Hôm nay,  

Bố Tôi – Một Kỷ Niệm

15/06/201200:00:00(Xem: 13335)
Hôm ấy là ngày thi vô trường trung học của tôi. Lúc ấy tôi mới 11 tuổi, vừa xong tiểu hoc. Tôi ghi danh thi vào trường nữ trung học Gia Long, một trong hai trường nữ trung học nổi tiếng của Sàigòn bấy giờ. Bố tôi chở tôi đằng sau chiếc vespa của người, vội vã chở tôi tới Gia Long để kịp giờ thi. Nhưng khi tới nơi thì mới biết là chúng tôi đã tới lầm trường. Tuy rằng tôi thi vào Gia Long, nhưng trung tâm thi lại là ở trường nữ trung học Trưng Vương. Thế là bố con vội vã chở nhau tới Trưng Vương. Khi tới nơi cũng vừa kịp giờ thi. Tôi nhớ khi tôi sửa soạn bước vào phòng thi, bố đã vuốt tóc tôi và nói: “Đừng sợ con ạ. Thi đậu hay rớt cũng không thành vấn đề. Nếu rớt không vào Gia Long được thì bố cho con vào học một trong những trường bố dậy, hoặc về học tiếp ở Regina Pacis… con muốn chọn trường nào bố cho con học trường đó”. Thế là tôi tỉnh bở, hiên ngang bước vào phòng thi, chẳng chút mảy may lo sợ. Tôi ngồi đó, nhìn những đứa bé gái khác trong phòng thi. Đứa nào cũng lo lắng ra mặt. Còn tôi thì tỉnh queo, vì đã có bố trấn an, có rớt cũng chẳng sao. Tôi tỉnh đến nỗi khi đề luận được đưa ra, tôi có cảm tưởng như không phải là mình đang thi, mà là đang viết chuyện, đang sáng tác. Tôi hăng say viết. Rồi đến khi thi tóan, vì trí óc không lo lắng nên tôi rất là sáng suốt, giải bài nào cũng được. Tôi vừa giải bài, vừa viết nắn nót, trình bày cho thật đẹp. Khi thi sử địa, tôi hơi bị khựng vì tôi không thuộc bài. Tuy rằng đã được học luyện thi, nhưng vì tật lười, ham chơi nên 300 bài học tôi chỉ thuộc có một số ít bài. Nhưng tôi có nhớ mang máng những sự kiện lich sử và địa lý đã được học trong lớp, nên tuy tôi không trả lời những câu hỏi trong bài thi được một cách chính xác, nhưng dựa theo kiến thức hạn hẹp của mình, tôi cũng đã “tán hưu, tán vượn”, trả lời tất cả những câu hỏi. Tôi viết thật nhiều, kể lể dài dòng, “thêm mắm thêm muối”, hy vọng rằng người chấm thi không cho 10 điểm thì cũng thấy tôi viết nhiều mà cho tôi 5 điểm cũng không đến nỗi. Có lẽ vì nhờ đã lén mẹ đọc bao nhiêu chuyện từ chuyện trinh thám Z28 tới tuổi hoa xanh tới hoa tím yêu đương lãng mạn nên tôi đã có đầu óc tưởng tượng phong phú, và đã tận dụng mang ra xài. Sau khi thi xong, tôi ung dung ra về. Bố tôi đón tôi ở cổng trường. Bố cũng chẳng hỏi tôi là tôi làm bài như thế nào, chỉ mỉm cười vuốt tóc tôi, rồi cho tôi đi ăn kem trước khi về nhà. Và tôi, tôi cũng chẳng suy nghĩ gì thêm, chỉ nghĩ rằng nếu mình có rớt cũng chẳng sao, vì đã được bố trấn an như thế.

Mùa hè tiếp tục trôi.Tôi đi bơi, đánh banh đũa với chúng bạn hàng xóm. Rồi tháng 8 tới, các trường học bố tôi dậy đã bắt đầu năm học mới.Kết quả cuộc thi vẫn chưa được công bố.Bố tôi đã ghi danh cho tôi học một trong những trường bố tôi dậy là trường Lê Bảo Tịnh, vì các anh của tôi đều học ở đó.Lúc đó tôi không muốn trở lại Regina Pacis vì chưong trình trung học sẽ được chuyển tiếp qua chương trình Việt, và cũng vì xa nhà.Lần đầu tiên tôi được học trường Việt Nam.Tôi học mê man, hăng say, môn nào cũng được điểm cao.Tôi không còn phải lo đọc và phân tích những văn phẩm Notre Dame de Paris, Les Miserables của văn hào Pháp nổi tiếng Victor Hugo, mà bố tôi đã bao nhiêu lần nói với tôi rằng quá khó cho trình độ tiểu học, dù rằng cho chương trình Pháp. 

Tôi nhớ rõ ngày tôi được biết kết quả cuộc thi. Hôm đó anh em chúng tôi đang đi bơi ở hồ tắm trong bộ Tổng Tham Mưu.Bố tôi bước vào, với gọi tôi tới.Tôi bơi tới, đứng dưới nước, bố tôi trên bờ.Bố ngồi xuống nói với tôi: “Con đậu rồi…” Tôi hỏi:“Đậu gì, bố?”Hỏi xong tôi mới sực nhớ tới cuộc thi trung học.Tôi hỏi lại: “Đậu vô Gia Long hả bố?”. Bố tôi trả lời: “Ừ, con đậu cao lắm.Nhất là về luận văn.Bài luận con viết chắc khá lắm…”.Tôi nhớ lúc đó tôi chẳng mừng chẳng vui, chỉ nghĩ rằng rồi sao đây, bây giờ tôi phải học trường nào? Và tôi cũng biết tại sao tôi đậu cao, là nhờ câu nói trấn an của bố tôi.Còn bố tôi thì cũng rất tỉnh, không có vẻ mừng hoặc vui thái quá, mà chỉ có một vẻ hài lòng nhẹ nhàng pha lẫn chút hãnh diện.

Sau một tháng học tại Lê Bảo Tịnh, tôi được xếp hạng nhất trong lớp. Tôi có nhiều bạn và được các thầy cô cưng chiều. Vì vậy, tôi không muốn rời ngôi trường này. Lấy cớ là Gia Long học buổi chiều, tôi đã xin bố cho tôi đi học cả 2 trường: tiếp tục đi học ở Lê Bảo Tịnh buổi sáng, và Gia Long buổi chiều. Tôi nghĩ chắc chắn là sẽ được, vì thông thường thì bố mẹ nào thấy con hiếu học cũng đều cho con học, càng nhiều càng tốt. Thế nhưng bố tôi lại không. Bố tôi suy nghĩ đắn đo, sau cùng bố tôi nói rằng bố không muốn cho tôi đi học 2 buổi như vậy, vì tôi sẽ vất vả và sẽ mệt. Bố khuyên tôi chọn một trong hai trường. Bố cũng nói rằng tôi nên vào Gia Long, vì đó đã là nguyện ước của tôi ngay từ ban đầu.Tôi đã từ giã mái trường bố dậy, các bạn và các thầy cô, để bắt đầu năm học mới tại ngôi trường Gia Long cổ kính.

Ngày đầu tiên vào Gia Long, tôi xúng xính trong chiếc áo dài trắng mẹ mới đặt may.Tôi vén vạt áo dài ngồi lên yên xe vespa của bố, để bố chở tới trường.Đó là lần đầu tiên tôi được mặc áo dài để đi học.Tôi có cảm tưởng như mình đã là một thiếu nữ, không còn là cô bé mặc đầm nhỏng nhẻo bố mỗi khi bố chở đi học.Lúc tới nơi, bố dẫn tôi tới tận trong sân trường, và chờ tới khi tôi vào lớp bố mới trở ra đi về. Tôi ngồi trong lớp, nhìn theo dáng bố bước đi, mà lòng rộn lên một nỗi thương.Bố tôi đó.Bề ngoài là một Giáo Sư nghiêm nghị ít nói, nhưng bên trong lại là một người cha đầy tình cảm.Tôi đã có thật nhiều những kỷ niệm đẹp thời thơ ấu trong ngôi trường Gia Long cổ kính này, nhưng có một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được.Đó là lần bố chở tới trường để thi, và câu nói trấn an của bố, câu nói đã củng cố tinh thần tôi và cho tôi một sự tự tin để vững an làm bài thi.

Tôi tiếp tục lớn lên trong tình thương của bố, của mẹ, của gia đình, trong sự che chở của Thiên Chúa.Và tôi đã bao nhiêu lần xin Chúa nhận lấy bố tôi như một món quà quý nhất của tôi để Ngài che chở và yêu thương.Ngài đã nhận lời nên bố vẫn còn ở với chúng tôi cho đến bây giờ.

Bây giờ bố tôi đã già, đã hơn 80 tuổi.Tuy rằng sức khỏe đã sa sút nhiều, nhưng bố vẫn còn rất minh mẫn.Hằng ngày bố tôi vẫn viết báo, viết sách, chơi đàn piano, nói chuyện với mẹ tôi, với con cháu.Lâu lâu chúng tôi tụ họp cùng bố mẹ và gia đình đi ăn ở ngoài.Tôi hy vọng rằng bố tôi sẽ tiếp tục ở với chúng tôi thêm nhiều năm nữa, để chúng tôi tiếp tục là những người con may mắn vẫn còn có cha, có thêm thật nhiều những kỷ niệm đẹp với bố.Tôi hy vọng rằng bố tôi biết rằng chúng tôi thương bố biết là chừng nào.

Bố ơi, bố có biết rằng chúng con thương bố không? Thương thật nhiều, bố ạ.

Tặng bố, nhân ngày Fathers day - June 19, 2012
Ly Băng
Houston, Texas

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau hơn 30 năm, người Việt tại Mỹ đã đạt được những thành công rực rỡ. Ngành nghề nào cũng có bóng dáng người Việt đứng đầu.
Cách đây đúng 40 năm, kinh tế gia (và chính trị gia thiên tả) người Thụy Điển là Gunnar Myrdal đã tìm hiểu về sự nghèo khốn tại Á châu
Một buổi lễ cầu nguyện cho Phật Giáo Miến Điện và Việt Nam sẽ được tổ chức cuối tuần này ở Canberra, Úc Châu
Chỉ xem qua bích chương giới thiệu về chương trình Đại nhạc hội Mùa Hè Rực Rỡ - Yêu Đời và Yêu Người
Nhân một bản tin của thông tấn VN sau đây, tôi sẽ phân tích tình hình và đưa ra biện pháp để giải quyết rốt ráo vấn đề nầy: Sáu tháng
Việt Nam hiện nay sau một thời gian dài chiến tranh, đang ở vào thời kỳ mùa xuân của dân tộc. Đất nước đang nở rộ, phát triển về mọi mặt
Trong dã tâm bá quyền này, Bắc Kinh đã trơ tráo thông báo rằng sẽ mở các chuyến du lịch bằng tàu lớn, để du khách có thể thưởng ngoạn
Tính đến ngày 25 tháng 9, những cuộc biểu tình rộng lớn của hàng chục ngàn nhà sư Miến Điện tại thủ đô Rangoon đã trải qua ngày thứ 9
Ở nhiều nước văn minh cũng như kém văn minh, tham nhũng và lãng phí của công bị coi như chuyện xấu xa trong xã hội
Đầu tháng 9 năm ngoái, 2006 khi tôi phổ biến lá thư ngỏ đầu tiên lên tiếng với cộng đồng về việc chồng tôi bị nhà cầm quyền Cộng sản bắt ở Việt Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.