Hôm nay,  

BRIC à BRAC

04/04/201200:00:00(Xem: 12525)
Thật ra, cái câu lạc bộ này chỉ ồn ào khi hùa nhau đả kích Mỹ...

Ngân hàng BRICS một dự án khó hoàn tất

Thành lập một ngân hàng phát triển chung hay «BRICS Bank» là sáng kiến được Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đề xướng tại hội nghị Thượng đỉnh New Delhi ngày 28/03/2012. Ngân hàng BRICS thực sự đáp ứng những nhu cầu tài chính hay chỉ là những tính toán mang nặng màu sắc chính trị từ phía các nền kinh tế đang trỗi dậy ?

Trong bản thống cáo kết thúc Thượng đỉnh lần thứ tư tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào tuần trước, năm nước thành viên nhóm BRICS nêu lên một số vấn đề kinh tế cần được xúc tiến. Nổi bật nhất là dự án thành lập ngân hàng phát triển chung có tên gọi là «BRICS Bank» hay «South–South Bank» để hỗ trợ cho các nước phương Nam phát triển. Rời khỏi New Delhi bộ trưởng Tài chính các nước thành viên bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của một dự án được coi là đầy tham vọng.

Ngoài ra, Brazil Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi chỉ trích các nước công nghiệp phát triển đã bơm quá nhiều tiền vào guồng máy kinh tế của họ để vượt qua khủng hoảng tài chính 2009, qua đó tạo nên tình huống «dư thừa tiền mặt» trên thị trường, làm khuynh đảo thị trường tại các quốc gia đang vươn lên.

Điểm thứ ba làm nhóm BRICS bực bội liên quan đến tiến trình cải tổ bị coi là quá chậm chạp của định chế tài chính đa quốc gia, Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Các nền kinh tế đang trỗi dậy cho rằng phương Tây vẫn khóa chặt cửa IMF và WB để độc quyền lèo lái vận mệnh tài chính và kinh tế của thế giới.

Chính vì muốn thoát ra khỏi tình huống đó mà BRICS tại New Delhi đã coi dự án thành một lập ngân hàng phát triển chung là trọng tâm thượng đỉnh lần thứ tư. Mục tiêu đề ra nhằm tài trợ cho các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở tại các quốc gia đang phát triển đồng thời thắt chặt quan hệ giữa năm anh em cùng một nhà là Brazil, Nga, Á, Trung Quốc và Nam Phi.

BRICS bao gồm 40 % dân số trên hành tinh, bảo đảm đến gần 20 % GDP toàn thế giới và là khu vực có tỷ lệ tăng trưởng hấp dẫn vào bậc nhất địa cầu. Cho dù Bắc Kinh và New Delhi giảm dự phóng tăng trưởng cho năm 2012, nhưng GDP của Trung Quốc dự trù tăng 7,5 % và của Ấn Độ là 6,9 % cũng đủ làm các cột trụ kinh tế thế giới truyền thống là Âu Mỹ hay Nhật ganh tị. Năm ngoái tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch giữa 5 thành viên tăng 28 %, đạt 230 tỷ đô la.

Nhóm BRICS hiện đang làm chủ một khối dự trữ ngoại tệ 5.000 tỷ đô la. Tham vọng thành lập một ngân hàng riêng của nhóm các quốc gia đang trỗi dậy cũng là điều dễ hiểu đặc biệt là khi khối tiền khổng lồ đó gần như chỉ được dành để mua công trái của Hoa Kỳ hay đầu tư vào châu Âu.

Với trọng lượng kinh tế ngày càng lớn, đòi hỏi phải có tiếng nói quan trọng hơn trên sân khấu kinh tế thế giới là điều chính đáng. Tuy nhiên, xét về phương diện kinh tế thì dự án cho ra đời thêm một ngân hàng phát triển để giúp đỡ các nước phương Nam không hẳn là một điều cần thiết. Đây là một dự án «nặng phần trình diễn» hơn là về mặt nội dung.

Về tính khả thi, dự án xây dựng một ngân hàng chung giữa năm quốc gia thuộc nhóm BRICS còn phải kể đến một yếu tố quan trọng: đành rằng Brazil, Nga, Ấn Độ Trung Quốc và Nam Phi đều muốn có một chỗ đứng quan trong hơn trên bàn cờ kinh tế và tài chính thế giới, nhưng bản thân các quốc gia này cũng có những quyền lợi chồng chéo với nhau và họ cũng là những quốc gia cạnh tranh lẫn với nhau. Đó là chưa kể đến những hiềm khích lịch sử và chính trị trong quá khứ.

Bên cạnh đó, hiểm họa lớn hơn nữa là trong tương lai Trung Quốc với 3.200 tỷ đô la dự trữ - nặng gấp sáu lần chiếc gối đô la của Nga và gần gấp 10 lần so với Ấn Độ - sẽ không ngần ngại áp đảo bốn thành viên còn lại trong nhóm BRICS.

Riêng đối với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, ngân hàng phát triển BRICS trong tương lại còn có nguy cơ trở thành một cánh cửa để Trung Quốc đổ vào các nước nghèo những dự án đầu tư bừa bãi, gây tai hại cho môi trường và đời sống con người.

Trước hết ông Nguyễn Xuân Nghĩa trở lại với sự hình thành và những bước đầu của nhóm năm nước BRICS.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Năm 2001, một kinh tế gia và Chủ tịch phân vụ Quản trị Tài sản của tập đoàn đầu tư Goldman Sachs của Mỹ là Jim O'Neill phát minh ra chữ B.R.I.C. Đó là tên tắt của bốn nước có nền kinh tế đang lên của thế giới, là Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

- Có thể là vì tiện dụng khi ông O'Neill chọn tên tắt cho dễ đọc như thói quen đã thấy của ông ta. Riêng tôi còn ngờ là ông ta cần chiêu dụ thân chủ quốc tế cho tập đoàn Goldman Sachs nên cho họ uống nước đường khi đề cao ưu điểm hoặc triển vọng của bốn nước đó. Nhưng thực tế thì chỉ là dán nhãn hiệu đẹp lên cái chai rỗng, sau đó mới tìm cách đổ vào trong một nội dung thống nhất, hoặc một dung dịch có thể hoà tan mà khôngthành nhũ tương hay chất nổ.

- Xin cho tôi nói đùa một câu: vì là dân Mỹ dùng tiếng Anh, có khi ông ta không biết một từ kép của Pháp là "bric à brac", một chữ sau này cũng đã thông dụng trong thế giới Anh ngữ. Ban đầu vào thế kỷ 19 thì từ "bric à brac" nghĩa là một tập hợp những vật kỳ lạ đáng sưu tầm, nhưng sau này có nghĩa là "đồ tầm tầm" thấy bán ngoài chợ trời! Nôm na thì đây là một sự «tào lao» trong nhiều sự tào lao mà cứ được lưu truyền vì dụng ý của các nước này!

- Từ nguyên thủy, xin hãy nhớ ba chuyện. Thứ nhất là sau Thế chiến II, khối công nghiệp hoá đã phát triển mạnh và viện trợ các nền kinh tế khác để ra khỏi tình trạng nghèo đói qua các giá trị phổ cập là kinh tế tự do và dân chủ chính trị. Họ còn xây dựng nhiều định chế quốc tế để cùng tham gia phát triển kinh tế toàn cầu và bên trong họ kiện toàn các cơ chế hợp tác có thực quyền, cụ thể như việc thống nhất kinh tế rồi chính trị Âu Châu hay Tổ chức Thương mại Thế giới. Các nước tư bản đó đã lập ra khối G-7 và thường xuyên họp hành hàng năm kể từ năm 1975.

- Chuyện thứ hai là Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1991 với sự xuất hiện của Liên bang Nga khi ấy chỉ còn là một vang bóng của siêu cường đã tiêu vong là Liên bang Xô viết, trong khi Hoa Kỳ chiếm vị trí siêu cường độc bá. Về sau, khối G-7 mới mời Nga tham dự không vì sức nặng kinh tế của xứ này mà vì trọng lượng về an ninh, và khối G-8 bắt đầu ra đời từ năm 1997 để cùng nhau giải quyết thiên hạ sự. Song song, các nước đang phát triển đã vươn lên và trở thành một nhóm quốc gia được gọi là "tân hưng", trong đó, Trung Quốc rồi Ấn Độ và Brazil tại Nam Mỹ chỉ là mấy nước đến sau và có trọng lượng là nhờ dân số cao, tổng cộng là gần ba tỷ dân.

- Thứ ba, biến cố then chốt là vụ khủng bố 9-11 năm 2001 tại Mỹ khiến Hoa Kỳ cùng đồng minh - hầu hết là các nước dân chủ kỹ nghệ - đều mắc bận với cuộc chiến họ gọi là chống khủng bố Hồi giáo toàn cầu. Đấy là lúc mà các nước kia mới thấy là phải nhân cơ hội mà đòi hỏi có trọng lực nặng hơn thay vì cứ để khối công nghiệp hóa Âu-Mỹ-Nhật chi phối mãi.

BRICS lợi dụng thời cơ để mở rộng tầm ảnh hưởng


Nguyễn Xuân Nghĩa: - Trung Quốc và Nga đã nghĩ đến việc tăng cường hợp tác để làm lực đối trọng với sức mạnh độc bá của Mỹ hầu có thể tiến tới một thế giới gọi là đa cực.

- Năm 1996, Bắc Kinh lập cơ chế hợp tác gọi là Tổ chức Thượng Hải, ban đầu với Liên bang Nga và ba nước Cộng hoà Hồi giáo Trung Á thuộc Liên bang Xô viết cũ. Năm 2008, do sáng kiến của Nga, ba Ngoại trưởng Nga, Tầu và Ấn lần đầu tiên tiếp xúc để nói chuyện hợp tác tay ba. Qua năm 2009, Trung Quốc và Nga mới nhân thượng đỉnh của Tổ chức Thượng Hải tại thành phố Yekaterinburg của Nga mà mời Brésil tham dự để tạo thêm vây cánh. Đó là Thượng đỉnh đầu tiên của nhóm BRIC, gồm có Nga, Tầu, Ấn và Brésil.

- Qua năm 2010, Trung Quốc mới mời thêm Cộng hoà Nam Phi với chủ đích lấy lòng các nước Châu Phi da đen, rồi nhóm BRICS này thành hình từ đầu năm 2011. Tôi gọi là "nhóm" BRICS chứ không là "khối" vì họ chỉ là một câu lạc bộ gặp nhau để nói chứ không làm, mà cũng chẳng có nổi một cơ chế cưỡng hành. Họ đang đi tìm nội dung cho cái chai rỗng mà một người Mỹ đã đặt tên! Năm nay là lần đầu mà họ có vẻ nói đến chuyện trọng đại qua một thông cáo chung gồm 50 điểm rất huê dạng hoành tráng!

Dự án Ngân hàng BRICS để bớt lệ thuộc vào đô la

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngay từ đầu, vào năm 2009, nhóm quốc gia ồn ào này kêu gọi một điều có vẻ hợp tình mà thật ra chẳng hợp lý. Đó là thành lập một loại ngoại tệ dự trữ toàn cầu và mặc nhiên chấm dứt vị trí thống trị của đồng Mỹ kim.

- Chuyện ấy có vẻ hợp tình và ăn khách nên Liên bang Nga mới nêu ra, vì chẳng lẽ các nước đang lên và nay buôn bán với nhau ngày một nhiều hơn lại cứ phải xài tiền của các nước tư bản đang mắc nợ như Mỹ, như Âu Châu hay Nhật Bản? Điều không hợp lý là chẳng ai có thể phán bảo là từ nay toàn cầu sẽ xài một loại tiền tệ nào đó từ trên trời rơi xuống.

- Ngoại tệ dự trữ phải là phương tiện hữu dụng – là dùng được để thanh toán giao dịch – và phải phản ảnh quy luật cung cầu, tức là được quyền trao đổi tự do, là chuyện chưa hề có với đồng Nguyên của Trung Quốc. Và nếu đồng Rúp Nga được tự do giao dịch thì có ngay nạn tẩu tán tài sản như người ta đã thấy từ năm ngoái vì những biến động chính trị ở bên trong.

Tính khả thi của dự án?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ngân hàng Thế giới đã thành một bộ máy thư lại quốc tế với quá nhiều nhược điểm tích lũy và quả là cần cải cách. Nhưng đến nay, đa số phần vốn - và từ đó là tiếng nói - thì vẫn nằm trong tay các nước đã phát triển. Ngoài ra, thế giới cũng có nửa tá ngân hàng phát triển địa phương để tài trợ các nước nghèo thiếu tín dụng ưu đãi và cần tư vấn kỹ thuật khách quan khi thực hiện các dự án phát triển của họ.

- Tại sao không chung tiền gom sức củng cố các cơ chế này? Trong khi ấy, điều mỉa mai là trong nhóm BRICS có Trung Quốc vẫn còn vay tiền loại ưu đãi của Ngân hàng Thế giới dù đã có điều kiện huy động vốn trên thị trường tài chính tự do. Vì sao họ không nhường phương tiện cho các nước nghèo?

- Ngẫm cho kỹ thì chuyện họ nói nhắm vào mục tiêu chính trị chứ không để giúp các xứ nghèo, hoặc để chung sức giải quyết nhiều vấn đề của thế giới. Vì vậy, nhóm BRICS này là một tập hợp của nhiều mâu thuẫn mà lớn nhất là những tính toán đối chọi giữa từng nước với nhau. Vì vậy tôi mới nói là chuyện chính trị tào lao!

Mâu thuẫn giữa các thành viên BRICS

- Ngoài lý do địa dư là sự tiếp cận giữa các thành viên của một nhóm, ta có thể nghĩ đến triết lý kinh tế chính trị tương đối thống nhất của cả nhóm, là điều không hề có.

- Như năm 2010, ba xứ dân chủ là Ấn Độ, Brésil và Nam Phi đòi lập ra một nhóm lấy tên tắt là I.B.S.A. Trung Quốc bèn phá vỡ thế liên kết khi đặt điều kiện cho Nam Phi tham dự nhóm BRICS. Đó là một thí dụ đầu tiên cho thấy khác biệt giữa ba nước dân chủ với một xứ độc tài là Liên bang Nga và một xứ toàn trị chưa chấp nhận kinh tế tự do là Trung Quốc.

- Sau khi đưa quân tấn công Gruzia vào Tháng Tám năm 2008, đầu năm 2009, Nga khống chế nguồn khí đốt bán cho xứ Ukraine để bắt bí Âu Châu vì họ mua khí đốt của Nga dẫn qua lãnh thổ Ukraine. Cũng vậy, cuối năm 2010, Trung Quốc đơn phương quyết định ngưng bán quý kim của công nghiệp cao cấp gọi là "đất hiếm". Hai xứ này có thể đơn phương dùng tài nguyên làm võ khí và không tôn trọng quy luật giao dịch tự do mà ba nước kia vẫn muốn đề cao.

- Chuyện thứ ba, nhóm BRICS nói đến phát huy "kinh tế xanh" theo tôn chỉ phát triển bền vững của Hội nghị RIO+20 năm nay của Liên hiệp quốc. Trong thực tế, Trung Quốc lạm thác cây rừng và khống chế nguồn nước từ đỉnh tuyết Hy Mã Lạp Sơn và các dòng sông trên Cao Nguyên Tây Tạng nên sẽ gây tai họa môi sinh kinh khủng cho Ấn Độ và mọi lân bang ở Châu Á trong thế kỷ 21 này. Nếu kể thêm sự ngang ngược của Bắc Kinh ngoài Đông Hải thì ta thấy ra trò bi hài.

- Chuyện thứ tư, nếu cần cải tổ các định chế quốc tế như Liên hiệp quốc hay Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế FMI thì tại sao Nga và Tầu không đồng ý cho Ấn Độ vào làm Hội viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc? Ngay trong Hội đồng Bảo an này, hai nước Nga và Trung Quốc còn phủ quyết việc trừng phạt xứ Syria độc tài đang tàn sát người dân vô tội. Làm sao có thể để các quốc gia vô đạo như vậy có thế lực chi phối thiên hạ sự của thế giới?

- Chuyện thứ năm, người lý tưởng ưa nói đến việc các nước nghèo phải liên đới tương trợ nhau qua quan hệ gọi là "Nam-Nam", tức là so với Bắc bán cầu là nơi tập trung các xứ giàu. Thực tế thì hãy xem mâu thuẫn mậu dịch rất nặng trong Thị trường Mercosur giữa các nước Nam Mỹ với nhau, trong đó có xứ Brézil. Hội nhập kinh tế giữa các nước tiếp cận mà không xong thì làm sao thống nhất hành động với các xứ ở xa, vốn đã có đầy mâu thuẫn trong lịch sử, như Nga, Tầu và Ấn? Vả lại, nếu thả ra thì xứ nào cũng đòi bảo hộ mậu dịch khiến các nước nghèo đều bị thiệt, đấy là sở trường của Trung Quốc và cả Ấn Độ.

- Sau cùng, trong mấy năm suy trầm vừa qua, ưu điểm biểu kiến, bề ngoài, của nhóm BRICS chẳng có gì là ưu việt vì sau khi tăng trưởng 7,5% vào năm 2010, xứ Brésil cũng bị suy trầm vì đạt tốc độ có 2,5% mà thôi và kinh tế Ấn Độ thì vẫn chưa ra khỏi nhiều sai lầm lưu cữu từ ba năm nay. Trong khi ấy, những xứ khác như Indonésie, Mexico hay Argentine cũng có lý do chính đáng tham gia vào nhóm này, nếu kể về dân số hay sức mạnh kinh tế của họ. Nếu gom ngần ấy nước lại, có khi ta sẽ có nhóm ABRACADABRA, là một câu thần chú của cổ tích!

- Kết luận thì nhóm BRICS đã nhân sáng kiến của một anh Mỹ đa sự mà kiễng chân cao quá tầm. Và nếu có thực tâm thì việc mời Trung Quốc tham dự vẫn khiến họ thất bại vì Bắc Kinh cứ đòi ngồi trên đôi vai của họ để uy hiếp thế giới và trục lợi riêng. Thật ra, cái câu lạc bộ này chỉ ồn ào khi hùa nhau đả kích Mỹ dù từng nước một lại muốn có quan hệ kinh tế đặc biệt với Hoa Kỳ. Đấy là một trò vui, nhưng không bền.

Nguyễn Xuân Nghĩa & Thanh Hà RFI

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một người quan tâm đến các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là người Hoa, người Chăm, người Thượng và người Khmer...
Từ năm 1949, người thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Hồ Chí Minh đã khoe “Đảng ta là vĩ đại, là đạo đức, là văn minh”. Về sau Đảng tự phong lên “thật là vĩ đại”. Không những thế, các thế hệ nối tiếp lại còn đồng ca “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.” Nhưng đảng lại tự cho mình quyền lãnh đạo độc quyền; không cho tư nhân ra báo và kiểm soát các quyền tự do cơ bản của con người, kể cả quyền tự do tư tưởng và tự do tôn giáo khiến nhân dân nghi ngờ, đảng viên hoang mang...
Hôm thứ Ba, 26/9/2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố một văn kiện nhan đề “Một cộng đồng toàn cầu trong một tương lai chung” với nội dung có thể xem như là tầm nhìn mới của Trung Quốc về một trật tự thế giới do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế trật tự hiện thời do Hoa Kỳ đứng đầu...
Trong một tập phim của chương trình truyền hình “Boston Legal” năm 2006, luật sư bảo thủ Denny Crane khẳng định rằng ông có quyền hiến định để mang theo một khẩu súng giấu kín: “Và Tối Cao Pháp Viện sẽ nói như vậy, ngay sau khi họ lật ngược án lệ Roe v. Wade.” Với một bộ phim được phát sóng cách đây 17 năm, đó là một trò đùa, một sự việc không thể tưởng tượng nổi vào thời điểm đó. Tuy nhiên, vào năm 2022, TCPV đã công bố cả hai thay đổi, chuyển một trò đùa không tưởng thành luật pháp của đất nước trong chớp mắt – báo hiệu sự khởi đầu của “cuộc cách mạng hiến pháp.”
Quãng hơn chục năm trước, nhà mình mua 1 mảnh đất gần 500m2 để xây nhà. Trên mảnh đất đó có 1 cây phong, cây mà lá của nó là biểu tượng trên cờ Canada. Cây phong không có tội tình gì ngoài chuyện đứng chình ình giữa vườn, nên nhà mình quyết định chặt đi; giá nó đứng ở góc thì sẽ không chặt chiếc gì …
Tình hình kinh tế Việt Nam đan xen mảng xám trong nhiều lĩnh vực của hệ thống tổ chức khiến nhà đầu tư lo âu và mức tiêu dùng của dân co lại...
Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Sau khi nâng cấp ngoại giao lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10-11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.
Theo tin Tổng Hợp ngày 10/9/2023, theo chân bốn đời tổng thống tiền nhiệm, Tổng Thống Joe Biden thăm Việt Nam với đoàn tùy tùng hủng hậu bao gồm các viên chức cao cấp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao cùng những công ty khổng lồ…không ngoài mục đích biến Việt Nam thành quốc gia hùng mạnh, độc lập, tự chủ để không còn lệ thuộc vào Trung Quốc...
Việt Nam và Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ ngoại giao cấp “chiến lược toàn diện”, sau 28 năm ngoại giao từ năm 1995. Quyết định này được công bố ở Hà Nội chiều ngày 10/09/2023 trong chuyến thăm 1 ngày rưỡi của Tổng thống Joe Biden...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.