Hôm nay,  

Phan Văn Hưng Và Bi Phẫn Ca

9/13/200800:00:00(View: 12834)
Người nghệ sĩ cúi xuống trên mười ngón tay nhả những thanh âm phừng phừng rực lửa.

Khuôn mặt anh chứa chan cảm xúc, rập rờn âm điệu. Thính giác khán giả căng, dãn, đàn hồi, nhảy múa theo hấp lực của từng làn điệu, lời ca. Những ca từ hiện thực, tả chân cuộc sống con người đang ở đáy địa ngục. Những truyện ca có thật tạo năng lực cấu nhoi nhói tim đỏ người nghe. Nếu mỗi người là một cá nhân khác biệt có nhiều điểm khó hoà hợp, thì phút giây hiện tại này, mức đồng cảm giữa người và người ở khán giả đang lên cao nhất. Mọi vật rơi vào thể tĩnh của bất động ngoại trừ anh. Những đôi mắt không kịp nháy, tụ hội về vóc hình người đàn ông có dáng dấp thư sinh. Thế rồi bất chợt họ hiểu ra bài hát đã đến hồi dứt. Tiếng chuyển động rào rào của những bàn tay vỗ nhất loạt oà lên bao vây lấy hội trường, phủ lấp hình hài nhỏ bé của người đàn ông đang ngồi ôm đàn ấy.

Anh cúi chào khán giả với một phong thái nho nhã, điềm đạm. Anh, Phan Văn Hưng, đến từ Úc, đem tiếng hát, dòng nhạc trải dài khắp vòng quay trái đất. Nơi nào mời anh, anh đến, nơi nào đón anh, anh lại. Anh giản dị, chân tình, nhẹ nhàng, thư thái, nhưng khi cây đàn được đặt vào vòng tay bồng bế, nó biến anh thành một con người khác. 

Nhắc đến Phan Văn Hưng người ta không nhắc đến một giọng hát điêu luyện, trầm ấm hay đằm thắm mà người ta tưởng tượng ra được một giọng hát thấm đẫm chân thật, xoáy sâu chọc thủng bức tường trái tim con người. Chúng ta cảm được cái hay của nó nhưng không phân tích được tại sao. Bởi anh hát từ tim nên tim ta và tim người giao cảm. Giọng anh không thể lẫn với bất cứ giọng hát nào khác vì anh có một phong cách rất riêng trong lối nhả chữ. Kỹ thuật luyến láy chữ của anh phải nói là “được tinh luyện và rất khác biệt’. Một phong cách rất “Phan Văn Hưng”.  Vả lại khi anh hay bất cứ ai hát loại nhạc của anh sáng tác, người ấy không cần một giọng hát thiên phú thật hay mà chỉ cần hát thật có hồn, hát bằng tất cả trái tim của người ấy.

Phan văn Hưng không những mang giọng hát của mình đến với khán thính giả khắp nơi ở hải ngoại mà anh còn đem dòng nhạc rất đặc biệt của mình gieo rải bất cứ nơi nào người nghe muốn nghe. Nhạc của anh phần lớn là phổ thơ nhưng anh nổi tiếng đầu tiên ở những ca khúc chính anh viết như “Bạn bè của tôi”, sau này là “Bài ca tuổi trẻ”, “Dìu nhau”, “Nhớ những dòng sông” ..... Thơ anh phổ nhiều nhất của Nam Dao, “người bạn đời” của anh từ những ngày hoạt động trong các phong trào sinh viên ở Paris. Người bạn đời sát cánh bên anh còn chung lưng cùng anh trong việc sáng tác. Có khi anh phổ thơ Nam Dao, có khi anh viết dựa trên lời thơ ND, rồi từ đó viết cả ca từ và nhạc. Có lúc anh viết cả hai nhưng ND sửa lời và góp ý. Cũng có một vài bài ND viết cả nhạc lẫn lời, anh sửa nhạc.

Ngoài ra anh phổ thơ của nhiều thi sĩ  khác trong cũng như ngoài nước. Mối giao cảm giữa thi sĩ và nhạc sĩ trong một bài thơ phổ nhạc như một hôn ước nhịp nhàng, du dương và hoà điệu. Nhưng không phải cuộc hôn phối nào cũng đẹp đẽ và hạnh phúc. Có những bài thơ hay bị giết chết thê thảm khi được phổ nhạc nhưng cũng có những bài thơ khi được phổ nhạc bỗng trở thành vang danh và bất tử. Theo ý riêng của tôi những bài thơ được anh Hưng phổ nhạc là những đứa con may mắn được đặc biệt ưu ái chạm vào van tim của những người nghe biết mở lòng.

Phan Văn Hưng biết chọn cho mình một phong cách riêng trong âm sắc cũng như lối soạn nhạc và chơi đàn của mình. Âm Sắc là thứ màu sắc của âm thanh.  Màu Sắc đóng vai trò tối quan trọng trong một tác phẩm nghệ thuật của người hoạ sĩ thì đối với nhạc sĩ, Âm Sắc cũng đóng vai trò tương tự.  Nó là chữ ký, ngôn ngữ, âm thanh, tính khác biệt, nét độc đáo, tất cả đúc kết thành phong cách của một nhạc sĩ. 

Anh kể cho tôi nghe một thói quen đặc thù khác người. Người chơi guitar classic thường bằng bốn ngón trong khi anh chơi chỉ bằng hai ngón, ngón trỏ và ngón cái.

Thế hệ ngày mới lớn của anh là những thập niên 60, 70, được nuôi dưỡng bằng dòng nhạc của The Beatles, Simon & Garfunkel, Peter,Paul & Mary và Cat Stevens nên một điều không thể phủ nhận là nhạc anh có mang âm hưởng nhạc Mỹ và dân ca Mỹ(Folk Music).

Sau này khi ra ngoại quốc anh lại chỉ chơi nhạc Việt Nam, tuy nhiên, vì sống trong một môi trường đa dạng và phong phú ở hải ngoại nên anh biết cách pha chế rồi tổng hợp nên một dòng nhạc riêng cho mình bằng một tinh thần bạo dạn khai phá của người làm nhạc. Tỷ như trong bài “Những đứa bé” có nhiều gam chõi, lạ, và mang âm hưởng jazz và blues.

“Những đứa bé không chiếu chăn/ Nằm lây lất giữa hè phố

Nằm chui rúc nơi những xó tối tăm, rác rưởi.

.....

Những đứa bé trong quán bia/ Em đón khách nơi phồn hoa

Những đứa bé không cánh tay/ Những đôi mắt không còn thấy

Đời em giam trong ngõ tối/ Hắt hiu, lụt lội

Những đứa bé đi bán rong/ Đạp xe mướn hay lượm rác

Một ngày về trên quê hương

Tôi muốn nấc lên đau thương

Tôi muốn khóc cho tủi hờn

Tôi muốn ôm em vào lòng

 (Những đứa bẻ/Phan văn Hưng-Nam Dao)

Nói đến PVH người ta nhớ ngay đến bài hát “Bạn bè của tôi”. “Bạn bè của Tôi” không những là nhân chứng của một thế hệ, hai thế hệ mà có lẽ của các thế hệ tiếp nối. Nó không đơn thuần là một bài hát mà là cuốn nhật ký ghi lại sự thật xảy ra ở Việt Nam, không chỉ của một cá nhân mà cả một dân tộc. Nó gắn chặt tên tuổi anh vào nó hay nói ngược lại nó đã khai sáng một PVH, một dòng nhạc mới ở hải ngoại.

Bạn bè của tôi,

Từng chiếc lá trong trận bão dân tộc

Tuổi trẻ đôi mươi bị lãng phí như cỏ rác thôi

.......

Bạn bè của tôi

đi lây lất trong cuộc sống vô vọng

Ai thấu cho oan khiên này

Người có lắng nghe ....

Tiếng ai than dài

(Bạn bè của tôi/Phan Văn Hưng)

Trong một bài phỏng vấn anh Hưng tâm sự:

“Tôi sẽ hát những bài hát đầu tay của Nam Dao và tôi, những bài hát mộc mạc không tham vọng, nhưng cũng là những bài hát đã đánh dấu cuộc đời chúng tôi cũng như của các bạn của tôi. Thời đó chúng tôi đã khóc cho quê hương, cho đồng bào mình, thì ngày hôm nay tiếng khóc đó vẫn chưa dứt. Ngày hôm nay chúng tôi vẫn viết ca khúc, có thể kỹ thuật làm nhạc đã già dặn hơn, đề tài cũng có thể đã thay đổi theo những biến đổi của đất nước, nhưng trong tiếng uất nghẹn chưa nguôi đó, tôi vẫn cảm thấy lòng mình rực lửa vì con đường dân tộc mình đi nhất định sẽ có ngày rực sáng.”

Anh khóc cho quê hương trong ca khúc “Hai mươi năm”

“Hai mươi năm, nhiều kẻ gian trong làng xóm

Người hiền khô mang gông cùm

Kẻ mộng du lên bạo chúa

Người ngồi khóc trên sân chùa

.....

Hai mươi năm, những nụ hoa cho người hái

Những thể xác cho ai đầy

Một thầy cô trong nhà chứa

Gặp trò xưa bỗng khóc òa”

(Hai mươi năm/ Phan Văn Hưng-Nam Dao)

Anh cũng đã khóc cho quê hương khi khúc đầu, khúc trán, khúc tai, hình chữ S bị xẻo ngang ngày đó, bây giờ lần lượt tới Trường Sa, Hoàng Sa:

“PVH: Làm sao mà không nói cho được về chuyện mất Ải Nam Quan sau hàng chục thế kỷ tổ tiên ta đã giữ vững bờ cõi ở phương Bắc" Đau mất đất chỉ là một, nhưng đau và tủi nhục đối với tổ tiên là mười. Đã hát về đất nước VN ngày hôm nay thì đương nhiên ta phải hát về Nam Quan chứ.”

“Ải Nam Quan ơi ta đã mất tên em/ Như một phần hồn tự nghìn năm.

Lòng ta đau như ai đem dao/ Xé nát da non cứa trên thịt gan.

Ai đem hình hài/ Giang sơn đọa đày/ Cho thân lìa cành/  Cho cây lìa đất

Cho ta lìa cội/ Như sông bỏ nguồn/ Ta nghe tủi nhục/ Dâng vào lòng”

(Vọng Nam Quan/ Phan Văn Hưng-Nam Dao)

Ba mươi ba năm lưu vong, dòng nhạc Phan Văn Hưng để lại cho kho tàng âm nhạc hải ngoại một dòng nhạc tranh vẽ những thao thức, khắc khoải tâm tư: “Trái tim tôi là bến” phổ thơ Bắc Phong, “Giết một ước mơ” phổ thơ Chế Lan Viên, “Nơi phía bình nguyên” Ý văn Dương Thu Hương, “Kiểm tra” phổ thơ Hà Sĩ Phu, “Khát”  ý thơ Thanh Thảo, “Ai trở về xứ Việt” thơ Minh Đức Hoài Trinh. Dòng nhạc truyện kể những mảnh đời bi thảm của “Bài ca cho bé Thảo” phổ thơ Nam Dao, “Em bé và viên sỏi”  phổ thơ Trần Trung Đạo, “Em bé lên 6 tuổi” phổ thơ Hoàng Cầm, “Bậu”,  “Con bé nhà quê” phổ thơ Thái Sơn, “Tiễn em rời K18”.... và còn nhiều nữa. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1970 cho tới nay, 38 năm anh có tất cả là 121 ca khúc. Bấy nhiêu tâm huyết làm nên dòng nhạc Phan Văn Hưng.

Có người gọi dòng nhạc này là nhạc Tranh Đấu. Nghe kỹ lại những CD  anh đã phát hành, từ “Sinh ra là người Việt Nam”, “Khát”, “Có phải em chờ mùa Xuân”, “Hai mươi năm”, cho đến “Nơi phía bình nguyên” ....người ta không thấy một dấu hiệu nào anh gào thét tranh đấu, đòi cái này, cái nọ. Anh không kêu gọi, ủng hộ, hay tuyên dương cho một chủ nghĩa nào. Người bảo nhạc anh là Hưng Ca. Tôi không thấy anh có ý phục quốc, xây dựng một chính thể khác, đòi làm mới hay ẩn dấu trong dòng nhạc một tư tưởng vùng dậy nào cả. Nhưng có lẽ tác động tranh đấu và phục hưng của nó nảy sinh từ trong tâm thức thính giả sau khi nghe các bài  nhạc vạch rõ những áp bức, bất công, lầm than, nên người ta đặt tên cho dòng nhạc này như thế chăng" Kẻ góp ý nhạc anh là Dân Ca. Tuy những dòng nhạc anh viết hầu hết cho người dân lầm than nhưng không thể ghép nó vào dòng nhạc dân gian.

Theo giáo sư Trần Quang Hải, Dân Ca nghĩa là:

“Định nghĩa danh từ dân ca, theo tôi, là những bài ca không biết ai là tác giả, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, dính liền với đời sống hàng ngày của người dân quê, từ bài hát ru con, sang các bài hát trẻ em lúc vui chơi, đến các loại hát lúc làm việc, hát đối đáp lúc lễ hội thường niên.

Dân ca lại mang một màu sắc địa phương đặc biệt, tùy theo phong tục, ngôn ngữ, giọng nói, và âm nhạc tính từng vùng mà khác đi đôi chút. Nhưng nhìn chung, vẫn là bài hát thoát thai từ lòng dân quê với tính chất mộc mạc, giản dị của nó.

(Trích Dân Ca Việt Nam-Giáo sư Trần Quang Hải)

Nét bi ca và phẫn uất rực lên trong dòng nhạc. Riêng tôi, tôi nghĩ chúng ta nên gọi dòng nhạc này là “Bi phẫn ca” thì đúng hơn. Chữ “Bi” ở đây có thể hiểu là buồn vì cái buồn của người khác và khổ vì cái khổ của người khác.

Bàng bạc trong những ca khúc của anh điều nguời ta phát hiện nhiều nhất, rõ nhất là tính nhân bản của con người. Nghệ sĩ thì nhạy cảm. Họ nhìn thấy trước cái thiên hạ thấy, cảm trước cái thiên hạ cảm. Nên anh cảm và thấy cái khổ đau, thống thiết, bất công, tàn nhẫn, ngược đãi, nghèo đói, bạo lực, lầm than, áp bức, tù tội ... nhan nhản trên đất nước Việt Nam từ thời điểm 1975 cho đến nay.  Sự nhạy cảm cấu mềm sự tích cực, lúc ấy người ta chỉ thấy toàn tiêu cực. Khi nước mắt người nghệ sĩ nhỏ xuống cung bậc sẽ lên ngôi.  Dòng nhạc hát cho người dân, hát cho đồng bào tôi ra đời. Hầu hết các ca khúc của anh viết cho quần chúng, đối tượng của anh phần lớn là trẻ thơ, người nghèo, anh bạn tù, những thân phận bị vùi dập, những cay đắng, thống khổ triền miên mà những kẻ yếu không thể nói hay không có cơ hội nói lên được. Anh không bao giờ nghĩ rằng chính mình mang sứ mạng của một người đánh chuông, nhưng dòng nhạc thay anh gióng tiếng chuông tỉnh thức tới mọi nơi, mọi nhà, viết dùm, nói dùm nỗi uất ức của những người không nói được.  Những nét chấm phá bi thảm cuộc sống ấy pha màu cho những bức tranh màu xám, đầy gai, bấu rách màng tim người nghe. Dòng nhạc vô tình chuyên chở được nhu cầu được nói của kẻ yếu trong cái hữu tình của người soạn nên ca khúc.

Tất cả sự việc vô tình và hữu tình ấy tình cờ kết duyên tao ngộ làm nên dòng nhạc

“Bi Phẫn Ca” của Phan văn Hưng.

Để nghe và biết thêm về dòng nhạc “Bi Phẫn Ca” này các bạn có thể bấm vào các link sau:

Em bé và viên sỏi/ Phan văn Hưng

http://www.youtube.com/watch"v=VltsSNsY4Kc

Sinh ra là người Việt Nam/ Phan văn Hưng

http://www.youtube.com/watch"v=pKxIJJedUdo&feature=related

Hai mươi năm

http://www.youtube.com/watch"v=yDYIPnPn8s0&feature=related

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Theo tài liệu Pháp, tháng 1/1910, Nguyễn Sinh Huy, Tri huyện Bình Khê, thân phụ của Hồ Chí Minh, bị ngưng chức vì tội sát nhân. Ngày 19/5, ông bị tống giam. Qua tháng 8/1910, ông được ân xá và chỉ bị cách chức. Lý do là ông luận tội một nghi phạm và đã đánh chết nghi phạm trong nhà giam vì bản tánh hung ác và đang cơn say rượu...
Ông Zelensky đã để mất Bakhmut, một thành phố chiến lược. Theo cựu sĩ quan Mỹ, số thương vong của Ukraine tại đây là khoảng 50,000 người. Còn lực lượng đánh thuê Wagner của Nga tổn thất khoảng 20,000 người. Ngay sau đó, Ukraine tuyên bố cuộc phản công chiếm lại tất cả lãnh thổ đã bắt đầu...
Thật khó mà biết sự thật của tình hình kinh tế Việt Nam ra sao trước tình trạng ông nói gà, bà nói vịt, nếu bạn là một nhà đâu tư. Đối với ông Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng thì tình hình chung vẫn sáng sủa, phấn khởi và đầy hy vọng.
Nếu chả may mà sự việc có xẩy ra bi thảm như vậy chăng nữa thì cái chết của ông cũng khiến cho đám thường dân đỡ phần tủi hổ. Chúng tôi cảm thấy vô cùng yên ủi khi biết rằng dù quê hương rơi vào hoàn cảnh bi đát đến thế nào chăng nữa thì đất nước này vẫn còn có những vị nhân sĩ đáng kính, hết lòng vì dân tộc, chứ không chỉ thuần là một lũ trí thức trùm chăn hay một đám cơ hội ăn theo...
✱The White House: Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với CHND Trung Hoa về các vấn đề gây quan ngại xuyên quốc gia - cả hai bên đều nhận ra tầm quan trọng của việc giao tiếp ở cấp lãnh đạo như một phương tiện để ổn định mối quan hệ và quản lý cạnh tranh. ✱Global Times: Cuộc họp tại Vienna kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ với việc hai bên đã có những trao đổi "thẳng thắn, sâu sắc, thực chất và mang tính xây dựng" về các chủ đề lớn, trong đó có quan hệ song phương. ✱TT Biden: Chúng tôi sẽ gặp nhau - chúng tôi đang tìm cách làm giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa mối quan hệ của chúng tôi với Trung Quốc.
Tôi có dịp được đi nhiều nơi, được gặp gỡ nhiều người, và cũng được nghe lắm lời bình phẩm (không được tử tế hay tế nhị gì cho lắm) về quê hương và đất nước của mình. Tuy thế, tôi chưa bao giờ bị một “vố” nặng như Trần Đĩnh cả.
Các thủ thư giờ đây có thể phải đối mặt với nhiều năm tù giam và hàng chục nghìn đô tiền phạt vì cung cấp sách được cho là khiêu dâm, tục tĩu hoặc “có hại” cho trẻ em theo luật mới của tiểu bang cho phép truy tố hình sự đối với nhân viên trường học và thư viện. Theo phân tích của Washington Post, ít nhất bảy tiểu bang đã thông qua luật như vậy trong hai năm qua, sáu trong số đó được thông qua trong hai tháng qua — mặc dù các thống đốc của Idaho và North Dakota đã phủ quyết luật này. Một chục tiểu bang khác đã xem xét hơn 20 dự luật tương tự trong năm nay, một nửa trong số đó có khả năng sẽ xuất hiện trở lại vào năm 2024, tạp chí này nhận định.
Với thời gian, mọi ước vọng đều trở nên những niềm hoài vọng xa xăm trong khi cái mảnh đất quê hương khốn khổ (và bao người ở lại) thì vẫn ngóng trông… mỏi cổ!
Trong Diễn văn bế mạc Hội nghị bỏ phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ ngày 17/05/2023 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cố gắng vẽ ra hình ảnh lạc quan nhưng tình trạng Tham nhũng, Tiêu cực và Suy thoái Tư tưởng chính trị trong Đảng đã nhạt nhòa khả năng lãnh đạo của ông...
Trong thế kỷ qua, ở Việt Nam bỗng từ đâu xuất hiện một con người mà mặt thật được che giấu kỹ dưới nhiều lớp dày mỏng khác nhau, nhiều cách khác nhau. Từ đời sống bản thân, tên họ, tuổi tác. Đều bằng dối trá và bưng bít. Do bản chất của con người gian ác. Điều này, dĩ nhiên là một hiện tượng quái lạ đã khêu gợi sự tò mò của một số người nên đã làm tốn khá nhiều công sức và giấy mực nhưng vẫn chưa phơi bày được đầy đủ sự thật. Thật rùng rợn! Con người đó có tên là Hồ Chí Minh. Mà cái tên Hồ Chí Minh cũng do ông chôm của người khác, Cụ Hồ Học Lãm. Và cả cái tên Việt Minh của Cụ Lãm nữa!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.