Hôm nay,  

Quan Hệ Mỹ-việt Tiến Tới Đâu?

20/06/200700:00:00(Xem: 8334)

Chuyến đi Mỹ của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết trong tuần này là dấu chỉ cho thấy quan hệ Mỹ-Việt tiếp tục được phát triển, dù gần đây nổi lên những khác biệt trong cái nhìn về nhân quyền và đang tạo nên những cơn sóng.

Nhân quyền là một phần trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ nhưng ít được ồn ào nêu lên, trừ khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. Dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, Ngoại Trưởng Madeleine Albright trong một buổi thảo luận ở Hà Nội đã hỏi Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu rằng khi nào Việt Nam sẽ bắt đầu tiến trình dân chủ hoá đất nước.

Hai năm trước, khi Thủ Tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ, Việt Nam cũng đã ký với Mỹ một thỏa thuận tôn trọng tự do tôn giáo.

Tổng Thống George W. Bush trong chuyến đi Hà Nội cuối năm 2006 đã nêu vấn đề nhân quyền với lãnh đạo Việt Nam.

Khi tiếp Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm vào tháng Ba vừa qua, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleezza Rice cũng thảo luận việc Việt Nam giam giữ những người phát biểu ý kiến bất đồng với chính phủ.

Như thế, với những quan điểm khác biệt giữa hai nước về nhân quyền, quan hệ Mỹ-Việt sẽ tiến tới mức nào"

Trước hết hãy nhìn lại tiến trình bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong hơn ba thập niên qua.

Cuộc chiến ở Việt Nam với sự can dự của người Mỹ chấm dứt vào tháng 4-1975 và một năm sau hai miền Việt Nam được chính thức thống nhất dưới quốc hiệu Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Tại thời điểm đó Hoa Kỳ đã áp dụng khắt khe chính sách cấm vận theo tinh thần của bộ luật cấm giao thương với những quốc gia thù nghịch được thi hành đối với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, tức miền Bắc Việt Nam, từ năm 1964. Cùng lúc, với quyền phủ quyết, Hoa Kỳ đã không chấp thuận cho Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc ngay sau chiến thắng.

Dưới thời Tổng Thống Gerald Ford, một vài cố gắng để đặt nền tảng cho quan hệ giữa hai nước đã không thành vì dựa trên điều kiện Hoa Kỳ bồi thường chiến tranh và việc tìm kiếm hơn hai nghìn binh lính Mỹ còn mất tích (POW-MIA) mà Washington và Hà Nội đã không thể đồng ý với nhau.

Sau khi Tổng Thống Jimmy Carter nhậm chức vào tháng 1-1977, vào tháng Ba ông đã cử Đặc Sứ Leonard Woodcock, lúc đó là chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao động Hoa Kỳ (AFL-CIO), đến Hà Nội bàn về quyền lợi song phương. Để tỏ thiện chí Hoa Kỳ không phủ nhận đơn xin gia nhập và Việt Nam chính thức trở thành hội viên Liên Hiệp Quốc vào năm 1977.

Tiếp tục những đối thoại, Thứ Trưởng Ngoại giao của hai quốc gia là Richard Holbrook và Phan Hiền đã có những thảo luận ở Paris để tìm giải pháp cho việc thiết lập quan hệ.

Nhưng cuối năm 1978 tình hình trở nên căng thẳng với xung đột Cam Bốt - Việt Nam - Trung Quốc, với việc Việt Nam ký kết hiệp ước liên minh với Liên Xô, rồi bộ đội cộng sản Việt Nam vượt biên giới qua Cam Bốt lật đổ chế độ Khờ-Me Đỏ và sự kiện ngày đầu năm 1979 chính quyền của Tổng Thống Jimmy Carter chính thức đoạn giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Quốc.

Trong bối cảnh một cuộc chiến tranh mới và thế chính trị điạ lí vùng châu Á nên những liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trở nên bế tắc.

Sau Đại Hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam, năm 1986 Hà Nội ban hành chính sách đổi mới, cho phép tự do kinh doanh, đón du khách và mở cửa giao thương với các nước Tây phương. Việc này tạo thuận lợi cho khối Tây Âu và các nước như Nhật, Nam Hàn, Đài Loan lập dự án kinh doanh ở Việt Nam. Nhưng luật cấm vận của Hoa Kỳ cũng còn là rào cản gây khó khăn.

Cuối nhiệm kỳ hai của Tổng Thống Ronald Reagan (1984-1988) một người nổi tiếng bảo thủ chống cộng sản, Hoa Kỳ và Việt Nam mới có những thảo luận trở lại với chuyến đi Hà Nội năm 1987 của Đặc Sứ John Vessey, nguyên Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Hoa Kỳ. Hà Nội muốn thương thảo trực tiếp với Washington về một giải pháp hoà bình cho Cam Bốt mà Hoa Kỳ không đồng ý vì chính sách của Mỹ lúc bấy giờ là ủng hộ lập trường của khối ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) đòi Việt Nam rút bộ đội về nước. Hoa Kỳ cũng yêu cầu Việt Nam giải quyết vấn đề POW-MIA. Đổi lại Hoa Kỳ sẽ bỏ lệnh cấm vận và giúp Việt Nam phát triển kinh tế. Những vấn đề khác như tù cải tạo và con lai cũng được đặt ra và đã có sự hợp tác của Hà Nội.

Dưới thời Tổng Thống George Bush (Cha), 1988-1992, một số thành quả ngoại giao được thi hành nhưng vẫn chưa có bang giao giữa hai nước: con lai, cựu tù cải tạo và gia đình được định cư (1989), Washington chính thức thảo luận với Hà Nội để tìm một giải pháp hoà bình cho Cam Bốt (1990), có những tiến bộ trong việc tìm hài cốt và tin tức tù binh Mỹ. Đáp lại, Hoa Kỳ cho phép doanh gia Mỹ tổ chức du lịch Việt Nam, định mức viện trợ nhân đạo một triệu Mỹ kim một năm, các tổ chức ngoài chính phủ NGO được hoạt động tại Việt Nam, cho phép các công ty Mỹ đến Việt Nam nghiên cứu thị trường và nối lại liên lạc viễn thông giữa hai nước.

Sau khi có bầu cử tự do với sự giám sát của Liên Hiệp Quốc được tổ chức ở Cam Bốt vào năm 1993, Tổng Thống Bill Clinton bỏ cấm vận Việt Nam đầu năm 1994 và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12-7 năm 1995, đúng hai mươi năm sau ngày Hoa Kỳ cuốn cờ rút khỏi miền Nam.

Sau mười hai năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam đã có quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Hoa Kỳ và mới trở thành hội viên WTO. Trao đổi thương mại giữa hai nước từ vài trăm triệu đô-la vào thập niên trước nay lên mức 10 tỉ đô-la một năm. Đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam hiện là 4 tỉ.

Về mặt chiến lược, vài năm gần đây tầu chiến Hoa Kỳ đã nhiều lần ghé cảng Sài Gòn và Đà Nẵng và bộ trưởng quốc phòng cùng giới lãnh đạo quân sự hai nước đã có nhiều chuyến thăm viếng qua lại. Hoa Kỳ trong tương lai có thể bán trang thiết bị quân sự và giúp huấn luyện lính Việt Nam. Trong khi đó Việt Nam đã có những hợp tác tích cực với Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu.

Trong tiến trình phát triển và nâng cấp quan hệ, những chuyến thăm viếng hai quốc gia của những nhà lãnh đạo cao cấp nhất đã được thực hiện.

Năm 2000, Bill Clinton là vị tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm một nước Việt Nam thống nhất, hoà bình. Thủ Tướng Phan Văn Khải chính thức thăm Hoa Kỳ vào mùa hè 2005. Cuối năm 2006 Tổng Thống George W. Bush đã thăm Việt Nam nhân dự hội nghị APEC.

Chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết cho thấy quan hệ Mỹ Việt tiếp tục phát triển. Nhưng quan hệ đó sẽ tiến tới đâu" Hai nước chỉ là bạn giao thương hay sẽ thành đồng minh chiến lược"

Hà Nội thường công bố chính sách ngoại giao của Việt Nam là muốn làm bạn với các nước trong tinh thần tôn trọng chủ quyền, độc lập của nhau. Với vị trí địa lí và quá khứ lịch sử, chính sách đó có thể được hiểu là Việt Nam muốn là bạn của Trung Quốc để giữ nước, cùng lúc làm bạn với Hoa Kỳ để phát triển.

Đây là căn bản của chính sách ngoại giao đu dây đã giúp Việt Nam đạt được những thắng lợi thời chiến tranh. Nay trong thời bình và với cục diện chính trị và ý thức hệ thế giới đã thay đổi, quan hệ Mỹ-Việt hiện tại liệu có đưa hai quốc gia lên tầm đồng minh chiến lược"

Nghi thức đón tiếp Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết chỉ ở mức xã giao cho thấy quan hệ giữa Hoa Kỳ và VN còn ở mức bạn mới vì có những điều chưa hiểu nhau, chưa thân thiết như giữa Hoa Kỳ và Thái Lan, Nam Hàn, Philippines, chưa được nâng lên cấp đồng minh chiến lược, như quan hệ của Hoa Kỳ với Anh Quốc, Nhật Bản hay với Do Thái.

Chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với VN là ở thế chân vạc với 3 yếu tố: quyền lợi kinh tế, vị trí chiến lược và lý tưởng dân chủ, tự do.

Khi nào cả hai phiá đều có tầm nhìn tương đồng nhau về ba lãnh vực trên, khi đó 2 quốc gia mới thực sự có tình hữu nghị thắm thiết trước khi trở thành đồng minh chiến lược.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đây là bản dịch bài viết của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân (ảnh) để phản bác lại bài bình luật của Báo Orange County Register
Hơn 70 tiệm nail của người Mỹ gốc Việt đã được thưởng khoản tiền trợ giúp đặc biệt về môi sinh, theo một bản tin hôm 29-6-2007 của Sở Môi Sin
Tôi còn nhớ vào khỏang những năm 1960, 1961 khi tôi bắt đầu làm quen với những chuyện kiếm hiệp dã sử trong các trang nhật báo tôi rất thích đọc
Cộng đồng người Việt bên Mỹ đã phản ứng mãnh liệt trong chuyến công du của ông NMT vừa qua. Họ thống nhất được từ ngữ và biểu tượng của truyền thống
Khi làm công tác ngoại vận tại Hoa Kỳ và Âu Châu, gặp các nhà chính trị tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu, họ đã đặt cho tôi nhiều câu hỏi
Thông thường, kết thúc một cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia, người ta công bố một bản thông cáo chung, xác định một số điểm đồng thuận
Nhờ những phát minh khoa học và kỹ thuật, đã giúp thêm phương tiện cho các cường quốc Âu Châu thời đó như Anh, Pháp, Hoà Lan, Bồ Đào Nha
Kể từ 1 tháng 7 năm 2008, California áp dụng luật mới về điện thoại di động, theo gương của Connecticut, District of Columbia, New Jersey, New York
nhân danh ổn định sẽ tụt hậu, dân ta sẽ chỉ đi làm thuê cho thiên hạ trong những nghề họ chẳng thèm làm...
Tình hình Việt Nam và thế giới biến chuyển nhanh chóng do việc Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima ngày 6-8-1945
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.