Hôm nay,  

Ổn Định Không Phát Triển

27/06/200700:00:00(Xem: 9551)

...nhân danh ổn định sẽ tụt hậu, dân ta sẽ chỉ đi làm thuê cho thiên hạ trong những nghề họ chẳng thèm làm...

Tiếp tục tìm hiểu về những ảnh hưởng của vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á xảy ra đúng 10 năm về trước, Diễn đàn Kinh tế đài RFA kỳ này sẽ cố rút tỉa một số bài học cho Việt Nam qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, do Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, ngày mùng hai tháng Bảy năm 1997, tức là chỉ một ngày sau khi Hong Kong hồi quy cố quốc, một vụ biến động ngoại hối bất ngờ xảy ra tại Thái Lan và lập tức lan rộng qua Indonesia, Philippines, Malaysia, lên tới Nam Hàn và Hong Kong rồi tràn qua nhiều nước khác trên thế giới... Vụ khủng hoảng ấy khiến hàng loạt chính phủ Đông Á bị đổ và gây hậu quả bất lợi cho các nước. Chương trình tuần trước đã phân tách về các nguyên do. Kỳ này, xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về những hậu quả để rút tỉa bài học cho Việt Nam.

Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi: đâu là bài học then chốt của vụ khủng hoảng này"

Vụ khủng hoảng khiến người ta nhớ tới lý luận của một kinh tế gia người Áo là ông Joseph Schumpeter về sự “hủy diệt sáng tạo”. Ông ta đưa ra lý luận này cách đây đúng 65 năm, vào năm 1942, rằng chủ nghĩa tư bản là một sự sáng tạo không ngừng và chính sự sáng tạo ấy đã hủy diệt những thành quả của nguyên trạng và tạo ra những đổi thay tiến bộ hơn. Bàng bạc bên dưới lý luận này là tinh thần dân chủ và chống độc quyền như một động lực của sự tiến hoá. Sở dĩ tôi muốn nhắc tới lý luận nay đã thuộc loại sơ đẳng và không thể thiếu của kinh tế học nhập môn là vì cuộc khủng hoảng đã vạch trần một sai lầm lưu cữu về sự liên hệ giữa ổn định và phát triển.

Riêng với Việt Nam, điều này thật ra quan trọng vì nhiều người ở trong và ngoài nước vẫn còn lý luận rất sai là Việt Nam cần ổn định để phát triển. Chính là yêu cầu ổn định ấy đã cản trở tinh thần dân chủ, tính sáng tạo và chi phối thái độ hàng ngày của người ta đối với rủi ro của đời sống. Nôm na là sự ổn định khiến ta ươn hèn đi, là trở lực chống phát triển và duy trì chế độ độc tài hay độc quyền kinh tế. Chúng ta sẽ phải lần lượt giải thích để giải thoát ra khỏi ảo tưởng này.

Hỏi: Ông hay thường nêu ra những lý luận đầy nghịch lý. Vụ khủng hoảng năm 97-98 đã khiến hàng loạt quốc gia Đông Á bị chấn động, nhiều chính quyền bị đổ chứ có gì là sáng tạo đâu"

Thưa vâng, vụ khủng hoảng khiến chế độ độc tài Suharto tại Indonesia bị sụp đổ sau 32 năm độc quyền cai trị mà họ gọi là ổn định, như Việt Nam ngày nay. Nó khiến Chính phủ Yongchaiudh Chavalit vừa lên cầm quyền đã bị đổ tại Thái và dẫn tới nhiều thay đổi chính trị trong khu vực Đông Á. Trước đấy, vụ khủng hoảng kinh tế Nhật vào đầu thập niên 90 cũng khiến chính quyền của đảng Dân chủ Tự do bị đổ và phải lột xác sau 38 năm cầm quyền liên tục từ 1955 đến 1993.

Nhưng khủng hoảng cũng phá vỡ những ách tắc trong cơ chế chính trị và kinh tế, xoá bỏ tình trạng cấu kết giữa các tập đoàn kinh doanh và ngân hàng với bộ máy công quyền và các chính khách mị dân hay bất lương. Nó khiến người ta nhìn thấy sự phá sản của chiến lược kinh tế Đông Á sau mấy chục năm thành công ngoạn mục. Ngày nay, nền kinh tế của ngần ấy quốc gia đều đã khá hơn và phát triển công bằng hơn, và về xã hội vẫn hơn hẳn Việt Nam lẫn cả Trung Quốc.

Yếu tố chính của hiện tượng đào thải để tái sinh ấy chính là quy tắc dân chủ. Việt Nam chưa hiểu ra một bài học sơ cơ của kinh tế học và phát triển cho nên chúng ta sẽ còn phải giải thích nhiều.

Hỏi: Trước khi giải thích tiếp những nguyên lý mà ta xin tạm gọi là ổn định cản trở phát triển, hoặc trong sự hủy diệt đã có mầm sáng tạo và tiến bộ, chúng tôi đề nghị ông đưa ra vài thí dụ khác để thính giả thấy ra sự liên hệ giữa hai khái niệm tưởng như là mâu thuẫn này.

Đầu tiên, ta cần minh xác lại định nghĩa. Phát triển không là tăng trưởng vì bao hàm cả yếu tố tinh thần và phẩm chất. Trong 10 năm liền, Thái Lan đã có tốc độ tăng trưởng tới 9% một năm, tức là còn cao hơn Việt Nam ngày nay, trước khi bị khủng hoảng năm 1997.

Thứ hai, cái mà người ta gọi là sự ổn định có khi chỉ là sự tồn tại của một hệ thống lạc hậu.

Á châu chúng ta đã có sự ổn định man rợ của chế độ quân chủ và hệ thống giáo dục Khổng Nho và nó kéo dài cho tới khi bị thách đố bởi hệ thống tổ chức Tây phương. Hệ thống tổ chức Âu châu đã phá vỡ trật tự Á Đông không nhờ vì có đại pháo hay tàu chiến chạy bằng hơi nước. Những phát minh khoa học kỹ thuật đó sở dĩ thành hình là nhờ Âu châu đã tự giải phóng khỏi cái ách tôn giáo rồi chế độ quân chủ chuyên chính và tiến dần ra chế độ dân chủ.

Suy như vậy thì dường như thế giới loài người có bị chi phối bởi một quy luật then chốt là có tự do suy tư hay không, mà càng có nhiều tự do là càng dễ tiến hoá lên trình độ tốt hơn.

Hỏi: Nhưng, sự tự do ấy cũng nhất thời gây ra thay đổi, biến động hay khủng hoảng chứ"

Tôi thiển nghĩ là ta có ba tầng suy xét sự đổi thay, từ kinh tế lên chính trị và lên tới văn hoá.

Nếu có thể làm một phép quy nạp thì một vụ khủng hoảng kinh tế có khi gây xáo trộn trong khoảng thời gian từ năm đến 10 năm là cùng, nhưng nếu có xã hội có tự do và chính trị có dân chủ, thì kinh tế sẽ lại phát triển mạnh trên một nền tảng lành mạnh hơn của một xã hội công bằng hơn. Đó là tình trạng của các nước Đông Á đã bị khủng hoảng 10 năm trước.

Hàng ngày, ta nghe nói đến bất ổn chính trị tại Thái, hay rủi ro đảo chính tại Philippines nhưng kinh tế mấy xứ đó vẫn hơn Việt Nam quá xa và xã hội cũng công bằng gấp bội. Indonesia là xứ đa văn hoá và tôn giáo trải rộng trên 17 ngàn hòn đảo và bị khủng bố tấn công hai lần mà vẫn là quốc gia tiến bộ về dân quyền và giải trừ được ách tham nhũng đi cùng sự ổn định của chế độ Suharto. Người dân mấy xứ đó không sợ đổi thay và dù tầng lớp chính trị ở trên có tranh đoạt quyền bính thì xã hội dân sinh ở dưới vẫn có tự do sinh hoạt và ứng phó để tiến hoá, là trường hợp mà Việt Nam chưa có vì cả xã hội ở dưới e sợ đổi thay nên vẫn để lãnh đạo duy trì độc tài.

Hỏi: Ông nói đến ba tầng suy tư, sau kinh tế là chính trị và văn hoá, điều ấy có nghĩa là gì"

Thưa là sau kinh nghiệm về kinh tế của Á châu thì một sự thay đổi chính trị sẽ gây hậu quả bất ổn trong khoảng thời gian từ 10 đến 15 năm. Sau đó tình hình sẽ có thể khá hơn nếu ta có dân chủ, đó là trường hợp phổ biến của các nước cộng sản Đông Âu sau khi chế độ Xô viết sụp đổ.

Ngoại lệ là Liên bang Nga, thoát ra khủng hoảng năm 1998 là nhờ dầu khí lên giá mà về căn bản vẫn là một xứ lạc hậu và không có dân chủ, thua kém rất xa các nước Ba Lan, Hungary hay Đức, hay ba nước Cộng hoà Baltic. Cường quốc duy nhất mà người dân không thiết tha đến tương lai và sự sinh tồn đến mức dân số sút giảm và băng đảng hoành hành chính là nước Nga ngày nay. Ông Vladimir Putin muốn tìm lại sự ổn định qua chế độ tập quyền kiểu bôn-sơ-vích dưới cái vỏ dân chủ mà vẫn sẽ khó tránh khỏi khủng hoảng trong một sự lụn bại kéo dài. Đây là một vấn đề văn hoá và vì là văn hoá nên thay đổi chậm hơn và di hại lâu hơn.

Hỏi: Dường như ông đang nói đến tầng suy tư thứ ba là văn hoá. Liệu chúng ta có cần một cuộc cách mạng văn hoá chăng"

“Cách mạng văn hoá” theo kiểu Mao chỉ là đòn phép chính trị của truyền thống Đông phương là dùng lực lượng phiên trấn bên ngoài để tranh đoạt quyền lực ở trung ương, hay trong đảng.

Trở lại đề tài của chúng ta thì quy luật chính ở đây là phải dám chấp nhận đổi thay cả chính trị. Mà sở dĩ không dám là vì yếu tố văn hoá. Việt Nam chưa thể đổi mới vì nếp văn hóa e sợ đổi thay sau khi đã nếm mùi chiến tranh oan uổng và cách mạng giả hiệu. Ngày nay, những ai kêu gọi thay đổi thường bị chế độ kết án là làm loạn, với sự đồng tình thụ động của người dân vì nhiều người Việt Nam cho rằng những nhân vật đấu tranh cho dân chủ đã gây ra bất ổn. Đó là khảo hướng tai hại về cách lượng định rủi ro và ứng phó với tương lai khi thế giới đã thay đổi.

Hỏi: Bây giờ, ta hãy rút tỉa bài học cho Việt Nam, đâu là những điều Việt Nam có thể học được từ vụ khủng hoảng Đông Á 10 năm về trước"

Từ trong khủng hoảng, người ta phải tìm giải pháp khác và có thể tìm ra giải pháp tốt đẹp hơn nếu có tự do. Cách đây 20 năm, Việt Nam bị khủng hoảng kinh tế nên phải tìm giải pháp khác chứ không còn bám lấy lý luận của kinh tế học Mác-Lenin. Nhưng trình độ tư duy của lãnh đạo và khuôn khổ tự do không có của dân chúng chỉ dẫn tới giải pháp đổi mới nửa vời. Và sau khi kiệt quệ vì lý luận kinh tế xã hội chủ nghĩa, khi mới chỉ đủ vặt mũi bỏ mồm như các cụ ta hay nói thì người ta đã sợ mất và hết dám đổi thay. Mọi người đều không mấy hài lòng với nguyên trạng nhưng vẫn e sợ rủi ro và nhân danh sự ổn định bạc nhược và tụt hậu này không dám đòi hỏi những đổi thay quan trọng hơn. Từ bên ngoài, vì tư lợi hay kém hiểu biết một số người cũng nói đến nhu cầu bảo vệ sự ổn định mà mặc nhiên cổ võ cho nạn độc tài trong khi các lân bang đều cứ theo nhau khủng hoảng kinh tế hay chính trị mà tiến lên, và người dân của họ sống sung sướng hơn chẳng vì no đủ hơn mà còn vì có nhiều tự do hơn. Việt Nam tụt hậu chính là do sự bạc nhược đó.

Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, Việt Nam cần làm những gì để theo kịp các nước Đông Á khác"

Chúng ta phải có cả chục chương trình may ra mới có giải đáp cho câu hỏi đó!

Tuy nhiên, nếu nhìn ra thế giới ngày nay, ta thấy mọi tư tưởng hay sáng kiến đều có thể bị thách đố hay đào thải rất nhanh, nội trong vài năm chứ không phải vài chục năm hay vài chục thế kỷ như trước đây. Mọi quyết định về chính trị hay kinh tế đều có hiệu ứng lập tức và tác động ngược vào tiến trình quyết định và thi hành. Trong thế giới có những đổi thay đến chóng mặt như vậy mà mình vẫn cứ nói chuyện Nghiêu Thuấn mơ hồ hay bảo vệ thành quả cách mạng hoặc quyền lợi riêng tư bằng cách nhân danh ổn định thì sẽ tụt hậu, dân ta sẽ chỉ đi làm thuê cho thiên hạ trong những nghề họ chẳng thèm làm. Việt Nam sẽ còn bị khủng hoảng trong cái ảo tưởng ổn định như vậy. Mà sau trận khủng hoảng oan uổng đó vì thiếu tự do sẽ còn sự khủng hoảng toàn diện vì không dám lấy rủi ro cần thiết trong một chế độ dân chủ. Việc cần làm vì vậy là giải trừ sự sợ hãi. Chính là sự sợ hãi ấy mới khiến người ta bám lấy ảo tưởng ổn định và không dám cởi ách độc tài để tìm ra giải pháp sáng tạo hơn.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết đã chuẩn bị khá kỹ chuyến viếng thăm Hoa Kỳ. Trước đó mấy tuần, khi nghe tin "người bạn lớn của nhân dân Việt Nam"
Đây là bản dịch bài viết của Luật Sư Nguyễn Quốc Lân (ảnh) để phản bác lại bài bình luật của Báo Orange County Register
Hơn 70 tiệm nail của người Mỹ gốc Việt đã được thưởng khoản tiền trợ giúp đặc biệt về môi sinh, theo một bản tin hôm 29-6-2007 của Sở Môi Sin
Tôi còn nhớ vào khỏang những năm 1960, 1961 khi tôi bắt đầu làm quen với những chuyện kiếm hiệp dã sử trong các trang nhật báo tôi rất thích đọc
Cộng đồng người Việt bên Mỹ đã phản ứng mãnh liệt trong chuyến công du của ông NMT vừa qua. Họ thống nhất được từ ngữ và biểu tượng của truyền thống
Khi làm công tác ngoại vận tại Hoa Kỳ và Âu Châu, gặp các nhà chính trị tại Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu, họ đã đặt cho tôi nhiều câu hỏi
Thông thường, kết thúc một cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia, người ta công bố một bản thông cáo chung, xác định một số điểm đồng thuận
Nhờ những phát minh khoa học và kỹ thuật, đã giúp thêm phương tiện cho các cường quốc Âu Châu thời đó như Anh, Pháp, Hoà Lan, Bồ Đào Nha
Kể từ 1 tháng 7 năm 2008, California áp dụng luật mới về điện thoại di động, theo gương của Connecticut, District of Columbia, New Jersey, New York
Tình hình Việt Nam và thế giới biến chuyển nhanh chóng do việc Hoa Kỳ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản là Hiroshima ngày 6-8-1945
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.