Hôm nay,  

Hương Gió Đức

19/08/201100:00:00(Xem: 4678)
Hương Gió Đức

Huệ Trân
Văn học Phật Giáo luôn nhắc nhở: “Tăng ly chúng, tăng tàn. Hổ ly sơn, hổ bại”, để căn dặn người xuất gia mà xa rời tăng chúng, sẽ dễ thất bại vì không có năng lượng cộng tu, sách tấn và nâng đỡ. Như cọp kia lìa bầy, xa núi, sẽ dễ bị bắt giết.
Nhưng, ở xứ người, do phương tiện và hoàn cảnh phức tạp nên để có một môi trường cho tăng chúng quay quần cùng tu cùng học, không phải là dễ dàng. Chính vì biết thế, các bậc tôn túc nặng lòng với sự gìn giữ, bảo tồn và phát huy đạo pháp, đã luôn vượt qua mọi khó khăn khi có thể tạo được cơ hội cho hàng hậu học.
Hàng năm, bắt đầu từ tháng sáu đã có những trường Hạ khai đàn. Rồi cứ tiếp tục, quý ngài phối hợp để trường Hạ ở nơi nào mở ra cũng có sự hiện diện của Chư Tôn trưởng thượng, đem thân giáo truyền đạt khẩu giáo. Nhìn những vị Hòa Thượng tuổi già sức yếu, mỗi bước đi đã phải nương cây gậy mà vẫn không ngừng lặn lội từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á chỉ để có mặt với hội chúng, để chia xẻ những bài học từ kim khẩu Đức Thế Tôn, thì hàng Phật tử, xuất gia cũng như tại gia, ai mà không cảm động.
Riêng tại miền Nam California, trường Hạ ở Phật Học Viện Quốc Tế vừa hoàn mãn, mà khát vọng trau dồi trí đức, chia xẻ đạo tình vẫn nao nức muôn lòng nên cánh cửa chùa Bát Nhã đã mở rộng ngay để một trường Hạ nữa được khai giảng. Tuy phương tiện còn eo hẹp nhưng tấm lòng vị trụ trì thì không nhỏ. Hòa Thượng có mặt mọi nơi, không chỉ ở những Phật sự hoằng dương giáo pháp mà còn ở những nơi cần nói lên tiếng nói bất khuất cho Tự Do, Nhân Quyền và bào tồn lãnh thổ Việt Nam.
Tấm lòng các ngài cũng hiển lộ thật rõ khi Hòa Thượng Quảng Thanh trụ trì chùa Bảo Quang, tuyên bố tiếp nối Trường Hạ Bát Nhã sẽ là Trường Hạ Bảo Quang.
Đóa sen đưa lên, muôn nụ cười rạng rỡ đón nhận.
Chùa Bảo Quang đang ở giai đoạn cuối, việc xây cất, tu sửa. Phòng ốc tuy nhiều, nhưng chưa đâu hoàn tất. Gạch ngói, xi măng, cưa, đục, còn ngổn ngang khắp nơi! Vậy mà Hòa Thượng phát tâm mở trường Hạ, hẳn ngài phải tin vào sự hộ trì của Long Thần Hộ Pháp.
Quả thật, các thầy cô kéo va li vào nhận phòng là nhận ngay cái chổi và bao rác. Đại Đức Thích Nhuận Hùng mang tới những chiếc ghế vải, mỗi ghế kèm theo một khăn trải. Thế thôi, là quá đủ rồi. Không ai mượn lời ẩn dụ của Ngài Xá Lợi Phất hỏi trưởng giả Duy Ma Cật là chúng hội sẽ ngồi đâu, khi thấy phòng trống trơn, không bàn không ghế!
Vậy mà, kim đồng hồ chỉ nhích chưa đầy sáu mươi phút thôi là hiển lộ tinh thần Kinh Vô Lượng Thọ: “… Các thứ thọ dụng, thảy đều đầy đủ, thảy đều phong phú, lầu các lan can, vuông tròn rộng hẹp, hoặc lớn hoặc nhỏ, vừa nghĩ liền hiện, thảy đều đầy đủ …” (*)
Cũng thời gian này, nhà trù chùa Bảo Quang rộn rã hẳn lên, với sự tiếp sức của Phật tử xa gần để Chư Tăng Ni về nhập hạ có ba bữa rau đậu tươi ngon mỗi ngày. Xin ghi nhận công đức của Ban Trai Soạn chùa Bảo Quang và các thí chủ.
Sáng thứ hai, 25 tháng 7 năm 2011, Lễ Kiết Giới tại Chánh Điện chùa Bảo Quang được ghi nhận:
Hòa Thượng Thiền Chủ: Hòa Thượng Thích Chơn Thành, viện chủ chùa Liên Hoa
Hòa Thượng Tuyên Luật Sư: Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang
Hòa Thượng Hóa Chủ: Hòa Thượng Thích Quảng Thanh, viện chủ chùa Bảo Quang.
Chư Hòa Thượng chứng minh:
Hòa Thượng Thích Thiện Long, viện chủ chùa Phật Tổ, Long Beach
Hòa Thượng Thích Giác Sỹ, viện chủ tu viện Giác Lý, Santa Ana
Và 54 Đại Đức, Tăng, Ni đến từ các tự viện.
Chương trình thời khóa đơn sơ nhưng nghiêm túc:
5:30AM Thức chúng
6:00AM Hô canh tọa thiền – Công phu sáng
8:00AM Tiểu thực
9:00AM Tụng kinh Địa Tạng
11:30AM Cúng quả đường – Kinh hành niệm Phật
12:30PM Chỉ tịnh
2:00PM Thức chúng
2:30PM Thảo luận Phật pháp
4:00PM Công phu chiều
6:00PM Dược thực
8:00PM Tụng kinh Tịnh Độ - tụng 21 biến Chú Đại Bi
10:00PM Hô canh tọa thiền
10:30PM Chỉ tịnh.
Trong buổi thảo luận Phật pháp, ngày đầu tiên, Hòa Thượng Hóa Chủ đã kể một đoạn ngắn trong câu chuyện Thoát Vòng Tục Lụy, mà ý nhị gợi ý rằng: “ Không thắng keo này, ta bầy keo khác” là cách nói của người thế tục, không nản chí trước thất bại. Còn người tu chúng ta thì phải nói thế nào cho đúng" Hòa Thượng hỏi, rồi trả lời dùm ngay: “Những gì không đạt khóa này, phải tu tiếp khóa khác”.
Giảng sư buổi học sau thì dùng phương cách khác, là gợi lên một ý, lại hỏi hội chúng góp ý. Không ai góp ý thì ngài chỉ định ngay “ Đại đức nghĩ sao" Sư cô nghĩ sao" Còn Phật tử đây nữa, ta phải chuẩn bị gì"”
Cũng lại có những buổi pháp đàm, hội chúng được nghe hai giảng sư cùng nói về một đề tài phong phú. Đó là “Văn hóa Phật Giáo Việt Nam”.

Chúng ta từng biết rằng Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ cần đòi hỏi Trung Quốc để dân Tây Tạng được tự trị về văn hóa, vì ngài biết rằng văn hóa còn là dân tộc còn. Đất nước Việt Nam từng bị người Tầu đô hộ ngàn năm nhưng sức mạnh của kẻ xâm lược vẫn không thể khống chế người dân Việt thắt bím tóc, đội nón tròn hay mặc áo xẩm! Cái gì giữ chúng ta không bị đồng hóa" Có phải cái vô hình mang tên “Văn Hóa” nhưng có sức mạnh vô song tiềm ẩn từ giòng máu “ Nguyễn Trãi Bình Ngô đại cáo, Quang Trung đại phá quân Thanh, Lý Thường Kiệt châu chấu đá xe, tiếng trống Mê Linh Trưng Vương khởi nghĩa” … vân vân và vân vân….” 
Có lẽ rất hiếm khi hội chúng được nghe đề tài Văn Hóa một cách thoải mái, phong phú, dưới cái nhìn từ nhiều khía cạnh độc đáo của những vị trưởng tử Như Lai. Thầy chỉ tay về cuối chánh điện:
-Đại hồng chung kia, đúc từ Huế, qua bàn tay và tim óc nghệ nhân Việt Nam, có là văn hóa không" Trống đồng này được bao đời cha ông ta gìn giữ, có là văn hóa không" Người con Phật gặp nhau, cúi đầu, chắp tay, thì không còn tay phải, tay trái, mà chỉ còn là búp sen thân ái, vậy, có là văn hóa không"
Thông thường, cứ nghe hai tiếng “Văn Hóa”, đã tưởng ngay cái gì cao siêu, phải trí tuệ, phải đạt nhiều học vị, mới hiểu. Nhưng đem tâm thanh tịnh mà nhìn thì văn hóa đặc thù, tuyệt đẹp của chúng ta có thể ở ngay sự tôn trọng lễ nghĩa nơi thôn làng. Cha mẹ hoan hỷ hái trái mít vừa chín trong vườn nhà, cắt trái bầu nặng nhất giàn mang tới tạ ơn thầy giáo. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” Dạy một chữ, đã là thầy, nửa chữ cũng là thầy, huống chi, những thầy giáo ở thôn quê còn kiêm cả việc giáo dục thay cha mẹ những đứa trẻ, đang suốt ngày bận rộn ngoài đồng áng. Sự biểu tỏ lòng tôn kính biết ơn này, có phải là văn hóa không" Hình thức thì vô cùng đơn sơ nhưng giá trị tinh thần, thì chắc chi mâm cao cỗ đầy, bạc vàng châu báu đã sánh kịp!
Cứ chậm rãi, khoan thai, nhị vị Hòa Thượng giảng sư dẫn hội chúng từng bước, vào không gian Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam với biết bao khám phá kỳ diệu.
Cùng từ cái nhìn đó, mọi sự quanh ta trở nên cực kỳ linh động và đơn giản. Đàn kiến từ đâu, rủ nhau thật đông, theo men tường chánh điện. Chúng nối nhau rất thứ tự, chẳng khác đang kinh hành. Hòa Thượng Hóa Chủ bảo: “Tôi mới nghe chúng thì thào, là các sư cô ở đâu về, tụng kinh hay quá, chúng ta phải lên tận nơi mà nghe cho rõ!”
Đàn kiến có thực rủ nhau nghe kinh hay không, chỉ Hòa Thượng Hóa Chủ biết được, nhưng những thời kinh đều đặn mỗi ngày như Thủ Lăng Nghiêm, kinh Địa Tạng, kinh A Di Đà, Mông Sơn thí thực và mỗi tối tụng 21 biến Chú Đại Bi sau khi tọa thiền là những gì mà Phật tử được nghe và được cùng tham dự với Chư Tăng Ni về kiết hạ.
Có lẽ, khắp các ngôi chùa miền Nam Cali, không nơi nào có hồ sen tỏa đầy hương sắc như chùa Bảo Quang. Suốt mười ngày an cư, sen ở hai hồ lớn và những bồn nhỏ đã liên tiếp nở. Sen nở, cúng dường Chư Phật, hay cũng nhân thể, nghe kiến rủ, về nghe kinh"
Hương sen và hương giới đức quyện trong không gian khiến tôi liên tưởng tới hồ sen mà Đức Thế Tôn đã lặng thinh quán sát sau khi vừa thành đạo. Đức Phật đã nhận ra điều cực kỳ quan trọng, là mọi chúng sanh đều có Phật tánh như nhau nhưng do vô minh che lấp mà chẳng hay biết. Ngài đã phát khởi từ bi, ở lại ta-bà, lập ra nhiều pháp môn để tùy căn cơ chúng sanh mà độ thoát.
Hơn hai mươi lăm thế kỷ đã qua, bao triều đại, bao quyền uy, bao thành quách, bao ý thức hệ, bao quan điểm, bao trào lưu, v.v… tưởng là thạch trụ vô cùng vô tận, cũng đã theo nhau sụp đổ, nhận sự đào thải của tiến trình văn minh toàn cầu. Nhưng riêng Đạo Phật, trước sau như một, vẫn còn đây. Không những còn, Đạo Phật lại đang chứng minh nhiều lời dạy của Đức Phật khi xưa phù hợp với những gì mới mẻ, được coi là sự khám phá ở thời nay. Thí dụ như gần đây, sau những chương trình thí nghiệm kéo dài nhiều thập niên này sang thập niên khác, y học mới xác nhận được là trong mỗi tế bào li ti đều chứa trọn vẹn sự sống.
Điều này, Đức Phật đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm từ nhiều ngàn năm trước, là “Cả đại dương nằm trong vỏ ốc” hay “Mặt trời nằm trọn trong hạt cải”
Sự tiếp nối truyền thừa Chánh Pháp mà Chư Tôn Thiền Đức không từ nan khó khăn nào để tạo mọi cơ hội tu học cho hàng xuất gia cũng như tại gia, có phải mục đích rốt ráo, là cùng nhau, những chúng sanh SẼ THÀNH PHẬT, đạt lời Phật xác quyết, cởi bỏ được sự trói buộc chằng chịt của vô minh để THÀNH PHẬT!
Giảng sư hỏi:
-Thành Phật là gì"
-Thưa, thành Phật là trở về được với Phật-tánh sẵn có của mình.
Câu hỏi và câu trả lời được hương sen ngoài hồ, theo gió, tỏa trong không gian, quyện thành Hương Gió Đức.
(*)trích kinh Vô Lượng Thọ
Huệ Trân
Bảo Quang Tự
An Cư Kiết Hạ, 07/25/2011 – 08/02/2011

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Kỹ sư Đỗ Nam Hải, thành viên ban đại diện lâm thời Khối 8406, ngay từ 8g sáng ngày 16-12
Cách đây không lâu tôi có viết một bài đăng trên báo Việt ngữ tựa đề “cần tìm hiểu thêm về đạo Hồi-Giáo” do bởi có đa số người Việt đã quá hiểu lầm về Hồi giáo
Lịch sử mấy nghìn năm dân Việt chống Bắc thuộc, đánh giặc Tàu, ngăn chận ý đồ bành trướng của Đại Hán kể như chấm dứt vào cái ngày định mệnh và ô nhục
Trong khi binh sĩ thuộc Đại Đội Charger đang diễn tập cho một công tác khác tại căn cứ của họ gần Iskanditiyah, phía nam Thủ Đô Baghdad
Gần 800 năm trước đây, khi đất nước Việt Nam bị quân Nguyên Mông xâm lược, vua tôi nhà Trần đã có hội nghị Diên Hồng lịch sử để nói lên quyết định đồng tâm nhất
Tôi là một trong những người đã tham gia cuộc biểu tình ngày 9/12/2007 trước Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối chính quyền Trung Quốc
Giờ phút này đây, tại quê nhà yêu quý, đồng bào quốc nội đang sục sôi biểu tình trước tòa đại sứ và tòa lãnh sự Trung Quốc ở hai đầu tổ quốc
Đối với người Việt Nam, Trung Quốc là chuyện dài bất tận, bắt đầu ngay từ thời tổ tiên chúng ta lập quốc, và có lẽ không khi nào chấm dứt
Một sự kiện hy hữu vừa xảy ra tại Hà Nội & Sài gòn! Tại sao hy hữu" Vì từ khi lên nắm quyền bính đến nay, mới thấy nhà nước độc tài Việt gian Hà Nội
Sau hơn 20 năm cải cách mở cửa, Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc của thế giới. Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.