Hôm nay,  

Sống Trong Bong Bóng

05/12/200700:00:00(Xem: 8376)

...VN cần sớm bước khỏi cõi ảo, khỏi trở thành những người duy nhất tin vào lời tuyên truyền của mình...

Vào đầu năm tới, một hội nghị quốc tế sẽ được tổ chức tại Việt Nam với chủ đề "Việt Nam, một ngôi sao đang lên". Hội nghị do tạp chí chuyên đề nổi tiếng của Anh là tờ The Economist bảo trợ cùng với tờ Thế Giới và Việt Nam của bộ Ngoại giao Hà Nội. Hội nghị đánh dấu một năm sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức WTO và là một nền kinh tế đầy triển vọng cho giới đầu tư. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về những triển vọng ấy qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.

- Hỏi: Xin chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chúng ta đang kết thúc một năm 2007 có nhiều thuận lợi cho Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Vào hai ngày mùng tám và mùng chín tháng tới, Việt Nam sẽ có một hội nghị quốc tế với chủ đề là "Việt Nam, Một Ngôi Sao Đang Lên". Ông nghĩ sao về một hội nghị như vậy và nghĩ rằng cử tọa nên thảo luận về những đề tài gì"

- Dư luận được biết là tạp chí The Economist sẽ cùng bảo trợ hội nghị với bộ Ngoại giao Việt Nam, qua cơ quan thông tin của bộ là tờ Thế Giới và Việt Nam. Mục tiêu chính thức của hội nghị là để giới lãnh đạo Việt Nam tiếp xúc với doanh gia quốc tế và nội địa hầu trình bày và tìm hiểu về triển vọng của thị trường Việt Nam.

Nhận xét của riêng tôi là Chính quyền Việt Nam muốn có một diễn đàn tuyên truyền cho uy thế của Việt Nam qua nhiều lãnh vực làm ăn cho doanh giới. Vì vậy, nghị trình dự trù năm lãnh vực sẽ được thảo luận là hạ tầng cơ sở, địa ốc, công nghệ chế biến, tài chính và ngân hàng, và sau cùng là du lịch. Phần kia, doanh giới thì muốn biết rõ về đường hướng quản lý và cải thiện của chính quyền để có môi trường kinh doanh thông thoáng hơn. Việc gặp nhau như vậy là điều có lợi cho mọi người, nhưng nếu không bị chóa mắt bởi hình thức thì truyền thông kinh doanh quốc tế nên chú ý tới một hiện tượng khác và thực tế hơn, đó là hiện tượng "sống trong bong bóng", là điều mà chúng ta nên nêu ra ở đây.

- Hỏi: Hình như ông cứ hay nói chuyện nghịch lý và xối nước lạnh lên hội hè của thiên hạ! Vì sao ông lại nói đến chủ đề "sống trong bong bóng" cho một hội nghị sẽ có cả trăm doanh giới quốc tế và Việt Nam tham dự và gặp gỡ Thủ tướng, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng cùng nhiều Bộ trưởng khác của Việt Nam"

- Lý do có thể là sự méo mó nghề nghiệp thưa ông. Người ta thường ví von kinh tế học là một khoa học u ám vì thiên hạ chỉ chú ý đến kinh tế khi có vấn đề. Vì vậy, truyền thông về kinh tế không nên chạy theo bầy, là phản ứng mà kinh tế gia John Maynard Keynes gọi là "animal spirit", mà phải dự báo được quầng mây đen sau đám mây hồng.

Cuối năm 1996, đầu năm 1997, quốc tế từng có hàng loạt hội nghị tương tự để ngợi ca phép lạ kinh tế Đông Á và sau đó bàng hoàng khi khủng hoảng bùng nổ tại Thái Lan và lan qua các xứ Đông Á khác. Nếu doanh giới thấy trước và nói ra thì may ra Việt Nam sẽ tránh được những chuyện bẽ bàng như nhiều xứ khác đã từng bị từ tháng Bảy năm 97.

- Hỏi: Chúng tôi xin hỏi ông ngay một câu là dựa trên cơ sở gì mà ông lại nói tới hiện tượng bong bóng tại Việt Nam"

- Ta hãy lấy kinh nghiệm từ doanh trường mà suy ra hoàn cảnh quốc gia để thấy được thế nào là bong bóng tại Việt Nam.

Trong kinh doanh, người ta so sánh phí tổn với lợi ích hay doanh số của một phương tiện sản xuất mà mình khai thác, thí dụ như một bàn ăn trong nhà hàng mỗi ngày phải thu vào bao nhiêu tiền, một mét vuông của cơ sở một năm phải đem lại bao nhiêu lợi nhuận mới có lời. Từ lợi ích đó suy ngược về phí tổn, ta mới tính ra trị giá của phương tiện sản xuất, khiến tiền mua bàn hay thuê đất - như bao nhiêu tiền một thước vuông - có thể là đắt hay rẻ. Và đắt hay rẻ là khi so sánh với khả năng sinh lời của thước vuông đó.

- Hỏi: Đó là về cách tính toán kinh doanh, khi suy ra hoàn cảnh quốc gia thì thế nào"

- Vâng, bây giờ, ta suy ra hoàn cảnh của quốc gia.

Với 85 triệu dân, thì sức sản xuất, hay sinh lời của kinh tế Việt Nam đo lường ở số GDP chỉ bằng một phần ba của Thái Lan, một xứ có 64 triệu dân. Đó là tính theo phương pháp tỷ giá mãi lực PPP của IMF cho công bằng. Nôm na là một người của họ một năm kiếm ra 9.200 đô la, còn Việt Nam chỉ có 3.000 thôi. Về mệnh giá thì còn ít hơn vì dân Thái có 3.200 đô la, ta có 700 đồng. Thủ đô Bangkok của Thái là nơi nổi tiếng phát đạt mà tính đến tháng 10 vừa qua, bình quân trị giá đất kinh doanh và gia cư của họ chỉ bằng phân nửa của Hà Nội và một phần tư của Sàigòn.

Tức là giá nhà đất ở hai thành phố lớn của Việt Nam hiện quá đắt, là trái bóng đầu cơ đang căng phồng và sẽ có lúc bể như xứ Thái đã bị năm 1997-1998. Một thí dụ khác là hai chục năm trước, giá đất tại một quận của Tokyo còn đắt hơn tổng số giá đất trên toàn tiểu bang California của Hoa Kỳ. Sau đó vài năm, bong bóng Nhật bị vỡ và xứ này bị 15 năm suy thoái kinh tế cho đến năm kia mới tạm hồi phục. Khi ta không thấy ra điều ấy mà vẫn hồn nhiên làm ăn sinh sống thì rõ ràng là đang sống trong bong bóng. Mà đấy mới chỉ là một thí dụ về đất đai, gia cư địa ốc mà thôi.

- Hỏi: Tức là ông hàm ý rằng Việt Nam cũng còn nhiều trái bóng khác nữa phải không"

- Hiện tượng bong bóng, tức là một ảo giác kinh tế trên thị trường, xảy ra khi ta trông chờ doanh lợi cao quá thực tế và lại không nhìn ra những rủi ro suy sụp rất lớn tiềm ẩn ở dưới.

Sau khi Việt Nam đổi mới kinh tế được 20 năm và bắt đầu gia nhập WTO, dư luận thế giới kháo nhau về một quốc gia có 85 triệu dân, là một thị trường rất lớn, với sức lao động cần cù và lương bổng còn thấp, cho nên mọi người đều ngợi ca triển vọng kinh tế và cơ hội làm tiền trong thị trường này. Lý do chính bên trong lời ca tập thể ấy là để khuyến khích lãnh đạo Hà Nội kiên trì đổi mới và đừng ngần ngại cải cách.

Trong thực tế, triển vọng đó của Việt Nam vẫn bị nhiều ách tắc. Sự lạc quan của thị trường và ách tắc của môi trường thực tế là hai điều kiện thổi lên những trái bóng ảo.

- Hỏi: Ông có thể đơn cử một số thí dụ cụ thể hay không"

- Nói tới lương bổng rẻ thì phải so sánh với năng suất và khả năng giáo dục và đào tạo. Về phương diện đó thì Việt Nam đang bị khủng hoảng giáo dục và vẫn thiếu nhân công có tay nghề hay trình độ kỹ thuật cần thiết. Cụ thể thì vẫn thua nhân công Trung Quốc hay Ấn Độ, chưa nói gì tới các nước Đông Á khác.

Nói tới quy mô thị trường thì dù có 85 triệu khẩu phần, thị trường nội địa Việt Nam vẫn còn quá nhỏ và bị ách tắc lớn nhất là không có hạ tầng vận chuyển và phân phối. Làm sao đưa hàng hoá tới tay ngần ấy người tiêu thụ là một vấn đề sẽ khiến nhà đầu tư nản chí, và dồn sức xoay ngược ra ngoài là tìm cách tái xuất khẩu qua xứ khác. Tức là lại đi theo chiến lược của nhiều xứ Đông Á kia là làm gia công cho thiên hạ.

Từ 1995, Công ty Nike đã vào Việt Nam làm giày cho rẻ, khi đó tốn có một đồng rưỡi là ra một đôi giày có thể bán gấp trăm tại Mỹ cho nên bây giờ sản xuất ra 75 triệu đôi một năm tại Việt Nam. Nhưng trong tương lai, ngoài việc phải trả lương cao hơn như vụ đình công vừa qua cho thấy, Nike sẽ khó vươn hơn được vì khi bốc rỡ hàng từ hãng xưởng ra thương cảng và vượt qua thủ tục hải quan thì bị tắc nghẽn, trễ hàng.

Trên thị trường chứng khoán của Việt Nam cũng thế, người ta hồ hởi về cơ hội kiếm lời đến nỗi ứ tiền mua cổ phiếu mà khỏi cần tìm hiểu xem cơ sở mình hùn vốn mua cổ phần như vậy sẽ kiếm lời được bao nhiêu để chia cho mình, khiến giá cổ phiếu sẽ tăng. Giới kinh tế ưa nói rằng khi bà già trầu mà bỏ tiền chơi stock thì ta biết là trái bóng cổ phiếu sẽ bể.

Nói vắn tắt thì người ta sống trong ảo giác mà không thấy ách tắc.

- Hỏi: Nhưng vì sao lại có hiện tượng lạc quan thái quá như vậy khi Việt Nam đã mở cửa và quốc tế có biết bao doanh nghiệp hay báo chí tới nơi làm ăn và tìm hiểu"

- Đây không là hiện tượng đặc thù của Việt Nam vì nạn hồ hởi sảng đã và còn xảy ra cho nhiều nước trên thế giới khi người ta chỉ đếm ra cái được mà không tính ra cái mất. Riêng tại Việt Nam, ta còn gặp hiện tượng khác là thông tin thiếu cân đối và trung thực. Giới đầu tư lạc quan chỉ nhìn vào lãnh vực họ chú ý mà ít tính ra nhiều rủi ro tiềm ẩn bên dưới. Thiếu am hiểu ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam, họ dựa vào nguồn tin Việt Nam, là nguồn tin cũng thiên lệch vì tâm lý hồ hởi của người Việt sau nhiều năm khốn khổ về kinh tế và vì chế độ thông tin có hạn chế của nhà nước vẫn che giấu nhiều sự thật. Báo chí mà moi ra thì bị trừng phạt.

Một thí dụ dễ hiểu là truyền thông quốc tế loan lại tin tức của truyền thông Việt Nam về sự thành đạt của một số doanh gia Việt Nam nay đã có khả năng tiêu thụ hàng xa xỉ, như xe Rolls Royce, Maybach 62 hay Bentley và những đám cưới tốn kém bạc tỷ. Hình ảnh phồn vinh ấy có thật, nhưng là sự thật bên trong trái bóng ảo, trong thành phố, của một thiểu số có tiền hay có quan hệ với chế độ. Ra khỏi thành phố hay bước ra ngoài bong bóng là một sự lầm than của thị trường, của một dân số rất đông, của cả vạn người có khi chết đói sau một trận lũ lụt. Việc tổ chức và chuyển vận phẩm vật cứu trợ có thể cho thấy trình độ tổ chức và phân phối của xã hội. Khi cấp bách với độ ưu tiên sinh tử như vậy mà làm không xong, thì loại tổ chức và phân phối ấy cho sinh hoạt thị trường sẽ ra sao" Mặt trái này lại ít được nhìn ra, hay ít được nói tới.

- Hỏi: Như vậy, chúng tôi bắt đầu hiểu nội dung những điều ông muốn đề cập. Theo ý kiến của ông, một hội nghị quốc tế của doanh giới với chính quyền Việt Nam sẽ phải đề cập tới những vấn đề gì mới thật sự là có ích"- Tôi cho rằng ngoài việc trình bày những yếu tố tích cực của thị trường Việt Nam - và tích cực vì so sánh với các thị trường khác chứ không phải là so sánh với quá khứ kiệt quệ vì tập trung quản lý của thời xưa - thì cũng phải đề cập tới những rủi ro và tiêu cực, để giới lãnh đạo biết là thiên hạ cũng biết, may ra thì họ sẽ cải sửa để cùng chia sẻ mối lợi đó.

- Hỏi: Nếu vậy, xin đề nghị ông kết thúc chương trình với việc liệt kê ra những khía cạnh bất trắc hay tiêu cực đó.

- Thứ nhất là khả năng quản lý vĩ mô của Việt Nam, cả ngân sách lẫn ngân hàng, vẫn còn yếu nên giá cả tại Việt Nam có thể tăng vọt và sẽ gây lỗ lã bất ngờ cho giới đầu tư. Khi lạm phát đã lên hai số mà lãi suất vẫn giữ nguyên từ hai năm nay là một thí dụ. Vật giá đang làm dân trong nước lo sợ, nhất là khi thị trường quốc tế lại còn nhiều biến động vào năm tới. Thứ hai là Việt Nam có nhiều nhược điểm trong hai loại hạ tầng.

Đầu tiên là hạ tầng vật chất cần thiết cho việc vận chuyển. Khi bước vào trái bóng ở thành phố thì phải tính ra giờ kẹt xe kẹt hàng bốc rỡ, và cả tai nạn hay bảo phí giao thông trong dự phòng phí tổn. Thứ nữa là hạ tầng luật lệ còn thô thiển, chưa thống nhất và quá tùy tiện khiến chi phí chè lá, xây dựng quan hệ - nôm na là tham nhũng - sẽ là các khoản ẩn phí bên dưới. Trong lãnh vực đó, giới đầu tư cũng phải chú ý đến luật và lệ - nhất là lệ - liên quan tới đất đai như quyền sử dụng đất, giá mua bán, cầm thế, v.v... Việt Nam cần một hạ tầng luật lệ thông thoáng, minh bạch và áp dụng thuần nhất hơn.

Thứ ba, ngoài chuyện quản lý vĩ mô và hạ tầng kinh doanh, Việt Nam cần có tự do thông tin để thị trường có tin tức khả tín và kịp thời. Đấy là một điều kiện cơ bản mà chưa có để thoát ra khỏi bong bóng, hầu người ta có quyết định kinh doanh lành mạnh.

Sau cùng, và nhìn về lâu dài, Việt Nam cần khắc phục các nhược điểm trong hệ thống giáo dục và đào tạo hầu cải tiến năng suất và đầu tư vào những ngành có giá trị cao hơn. Đây là loại vấn đề mà giới đầu tư cần biết, và lãnh đạo cần giải quyết, để sớm bước khỏi cõi ảo, khỏi trở thành những người duy nhất tin vào lời tuyên truyền của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người viết cố tình sử dụng tiêu đề trên nhằm mục đích nhấn mạnh tính tương phản của nó với cụm từ “Dân oan khiếu kiện” từ nghĩa đen cho tới nghĩa bóng
Theo bản tin Anh ngữ của BBC, thành phố Kaesong tại Bắc Hàn là một thành phố nằm sau giới tuyến chiến luỹ phân ranh giữa Bắc Hàn với Nam Hàn
Sang Mỹ ăn nhiều bơ thịt, tạng người trẻ Việt có vẻ cao ráo gồ ghề hẳn ra, hình ảnh cô em Bắc Kỳ nho nhỏ đôi khi cũng nhạt nhòa theo với Nguyễn Tất Nhiên.
Trong danh sách những gì mà bạn cần dự định làm cho ngày lễ, sự chuẩn bị an tòan là việc cần để ý hàng đầu trong danh sách.
Gần đây, trong các mạng nhện i-meo, tự nhiên lại rộ lên phong trào đua nhau ca tụng Các Mác, y như  phong trào "trăm hoa đua không nở" vậy.
Ngày 15/11/2007 Tân hoa xã, cơ quan thông tấn của đảng Cộng sản Trung quốc cho ban hành một Bạch thư bằng Anh ngữ nhan đề
Hôm ấy là ngày Chủ Nhật 25-11-2007 nhằm ngày 16 tháng 10AL năm Đinh Hợi, chúng tôi một nhóm Phật tử tại Orange County
Hội đồng thành phố San Jose tối ngày 20.11.2007 đã biểu quyết thông qua việc đặt tên cho một khu phố
Tập Hợp Thanh Niên Dân chủ (THTNDC), tập hợp những thanh niên có mong muốn góp sức xây dựng một Việt Nam dân chủ và giàu mạnh
Cũng là trò, là thầy - cô cả, song ở giai đoạn tôi học, nó khác! Tất nhiên so với thời kỳ kết thúc chiến tranh tôi tận mắt chứng kiến cảnh thầy trò ở Miền Nam
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.