Hôm nay,  

Tháng Tám Mưa Lũ

08/09/200900:00:00(Xem: 6199)

Tháng Tám Mưa Lũ
Vũ Linh

...Đảng Dân Chủ... thế nào cũng mất một số ghế quan trọng...

Bình thường thì trong sinh hoạt chính trị Mỹ, tháng Tám là tháng trời quang mây tạnh với nắm ấm: các chính khách đi nghỉ hè, Quốc hội ngưng họp, Tổng thống đi đánh gôn. Nhưng tháng Tám năm nay không giống thông lệ. Đây là tháng mưa giông gió lớn nhất từ ngày TT Obama nhậm chức hồi tháng Giêng, dù Quốc hội vẫn nghỉ hè và Tổng thống vẫn đi đánh gôn.
Chưa khi nào TT Obama và đảng Dân Chủ lại gặp nhiều chuyện nhức răng như trong tháng qua. Tranh cãi về cải tổ y tế dĩ nhiên đã nhẩy lên hàng đầu của những cái nhức đó. Nhưng không là vấn đề duy nhất.
Cuộc tranh luận này ngày càng trở nên hăng say, có triển vọng đi đến hoàn toàn bế tắc nếu cả hai bên cấp tiến và bảo thủ không đạt thỏa thuận. Cải tổ y tế là cần thiết trước tình trạng mấy chục triệu người không có bảo hiểm sức khỏe và trăm triệu người có bảo hiểm mà chưa đủ vào đâu hết. Đây là điều duy nhất mà mọi người đều đồng ý. Nhưng nói đến giải pháp là lập tức cãi nhau như mổ bò.
Bây giờ, không biết vì tham vọng quá lớn hay vì ngây thơ, TT Obama lại đưa ra một chương trình mạnh bạo chưa từng thấy nhằm cách mạng hoá toàn diện chế độ y tế. Và dĩ nhiên là bị chống đối mạnh vì đụng chạm đến quyền lợi quá nhiều người, từ các hãng bảo hiểm, hãng thuốc, nhà thương, luật sư, bác sĩ, đến người già, người nghèo lo sợ bị cắt Medicare và Medicaid, đến người dân thường, phập phòng sợ bị đánh thuế nặng.
Một số lớn người khác thì dù quyền lợi không bị trực tiếp đe dọa lại không thể tin tưởng vào sự can thiệp ngày một mạnh của Nhà Nước. Người ta chỉ cần nhìn vào thành quả của các cơ chế quốc doanh như Quỹ An Sinh, Medicare, Medicaid, hay những phí phạm khổng lồ của các bộ, sở Nhà Nước, là thấy khả năng của công chức.
Rất ít người tin rằng Nhà Nước nắm quyền điều hành guồng máy y tế sẽ đưa đến kết quả khả quan. Nhưng đa số công chức thì vẫn bỏ phiếu Dân Chủ và đôi bên dìu nhau vào cõi phiêu diêu của chế độ bao cấp mà nhiều người không nhìn ra sự tốn kém. Phúc trình mới đây của Tổng Thanh Tra (Inspector General) cho thấy một thí dụ điển hình.
Cơ chế Medicare hiện trả hơn 4.000 đô để thuê trong bốn năm một chiếc xe lăn có máy điều khiển cho người già, trong khi xe đó bán ngoài thị trường có ngàn đô. Sao không mua đứt xe lăn và tặng cho người già" Khác biệt 3.000 đô la này trôi vào tay hãng cung cấp xe lăn với sự thoả thuận của công chức Medicare. TT Obama có hứa sẽ cắt giảm loại phí phạm ấy. Chẳng có gì mới lạ vì đó cũng là lời hứa của các TT Carter và Clinton.
Cuộc tranh cãi sôi sục trong suốt tháng Tám, và sẽ bước vào giai đoạn gay cấn hơn nữa khi Quốc hội và Tổng thống trở về làm việc lại sau lệ Lao động. TT Obama sẽ đọc trước Quốc hội Thứ Tư 12 tháng Chín này một bài diễn văn quan trọng về cải tổ y tế. Ta hãy đón nghe.
Cũng trong tháng Tám, người ta còn thấy hàng loạt vấn đề nhức nhối khác:
- Chương trình đổi xe nghe có vẻ thành công lớn và giúp kích động được kinh tế - tuy chỉ một tý - nhưng lại vạch trần khả năng quản lý kinh doanh rất tệ của công chức. Kế hoạch sai trật từ đầu: thiếu tiền, thủ tục hành chánh luộm thuộm, giúp bán xe Nhật và Đại Hàn hơn xe Mỹ. Chương trình chủ đích giúp người nghèo đang đi xe ọp ẹp từ cả chục năm nay, rốt cuộc lại giúp thành phần trung lưu vì các xe mới khá đắt tiền, cao hơn túi tiền và ngoài khả năng vay mượn của dân nghèo thường không đủ điểm tín dụng (credit score). Phần lớn các xe cũ mang đến đổi đều trị giá ba bốn ngàn, chạy được ít ra vài năm nữa, nhưng bị bắt buộc phải hủy. Cũng chỉ là tiền thuế của dân thôi! Các hãng bán xe cũng đang lớn tiếng khiếu nại: cứ trên mười chiếc bán ra, Nhà Nước mới bồi hoàn chừng một hai cái, còn họ chưa biết khi nào sẽ nhận được tiền.
- Chương trình cứu nguy ngân hàng chi ra hơn 700 tỷ đô tiền thuế của dân. Nhà Nước cùng các ngân hàng đều la hoảng hệ thống ngân hàng và tài chánh Mỹ sắp sụp đổ toàn diện nên cần Nhà Nước bơm tiền cứu nguy. Thiên hạ chẳng ai biết hư thực thế nào, chỉ biết các ngân hàng lợi dụng nước đục, tăng hàng loạt lệ phí dịch vụ, sa thải nhân viên cũng hàng loạt. Với hàng trăm tỷ do Nhà Nước tặng, họ lại không thấy có nhu cầu cứu vớt các giấy nợ mua nhà gì nữa. Hàng ngàn đơn xin sửa đổi điều kiện nợ đang có và hàng ngàn đơn xin mua và bán nhà loại “short sale” bị ngân hàng ngâm tôm hay bác bỏ. Các thống kê cho thấy ngân hàng đáp ứng chưa tới 10% các đơn xin sửa đổi điều kiện vay mượn.
Kết quả: chỉ sau hơn nửa năm cứu nguy, các đại gia như JP Morgan, Bank of America hay Citibank đã công bố cả chục tỷ tiền lời mỗi tam cá nguyệt. Vì vậy, thiên hạ thắc mắc không biết việc cứu nguy đã là phép lạ quá hữu hiệu hay khủng hoảng ngân hàng thực sự chỉ là trò Nhà Nước thông đồng với các tài phiệt để thổi phồng lên quá đáng. Hay Nhà Nước đã bị ngân hàng lừa" Bộ Tài chánh vừa loan báo cho đến nay đã “lời” được hơn bốn tỷ trên tiền cứu nguy do các ngân hàng hoàn trả. Nhà Nước lời, ngân hàng lời, thế thì ai lỗ nếu không phải là người dân"


- Tình trạng thất nghiệp vẫn chưa thấy khả quan. Khi TT Obama vận động cho kế hoạch gần 800 tỷ kích động kinh tế, ông hứa là nếu kế hoạch được chấp nhận thì sẽ tạo thêm hai triệu rưởi việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ được kìm hãm ở mức 6%, đồng thời dọa là nếu không sẽ vọt lên tới 8%. Kế hoạch được thông qua. Nhưng cho đến nay mỗi tháng vẫn có trên dưới nửa triệu người gia nhập hàng ngũ thất nghiệp. Vậy mà tỷ lệ thất nghiệp đã lên đến gần 10%, hoặc cao hơn nữa như 12% tại Cali. Bây giờ thiên hạ mới thấy kế hoạch cứu nguy kinh tế của TT Obama thực sự không phải là gấp rút cứu nguy kinh tế như ông quảng bá, mà là kế hoạch tái phân phối lợi tức “với định hướng xã hội” chỉ có tác dụng lâu dài. Không là điều đa số dân Mỹ mơ tưởng.
- Cuộc chiến chống khủng bố bị rắc rối to khi Bộ trưởng Tư Pháp ra lệnh điều tra hành động “tra tấn” tù trong quá khứ của CIA. Gần hai phần ba dân Mỹ không đồng ý và coi đó là một vụ thanh toán chính trị nguy hiểm với hậu quả rất tệ cho việc bảo vệ an ninh.
- Hai chiến trường tại Trung Đông và Trung Á cũng chẳng tiến triển khả quan. Các cuộc tấn công và đánh bom đều tăng mạnh tại cả Iraq lẫn Afghanistan. Tháng Tám là tháng mà số tử vong của quân đội Mỹ đạt mức kỷ lục cao nhất từ hơn bẩy năm qua, khi cuộc chiến Afghanistan bắt đầu. Tư lệnh chiến trường Afghanistan cho biết là cần thay đổi chiến lược quy mô và cần thêm quân mới có hy vọng thành công. Nhưng ông lại không định nghĩa thế nào là “thành công”. Tóm lại Mỹ đang làm gì và đang muốn gì" Phá các trại quân khủng bố của Al Qaeda và Taliban thì đã làm rồi. Sao chưa về còn đợi gì" Hay là muốn ở lại để “xây dựng dân chủ” như Bush đã muốn làm tại Iraq" Thế thì tại sao TT Obama đòi bỏ Iraq được mà không bỏ Afghanistan" Nếu không cần xây dựng dân chủ tại Iraq thì sao lại cần xây dựng dân chủ tại Afghanistan" Hay là muốn ở lại để không cho Al Qaeda hồi sinh, dùng Afghanistan làm địa bàn" Như vậy sẽ phải ở lại bao lâu" Năm năm" Năm chục năm" Thăm dò dư luận cho thấy lần đầu tiên, đa số dân Mỹ (57%) không muốn tiếp tục cuộc chiến này nữa.
****
Những khó khăn dồn dập trong tháng Tám đã có tác động bất lợi cho TT Obama. Như đã có dịp viết trên cột báo này cách đây không lâu, phi cơ Obama đang hạ cánh, mà hạ rất nhanh. Những thăm dò dư luận mới nhất cho thấy hậu thuẫn của TT Obama bị tuột nhanh hơn bất cứ tổng thống nào khác trong lịch sử cận đại. Hơn xa các tay quán quân Nixon, Carter và Bush.
Ông Obama đắc cử tổng thống với tỷ lệ 54%. Sau đó, đến cuối tháng Giêng năm nay, ngay sau ngày nhậm chức, mức hậu thuẫn lên đến tột đỉnh, gần 70%. Trong khi đó, mức chống đối lè tè ở 20%, cách biệt 50%.
Ngày một tháng Chín vừa qua, mức trung bình của hơn một tá thăm dò dư luận cho thấy ông có hậu thuẫn của 51% dân Mỹ, bị 44% chống, với mức cách biệt rớt từ 50% xuống còn 7% chỉ trong vòng hơn nửa năm. Có thể đây là điểm đáy và ông sẽ leo lên trở lại nếu khéo xoay sở. Không thì sẽ như Bush, có mức hậu thuẫn tuột xuống cỡ 30% cho đến ngày về hưu.
Điều đáng ngại cho TT Obama là hậu thuẫn của thành phần độc lập, không thiên về đảng nào. Đây là khối cử tri quyết định mọi cuộc bầu cử Mỹ. Có hai triệu chứng đe dọa TT Obama. Thứ nhất là thành phần độc lập, trước đây lửng lơ ở mức 20% dân số Mỹ, bây giờ vọt lên 40%. Thứ nhì là khối độc lập đó bắt đầu hết tin tưởng vào Tổng thống. Theo CNN, tỷ lệ của khối độc lập ủng hộ Obama đã rớt từ hơn 60% hồi bầu cử xuống còn hơn 40%. Trong ba người độc lập, chỉ có một người (35%) ủng hộ kế hoạch cải tổ y tế của TT Obama.
Khối độc lập đó không hậu thuẫn TT Obama thì hiển nhiên là tương lai chính trị của Tổng thống và đảng Dân Chủ không sáng sủa lắm. TT Obama thì chưa sao vì đến 2012 mới phải bầu lại. Nhưng đảng Dân Chủ thì lo sốt vó vì có bầu cử quốc hội năm 2010. Thăm dò mới nhất cho thấy chỉ có 37% dân Mỹ thỏa mãn với thành quả của Quốc hội, thấp nhất từ một phần tư thế kỷ. Mức hậu thuẫn của đảng Dân Chủ, đại thắng trong hai kỳ bầu cử 2006 và 2008, bây giờ tuột ngang hàng với đảng Cộng Hòa.
Người ta không nghĩ Dân Chủ sẽ thảm bại đến độ mất đa số kiểm soát Hạ Viện, nhưng thế nào cũng mất một số ghế quan trọng, lót đường cho việc có thể mất luôn đa số vào năm 2012. Cái nguy trước mắt của Dân Chủ là sẽ mất đa số tuyệt đối 60 ghế tại Thượng Viện. Bây giờ Dân Chủ nắm đúng con số ghế đó, nhưng lại có ít nhất hai ghế đang bị lung lay mạnh. Điều phiền toái lớn cho TT Obama là nếu Dân Chủ chỉ mất một ghế, còn 59 thôi thì sẽ gặp khó khăn lớn, không thông qua được bất cứ điều luật nào nếu Cộng Hoà đoàn kết chống lại. (Sau khi TNS Kennedy qua đời, Dân Chủ chỉ còn 59 ghế, nhưng tiểu bang Massachusetts là tiểu bang cấp tiến nhất Mỹ, rồi cũng sẽ bầu một thượng nghị sĩ Dân Chủ khác thay thế)
Trong tình trạng ấy, TT Obama bắt buộc phải nhân nhượng với phe Cộng Hòa chứ không thể tiếp tục “đường ta, ta cứ đi” bất cần Cộng Hòa. Chỉ có như vậy thì mới hy vọng có tinh thần hợp tác lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ, chứ ngày nào mà Dân Chủ (hay Cộng Hòa cũng vậy) còn nắm đủ đa số tuyệt đối 60 ghế thì ngày đó sẽ không có hợp tác lưỡng đảng (6-9-09).
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý, đề nghị, khuyến khích hay… chỉ trích qua email: Vulinh11@gmail.com

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.