Hôm nay,  

Hình Sự Trong Kinh Doanh

23/08/201200:00:00(Xem: 14437)
Việt Nam là nơi mà việc kinh doanh đòi hỏi những quan hệ thật ra là bất chính với giới chức có quyền...

Vụ một nhà đầu tư nổi tiếng tại Việt Nam là ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt chiều ngày Thứ Hai 20 Tháng Tám tại Hà Nội đã khiến thị trường chứng khoán tại Việt Nam sụt giá trong sự hốt hoảng chung và Ngân hàng Nhà nước của Việt Nam phải ào ạt bơm tiền qua thị trường mở để tránh một vụ sụp đổ dây chuyền. Nhân vật bị tống giam và khởi tố cùng thời điểm tiến hành nội vụ khiến dư luận ưu lo về những khó khăn kinh tế và chính trị hiện nay của Việt Nam. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu chuyện này qua phần trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa của đài Á châu Tự do. Xin quý thính giả theo dõi phần trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Sáng lập của một ngân hàng lớn tại Việt Nam bị cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công An bắt giữ đã gây chấn động cho thị trường tài chính tại Việt Nam và được truyền thông quốc tế loan tải. Chúng tôi xin đề nghị là kỳ này mình sẽ cùng tìm hiểu về chuyện đó, ông nghĩ sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ban đầu, tôi có cảm giác ngán ngẩm vì những lý do sau đây.

- Thứ nhất, về bối cảnh chung, tình hình kinh tế Việt Nam quả là kém sáng sủa với quá nhiều vấn đề dồn dập vì đà tăng trưởng sẽ giảm, lạm phát có khi tái xuất hiện và trăm ngàn doanh nghiệp đang ở trong tình trạng dở sống dở chết, thậm chí là chết lâm sàng, hoặc là những "xác chết chưa chôn".

- Giữa khung cảnh bên trong như vậy, biến động ngoài Đông hải do động thái ngang ngược của Trung Quốc hiển nhiên là những thách đố nan giải cho người cầm quyền. Nhưng vấn đề đầu tiên là "ai là người cầm quyền" hoặc cơ chế nào sẽ quyết định về những bài toán sinh tử cho quốc gia? Khi ấy, người ta mới chú ý đến những tranh chấp cá nhân không còn che giấu nổi ở trên thượng tầng.

- Thứ ba, hệ thống ngân hàng của Việt Nam đang bị khủng hoảng nặng với một số nhỏ của nhà nước thì tập trung tài sản mà không kích thích sản xuất trong khi nhiều ngân hàng khác thì thiếu thanh khoản và có thể sụp đổ dưới núi nợ xấu nên vẫn cố thu vét ký thác bằng cách tăng lãi suất. Họ lao về phía trước trong sự tuyệt vọng. Tình hình đó càng khiến các doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu vốn kinh doanh và sẽ theo nhau phá sản, công nhân viên mất việc.

- Thứ tư, dư luận kinh doanh quốc tế thì theo dõi xem lãnh đạo kinh tế và ngân hàng Việt Nam giải quyết ra sao bài toán nợ xấu, khó đòi và sẽ mất. Khối nợ xấu đó thật sự lên tới mức nào thì không ai rõ và làm sao thanh toán là một vấn đề sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia. Vì vậy, dư luận chờ đợi người cầm đầu hệ thống ngân hàng trung ương của Việt Nam sẽ giải trình những việc đó trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp chiều Thứ Ba 21.

Vũ Hoàng: Và đấy là lúc bùng nổ vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, làm các thị trường đều bị rúng động!

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy và tôi e rằng đấy là một chỉ dấu khó sai về khủng hoảng chính trị, chứ không chỉ là ngân hàng hay kinh doanh.

- Trước hết, trong một quốc gia bình thường, nếu một cá nhân hoặc doanh nghiệp có sai phạm về nghiệp vụ vì lý do kỹ thuật hay pháp lý thì cơ quan thanh tra giám sát có thể mở cuộc điều tra. Nếu sai phạm về kỹ thuật, tức là không cố tình nhưng có lầm lẫn thì cơ quan giám sát phải có biện pháp dân sự, thuộc về tội hộ. Tức là có thể bồi thường thiệt hại cho nạn nhân vì sự bất cẩn của mình. Nếu là sai phạm về pháp lý, tức là cố tình gian lận để trục lợi bất chính, thì cơ quan thanh tra phải yêu cầu nhà chức trách can thiệp và lập hồ sư truy tố kẻ bất lương, chứ không phải bất cẩn, về tội hình. Nghĩa là không chỉ phải bồi thường thiệt hại mà còn bị trừng phạt về tài chính và thủ phạm có thể bị án tù.

- Việt Nam là một quốc gia bất thường vì luật lệ thiếu phân minh nên rất khó xác định nguyên do của sai phạm là thuộc về dân sự hay hình sự. Ví dụ có thể thấy ngay là trong lĩnh vực ngân hàng hay mớ bòng bong khó gỡ của những nghiệp vụ đầu tư chòng chéo trong một chế độ kiểm soát lỏng lẻo, rất rộng mà cũng rất nông.

- Nhưng bất thường hơn vậy, Việt Nam là nơi mà việc kinh doanh đòi hỏi những quan hệ thật ra là bất chính với giới chức có quyền. Người ta khó thành công, và trở thành "đại gia" như bà con trong nước thường nói, nếu không có quan hệ và trở thành vây cánh của những người quyền thế nhất ở trên cùng. Đó là trường hợp của đương sự, người vừa mới bị bắt.

Vũ Hoàng: Theo những tin tức được cơ quan Cảnh sát Điều tra loan tải, ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt về tội kinh doanh trái phép và liên quan tới vi phạm tại ba doanh nghiệp do ông ta làm chủ tịch, gồm có Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại B&B, Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đầu tư Tài chính Á Châu Hà Nội.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chỉ nội một cáo trạng như vậy cũng đã cho thấy sự bất thường. Ít khi nào có chuyện bắt giam một người về tội kinh doanh trái phép. Biện pháp quyết liệt này cho thấy là có cái gì đó nghiêm trọng hơn nhiều. Chuyện thứ hai là cách xử lý của nhà cầm quyền trong vụ bắt giam. Nó vẫn nhuốm mùi hành xử của "xã hội đen" trong một xã hội chưa có ý thức về luật pháp và một hệ thống cai trị không có trách nhiệm với quốc dân. Tôi xin được giải thích.

- Đáng lẽ, ngay sau khi tống giam đương sự, hãy cứ coi như một nghi can bị trọng án, giới hữu trách phải lập tức và công khai tổ chức một cuộc họp báo. Ngồi ở giữa là viên sĩ quan công an, hai bên là hai giới chức dân sự thuộc cơ quan thanh tra hay giám sát. Một trong hai người phải là viên chức có thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục tiêu là để trình bày dù ngắn gọn những kết quả của cuộc điều tra và thủ tục truy tố về những tội danh được minh định bởi viên chức thanh tra. Nhưng quan trọng nhất là để công chúng biết được rằng những sai phạm của đương sự, dù là một doanh gia về ngân hàng, không thuộc lĩnh vực ngân hàng. Lý do là để thị trường khỏi hốt hoảng và dân chúng mất tiền oan khi suy đoán rằng một đại gia ngân hàng đã rút ruột ngân hàng và tìm cách tẩu tán tài sản nên mới bị bắt.

- Trong một xã hội thiếu thông tin chính thức và minh bạch và báo chí không có tự do thì thị trường thông tin là thị trường đen. Đó là nơi mà sản phẩm được phổ biến chính là lời đồn. Khi dân tin vào lời đồn hơn là thông báo chính thức – nhiều khi mâu thuẫn - thì niềm tin vào nhà nước không có và người đồn đãi không có tội, nhưng rốt cuộc thì đa số thiếu thông tin mới là nạn nhân.

Vũ Hoàng: Ông cho rằng trong vụ án hình sự này, những lời đồn đãi hay bàn tán của người dân cũng có tầm quan trọng?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hiển nhiên là có và đấy mới là vấn đề!

- Trước hết, người ta có thể suy đoán không sai, rằng đương sự là người có quan hệ vững chắc và rộng rãi với nhiều quan chức nên mới thành công rất nhanh như vậy, để trở thành một trong những người giàu nhất nước. Thứ hai, đương sự là người rất kín đáo trong các nghiệp vụ đầu tư của mình, hoặc của ai đó mà anh ta đứng tên. Thứ ba, đương sự có lối chơi nổi của kẻ thích vẻ hào nhoáng bên ngoài với xe hơi trị giá bạc triệu, nghĩa là chẳng sợ gây ra phản ứng đố kỵ ghen ghét. Thứ tư, đương sự còn bước vào một lĩnh vực được quảng đại quần chúng quan tâm là bóng đá và không ngại ngần gây hấn với tổ chức khác trong lĩnh vực này.

- Ngần ấy sự việc khiến cho mọi người đều có thể kết luận rằng đương sự có gốc lớn, được nhiều thế lực bảo trợ ở đằng sau. Đấy là lúc người ta kết hợp với các tin đồn, rằng những thế lực đó là sĩ quan công an cao cấp, có người là thứ trưởng, và trên cùng là ông Thủ tướng vốn dĩ được đánh giá là có mức liêm chính dưới trung bình sau hàng loạt những vụ sụp đổ của các tập đoàn kinh tế nhà nước do Trung ương quản lý. Khi tổng hợp lại thì câu hỏi chính vẫn là động lực. Và câu trả lời là việc đương sự khỏi cần ấn tín gì, như chủ tịch một tập đoàn kinh doanh, mà vẫn thâu tóm khoảng 12 cơ sở kinh tế trong nhiều lĩnh vực, phân nửa là các ngân hàng. Nghĩa là làm sao?

- Người vừa mới bị bắt chỉ là một nhà đầu tư đại diện cho nhiều nhà đầu tư giấu mặt ở bên trên. Với chế độ hiện hành, mỗi thế lực chính trị lại tỏa xuống dưới thành hệ thống kinh doanh có khả năng vi phạm luật lệ mà không bị trách nhiệm vì đã có trong túi những người có trách nhiệm thực thi luật pháp. Mọi sự chỉ vỡ lở khi các thế lực chính trị ở trên xung đột với nhau nên tay chân ở dưới mới bị sa lưới nếu không kịp thông báo để bỏ chạy, như trường hợp đã xảy ra. Rốt cuộc thì vụ việc được trình bày như một nỗ lực giải trừ tham nhũng để kiện toàn nhân sự, là khẩu hiệu đang được đảng tung ra sau màn phê bình và tự phê bình vừa qua.

Vũ Hoàng: Thưa ông, rồi đây sự thể sẽ ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Chúng ta rất khó biết được sự thể trong khung cảnh không chỉ là mờ ảo của một xứ lạc hậu mà còn mờ ám và đầy bạo lực vì là sự lạc hậu phát sinh từ nạn độc tài.

- Sau một sâu chuỗi những tai tiếng và phải nói là phạm pháp nghiêm trọng từ các tập đoàn kinh tế nhà nước ra tới khu vực tôi gọi là "tư doanh nhập nhằng" vì những thế lực chính trị và trung tâm lợi ích kinh tế ở đằng sau, thì vụ "Bầu Kiên" như người ta gọi chỉ là một nối tiếp tất yếu. Hiện tượng tham ô và khuất tất trên doanh trường còn lan vào chính trường khi một đại gia kinh doanh và đảng viên làm nữ dân biểu lại bị truất bãi trong một hoàn cảnh khó hiểu. Những vụ nổ liên tiếp này chỉ là mấy cầu chì bị cháy ở dưới đển dòng điện khỏi lan lên trên và báo hiệu nhiều biện pháp trả đũa khác của thế lực đang bị tấn công. Chúng ta có thể coi đây là những tranh chấp của các tổ chức tội ác trong xã hội đen, không hơn không kém.

Vũ Hoàng: Ông có một kết luận khá bi quan về sự thể này, vì sao như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến một đảng Mafia có cái vẻ đa nguyên của nhiều phe nhóm toàn là đại gia.

- Khốn nỗi, và đây mới là vấn đề gây ra sự ngán ngẩm cho mọi người, khốn nỗi người ta thanh lý môn hộ hoặc thanh toán nhau như vậy mà dân chúng chưa thấy một nỗ lực lớn lao của chính quyền để đưa kinh tế ra khỏi những khó khăn chồng chất hiện nay. Việc một kẻ gian có thể sa lưới và lãnh án tù chỉ là một niềm an ủi nhỏ, trong khi bất ổn kinh tế và khủng hoảng chính trị mới là vấn đề lớn lao gấp bội cho mọi người.

- Khi lại nhìn trên toàn cảnh, ở bên cạnh xứ Trung Quốc cũng đang có những bài toán nan giải bên trong vì tiến trình chuyển quyền đầy sóng gió của họ, người ta thấy rằng Việt Nam lại lỡ một cơ hội cải cách hầu có thể xây dựng một nền móng vững bền hơn cho việc bảo vệ quyền lợi của đất nước. Con thuyền đang lao vào giông bão mà thuyền trưởng, tài công và thủy thủ đoàn đánh nhau để giành lấy phao cứu hộ thì hành khách khó tìm ra lối thoát.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn-Xuân Nghĩa về cuộc trao đổi này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong cú sốc ban đầu do COVID-19 gây ra, các chính phủ và ngân hàng trung ương ứng phó bằng những đợt bơm tiền mặt khổng lồ là chuyện có thể dễ hiểu. Nhưng hiện nay, các nhà hoạch định chính sách cần lùi một bước và xem lại các hình thức kích hoạt nào thật sự cần thiết và nguy cơ nào gây nhiều hại hơn lợi. Các chính phủ trên khắp thế giới đang phản ứng mạnh mẽ với cuộc khủng hoảng COVID-19 bằng cách ứng phó kết hợp về tài chính và tiền tệ, nó đã đạt tới 10% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, theo Cơ quan Kinh tế và Xã hội thuộc Liên Hiệp Quốc đánh giá tổng quát mới nhất, các biện pháp vực dậy này có thể không thúc đẩy cho tiêu dùng và đầu tư nhiều như các nhà hoạch định chính sách hy vọng.
Bạch Thái Bưởi, theo Wikipedia: “Là một doanh nhân người Việt đầu thế kỷ 20. Lúc sinh thời, ông được xếp vào danh sách bốn người giàu có nhất Việt Nam vào những năm đầu của thế kỷ 20 (nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Bưởi)… Xuất thân từ tầng lớp nghèo, ông luôn quan tâm đến đời sống của giới thợ thuyền. Ông dành chế độ an sinh cho các nhân viên của mình. Ông trợ cấp cho học sinh nghèo có chí du học… Năm 1921, Bạch Thái Bưởi cho ra đời tờ báo hàng ngày mang tên Khai hóa nhật báo với tôn chỉ: ‘Một là giúp đồng bào ta tự khai hoá, dạy bảo lẫn nhau... mở mang con đường thực nghiệp. Hai là giãi bày cùng Chính phủ bảo hộ những yêu cầu thiết thực, chính đáng của quốc dân. Ba là diễn giải những ý kiến, những lợi ích, tác hại của các công việc Chính phủ đang làm...’
Sự căng thẳng thẳng giữa nước Mỹ và Trung cộng mỗi ngày mỗi gia tăng. Thật vậy, kể từ ngày 25-9-2018, tổng thống Donald Trump đọc trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, kêu gọi các nước trên Thế giới: “Chống lại xã hội chủ nghĩa và những đau khổ do nó đã gây ra cho nhân loại.” Mời xem link: https://youtu.be/q6XXNWC5Koc?t=95. Từ đấy, khiến cho Trung cộng lo âu phập phồng vì cả Thế giới phê phán chủ nghĩa cộng sản gay gắt.
Kết quả bầu cử Thị xã vòng nhì hôm 28/6 vừa qua khoát cho nước Pháp bộ áo mới màu xanh. Bộ áo Pháp lần đầu tiên được mặc. Các Thị xã xưa nay do Thị trưởng xã hội, phe Hữu hay thuộc xu hướng khác nay phần lớn lọt vào tay đảng Xanh. Cả những Thị xã cho tới nay vẫn nằm trong tay cộng sản cũng bị đảng Xanh cướp mất. Giới chánh trị đều ngẩn ngơ trước thực tế hoàn toàn bất ngờ này. Nhiều nhà chánh trị học, nhà báo chánh trị bắt tay ngay vào việc tìm hiểu tại sao bổng nhiên xuất hiện làn sóng xanh chiếm gần hết các thành phố lớn nhỏ của Pháp? Tại sao chỉ có 4/10 người đi bầu? Vậy người được bầu thắng cử hay làn sóng cử tri vắng mặt mới thật sự thắng cử?
Những năm gần đây sự việc Trung Quốc chiếm đảo, vét cát dưới đáy biển xây dựng căn cứ quân sự, xây phi trường, đặt tên lửa tại biển Đông khiến người ta vô tâm quên mất rằng cánh tay dài của Đại Hán đã vươn qua biển thò đến tận Phnom Penh tự thuở nào. Dưới mắt nhiều quan sát viên quốc tế thì Campuchia ngày nay là một tỉnh của Trung Quốc, và Thủ tướng Hun Sen là một bí thư tỉnh ủy của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không hơn không kém.Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự trên đất Campuchia là mối đe dọa nghiêm trọng cho các quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á, và Hoa Kỳ chắc chắn không thể không nhận ra hiểm họa to lớn đó. Trong buổi tường trình lên Ủy ban Tình báo Thượng viện Hoa Kỳ hôm tháng Giêng năm 2019, Giám đốc Sở Tình báo Quốc gia, lúc đó là ông Dan Coats, đã cảnh báo rằng “Campuchia đang có nguy cơ biến thành một quốc gia độc tài, và điều đó sẽ mở đường cho Trung Quốc thiết lập các căn cứ quân sự trên miền đất ấy.”
Ngày 22 tháng 6 năm 2020, dự luật An Ninh Quốc Gia về Hồng Kông được đưa ra tại quốc hội của Đảng Cộng Sản Trung Hoa để thông qua, và đêm 30 tháng 6 rạng sáng ngày 1 tháng 7, 2020, sau một phiên họp kín của Ủy Ban Thường Vụ Đại Biểu Nhân Dân (mà thế giới gọi là quốc hội bù nhìn tại Bắc Kinh) dự luật này đã trở thành luật. Ngày mà Luật An Ninh Quốc Gia về Hồng Kông này ra đời cũng trùng ngày mà Hồng Kông được trao trả lại cho China 23 năm trước 01-07-1997 theo thể chế “một nước hai chế độ” (one country two systems). Theo đó Hồng Kông vẫn còn quyền tự trị trong 50 năm từ 1997 đến 2047, và trên lý thuyết Hồng Kông chỉ lệ thuộc vào Bắc Kinh về quân sự và ngoại giao mà thôi.
“Ngày 11/07/1995: Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.” Với quyết định lịch sử này, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng sản đã ghi dấu “gác lại qúa khứ, hướng tới tương lai” được 25 năm vào ngày 11/07/2020. Nhưng thời gian ¼ Thế kỷ bang giao Mỹ-Việt đã đem lại những bài học nào cho hai nước cựu thù, hay Mỹ và Việt Nam Cộng sản vẫn còn những cách biệt không hàn gắn được ?
Trước 1975, ở bùng binh ngã Sáu (kế góc đường Gia Long và Lê Văn Duyệt) có cái biển nhỏ xíu xiu: Sài Gòn – Nam Vang 280 KM. Mỗi lần đi ngang qua đây, tôi đều nhớ đến cái câu ca dao mà mình được nghe từ thưở ấu thơ: Nam Vang đi dễ khó về… Bây giờ thì đi hay về từ Cambodia đều dễ ợt nhưng gần như không còn ma nào muốn hẻo lánh tới cái Xứ Chùa Tháp nghèo nàn này nữa. Cũng nhếch nhác ngột ngạt thấy bà luôn, ai mà tới đó làm chi… cho má nó khi. Thời buổi này phải đi Sing mới đã, dù qua đây rất khó và về thì cũng vậy – cũng chả dễ dàng gì.
Càng gần ngày tranh cử, càng nhiều người biểu lộ yêu mến Tổng thống Donald Trump và ngược lại cũng lắm người bày tỏ chán ghét ông Trump. Có những người ghét ông chỉ vì họ yêu chủ nghĩa xã hội, yêu chủ nghĩa vô chính phủ, lợi dụng cơ hội ông George Floyd bị cảnh sát đè cổ chết đã chiếm khu Capitol Hill, nội đô Seattle, tiểu bang Washington, trong suốt ba tuần trước khi bị giải tán. Nhân 244 năm người Mỹ giành được độc lập từ Anh Quốc, và sau biến cố George Floyd, thử xem nền dân chủ và chính trị Hoa Kỳ sẽ chuyển đổi ra sao?
Tôi có dịp sống qua nhiều nơi và nhận thấy là không nơi đâu mà những từ ngữ “tổ quốc,” “quê hương,” “dân tộc” … được nhắc đến thường xuyên – như ở xứ sở của mình: tổ quốc trên hết, tổ quốc muôn năm, tổ quốc anh hùng, tổ quốc thiêng liêng, tổ quốc bất diệt, tổ quốc muôn đời, tổ quốc thân yêu, tổ quốc trong tim … “Quê hương” và “dân tộc” cũng thế, cũng: vùng dậy, quật khởi, anh dũng, kiên cường, bất khuất, thiêng liêng, hùng tráng, yêu dấu, mến thương …
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.