là khoảng 17%. Xin nhắc lại rằng chỉ mấy tháng trước thôi, quỹ này dự báo suy trầm với xác suất là 4%, bây giờ, rủi ro ấy đã tăng gấp bốn và đó là bối cảnh chung của các nền kinh tế đang phát triển nếu vẫn còn quá lệ thuộc vào việc xuất khẩu qua các thị trường Âu-Mỹ.

Vũ Hoàng: Thưa ông, rõ ràng là chúng ta chứng kiến hiện tượng gọi là "kinh tế nhất thể hóa" vì sự vận hành của khối kinh tế này tác động vào đà tăng trưởng của khối kia qua những yếu tố như ngoại thương hay đầu tư tài chính. Bây giờ mình mới trở lại tình hình Á châu, Đông Á và Việt Nam. Ba báo cáo vừa được công bố cho thấy những gì là đáng chú ý nhất?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Cũng khởi đi từ hai rủi ro lớn nhất cho thế giới là vụ khủng hoảng của khối Euro và hố thẳm ngân sách Hoa Kỳ, Ngân hàng Phát triển Á châu dự đoán là hai nền kinh tế mạnh nhất châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đều bị đình trệ vì số cầu của thị trường nội địa chưa đủ mạnh để bù đắp vào thiếu hụt mậu dịch. Khi hai đại gia Hoa Ấn đều sa sút thì đà tăng trưởng chung của châu Á bị giảm mất một điểm bách phân, từ 7,1% sẽ chỉ còn là 6,1%. Trong số này, kinh tế Trung Quốc sẽ hạ cánh từ tốc độ 9,3% năm ngoái, năm nay sẽ chỉ còn chừng 7,7%, tức là thấp hơn cái ngưỡng sinh tử là 8%. Đáng lưu ý hơn nữa trong báo cáo này của ngân hàng mà ta gọi tắt là ADB, các nước Á châu đều còn tiềm năng ứng phó nhờ ít bội chi, ngoại hối dồi dào và lạm phát thấp. Ngoại lệ đáng ngại ở đây chính là kinh tế Trung Quốc và Việt Nam.

- Riêng về Việt Nam, Ngân hàng ADB dự đoán đà tăng trưởng năm nay là 5,1% so với chỉ tiêu từ 6 đến 6,5% của chính quyền. Sau các biện pháp ngăn ngừa lạm phát, Việt Nam có hy vọng giữ đà vật giá ở mức 9,1% cho toàn năm nhưng phải cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng đầy rủi ro vì khối nợ xấu đang chồng chất. Những vấn đề đáng chú ý nhất là cải cách cơ chế, yểm trợ tiểu doanh thương và giảm trừ vai trò quá nặng nề tốn kém của hệ thống doanh nghiệp nhà nước.

- Dự báo của Ngân hàng Thế giới thì nói đến hoàn cảnh của các quốc gia đã cố kích thích kinh tế bằng cách ào ạt bơm tín dụng, là trường hợp của Trung Quốc và Việt Nam, với những hậu quả bất lợi trong lần đối phó này. Riêng Việt Nam, hiện tượng ngân hàng thiếu vốn và ngập nợ sau khi kích thích bằng tín dụng cũng là một rủi ro khác.

Vũ Hoàng: Chúng ta đi vào phần kết luận thưa ông. Báo cáo dồn dập của các định chế tài chính quốc tế cho thấy một viễn ảnh u ám chung của toàn cầu sau ba năm hồi phục trong èo uột. Bài học của hiện tượng "kinh tế nhất thể hóa", tức là các nền kinh tế đều giao dịch với nhau và chịu chung ảnh hưởng ngoại nhập từ bên ngoài vào, có đáng cho chúng ta quan tâm hay không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa là rất đáng quan tâm. Tôi thiển nghĩ rằng trong trào lưu chung của thế giới, mình có thể rút tỉa vài kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam.

- Trước hết, Việt Nam có dân số đủ đông và thị trường nội địa đủ lớn, với tài nguyên tương đối đa dạng, để tạo sức kéo cho bộ máy sản xuất. Cho nên, sau vụ khủng hoảng Đông Á vào các năm 1997-1998, diễn đàn này của chúng ta cứ nói mãi đến một nhu cầu chiến lược là đi tìm sự quân bình giữa trong và ngoài. Cụ thể là phải cải tiến hạ tầng để phát triển thị trường nội địa thay vì chỉ lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng như nhiều xứ khác. Nhiều xứ Đông Á khác như Thái Lan hay Indonesia đã chuyển hướng theo chiến lược đó nên ít bị hiệu ứng ngoại nhập.

- Thứ hai, Việt Nam cần cải tổ lại cơ cấu kinh tế, nâng cao khả năng quản lý của chính quyền và chấn chỉnh hệ thống tài chính và ngân hàng. Vào lúc hữu sự như trong giai đoạn vừa qua, nhược điểm về cấu trúc và chính sách bên trong sẽ khiến xứ này bị giao động và không có lối thoát. Quá lạc quan với thời thịnh đạt, những yếu kém và thậm chí mờ ám trong hạ tầng cơ sở luật pháp và chính sách đã thổi lên bong bóng đầu cơ và lạm dụng, tai họa ấy hiện đe dọa cả nền kinh tế và viễn ảnh suy trầm toàn cầu đang là những thách thức nan giải. Con bệnh mà bị nội thương thì môi trường èo uột và bất trắc của thế giới sẽ là mối nguy sinh tử. Các nước Âu-Mỹ tiên tiến mà còn suy sụp như người ta đang lo sợ thì phải nói rằng hoàn cảnh của Việt Nam quả là nguy ngập hơn nhiều.

Vũ Hoàng: Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin cảm tạ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc phỏng vấn này.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cuối năm là lúc con người nhìn lại về giá trị cuộc sống. Một bài viết trên trang mạng The Conversation nêu vấn đề về những vực thẳm chính trị, các cuộc chiến tranh, áp bức… và con người vì thế cảm thấy vô vọng và bất lực khi chứng kiến những thế lực đen tối diễn ra khắp nơi trên thế giới. Liệu chúng ta có thể làm được điều gì đem lại thay đổi trước những bi hoại này hay không?
Danh hiệu “Nhân Vật Của Năm” do TIME bắt đầu từ năm 1927 – theo truyền thống được trao cho những người có ảnh hưởng đáng kể trong các sự kiện toàn cầu, từ chính trị đến văn hóa, môi trường, nghệ thuật. Những người được chọn đóng vai trò như một “thước đo phong vũ” về sức lan tỏa trong xã hội đương đại. Ảnh hưởng đó, theo tiêu chuẩn do chính TIME đề ra, có thể là “for better or for worse – làm cho thế giới tốt đẹp hơn hoặc tệ hại hơn.”
Tiễn 2024, thế giới sẽ chào đón một năm mới 2025 mang theo cả bóng tối lẫn ánh sáng. Các cuộc xung đột, sự phân cực chính trị và những rủi ro khôn lường là lời nhắc nhở về sự bất ổn của thời đại. Nhưng đồng thời, khả năng phục hồi kinh tế, sự phát triển công nghệ, tinh thần hợp tác quốc tế, hơi thở và sự sống còn bất khuất của từng người mẹ, từng đứa trẻ vực dậy và vươn lên từ những đống gạch vụn đổ nát ở Ukraine, ở Gaza, ở Syria… cũng là cảm hứng và hy vọng cho tương lai nhân loại. Nhà văn Albert Camus đã viết: “Giữa mùa đông lạnh giá nhất, tôi tìm thấy, trong mình, một mùa hè bất khả chiến bại.”* Thế giới năm 2025, với tất cả những hỗn loạn, vẫn mang đến cơ hội để con người vượt qua và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, tử tế hơn. Đó cũng là lời chúc chân thành cuối năm của toàn ban biên tập Việt Báo gửi đến quý độc giả: một năm 2025 tràn trề cơ hội và hy vọng.
Trong ba năm học gần đây, PEN America đã ghi nhận hàng loạt trường hợp cấm sách xảy ra trên toàn nước Mỹ, đặc biệt trong các trường công lập. Những nỗ lực xóa bỏ một số câu chuyện và bản sắc khỏi thư viện trường học không chỉ gia tăng mà còn trở thành dấu hiệu của một sự chuyển đổi lớn hơn, đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về tương lai của giáo dục công lập. Việc kiểm duyệt này phản ánh một xu hướng đáng lo ngại: sự tập trung vào việc kiểm soát nội dung văn hóa và giáo dục, thay vì khuyến khích học sinh tiếp cận kiến thức đa chiều.
Syria đang sống trong một bước ngoặt lịch sử sau khi chế độ độc tài sụp đổ nhanh chóng và Bashar al-Assad trốn sang Nga để tị nạn. Các nhóm nổi dậy chiến thắng đang cố gắng duy trì trật tự công cộng và thảo luận về các kịch bản cho tương lai. Lòng dân hân hoan về một khởi đầu mới đầy hứa hẹn pha trộn với những lo âu vì tương lai đất nước còn đầy bất trắc. Trong 54 năm qua, chế độ Assad đã cai trị đất nước như một tài sản riêng của gia đình và bảo vệ cho chế độ trường tồn là khẩu hiệu chung của giới thân cận.
Các số liệu gần đây cho thấy những thách thức mà nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đối mặt để phục hồi kinh tế cho năm 2025, khi quan hệ thương mại với thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc có thể xấu đi cùng lúc mức tiêu thụ trong nước vẫn sụt giảm. Và thật sự thì nền kinh tế Trung Quốc tệ đến mức nào? Việc đặt câu hỏi này ngày càng trở nên hợp lý khi Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng sản xuất trì trễ và tiền tệ mất giá kéo dài trong những năm gần đây. Đặc biệt, chính quyền Bắc Kinh dường như không muốn công khai toàn bộ thực trạng.
Chiều ngày Thứ Ba 17/12, tòa án New York kết án Luigi Mangione 11 tội danh, bao gồm tội giết người cấp độ 1, hai tội giết người cấp độ 2 cùng các tội danh khác về vũ khí và làm giả danh tính. Theo bản cáo trạng, một bồi thẩm đoàn ở Manhattan đã truy tố Mangione về tội giết người cấp độ hai là tội khủng bố. Tòa đã kết tội hành động của Luigi Mangione – một hành động nổi loạn khó có thể bào chữa dù đó là tiếng kêu cuối cùng của tuyệt vọng.
Ngay từ thời điểm này, cho dù chưa chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc, tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa hẹn một chiến dịch bài trừ di dân lớn nhất lịch sử Mỹ. Những cuộc kiểm soát, bắt bớ, trục xuất di dân dự kiến sẽ diễn ra với qui mô lớn trong vài năm tới. Nhiều sắc dân nhập cư ở Mỹ sẽ phải lo lắng, nhưng cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là cộng đồng di dân gốc Mỹ Latin. Lời hứa này đang làm hài lòng những người Mỹ xem dân nhập cư là kẻ cướp đi việc làm và quyền lợi của mình. Rất đông trong số này thuộc các cộng đồng di dân, trong đó có cộng đồng gốc Việt. Tuy nhiên, có bao nhiêu người thấy được toàn cảnh ảnh hưởng của những chính sách bài trừ di dân đến nền kinh tế và xã hội Hoa Kỳ?
Trong tài liệu của Thư Viện Quốc Hội ghi rằng, nguồn gốc của quyền ân xá trong Hiến Pháp Hoa Kỳ đến từ lịch sử Anh quốc. Quyền ân xá xuất hiện lần đầu tiên dưới thời trị vì của Vua Ine xứ Wessex vào thế kỷ thứ bảy. Mặc dù tình trạng lạm dụng quyền ân xá ngày càng tăng theo thời gian, dẫn đến những hạn chế sau đó, nhưng quyền ân xá vẫn tồn tại trong suốt thời kỳ thuộc địa của Mỹ.
Tôi cộng tác với tuần báo Trẻ (tờ báo có nhiều ấn bản nhất tại Hoa Kỳ) gần hai chục năm qua. Sự gắn bó lâu dài này không chỉ vì tấm lòng yêu nghề (và thái độ thân thiện cởi mở) của ban biên tập mà còn vì chút tình riêng. Mỗi tuần Trẻ đều dành hẳn một trang báo, để trân trọng giới thiệu đến độc giả hai ba vị thương phế binh (Việt Nam Cộng Hòa) đang sống trong cảnh rất ngặt nghèo ở quê nhà. Nhìn hình ảnh đồng đội của mình đang ngồi trên xe lăn, hay nằm thoi thóp trong một gian nhà tồi tàn nào đó – lắm lúc – tôi không khỏi băn khoăn tự hỏi: “Liệu có còn ai nhớ đến những kẻ đã từng vì đời mà đi không vậy?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.