Hôm nay,  

Thi Sĩ Vương Đức Lệ Đã Đi Rồi

23/01/200800:00:00(Xem: 6403)

Vương Đức Lệ năm 2001.

- Bài viết của Nguyễn Thụy Long từ VN

Tôi và Vương đức Lệ biết nhau từ rất lâu . Nay nghe anh qua đời từ vùng đất xa xôi,  tôi cũng bàng hoàng. Anh là bạn đồng nghiệp với tôi,  anh  làm thơ, tôi viết văn làm  báo từ thuở trước, trước 30-4-1975.

Sau 1975 chúng tôi đều treo bút, không sống bằng nghề cầm bút nữa, đi học tập cải tạo rồi về làm bao nhiêu thứ nghề khác để sống, và muốn sống bằng nghề cầm bút cũng chẳng ai cho, tuy rằng chế độ mới cai trị miền Nam vẫn nói là con đường văn nghệ luôn luôn rộng mở cho tất cả những văn nghệ sĩ, không phân biệt. Nhưng nói vậy mà không phải vậy, ai trong nghề cũng biết. Tốt hơn là quên đi cái đam mê mình có từ thuở thiếu thời, tôi nói thuở thiếu thời vì thời gian cũng xa  lắm rồi, thuở đó chúng tôi cũng chỉ là những cô chú nhóc mười mấy tuổi đầu, còn đi học và ăn bám cha mẹ…

Tôi nhận được tin Vương Đức Lệ qua đời tại Mỹ thật bất ngờ, anh qua đời hồi 2giờ chiều ngày chủ nhật 19 tháng 1 năm 2008, tin chỉ nói như thế, không nói anh bệnh tật gì, và chết tại tư gia. Tôi nghĩ đến anh, sau cuộc di cư năm 1954 từ Bắc vào Nam, chúng tôi được đi học và đời sống người Bắc di cư cũng khá ổn định, ngoài việc học ra chúng tôi có cái đam mê riêng là văn nghệ, sáng tác văn  thơ, chúng tôi chơi với nhau lập thành nhiều thi văn đoàn rồi qui tụ nhau ở tờ Văn Nghệ Học Sinh của bộ Thông Tin ở đường Phan Đình Phùng, nay gọi là đường Nguyễn Đình Chiểu, tờ Văn Nghệ Học Sinh thường họp mặt chúng tôi vào sáng mỗi ngày chủ nhật. Tuần báo này do anh Lê Bá Thảng làm chủ nhiệm và nhà văn Giang Tân làm tổng thư ký.  Báo qui tụ những anh em văn nghệ tuổi nhóc chúng tôi đủ cả Bắc, Trung, Nam, ở nhiều trường học khác nhau. Người yêu văn nghệ cứ đến đó tha hồ mà thảo luạn văn nghệ.

Tôi gặp Vương Đức Lệ ở đó, tên thật của anh là Lê Đức Vượng. Chúng tôi gọi anh bằng bút hiệu, cũng như độc giả gọi thi sĩ Thế Lữ chứ không bao giờ gọi ông là Thứ Lễ. Vương Đức Lệ thuở ấy giống như cậu công tử mặt trắng môi hồng, đôi mắt có vẻ mơ mộng nên cũng  thi sĩ ra phết, đầu không bù rối như "Mốt" của các thi sĩ ngày ấy,  lúc nào cũng được chải chuốt như thi sĩ Đinh Hùng .

Khi vào họp, anh hay ngồi một mình trên khung cửa sổ  nhìn ra hàng cây xanh mướt trên đường Phan Đình Phùng. Anh chỉ nghe và rất ít phát biểu hay tranh luận gì đó, thời đó những cuộc tranh luận sôi nổi nhất là vụ án Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc. Thủ lãnh của nhóm là nhà văn Phan Khôi , Trần Dần, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Tuân, nhiều nhà văn nhà thơ đã phải đi tù nhiều năm. Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ. Các vị ấy tranh đấu cho tự do, nhất là tự do sáng tác trong văn nghệ. Không chịu tuân theo giáo điều của Xã Hội Chủ Nghĩa đặt ra. Tác phẩm Nhân Văn Giai Phẩm được cơ sở xuất bản Tự Do ở miền Nam ấn hành lại và phổ biến rộng rãi. Chúng tôi chuyền tay nhau đọc rồi bình luận, tranh luận vung tí mẹt dù rằng hồi ấy kiến thức chúng tôi còn non nớt lắm, chưa có cái chuyên nghiệp của nhà phê bình, nhưng cũng thấy ghê ghê cái nghề làm đồ giả khi đọc "ông Năm Chuột" của Phan Khôi, đọc "ông Bình Vôi" bị bít mất vòi, dân làng mang thờ ở gốc cây đa đầu đình, "con ngựa già của Chúa Trịnh" bị bịt hai mắt chỉ nhìn thấy một phía đằng trước thành thói quen cho đến khi hết thời, đến chết vẫn chỉ có một hướng đi được chủ chỉ định . Những điều được viết lên  đó chính là chủ nghĩa Cộng Sản. Những bài thơ than khóc cho số phận con người trong cuộc cải cách ruộng đất làm chết oan hàng triệu người, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc Việt Nam. Tất cả những kiếp nạn của những người dân miền Bắc thời ấy được tái hiện qua phim "Chúng Tôi Muốn Sống" mà tài tử xi nê nổi tiếng một thời  Lê Quỳnh đóng vai chính .

Đám anh em văn nghệ nhóc chúng tôi thường đưa nhau về nhà chơi, nếu gã nào có nhà, không phải ở trong trại học sinh Phú Thọ, dành cho trẻ di cư vào miền Nam một mình hoặc côi cút. Tôi cũng đưa các bạn văn nghệ, về nhà tôi chơi ở con hẻm bùn lầy nước đọng, tụ nhau bàn luận hoặc khoe cho nhau những bài thơ hoặc những bài viết mới sáng tác, trên căn gác gỗ  đường Phát Diệm,  gọi là sở rác Nguyễn Tấn Nghiệm.

Một buổi sáng chủ nhật Vương Đức Lệ cũng đưa chúng tôi về nhà anh chơi sau khi họp  ở báo Văn Nghệ Học Sinh. Nhà anh ở trong trại lính thuộc Quân Khu Thủ Đô, bố anh là sĩ quan cao cấp thời ấy nên được ở công ốc nên nhà khá khang trang, nhìn ra cái sân rộng có những cây cổ thụ, , chúng tôi không được gặp hai bác mà gặp mấy cô em gái của anh Vương Đức Lệ, hình như là nữ sinh Trưng Vương, đời sống khép kín trong gia đình nền nếp.

Tuổi thiếu niên của chúng tôi qua đi, rồi lớp người lên đại học, lớp phải ra đời sớm hơn để kiếm sống, lớp lên đường nhập ngũ . Sau một thời gian ở quân ngũ ra tôi trở thành phóng viên chiến trường. Tết Mậu Thân VC đánh vào nhiều tỉnh thành miền Nam, gọi là cuộc Tổng Tiến Công 1968. Tôi mất đi một số bạn bè, ở Huế,  Quảng Trị và ở nhiều mặt trận khác. Tôi cũng vài lần chết hụt trên những mặt trận mà tôi đi nhặt tin tức. Tôi được tin Vương Đức Lệ bị thương mù một mắt khi anh làm quản đốc đài phát thanh ở Nha Trang. 

Năm 1975 miền Nam bại trận. Cả miền Nam nhà nhà có người đi học tập, người người đi học tập,  tôi sưu tầm được một bài thơ của anh viết về thời kỳ đó:

CÔ ĐỘC

Phòng giam hai bệ ngủ

Quanh quất một mình ta!

Chợt thèm hơi thở nhỏ

Dẫu tiếng thở dài xa.

*

Mờ mờ ô của gió

Chân ai bước lại qua

Trừng trừng đôi mắt đỏ

Soi mói, rợn da gà…

*

Xủng xẻng xâu chìa khoá

Dừng lại phòng riêng ta

Am ầm khuôn cửa mở

Đêm đen bỗng vỡ oà.

Chúng tôi , những người chế độ cũ bị buộc tội thuộc thành phần phản động. Tất cả bị đưa đi để cải tạo , tôi và một số anh em được chuyển lên trại Z30A Xuân Lộc Đồng Nai.

Vào một đêm giao thừa xuân năm 1978, hàng ngàn trại viên chúng tôi chiếm trại, giành lấy ba ngày  tết Nguyên đán tự do. Ba ngày ấy chúng tôi sống thật thoải mái, chào quốc kỳ của mình  in trên chai bia Quân Tiếp Vụ, chúng tôi ăn uống , ca hát, tất cả những bài hát cũ nào còn nhớ được. những bài hát  thật hay, có những bài hát thật  xúc động. Nhắc lại thuở còn tự do . Tôi ngồi cạnh anh Ma Xuân Đạo, từng là giáo sư  dạy văn nổi tiếng , chúng tôi lặng người khi nghe  lời hát của một người bạn tù cất lên "Chiều nay đi nhận xác chồng, quay đi để thấy… chiều nay đi nhận xác anh cuồng si thuở ấy… cao nguyên hoang lạnh ơ hơ, như môi thiếu phụ nhạt nhoà nét son…. Tình ta không vẹn cũng tròn quay đi để thấy không còn người yêu…" Bài hát đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn làm cho người nghe phải bồi hồi xúc động về những lời than khóc của người vợ đi nhận xác chồng bị chết trận , những lời rên xiết vỉ van của người thiếu phụ, khi nhớ laị những "cuồng si" , những yêu thương  của mgươì tình , trong niềm khát khao cháy bỏng ấy, mùi nhang khói làm nàng tưởng đến hơi hướng người chồng , và tưởng vẫn còn đang nằm trong vòng tay người yêu dấu. Tôi buột miệng: Bài hát hay quá, anh Ma Xuân Đạo tiếp lời : Bài thơ của con Ý đấy ! Được phổ nhạc . Tôi hỏi : Ý nào"  : Ý là em gái của Vương Đức Lệ. Tôi ngạc nhiên: Không ngờ thơ Vương Đức Lệ đã hay, mà thơ của cô em gái cũng không kém. Thuở thiếu thời Trần Dạ Từ cũng có lần nói với tôi khi đọc thơ của Vương đức Lệ: Thơ thằng này lạ quá! Trong thơ nó có đủ cả, kể cả tiếng chuông chùa … boong!

Mỗi lần tới nhà anh Văn Quang chơi tôi lại gặp Vương Đức Lệ , tôi nhớ  mãi hình ảnh Vương Đức Lệ vẫn cái dáng lười biếng thuở nào, hắn nằm dài trên ghế sa lông tán dóc với anh em, vẫn tính cách ít nói, miệng luôn mỉm cười , luôn luôn đeo kính đen cũng mang đầy vẻ bí ẩn như điệp viên 007 . Sau này tôi nghe tin anh ra đi định cư ở nước ngoài. Nay thì đã  nghìn trùng xa cách….Vương Đức Lệ đã thật sự ra đi,  để lại sự thương tiếc trong lòng bạn bè…Cầu cho anh khi dời cõi tạm được dạo chơi miền tiên cảnh.                                                                                                                                        

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bài sau đây của tác giả Vũ Linh Châu là một góp ý ngữ học về một vấn đề đã được tranh luận từ lâu. Thực ra, đứng về mặt bút pháp nói chung
Cựu Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH đã ra đi lúc 6:15 sáng ngày 22 Tháng Giêng
Ngày tôi gặp lại Dung ở Bệnh Viện Chợ Rẫy, cô giật mình, lùi lại như nhìn thấy một bóng ma. Khuôn mặt cô tái hẳn đi, cặp môi xinh xinh cong lên
Hôm Thứ Sáu 25/1/2008 tại trụ sở của Giáo hội Công giáo Việt Nam tại Hà Nội gần tòa Khâm sứ cũ của giáo hội đã xẩy ra một vụ xô xát giữa giáo dân và công an.
Riêng sự tiến bộ vật chất không đủ yếu tố để thành đạt một xã hội lý tưởng. Ngay tại những quốc gia mà đời sống vật chất xã hội bên ngoài mặc dù đã phát triển
Những sáng tác lớn về văn thơ hay nghệ thuật và ngay cả về khoa học, thường phát khởi từ một thần hứng
Trong ngày mừng ĐHY Hà Nội thì tại Tòa Khâm Sứ công an đánh người, giáo dân phá cổng xông vào cứu...
Phong tục tập quán chúng ta đều kính trọng để hài hòa, đồng thời cũng là những dịp để tỏ lòng chân thành, yêu thương, chia xẻ với nhau mọi vui
Cuộc tranh luận của năm ứng cử viên Cộng Hòa tại Florida vào tối Thứ Năm 25 được coi là "nhã nhặn" nhất. Như phép tỷ võ mà cụ Khổng tử đề nghị
Đầu tháng 4 năm 1975, QK 1 và QK2 đã lọt vào tay CSBV, hai phòng tuyến chính của VNCH phía Đông Bắc Sài Gòn bấy giờ là Phan Rang và Xuân Lộc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.