Hôm nay,  

Luật Cải Tổ Y Tế Và Tối Cao Pháp Viện

10/04/201200:00:00(Xem: 14687)
...Chế độ bảo hiểm y tế toàn dân thật ra là ý kiến chính của bà Hillary Clinton khi bà còn là đệ nhất phu nhân...

Trong tuần trước, chúng ta đã bàn về tương lai có thể nói mù mịt của luật Cải Tổ Y Tế -thường được gọi là Obamacare- của TT Obama. Sau khi đa số các tiểu bang thưa kiện, vấn đề đã ra trước Tối Cao Pháp Viện và đã được các thẩm phán ở đây bắt đầu cứu xét.

Như đã nói qua tuần trước, cho đến nay, ít ai dám khẳng định Tối Cao Pháp Viện sẽ biểu quyết theo chiều hướng nào, nhưng qua các câu hỏi các vị thẩm phán nêu ra, có nhiều triệu chứng cho thấy ít nhất điều luật bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm y tế có thể sẽ bị phán quyết là vi phạm Hiến Pháp và phải thu hồi.

Cũng trong bài tuần trước, có vài điểm tác giả đã không đào xâu hơn, gây thắc mắc cho độc giả: tại sao các tiểu bang thưa kiện chính phủ liên bang, và tại sao một luật tương tự khi ban hành tại Massachusetts trước đây đã không bị thưa trước Tối Cao Pháp Viện.

Nay xin nói cho rõ. Như tác giả có viết sơ qua, việc mua bán bảo hiểm được thực hiện trên khắp 50 tiểu bang, trở thành một giao dịch thương mại liên tiểu bang –interstate commerce- và do đó theo Hiến Pháp, chính quyền liên bang có quyền can thiệp và ra luật. Hai mươi sáu tiểu bang do Thống Đốc Cộng Hòa lãnh đạo đã thưa kiện, cho rằng chính quyền liên bang không có quyền xen vào chuyện nội bộ của các tiểu bang, chế tạo ra một giao dịch thương mại liên tiểu bang (bắt mọi người phải mua bảo hiểm), rồi ra luật áp đặt lên các tiểu bang.

Sở dĩ chỉ có các tiểu bang Cộng Hòa thưa kiện là vì trong quan niệm bảo thủ Cộng Hòa, quyền hạn của chính quyền liên bang giới hạn, trong khi quan niệm Dân Chủ cho phép chính quyền liên bang can thiệp mạnh hơn. Đây không phải là vấn đề phe đảng, cũng không phải vấn đề tranh đấu cho người nghèo hay bênh nhà giàu, mà thực sự là vấn đề quan điểm chính trị về vai trò và quyền hạn của Nhà Nước.

Tối Cao Pháp Viện trên căn bản sẽ cứu xét chính quyền liên bang có quyền hạn tới đâu dựa trên Hiến Pháp, so với quyền hạn của các tiểu bang, và so với quyền tự do cá nhân được Hiến Pháp bảo vệ.

Tại Massachusetts là tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, trước đây, luật cải tổ y tế của Thống Đốc Mitt Romney áp đặt bảo hiểm y tế lên dân của toàn tiểu bang được mọi người chấp nhận không ai phản đối và thưa kiện gì hết. Cho dù có thưa kiện thì cùng lắm chỉ lên đến Tối Cao Pháp Viện của tiểu bang chứ không thuộc thẩm quyền Tối Cao Pháp Viện Liên Bang. TĐ Romney đang gặp khó khăn với khối cử tri bảo thủ Cộng Hoà trong cuộc tranh cử tổng thống chính vì đã là cha đẻ luật bảo hiểm y tế toàn dân đầu tiên cũng là duy nhất trong 50 tiểu bang. Nhưng ta cũng cần ghi nhận ông Romney cho rằng luật cải tổ y tế của ông không giống luật cải tổ y tế của TT Obama, và nếu đắc cử, việc đầu tiên ông làm sẽ là thu hồi luật của TT Obama.

Trở lại việc Tối Cao Pháp Viện có thể ra quyết định thu hồi luật cải tổ của TT Obama, đây là chuyện rất có thể xẩy ra. Có một vài độc giả có nhận định lạ lùng, cho rằng cho dù Tối Cao Pháp Viện tuyên bố luật này vi hiến, TT Obama vẫn có thể cứ áp dụng cũng chẳng sao. Đây là lý luận theo sách vở của các “đỉnh cao trí tuệ loài người”, không hiểu mô tê gì về chế độ dân chủ Mỹ. Nước Mỹ có thể có một rừng luật nhưng không theo luật rừng. Tối Cao Pháp Viện phán quyết vi hiến thì tổng thống phải thu hồi thôi. Nước Mỹ không có chế độ hành pháp nắm quyền trong khi quốc hội là tay sai và tối cao pháp viện để làm cảnh.

Điều đáng nói là chẳng những có vài độc giả có phản ứng lạ lùng trước vấn đề trọng đại và phức tạp này, mà ngay cả TT Obama cũng có phản ứng còn … lạ lùng hơn nữa.

Tối Cao Pháp Viện ngày Thứ Sáu 30 Tháng Ba vừa qua đã họp để biểu quyết vấn đề. Nhưng kết quả đầu phiếu được giữ tuyệt đối bí mật trong khi các vị thẩm phán thảo ý kiến giải thích về quyết định của họ. Mọi chuyện sẽ chỉ được chính thức công bố vào hạ tuần Tháng Sáu tới. Tuy nhiên, trước những câu hỏi “hóc buá” của các thẩm phán, giới chuyên gia phần nào đã đoán được kết quả. Có lẽ TT Obama cũng đã đoán được kết quả, hay ông muốn “đánh phủ đầu” trước, nên đã có phản ứng thật mạnh và thật lạ lùng.

TT Obama công khai lên tiếng cho rằng nếu Tối Cao Pháp Viện bác luật Cải Tổ Y Tế, thì đây sẽ là một quyết định chưa từng xẩy ra –unprecedented- trong lịch sử khi mà các vị thẩm phán không ai bầu –unelected- lại có thể biểu quyết bác bỏ một quyết định của đại đa số dân biểu và nghị sĩ đã được dân bầu.

Lời tuyên bố đã gây sửng sốt trong giới luật gia. Đây là lời tuyên bố chẳng những của một tổng thống, mà cũng là của một giảng sư về luật Hiến Pháp Mỹ tại Đại Học Chicago. Sửng sốt vì chứng tỏ hai điều: 1) ông không hiểu rõ vai trò và quyền hạn của Tối Cao Pháp Viện, và không chấp nhận nguyên tắc phân quyền của chế độ chính trị nước Mỹ, và 2) không thuộc lịch sử Mỹ.

Điểm thứ nhất đáng chú ý vì lạ lùng nhất, lời tuyên bố này có thể được hiểu như TT Obama cho rằng các thẩm phán không có chính danh vì không được ai bầu, do đó không có quyền bác một quyết định của quốc hội do dân bầu.

Các thẩm phán không do dân trực tiếp bầu thật, nhưng do tổng thống đề cử và Thượng Viện phê chuẩn, tức là đã có bầu gián tiếp bởi tổng thống và các thượng nghị sĩ do dân bầu. Thật ra, ngay cả tổng thống Mỹ cũng không do dân bầu trực tiếp, mà là do dân bầu đại biểu đoàn, rồi đại biểu đoàn mới bầu tổng thống. Dù sao thì cũng không vì vậy mà các thẩm phán không chính danh và không có quyền bác một điều luật do quốc hội biểu quyết. Trong chế độ dân chủ Mỹ, vai trò của Tối Cao Pháp Viện rất rõ ràng: bảo đảm sự tuân thủ tuyệt đối Hiến Pháp, tức là cứu xét xem những quyết định của Hành Pháp và Lập Pháp có tuân theo Hiến Pháp hay không. Chuyện này là chuyện học sinh tiểu học ở Mỹ cũng đã phải học.

Tam quyền phân lập thực sự là nền tảng của chế độ chính trị Mỹ. Giữa tam quyền này từ trước đến giờ vẫn có quyền khác biệt ý kiến, thậm chí thỉnh thoảng chỉ trích lẫn nhau, nhưng chuyện Hành Pháp đặt vấn đề chính danh của Tư Pháp quả là “vô tiền khoáng hậu”. Nếu nói không chính danh thì chẳng phải chỉ có những thẩm phán “bảo thủ” do các tổng thống Cộng Hòa đề cử là không chính danh, mà ngay cả các thẩm phán “cấp tiến” do các tổng thống Dân Chủ đề cử cũng đều không chính danh hết, kể cả hai vị mới được TT Obama bổ nhiệm gần đây. Nếu không chính danh thì Tối Cao Pháp Viện cũng không còn lý do tồn tại, và cần phải hủy bỏ.

Lời tuyên bố của TT Obama đã khiến ba vị thẩm phán trong một toà kháng án liên bang tại Texas (Fifth Circuit Court) đang xử một vụ thưa kiện liên quan đến luật Cải Tổ Y Tế chính thức đòi hỏi Bộ Trưởng Tư Pháp trong vòng hai ngày phải trả lời bằng văn thư –giấy trắng mực đen- nêu rõ quan điểm của Hành Pháp Obama về vấn đề Tối Cao Pháp Viện có quyền cứu xét và bác bỏ luật do quốc hội biểu quyết hay không, để các ông biết đường phán quyết.


Hai ngày sau, Bộ Trưởng Eric Holden chính thức xác nhận Tối Cao Pháp Viện có tiếng nói cuối cùng quyết định mọi điều luật do quốc hội biểu quyết và tổng thống ký, và hành pháp Obama tuyệt đối tôn trọng mọi quyết định của Tối Cao Pháp Viện. Một cách rõ ràng bác bỏ lập luận của TT Obama là các thẩm phán không ai bầu không thể thu hồi một luật đã được quốc hội biểu quyết.

Điều hiển nhiên là thiên hạ có quyền không đồng ý với một phán quyết của Tối Cao Pháp Viện. Nước Mỹ phân hoá thành hai khối cấp tiến và bảo thủ rõ ràng. Ngay cả trong nội bộ Tối Cao Pháp Viện cũng có hai khối: bốn thẩm phán cấp tiến (trong đó có hai bà mới được TT Obama bổ nhiệm), bốn thẩm phán bảo thủ, và một vị đứng giữa, nay bỏ phiếu theo bên này, mai cho bên kia, là thẩm phán Anthony Kennedy, thường là tiếng nói quyết định. Chính vì thẩm phán Kennedy đã có những câu hỏi hóc buá nhất về luật Cải Tổ Y Tế nên mọi người cho rằng có thể ông sẽ biểu quyết theo khối bảo thủ chống lại Obamacare.

Những phán quyết có lợi cho cấp tiến đương nhiên sẽ bị phe bảo thủ chỉ trích, và ngược lại, những phán quyết có lợi cho khối bảo thủ cũng sẽ bị khối cấp tiến đả kích. Chuyện này bình thường. Nhưng đặt vấn đề chính danh và phủ nhận quyền hạn của Tối Cao Pháp Viện là điều chỉ có TT Obama là người đầu tiên dám làm.

Điểm đáng nói thứ hai là Tối Cao Pháp Viện từ ngày được thành lập đến giờ, ngay từ những ngày đầu Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ mới ra đời, đã có không biết bao nhiêu quyết định. Quyết định xác nhận việc tuân thủ Hiến Pháp, quyết định diễn giải Hiến Pháp, và cũng rất nhiều quyết định thu hồi những luật hay kết án những hành động vi phạm Hiến Pháp của lập pháp và hành pháp.

Đây là sự thực lịch sử. Không phải là lần đầu tiên Tối Cao Pháp Viện phán quyết bác một luật do quốc hội biểu quyết như TT Obama tố giác.

Điểm thứ ba nữa là TT Obama khi nói luật Cải Tổ Y Tế đã được đại đa số quốc hội thông qua là đã không nói đúng sự thật.

Luật này được cả thượng viện lẫn hạ viện thông qua tuyệt đối theo tính cách phe đảng, không có một phiếu Cộng Hoà nào. Đã vậy cũng không có đủ hết phiếu Dân Chủ vì một số dân biểu Dân Chủ bảo thủ cũng chống đối, khiến luật phải được thông qua tại thượng viện bằng một kẽ hở thủ tục biểu quyết của quốc hội. Tại hạ viện, luật được thông qua với số phiếu 219-212, chỉ qua khít nút với đa số 7 phiếu trong khi đảng Dân Chủ nắm đại đa số.

Thông qua bằng kẽ hở hay bằng bẩy phiếu đều không thể nói là thông qua bằng đại đa số phiếu được. Và hình như TT Obama cũng quên hiện nay có khoảng 60% dân Mỹ đang chống đối luật Cải Tổ Y Tế của ông, và 67% chống điều lệ bắt buộc tất cả mọi người mua bảo hiểm.

Việt Nam ta có câu “giận quá mất khôn”, không hiểu có thể áp dụng được trong trường hợp này hay không. TT Obama, xuất thân là giảng sư về luật Hiến Pháp (Constitutonal Law) phải là người hiểu rõ Hiến Pháp hơn ai hết, nhưng lại phát ngôn những lời tuyên bố hoàn toàn lạ lùng của một người không biết gì về cơ cấu chính trị Mỹ. Do đó, lời tuyên bố của ông quả là làm chấn động chính trường Mỹ.

Trong những ngày qua, báo chí, kể cả báo “phe ta” cũng đã phải lên tiếng đặt vấn đề. Nhà báo Jon Meacham của tuần báo Time đã viết bài dài khuyên nhủ TT Obama không thể công khai đánh nhau với Tối Cao Pháp Viện. Phát ngôn viên Toà Bạch Ốc trong mấy ngày liền, bù đầu tìm cách hoá giải vấn đề. Ông cho rằng báo chí và thiên hạ đã “hiểu lầm” (misunderstand), và TT Obama chỉ muốn nói đây là lần đầu tiên một luật thương mại bị bác vì Tối Cao Pháp Viện không can dự vào các giao dịch thương mại, cũng như TT Obama chỉ muốn lưu ý Tối Cao Pháp Viện nên tôn trọng quốc hội do dân bầu. Việc phát ngôn viên lúng túng bóp méo vấn đề không thỏa mãn được ai hết, nhưng rồi truyền thông phe ta cũng “thông cảm” với tổng thống và tránh đào sâu hơn câu nói hớ của tổng thống.

Nhiều chuyên gia cho rằng TT Obama không phải “nói hớ”, mà hiểu rõ ông đang làm gì. Trước nguy cơ bộ luật “để đời” của ông bị bác, TT Obama chuẩn bị thế tấn công Tối Cao Pháp Viện, đổ lỗi lên các thẩm phán bảo thủ, tìm cách kích động khối cử tri “nghèo” hay cấp tiến hăng hái bỏ phiếu bầu ông lại để ông có dịp bổ nhiệm thêm thẩm phấn cấp tiến, thay đổi thành phần Tối Cao Pháp Viện. Chiến thuật này là con dao hai lưỡi vì đồng thời nó cũng có thể kích động khối bảo thủ đi bầu đông đảo để không cho TT Obama đắc cử và thay đổi cấu trúc Tối Cao Pháp Viện. Một nước cờ nhiều rủi ro của một cao thủ.

Bà Maureen Dowd đã là nhà báo cấp tiến đầu tiên tiếp tay TT Obama trong tuần qua, khi bà viết bài trên báo “phe ta” New York Times sỉ vả Tối Cao Pháp Viện.

Có một điều rất trớ trêu mà rất lý thú mà truyền thông “phe ta” tránh nhắc lại. Chuyện thiết lập một chế độ bảo hiểm y tế toàn dân thật ra là ý kiến chính của bà Hillary Clinton khi bà còn là đệ nhất phu nhân cũng như khi bà ra tranh cử tổng thống năm 2007-08. Nhưng khi đó, bà bị thượng nghị sĩ Barack Obama chống đối và đả kích, cho rằng luật này đưa hành pháp đi quá xa, vượt quyền hạn do Hiến Pháp cho phép, cũng như tốn kém quá, không thực tế. Nhưng bây giờ thì chính TT Obama lại là người ôm lấy chủ trương của bà Hillary, và đang phải đối phó với những chỉ trích mà chính ông đã gán lên bà Hillary.

Đã có nhiều giả thuyết cho rằng TT Obama đã chuyển hướng trong vấn đề này để đổi lấy hậu thuẫn của cố thượng nghị sĩ Ted Kennedy cũng như hậu thuẫn sau này của bà Hillary Clinton. Thế mới nói trong chính trị Mỹ, “coi dzậy mà hổng phải dzậy chút nào”! Các chính khách thương thảo và trao đổi với nhau trong hậu trường, trong khi các đệ tử gân cổ chửi bới nhau ngoài đường.

Tối Cao Pháp Viện là nơi chỉ dành để giải quyết những vấn phức tạp và khó khăn nhất. Phán quyết về luật Cải Tổ Y Tế sẽ là một quyết định mang ý nghiã cực kỳ lớn lao, chẳng những vì đụng đến vấn đề sức khỏe của hàng trăm triệu người, mà còn đụng cả đến nền tảng cơ cấu chính trị Mỹ. (8-4-12)

Vũ Linh

Ghi chú:Có độc giả nhận định bài viết tuần trước chỉ là những tin vịt, “không có bằng chứng gì” về những điều tác giả viết. Trong tất cả mọi bài viết, những “dữ kiện” tác giả đưa ra đều là những sự thật mà tại xứ Mỹ này, ai cũng có thể kiểm chứng được qua hàng triệu websites, nhưng dĩ nhiên phần “nhận định, lý luận và bình luận” là ý kiến riêng của tác giả, không nhất thiết ai cũng đồng ý, kể cả Ban Biên Tập Việt Báo có thể cũng không chia sẻ quan điểm với tác giả, nhưng vẫn đăng vì muốn phản ánh tính đa dạng của báo. Nếu độc giả nào chứng minh được tin tác giả đưa ra là phịa, tác giả sẽ nhận trách nhiệm.

Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.

Ý kiến bạn đọc
11/04/201215:41:36
Khách
Cách viết của Buu Chau dường như là đang "bị " ở VN - hay là "bị " thường xuyên đi về - nên cần rất "là " nhiều thông tin để mở rộng kiến thức , cho thấy Buu Chau rất "là" quan tâm đến hải ngoại mà việc này hơi "bị " 1 chiều đấy !!!
12/04/201215:58:58
Khách
Trong giờ tin buổi tối ngày 11-4-2012 trên đài CNN (Cái loa chuyên bới móc chuyện Kỳ thị Trắng-Đen để kiếm quảng cáo)bà Hilary Rosen, một Chiến-lược-gia của đảng Dân-chủ, cũng là Cộng-tác-viên của CNN, đả phát biểu đại khái rằng :" Bà Ann Romey( phu nhân của Mitt Romey)chưa bao giờ đi làm, trong suốt quãng đời của Bà". Sau lời phát biểu đầy màu sắc "chính-trị" này, bà Ann Romey đã xuất hiện trên Fox News phản pháo đại để rằng:"Vai trò chính của Bà là chu toàn nhiệm vụ của một người Mẹ lo săn sóc cho 5 người con ,phụ giúp Chồng trong việc tề gia nội trợ và nếu còn thì giờ ,thì lo việc xã-hội v.v.". Theo thống kê cho biết, hiện có khoảng 21% bà Mẹ không đi làm, lo việc gia đình, đó là chưa kể một số không nhỏ lo việc Nội trợ gọi nôm na là "Mr Mom". Và để đỡ đòn cho bà Hilary Rosen, cũng như giải toả thế cờ bí của đảng Dân-chủ, Cố-vấn về tái tranh cử của Obama , đã lên tiếng yêu cầu bà Hilary Rosen xin lỗi bà Ann Romey. Chờ xem ! Tưởng cũng nên nhắc lại một sự việc là vào vài tháng trước đây, khi vụ chính quyền Obama đòi hỏi các tổ-chức Tôn-giáo Hoa-kỳ phải cung cấp thuốc ngừa thai cho phụ-nữ làm việc trong các cơ quan thuộc Tôn-giáo ,thì lập tức bị Công-giáo phản đối kịch liệt và Quốc-hội ( cả phe Cộng-hoà và Dân-chủ tổ chức rầm rộ những buổi điều trần về vụ việc này). Về phía Dân-chủ thi đưa ra con "Cò mồi" là một nữ sinh-viên trường luật ,cốt để ủng hộ cách thế ngừa thai, còn phía Cộng-hoà đưa ra toàn "Đực rựa" cốt để chống cách thế ngừa thai. Khi trận chiến đôi bên chưa phân thắng bại, thì Rush Lim-bờ, một nhân vật bảo thảo Cộng-hoà ngứa lỗ tai,ngứa miệng đã chõ mồm vào, lên tiếng chửi rủa cô nứ sinh trường luật là "Đĩ điếm" này nọ. Thế là phe Dân-chủ , với sự ủng hộ, góp ý của truyền thông Cành Tả, phát động cuộc " Chiến tranh Đàn Bà " ( Women War) chống phe Cộng-hoà. Rush Lim-Bờ bèn xin lỗi cô ta, nhưng phe Dân-chủ vẫn không tha cho và lấy đó như là chiến lược tranh cử để kiếm phiếu "Các Bà". Cuộc chiến Đàn-bà chưa ngả ngũ , thì Hilary Rosen lại hà hơi tiếp sức và bây giờ thì lại đên lượt phe Cộng-hoà phản công về cái gọi là cuộc "Chiến Đàn Bà". Ôi chính trị là thế đó ! Ai hiểu chi mô rứa ! Vubinh
11/04/201222:21:32
Khách
Cũng khá lâu tôi rất bận nên đã bỏ lỡ 5 tuần không đươc đọc nhiều bài viết của tác giả Vũ Linh, có một thời
gian những người hay viết chỉ trích tác giả đã ngưng vì họ được bình an trong tâm hồn, bây giờ có thể tâm
hồn bất an họ lại bắt đầu khó chịu và tiếp tục chỉ trích tác giả nữa. Ông Vũ Linh viết rất công bằng mà những người không thích ông vẫn chỉ trích ông hầu bênh vực đấng tiên tri Obama cho bằng được.
Thật là không hiểu nổi nhữnng người cố chấp. Xin cám ơn toà soạn. Người thấy sao nói vậy thành Sắcto.
11/04/201220:37:51
Khách
Gửi bạn BUU-CHAU ! " Vu-Linh nói hơi bị một chiều đấy ". Vậy, đề nghị Buu-Chau nói thử xem, Bạn nói theo chiều nào ? Hay lại cũng "Một chiều" hoặc đầy "Cảm tính" như rứa thôi ?! "Nói ra thì dễ, nhưng viết ra thì khó lắm đấy, bạn ạ ! Mời bạn tham gia nói hay viết thử coi. Tôi đã thử, nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ "Chữ-nghĩa" . Các Cụ ta nói :" Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe ".Vubinh
11/04/201220:18:50
Khách
Ông James là Tiên-sỹ tốt nghiệp trường Đại-học Tổng-hợp Hà-nội (Các bạn Ông quen giới thiệu Ông như thế), nên chớ có coi thường Ông này, kẻo mà vào "Hoả Lò" sớm đấy. Ông này chuyên "Sổ" chữ Tây ,chữ Mỹ trên diễn đàn Việt. Lần tới, tôi đề nghị Ông dịch dùm ra nghĩa chữ Việt để người Việt dễ hiểu lời Ông phát ngôn. Trường hợp " Tây ,Mỹ, Việt đều ba rọi cả, nhờ ban biên-tập Việt-báo dịch dùm ,được không Ông bạn James ? Tiện đây tôi xin được góp ý về điều mà Ông James nói là " Thông-đốc Brown California tuyên bố thi hành ObamaCare cho dù TCPV huỷ bỏ !" như thế này :" Hiến-pháp Hoa-kỳ quy định rõ 3 quyền phân lập : Hành-pháp, Lập-pháp và Tư-pháp. Quyền Tư-pháp được trao cho Tối-cao Pháp-viện và Hệ-thống Toà-án Liên-bang và Tiểu-bang .Tối-cao Pháp-viện có quyền đặc biệt là duyệt xét tính hợp Hiến của các đạo-luật Liên-bang (trong đó có ObamaCare) và Tiểu-bang. Quyết định của TCPV có tính cách CHUNG THẨM. Để biện minh cho quyền này của TCPV, Chánh-thẩm Marshall (1803) đã suy luận như sau : 1/Hiến pháp là luật tối thượng của Quốc-gia và chi phối mỗi thành phần của Chính-phủ. 2/ Nhiệm vụ của quyền Tư-pháp là giải thích nội dung luật -pháp. Từ đó, quyền của Tư-pháp là duyệt xét và giải thích luật nào hợp và luật nào nghịch lại với Hiến-pháp Hoa-kỳ. Từ thời Marshall, TCPV đã xử dụng quyền này nhiều lần và quyết định có thể là vô-hiệu-hoá một phần hay toàn phần của đạo-luật ". Do đó ,nếu ObamaCare bị TCPV huỷ bỏ ,thì lời tuyên bố của Jerry Brown được coi như " cái thùng rỗng kêu to" hay chỉ là tiếng kêu" ngoài hoang địa" mà thôi. Góp ý tới đây, tôi lại nhớ, có một lần Ngài Nghị-sỹ Dân-chủ thuộc TB New-York, Chuck Schumer phát ngôn tại diễn đàn Thượng-viện rằng có " Ba ngành phân lập: Hành-pháp, Thượng-viện và Ha-viện ". Ông này là Nghi-sỹ mà còn không rành Hiến-Pháp Hoa-kỳ như vậy ,huống hồ chi, Ông bạn Tiến-sỹ Việt-nam James phát biểu "lạ đời" là phải ! Xin Ông bạn Tiến-sỹ James nhớ cho :" Phản biện khác xa với Nguỵ biện". Cám ơn các bạn trên diễn đàn Việt-báo. Vubinh
13/04/201221:25:38
Khách
Gửi ban biên tập Việt-báo ! Tôi rất cám ơn Việt-báo đã dành cho đọc giả có cơ hội học hỏi hay bổ túc thêm những ý kiến trong một số bài viết liên quan đến chính-trị thời cuộc . Tuy nhiên, thay vì học hỏi thêm, thì một số bạn đọc đã dùng diễn đàn cho những mục đích thiếu trong sáng . Để tránh mọi lạm dụng sau này, tôi xin được đề nghị cùng Ban-biên-tận là nên đưa ra một số Quy tắc cho diên-đàn, hầu giúp cho đọc giả cảm thấy thoải mái mỗi khi góp ý. Riêng phần cá nhân tôi, không hiểu vì lý do nào đó, một số góp ý trước đây và trong tuần này của tôi, đã không được BBT "Post",mặc dầu tôi đã đăng nhập đúng cách ???. Xin cho biết ý kiến . Cám ơn Ban biên-Tập. vubinh

==================
từ ngày 9 tháng 4-2012 VB network gặp phải cuộc tấn công khá lớn bằng DDoS chúng tôi bận chống trả những cuộc tấn công lớn, nên đã không có thời gian xem ý kiến đọc giả. Hôm nay tình hình tạm lắng đọng chúng tôi đã cập nhật toàn bộ các ý kiến.

Vì trang web có nhiều em trẻ đọc nên những ý kiến có lời văn không được sạch sẽ chúng tôi buộc lòng phải xóa bỏ, theo nhận xét trong thời gian qua chúng tôi chưa xóa bất kỳ ý kiến nào của "vubinh", vài dòng tỏ tường.

Nhìn văn nói người mong góp ý trong tinh thần tôn trọng văn minh.

VB Admin
14/04/201204:32:29
Khách
Chưa đầy 24 giớ sau, thì bà Hilary Rosen, Chiến-lược-gia của đảng Dân-chủ đã lên CNN ngỏ lời " Xin lỗi bà Ann Romney " .Ngài TT Obama và Phu-nhân cũng có vài lời phân trần cho có lệ .Theo tin tức " xì ra" từ Toà Nhà-trắng thì bà Lilary Rosen đã ra vào thăm Ngài Obama tới 35 lần, đó là chưa kể 5 lần họp riêng với Ngài Obama, như vậy có thể rằng Ngài Obama đã "Mớm"câu " phát ngôn " đó cho bà , thay vì chính Ngài vì Ngài sợ phản ứng ngược . Ngài Obama vốn có cái tài là dùng " Miệng Đàn Bà" để " Công-kích" Đàn bà ,dùng "Gậy Ông đập lưng Ông". Một điểm cần nhấn mạnh là ,trong lúc đưa lời xin lổi thì bà Hilary Rosen củng không quên nhắc đến thành tích ủng hộ Đàn bà của Ngài Obama . Xem ra " cuộc chiến Đàn bà" còn nhiều màn "Cụp lạc" trong những ngày tháng tới. Rush Limbaugh, thuộc phe Bảo thủ, chống phá tai, đã lớn tiếng chỉ trích cô Sandra Fluke, sinh-viên năm thứ ba, trường Đại-học luật Georgetown khi cô này đòi cung cấp miễn phí thuốc ngừa thai bằng tiền thuế của Dân, mà lẽ ra cô có thể mua bất cứ tiệm thuốc Tây nào, với giá chỉ có 10 Đô la một tháng. Cuộc chiến "Đàn bà" chỉ thật sự bùng nổ, ngay sau khi Rush Limbaugh lớn tiếng gọi cô Sandra Fluke là thuộc loại đĩ điếm hoang đàng, chỉ biết lo quyền lợi cá nhân mà thôi. Rush Limbaugh,, sau khi thấy lỡ mồm, đã thành thật xin lỗi, nhưng phe Dân-chủ có bao giờ tha cho Ông. Thật tội nghiệp ! " Sẩy chân còn sửa được, chứ sẩy Mồm thì vô phương " là thế ! vubinh
10/04/201215:39:44
Khách
Cám ơn ông Vũ Linh vì bài viết này đã giải thích được thêm nhiều cho đồng bào VN tại Mỹ và cũng thật ... buồn cho ông vì phí thời gian với ... mấy cái đầu gối !!! chả viết được cái gì mà chỉ giỏi phá thối mà thôi ! Rõ chán !
10/04/201215:02:25
Khách
Xin đồng ý với tòa soạn là cần phải có tính đa dạng của một tờ báo; tuy nhiên bài viết của những người có trình độ thấp kém thì xin tòa soạn gạn loc qua một bên.
Xin Cám Ơn
10/04/201214:22:08
Khách
Thưa ông Jams,

Ông đang nói tầm xàm gi vậy? Ông đang ở trên mây hay trên trời? Đây là nước Mỹ chứ đâu phải VN hay thiên đường XHCN! Phai chú ý va tim hiểu nhửng quan điểm mình đưa ra. Cám ơn ông.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.