Hôm nay,  

Tình Người Muôn Vàn

07/08/201200:00:00(Xem: 12630)
Thời gian gần đây, tôi được đọc một số bài của nhà văn Tràm Cà Mau và lấy làm thích thú được biết rằng: Tác giả dù bị đau bệnh nhiều mà vẫn cung cấp cho độc giả những bài viết đày tính cách lạc quan khích lệ - có tác dụng nâng cao trí óc và tâm hồn chúng ta (uplifting). Những bài viết như thế đó rõ ràng biểu lộ một sự suy nghĩ tích cực - mà người Mỹ gọi là "Positive Thinking" - như đã được trình bày trong một cuốn sách nổi tiếng của tác giả Norman Vincent Peale phổ biến từ thập niên 1950 (The Power of Positive Thinking).

Trong bài viết mới đây nhất phổ biến vào đầu tháng Bảy năm 2012, nhan đề là "Ơn Đời Chứa Chan ", ở đọan kết luận - tác giả Tràm Cà Mau đã trưng dẫn lời biện bạch của nhân vật lớn tuổi là ông Tư đại khái như sau: Ông đang được hưởng nhiều phước hạnh do Trời ban, nhiều ân nghĩa của nhân lọai xã hội, nhiều tình thương của gia đình, bạn bè... Và ông Tư thấy tội nghiệp cho những người "nắng không ưa, mưa không chịu", luôn luôn bi quan bất mãn và tự làm khổ cho chính bản thân mình...

Chính vì tâm đắc với nội dung của bài "Ơn Đời Chứa Chan" nói trên của tác giả Tràm Cà Mau, mà tôi xin ghi lại những sự việc mình đã đích thân chứng kiến có liên hệ đến chuyện ân nghĩa trên đời qua bài viết này với nhan đề: "Tình Người Muôn Vàn".

I - Trước hết là câu chuyện xung quanh Nạn Đói năm Ất Dậu 1945 tại làng quê tôi.

Đầu năm 1945, tại vùng đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc quê hương tôi đã xảy ra nạn đói khủng khiếp gây ra cái chết thảm thương cho đến mấy triệu nạn nhân. Cụ thể trong làng tôi thuộc xã Cát Xuyên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thì có đến 30% dân làng bị thiệt mạng - trong đó có rất nhiều bà con và bạn hữu gần gũi của tôi, điển hình là chú Đòan Đức Thiêm là người em út của bố tôi. Vì đói, nên chú Thiêm phải bỏ nhà ra đi biệt tăm mất dạng và đã bỏ xác nơi đâu - mà không một ai trong dòng họ biết đích xác được là chú mất ở đâu, vào ngày giờ nào nữa.

Ngay trong nhà tôi, thì nhiều khi bố mẹ tôi cũng phải cho nấu gạo độn thêm với khoai sắn hay với cám - để dành ra chút ít gạo nhằm cứu trợ cho bà con trong làng. Mẹ tôi bảo: Mình bớt ăn nhịn tiêu đi, để mà “nhường cơm sẻ áo” cho người đang thiếu thốn, thì điều đó mới đích thực có ý nghĩa cao quý.

Đặc biệt là ông bố tôi đã ra tay tổ chức chôn cất cho những người chết đói bỏ xác "vô thừa nhận" tại khu chợ Cát trong làng. Ông cụ phải cho một người trai trẻ ăn no để anh còn có sức phụ giúp ông khiêng xác chết đem ra chôn ngòai nghĩa địa - nơi huyệt mộ cả hai người vừa mới hì hục đào lên.

Việc ông cụ tự nguyện đứng ra "chôn xác kẻ chết" như thế đã được bà con trong làng đánh giá cao, họ gọi đó là thể hiện cái tình "nghĩa tử là nghĩa tận". Và sau đó Tòa Giám mục Công giáo ở Bùi chu đã cấp cho ông cụ một tấm bằng khen ngợi công việc bác ái này của cụ.

Chuyện bố mẹ tôi nêu tấm gương từ thiện bác ái như thế giữa lúc bà con bị khốn khổ vì nạn đói năm Ất Dậu 1945 đen tối thảm hại đó - quả thật đã ảnh hưởng sâu sắc đến anh chị em chúng tôi trong gia đình. Và điều đó sau này cũng thúc đảy tôi nhập cuộc cùng với các bạn đồng trang lứa ở vào tuổi trưởng thành - để dấn thân hết mình với công tác xã hội tại miền Nam Việt nam - nhằm cứu trợ những nạn nhân chiến cuộc giữa thời kỳ chiến tranh tàn khốc vào hồi thập niên 1960 - 70.

Rồi bây giờ đến lượt thế hệ thứ ba là các cháu nội ngọai của bố mẹ tôi, thì dù tất cả đều sinh sống trên đất Mỹ - các cháu cũng tham gia rất hăng say với công việc từ thiện nhân đạo tại Việt nam - cụ thể là thông qua các tổ chức Hope Today và SAP VN (Social Assistance Program).

II - Kỷ niệm về một số bạn hữu đã khuất bóng.

Khi từ miền Bắc di cư vào miền Nam năm 1954, thì tôi đã đến tuổi 20 và theo học tại trường Luật ở Saigon. Vào năm 1956, tôi cư ngụ tại cư xá sinh viên có tên là Câu lạc bộ Phục Hưng trên đường Nguyễn Thông gần với bệnh viện Saint Paul. Tại cư xá do mấy linh mục thuộc dòng Đa minh tổ chức này, tôi được gặp rất nhiều bạn có tinh thần hăng say với công tác xã hội và chúng tôi rủ nhau tình nguyện tham gia những việc làm cụ thể có ích cho đồng bào, điển hình như đến thăm viếng những trẻ em mồ côi ở các cô nhi viện, cứu trợ nạn nhân bão lụt, hỏa họan v.v...

Sau đó, thì các bạn lại lôi cuốn tôi tham gia sinh họat với Nhóm Thanh niên Thiện chí với những cuộc cắm trại kèm theo công tác phục vụ đồng bào ở địa phương - mà tiếng Mỹ gọi là "Work Camp". Rồi kể từ năm 1965, một số anh chị em chúng tôi đã hợp nhau thành lập một Chương trình Phát triển Cộng đồng tại địa phương các Quận 6, 7 và 8 Saigon. Rồi cũng qua những công tác xã hội như thế, tôi quen biết thêm được với nhiều người bạn người Việt cũng như người ngọai quốc - mà cùng có sự đồng cảm với mình trước nỗi khổ đau quá lớn lao của vô số những nạn nhân chiến cuộc.

Những bạn hữu này xuất thân từ nhiều quốc gia khác nhau với niềm tin tôn giáo khác nhau, và cũng khác nhau cả về mặt chính kiến nữa. Nhưng mà tất cả chúng tôi đều có một mẫu số chung, đó là cùng nhau ra sức phục vụ đồng bào Việt nam mình đang lâm vào hòan cảnh khó khăn bế tắc ngặt nghèo.

Dưới đây, tôi xin đơn cử trường hợp của một số bạn hữu thân thương mà tôi có duyên quen biết qua một số công việc cùng theo đuổi chung với nhau. Các bạn này đều đã qua đời từ ít lâu nay.

1 – Anh Nguyễn Đức Nhuần, sinh viên Dược khoa.

Anh Nhuần quen biết với tôi từ hồi còn học ở ngòai Bắc và sau này lại ở chung với nhau tại cư xá Phục Hưng Saigon từ năm 1956. Anh tham gia sinh họat với Nhóm Thanh Lao Công (JOC = Jeunesse Ouvrìere Catholique) từ hồi còn ở Hanoi cùng với các anh Nguyễn Đức Phong, Nguyễn Quang Hồ…Trong thời gian ở Phục Hưng, anh Nhuần có nhờ tôi dịch một vài tài liệu bằng tiếng Pháp để đăng trong nội san của Nhóm. Nhưng chẳng bao lâu sau, anh bị đau bệnh phổi và qua đời vào đầu năm 1957 tại nhà thương Saint Paul trước sự thương tiếc của số đông sinh viên chúng tôi trong cư xá.

Qua anh Nhuần, tôi có dịp tìm hiểu thêm về sinh họat của Phong trào Thanh Lao Công trên thế giới, đặc biết là các bài viết của vị Sáng lập của JOC, đó là Linh mục Joseph Cardijn người Bỉ. Ông khuyên các đòan viên JOC là phải thực hiện cả 3 việc, đó là: Xem – Xét – Làm (Voir – Juger – Agir) trong mọi hành động nhằm nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của giới lao động nghèo khổ bần cùng.

Và tôi thật cảm kích trước tấm gương nhập cuộc của bà Simone Weil là một giáo sư về môn Triết học - mà lại đi làm một công nhân tại hãng chế tạo xe hơi Renault - để cùng chia sẻ nỗi vất vả cơ cực của giới lao động thời trước đệ nhị thế chiến. Simone Weil là bạn học cùng lớp với Simone de Beauvoir người bạn đời nổi danh của Jean Paul Sartre ấy.

Người sau này cũng có lý tưởng phục vụ giới lao động như anh Nhuần, đó là anh Nguyễn Văn Tánh hiện cũng ở Bruxelles nước Bỉ. Anh Tánh vừa được bàu vào chức vụ Chủ tịch Ủy Ban Bảo vệ Lao động trong kỳ Đại hội tại Washington DC vào cuối tháng 6 năm 2012 này, mặc dù anh đã ngòai 80 tuổi rồi.

2 – Chị Phạm Thị Thân, sinh viên Nha khoa.

Từ năm 1957, qua sự giới thiệu của anh bạn Bùi Minh Đức sinh viên Y khoa, tôi bắt đầu sinh họat với Nhóm Thanh niên Thiện chí lúc mới còn phôi thai chỉ có chừng vài chục sinh viên. Trong Nhóm này, người họat động kiên trì bền bỉ nhất phải kể đến chị Phạm Thị Thân. Đó là người mà từ khi còn là một nữ sinh ở ngòai Hanoi thì đã là một đòan viên nòng cốt của Phong trào Nữ Hướng Đạo Việt nam. Sau khi đi du học ở Mỹ về, thì chị Thân đã góp phần quan trọng vào việc phát triển Phong trào Thanh niên Thiện chí ở Việt nam song song với nhiệm vụ của một Tổng Ủy Viên của Nữ Hướng Đạo.

Vì không bận rộn với chuyện gia đình riêng tư, nên chị đã dành tòan thời gian ngòai việc dậy học tại Đại học Nha khoa cho cả hai tổ chức Nữ Hướng Đạo và Thanh niên Thiện chí này. Chị Thân đã qua đời tại Mỹ vào năm 2007 ở tuổi 75. Trước năm đó, thì cũng đã có nhiều huynh trưởng của Phong trào Thanh Thiếu niên ở miền Nam trước năm 1975 đã ra đi, điển hình như các bạn Trần Đại Lộc, Lê Đình Điểu, Trần Huy Phong, Nguyễn Hữu An, Ngô Mạnh Thu, Đỗ Ngọc Yến... Và gần đây vào năm 2010 - 2011 là Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Đức Quang...

Chị Thân cũng như các bạn nói trên là những nhân vật tiêu biểu cho thế hệ những người trẻ đã dấn thân tích cực trong việc phục vụ nhân quần xã hội tại Việt nam giữa thời kỳ chiến tranh khói lửa khốc liệt trong các thập niên 1960 – 70. Họ đích thực là những đại diện xuất sắc của khu vực Xã Hội Dân Sự tại miền Nam vậy.

3 – Anh Gene Stoltzfus của Đoàn Xây Dựng Hòa Bình Thiên Chúa Giáo (CPT = Christian Peacemaker Team).

Gene Stoltzfus đã từng là một đòan viên của tổ chức Thanh Niên Chí Nguyện Quốc Tế họat động tại Việt nam hồi đầu thập niên 1960. (IVS = International Voluntary Services). Sau đó, anh trở về Mỹ và đi học thêm về môn Á châu học (Asian Studies) và Thần học. Năm 1988, Gene cùng các bạn đứng ra thành lập tổ chức "Đòan Xây Dựng Hòa Bình Thiên Chúa Giáo" (CPT) gồm những thiện nguyện viên đi đến những vùng có nguy cơ xung đột bạo động để tìm cách thuyết phục hai bên đối nghịch dàn xếp các mâu thuẫn tranh chấp bằng sự thương lượng và thỏa hiệp với nhau (compromise) thay vì sử dụng bạo lực chém giết lẫn nhau. Các bạn tình nguyện trong CPT này thực hành đúng theo lời giáo huấn được ghi rõ trong cuốn Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo, đó là: "Phúc thay cho những kẻ làm cho người hòa thuận" (Blessed are the Peacemakers).

Các đòan viên này phải đối đầu với sự nghi kỵ căng thẳng từ cả hai phía, nên chịu áp lực rất nguy hiểm, đến nỗi có người bị sát hại giữa lúc tìm cách giàn xếp cuộc tranh chấp ở địa phương. Tổ chức CPT được một số tôn giáo yểm trợ về tài chánh cũng như về tinh thần, nhưng họ lại không chủ trương đi truyền đạo như các giáo sĩ.

Tôi có dịp gặp lại Gene vào năm 2008 tại trụ sở của cơ quan xã hội trung ương của giáo hội Mennonite (MCC = Mennonite Central Committee) tại thành phố Akron trong khu vực Lancaster tiểu bang Pennsylvania. Lúc đó, anh đã về nghỉ hưu và sinh sống với gia đình ở Canada. Nhưng vào năm 2010, Gene đã qua đời vì bệnh tim ở vào tuổi 70 (1940 – 2010). Gene đã để lại thương tiếc cho bao nhiêu bạn hữu vốn hằng quý mến và khâm phục tinh thần hăng say của anh trong công cuộc xây dựng hòa bình tại nhiều nơi trên thế giới.

4 – Anh Vũ Lục Thủy, nhà biên khảo về văn học và lịch sử.

Anh Vũ Lục Thủy tên thật là Vũ Năng Phương quê quán tại làng Lục Thủy huyên Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Anh có niềm say mê với sách vở ngay từ thời còn nhỏ tuổi, lúc mới chập chững vào lớp trung học. Vào những năm 1951 - 52, tôi thường có dịp đến chơi với Phương ở nhà của cha mẹ anh tại làng Lục Thủy.

Bạn bè học cùng lớp với anh tại trung học Chu Văn An Saigon như các anh Trần Huy Bích, Hà Mai Phương cũng là những nhà nghiên cứu có tiếng tăm, thì đều quý mến và đánh giá cao công trình biên khảo của Vũ Lục Thủy. Mà các bậc trưởng thượng về văn học như cụ Nguyễn Khắc Kham, Tăng Xuân An, Nguyễn Đình Hòa, thì đều mến mộ anh và gọi anh là “Tiên sinh”. Bác sĩ Phạm Hữu Trác ở Canada là bạn học cùng quê thì cho biết là: "Vào những năm đầu thập niên 1980, Phương hay nhờ tôi mua giùm một số sách xuất bản ở trong nước mà chỉ ở Canada mới có bán, vì nước này có giao thương với Hanoi – trong khi ở Mỹ thì vẫn còn áp dụng lệnh cấm vận đối với Việt nam..." Với niềm say mê tìm tòi nghiên cứu trong nhiều năm tháng, anh bạn Vũ Lục Thủy đã cho phổ biến được nhiều bài viết rất có giá trị về lịch sử và văn học mà được các học giả và công chúng đánh giá cao.

Nhưng không may, Vũ Lục Thủy đã đột ngột qua đời ở San Diego California vào mùa hè năm 2001 lúc mới ở tuổi 65 – 66. Thật là sự mất mát lớn cho giới nghiên cứu biên khảo của Việt nam vậy.

Trên đây, tôi chỉ trưng dẫn một số trường hợp điển hình về hành động của các nhân vật là cha mẹ, là bạn hữu thân thiết của tôi. Những việc làm của họ rõ ràng là xuất phát từ tấm lòng yêu thương đồng lọai, quý trọng sự sống con người, yêu mến văn hóa dân tộc. Dù tất cả họ chẳng phải là những nhân vật kiệt xuất hay vĩ nhân anh hùng gì - thì trong phạm vi khả năng giới hạn của mỗi người, họ cũng đã cố gắng đóng góp thật đáng kể cho sự an vui của nhân quần xã hội. Tôi thật biết ơn vì tấm gương tốt đẹp sáng ngời như thế của cha mẹ cũng như của các bạn hữu thân thương đã để lại cho bản thân mình từ suốt bao nhiêu năm qua.

Và như tôi đã có lần nhắc đến: Tôi thật tâm đắc với câu trong bài hát của nhạc sĩ Trầm tử Thiêng: “Tạ Ơn Trên: Người Vẫn Thương Người “. Bài viết đơn sơ mộc mạc này là một minh họa cho cái tấm lòng nhân ái bao la rộng mở của rất nhiều bà con trong thế hệ chúng ta ngày nay vậy.

Một lần nữa, tôi xin cảm ơn nhà văn Tràm Cà Mau - vì bài “ Ơn Đời Chứa Chan” của ông đã tạo hứng khởi cho tôi để viết thành bài “ Tình Người Muôn Vàn “ này đây./

Costa Mesa, California ngày 5 tháng Tám năm 2012

Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
Không phải “học” mà là bắt, là tóm đầu, là tống cổ vào nhà giam: khi cân bằng quyền lực ở Hà Nội xáo trộn với tiền chấn rung chuyển tận Amsterdam thì cái khẩu hiệu quen thuộc của Vladimir Lenin ngày nào cũng phải được cập nhật. Không còn “Học, học nữa, học mãi” mà, táo tợn hơn, hệ thống quyền lực đang giỡn mặt Lenin: “Bắt, bắt nữa, bắt mãi”.
Câu chuyện kể từ xa xưa, rất xa xưa, là từ thời đức Phật còn tại thế: Có một người Bà La Môn rất giầu có và rất quyền thế, ông thích đi săn bắn thú vật trong rừng hay chim muông trên trời. Một hôm đó, ông bắn được một con thiên nga to đẹp đang bay vi vút trong bầu trời cao xanh bát ngát thăm thẳm trên kia. Con thiên nga vô cùng đẹp bị trúng đạn, rơi xuống đất, đau đớn giẫy và chết. Ông liền chạy tới lượm thành quả của ông và xách xác con thiên nga lộng lẫy về cho gia nhân làm thịt, làm một bữa nhậu, có lẽ.
Dù đã từ trần từ lâu, Võ Văn Kiệt vẫn được người đời nhắc đến do một câu nói khá cận nhân tình: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Tôi vốn tính hiếu chiến (và hiếu thắng) nên lại tâm đắc với ông T.T này bởi một câu nói khác: “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to”. Dù chỉ ngắn gọn thế thôi nhưng cũng đủ cho người nghe hiểu rằng Việt Nam là một cường quốc, chứ “không phải dạng vừa” đâu đấy!
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.