Hôm nay,  

Tạp Ghi Huy Phương: Nhà Văn Huy Phương, Cây Thánh Giá Và Đường Khổ Ải

21/11/201100:00:00(Xem: 10530)
Tạp Ghi Huy Phương: Nhà Văn Huy Phương, Cây Thánh Giá Và Đường Khổ Ải

Nguyễn Xuân Nghĩa
Kính thưa quý vị, việc chúng tôi lên đây phát biểu thật ra là một tai nạn!
Ít ra là tai nạn cho tôi vì chẳng ai dự trù, chính chúng tôi cũng vậy, khi còn ngổn ngang nhiều việc khác, kể cả Giai phẩm Xuân Việt Báo năm Nhâm Thìn. Nhưng mong rằng tai nạn của mình không là cái vạ cho quý vị khi quý vị ưu ái đến tham dự buổi ra mắt ngày hôm nay.
Trong một phút nghiêm túc như một nhà giáo, trước khi miên man nói mà không cần nhìn vào đồng hồ hay xuống bãi đáp, tôi xin trịnh trọng trình bày tóm lược nội dung phát biểu. Ít ra cũng là cái khung cho mình khỏi lạc đề làm quý vị thấy não nề.
Từ sự chủ quan của mình, chúng tôi xin lần lượt nêu hai câu hỏi:
- Vì sao Huy Phương viết Tạp Ghi"
- Huy Phương viết như thế nào"
Nhưng câu mở đầu vẫn là vì sao chúng tôi đứng ở đây!
***
Người bạn thân của chúng tôi là Đinh Quang Anh Thái gặp vấn đề về tổ chức buổi ra mắt cuốn "Quê Nhà Quê Người", tuyển tập Tạp Ghi thứ sáu của Huy Phương. Anh Thái bèn nhớ đến bạn mà điện thoại cho tôi. Như một cầu thủ bóng tròn đầy phong độ, anh đã "trao trả gắn bó" và tung máy cho Huy Phương nói chuyện. Thế là tôi kẹt và phải thoái thác.
Nhưng duyên nghiệp đưa đẩy thế nào mà đúng lúc đó tôi lại nhìn thấy cái tượng nhỏ của ông thầy tôi, một nhà sư Tây Tạng đã viên tịch. Tôi nhớ đến lời thầy dạy, rằng ở đời phải biết làm việc có lợi cho người khác, chứ đừng tính toán từ quyền lợi của mình.
Và tôi bỗng dưng nhận lời, khi nói với Huy Phương, rằng "tôi là một Phật tử!" Chuyện lảng nhách!
Vì bộ chỉ có Phật tử mới làm chuyện ấy sao, khi chương trình ra mắt hôm nay có sự tham dự của một vị linh mục, Cha Joseph Nguyễn Thái của Trung Tâm Công Giáo!
Nhưng dù sao mặc lòng, tôi đã nhận lời vì tình bằng hữu và cái thiện tâm nhỏ nhoi của mình. Do đó, quý vị mới phải chịu khó nghe phần phát biểu này! Mong rằng đấy không là một tai nạn....
***
Cũng hoàn cảnh đó khiến tôi tự hỏi vì sao Huy Phương viết Tạp Ghi, rồi trả lời bằng yếu tố tôn giáo. Và xin nói trước là sẽ không giảng đạo. Tôi nghĩ đến cây Thánh giá.
Không là người Công giáo, tôi vẫn tin rằng ai ai trong chúng ta cũng có cây thánh giá trên mình. Người thì đeo trước ngực, đôi khi bằng quý kim có nạm kim cương nặng tới mấy carat. Người khác thì oằn minh với cây thánh giá bằng gỗ, bằng sắt, đôi khi còn có kẽm gai trên lưng.
Là một Phật tử, Huy Phương đã nhận cây thánh giá nặng nề, như phần nhiệm vụ của mình trong thời chiến khi nhập ngũ. Khi chiến tranh kết thúc thì vác thêm cây thánh giá còn nặng gấp bội, qua bảy năm bị tập trung cải tạo. Ra khỏi vùng đất u tối hãi hùng của quê hương và đặt chân lên nước Mỹ, ông tiếp tục bưng cây thánh giá, nay đã thành cây bút ngàn cân, để hàng tuần viết tiếp....
Nhưng khác với ngày xưa, Huy Phương không viết văn và làm thơ nữa, mà trở thành cây bút sâu sắc, bền bỉ và xuất sắc với thể loại tạp ghi.
Ông viết như người gánh vác nỗi trầm luân của người khác. Không phải là đứa con trai duy nhất của Đức Hùng Vương, mà có lẽ cũng chẳng bị Tổ Quốc đòi nợ, ông viết trong tinh thần làm tròn bổn phận của con dân và để duy trì được cái Việt tính cao quý mà thật ra rất mơ hồ của dân tộc.
Chúng ta có thể gọi đất là cái nghiệp. Chúng tôi xin gọi đây là cái duyên, cho chúng ta.
Chỉ vì giữa trăm ngàn câu hỏi lớn nhỏ hàng ngày về cách sống và suy nghĩ trong một môi trường hết còn là Việt Nam, Huy Phương vẫn điềm đạm, bền bỉ và duyên dáng nói về cách hành xử ông cho là thích hợp nhất, suy từ chuyện xưa qua chuyện nay, chuyện quê nhà và quê người.
Cho nên, theo thiển ý, Huy Phương viết mà không để làm văn và để có chỗ đứng trên văn đàn.
Ông viết vì sự thôi thúc vô hình của một quan niệm về đạo lý. Ông tiếp tục kê vai vào cây Thánh giá chung của cả dân tộc dù chẳng ai bắt, không ai đòi và dù nhiều người trau chuốt một cây thánh giá lấp lánh trên ngực. Động lực có thể là tình bằng hữu với các chiến binh Việt Nam Cộng Hoà, hay lòng yêu nước, hoặc sự ái ngại về quê hương, xã tắc, đồng hương, đồng bào....
Cũng có thể là một trí nhớ không hề nguôi ngoai về một Việt Nam lý tưởng chưa có mà đã mất.
Trí nhớ ấy mới là mảnh kim cương vằng vặc trong tim của tác giả.
Cho nên, nếu ra khỏi nỗi ám ảnh về cây Thánh giá mà nói theo người Phật tử, tôi xin liều lĩnh phát biểu rằng Huy Phương viết để "giải nghiệp", không phải cái nghiệp của bản thân mà cả cái "cộng nghiệp" của dân tộc.
***
Tôi xin bước qua câu hỏi thứ hai, tác giả viết như thế nào"

Mỗi người cầm bút lại có một động lực và hoàn cảnh sáng tác riêng. Với Huy Phương, và có lẽ từ trong vô thức, ông cầm bút như một nhà luân lý. Không phải vì ông từng là một nhà giáo mà có lẽ vì ông thấy bất bình về quá nhiều chuyện chung quanh nên viết là để phân định đúng sai.
Như đã tự ôm lấy một cây thánh giá, ông còn tự chọn lấy một chặng đường khổ ải.
Vì, như các cụ mình thường nói, "biết ai dại, biết ai khôn"" Và trong cái lẽ "thị phi biện biệt" của Phật giáo thì làm sao xác định cái đúng trong đời sống, nhất là đời sống bên Mỹ này, là môi trường hàng ngày của tác giả"
Một thí dụ là nước Mỹ có vô tình hay không" Thí dụ khác là ta nên sống theo hoàn cảnh mới, ở bên Mỹ này, hay vẫn cứ phải ngoái về quá khứ" Khi ăn cưới thì nên tránh thói tật gì, mà để làm chi, nếu không phải là tìm ra một luân lý hợp lý khác trong lối sống, trong hoàn cảnh mới"
Nói thì có vẻ lớn lao, chứ thật ra, Huy Phương có ý chí làm thay đổi cách sống và suy nghĩ của chúng ta để khỏi cúi đầu phản ứng mà chủ động hành xử sao cho tử tế hơn. Từ cái nhân đó trong tâm, ta mới hy vọng gieo mầm cho kết quả tốt đẹp hơn cho gia đình, cộng đồng và đời sống.
Nhưng khi là nhà luân lý như vậy thì người ta rất dễ gây động chạm.
Thay vì cùng đám đông ồn ào kêu gọi "xin quý vị cho một tràng pháo tay" để mọi người tâng bốc nhau trong tinh thần tự mê, Huy Phương viết thẳng ra những điều ông cho là sai. Cũng với tinh thần luân lý đó, tác giả phê phán chế độ đang cai trị Việt Nam hiện nay, không từ góc cạnh tư tưởng ý thức hệ như nhiều nhà lý luận về chính trị, mà từ giác độ của đạo lý con người.
Và quả nhiên là ông làm nhiều người phật ý vì đi ngược với đám đông. Khi nhiều người muốn sống theo lối "đừng lay tôi nhé cuộc đời", Huy Phương lại là người lay động. Và chấp nhận trả giá cho việc đó. Ông không chỉ có cái bi mà còn có cái dũng, là không sợ.
Cầm bút viết tạp ghi, mà lại viết đều đặn hàng tuần từ cả chục năm nay, chưa kể nhiều tiết mục khác phải hoàn tất trong ngày trong tuần, người viết nào cũng gặp vấn đề là chọn đề tài. Viết gì đây cho tuần này, nhất là trong những ngày không có thời sự hay tập quán lễ lạc làm cái đinh cái mốc cho bài viết"
Tôi thiển nghĩ rằng Huy Phương không gặp vấn nạn đó.
Lý do là lòng ông thường trực mở ra 360 độ, như một con cầu gai, để thấy bất cứ gì ở chung quanh cũng có thể là đề tài. Từ chuyện thi hoa hậu đến chuyện mấy ông sư ca hát trong chùa, từ chuyện tử tế của vợ chồng người Mỹ gốc Mễ ở ven bờ xa lộ đến cách người ta không thèm giữ cửa tự động cứ để bật vào mặt kẻ đi sau, v.v... chuyện gì ông cũng quy vào đạo lý Việt Nam và cách hành xử cho văn minh, nhân bản.
***
Kính thưa quý vị, đấy là vài đặc tính của Tạp Ghi Huy Phương mà bản thân chúng tôi nhìn ra từ sự chủ quan của mình.
Kết luận ở đây là "kết quả ra sao""
Ra ngoài chợ, chứ không ở trong chùa hay trong nhà thờ, đôi khi ta có gặp nhiều người đứng đường giảng đạo, hoặc cảnh báo về ngày tận thế, hoặc kêu gọi loài người chấn hưng đạo đức.... Chúng ta phải kính trọng những người đó. Nhưng thường thì bước qua chỗ khác.
Tò mò lắm thì đứng xa xa để nghe. Hào phóng lắm thì lấy ra vài đồng quyên góp hay úy lạo và tự nhủ rằng hôm nay ta đã làm một việc thiện.
Nhưng như mọi người đều biết, và đã nói, về một hiện tượng gọi là sự mệt mỏi của từ tâm. Chán rồi cũng chẳng ai muốn nghe muốn hiểu thêm về sự hoạn nạn hay khổ ải của người khác. Hoặc tại sao chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ và hành xử" Số phận của các nhà luân lý thường là sự hẩm hiu, sự cô đơn giữa đám đông.
Huy Phương không gặp số phận đó.
Ngoài một tác phẩm văn chương, ông đã xuất bản sáu cuốn Tạp Ghi và sở dĩ còn xuất bản là vì còn có người đọc. Huy Phương không thuộc loại người ăn nên làm ra nên làm thơ, in lấy thơ mình để giúi vào tay người khác như một hình phạt. Ông có độc giả của ông.
Lý do là nhà luân lý này viết truyện rất hay, dẫn chuyện rất khéo, với nghệ thuật rất thâm thúy.
Mà trong lời phê phán thì vẫn có thái độ ái ngại, ân cần, một chủ đích hướng thiện. Cái tâm và cái tài của ông giải thích sự thành công đó. Độc giả không giận mà còn cám ơn ông về những nhắc nhở dí dỏm, những giai thoại mà mình nên biết và không thể quên.
Chúng ta rất mừng là trong cõi đời vật chất vàng thau lẫn lộn, trắng đen nhập nhòa này, cộng đồng chúng ta vẫn còn những cây bút như vậy. Đó cũng là một biểu hiện khác của văn minh.
Xin kính mừng tác giả, cảm tạ quý vị đã chịu khó theo dõi lời phát biểu này, và mong rằng mỗi người nên có một cuốn Tạp Ghi cho gia đình. Và vài cuốn khác cho những bằng hữu họ hàng mà mình quý trọng.
(Bài phát biểu hôm ra mắt cuốn "Tạp Ghi" của Huy Phương, chiều 19 Tháng 11 tại Hội quán Người Việt, miền Nam California.)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ khi xuất hiện tại Việt Nam tới nay, lúc nào đảng Cộng Sản cũng nói tới chuyện ‘ cách mạng, giải phóng ‘, khiến cho ai đã nghe rồi
Cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện nhà đất bị CS cướp giật đã kéo dài đến ngày thứ 23. Từ những ngày đầu, khi đồng bào hải ngoại được tin cuộc biểu tình
Tường thuật về những ngày cùng bà con các tỉnh phía nam biểu tình đòi lại tài sản bị cướp đoạt phi pháp tại Văn Phòng Đại Biểu Quốc Hội 194 Hoàng Văn Thụ
Tôi gọi họ là "Người Việt Gốc Mỹ" bởi vì họ đã sinh ra ở Việt Nam, nhưng cha của họ đều là những chiến binh Hoa Kỳ
Là người mê chơi, nhất là mấy thứ đồ xưa, đặc biệt là những chiếc đồng hồ cổ. Ở Việt Nam thì những lọai này bây giờ đã trở thành hàng hiếm
Quảng trường Tự Do (Freedom Plaza) của thành phố Cabramatta một lần nữa lại bừng lên với cuộc xuống đường
Đây là khu phố sầm uất nhất của người Việt di dân tại quận Cam, tiểu bang California. Từ thành phố Midway, trên đường Bolsa, đi về hướng đông
Pocahontas là con gái của tù truởng Powhatan của bộ tộc Algoquian ở vùng Virginia bây giờ. Truyện tình của anh chàng thủy thủ Da Trắng với cô nàng người Da Đỏ
Tuần qua, chính trường Hoa Kỳ lại om xòm với một vụ tranh luận kép: ngoài tình hình Iraq là việc al-Qaeda có thể sẽ lại tấn công nữa
Nhắc lại miền Nam, Nguyễn khắc Toàn viết: “... Mô hình chế độ chính trị Nhà Nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi đã được tuyên truyền rằng
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.