Hôm nay,  

Chuyện Xưa Chuyện Nay: Thầy Đặng Vũ Tiển Ở Làng Hành Thiện

17/01/201000:00:00(Xem: 5924)

Chuyện Xưa Chuyện Nay: Thầy Đặng Vũ Tiển ở làng Hành Thiện

Đoàn Thanh Liêm
Năm học 1950-51, tôi theo học với thầy Đặng Vũ Tiển tại lớp học tư ngay trong nhà cuả thầy ở làng Hành Thiện, cũng gần với làng Cát xuyên cuả tôi. Vì mấy năm chiến tranh, việc học cuả tôi bị gián đoạn, nên phải học bù lại bằng cách học dồn chương trình hai năm vào trong có một năm.
Thầy Tiển có bằng tú tài thời Pháp thuộc trước năm 1945, nên có tên là ông Tú Tiển. Vì thầy có dị tật với cái bướu sau lưng, nên thường được gọi là “thầy Tiển gù”, chỉ cao chừng 1,20 mét thôi. Thầy dậy chúng tôi vào buổi chiều, trong lớp chỉ có chừng 20 học sinh. Mà chỉ dậy có 4 môn, đó là Toán, Vật lý, Anh văn, Pháp văn trong chương trình 2 lớp Đệ ngũ và Đệ Tứ (tức là lớp 8 và 9 sau này). Là người đã dậy học lâu năm, nên thầy có nhiều kinh nghiệm về sư phạm và diễn giảng hướng dẫn chúng tôi rất tận tình chu đáo. Mà thầy cũng không hề tỏ vẻ chú trọng về chuyện tiền bạc cuả các học sinh phải bồi dưỡng cho thầy. Lớp học rõ ràng là giống như cuả các cụ đồ nho ngày trước ở các làng quê : học trò thường không phải trả ‘học phí”, mà chỉ lâu lâu đem biếu ông thầy ít sản phẩm nông nhiệp như một thúng gạo, con gà, chục trứng, con cá lớn, hay mấy nải chuối, gọi là “ lễ vật để tạ ơn thầy”.
Làng Hành Thiện rất nổi danh ở miền Bắc với câu dân gian thường hay truyền tụng : “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”. Làng Cổ Am ở miệt Hải Dương – Kiến An về phía đông so với thủ đô Thăng Long. Còn làng Hành Thiện ở miệt Sơn Nam tức là về phía nam so với Hanoi. Hành Thiện có rất nhiều nhân tài với biết bao nhiêu vị khoa bảng đỗ đạt thành danh qua rất nhiều kỳ thi dưới các triều vua chúa ngày xưa. Mà ngay dưới thời Pháp thuộc, thì cũng có rất nhiều vị bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư nổi tiếng khắp nước. Điển hình như bác sĩ Đặng Vũ Lạc là một vị bác sĩ trong lớp đầu tiên cuả giới bác sĩ y khoa và đã đứng ra thiết lập một bệnh viện tư nhân lớn nhất toàn cõi Đông Dương hồi trước 1945. Còn phải kể đến nhà cách mạng lừng danh Nguyễn Thế Truyền đã hoạt động chung với các cụ Nguyễn An Ninh, Phan văn Trường, Phan Châu Trinh... ngay tại Pháp hồi thập niên 1920. Kể cả Trường Chinh Đặng Xuân Khu một nhân vật khét tiếng trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản, bị mất chức Tổng Bí thư đảng cộng sản sau vụ cải cách ruộng đất năm 1955-56, thì cũng là người xuất thân từ làng Hành Thiện.
Hồi tôi theo học với thầy Tiển ở Hành Thiện, thì hay được các bậc cha bác ở trong làng nhắc nhủ rằng: “Cháu phải cố gắng mà học tập theo gương kiên trì hiếu học cuả người Hành Thiện đấy nhé. Mong sao cho lớp trẻ tuổi như bọn cháu sánh bước theo kịp được với các bạn đồng lưá cuả làng này. Chứ đừng có lẹt bẹt thua kém như lớp tuổi cuả chúng tao ngày trước ấy. Có như thế, thì chúng cháu mới xứng đáng với câu tục ngữ : “hậu sinh khả uý”, “con hơn cha, nhà có phúc” vậy đó...” Và ngay từ hồi còn theo học ở Hanoi vào các năm 1952-54, tôi đã hết sức thán phục cái thành tích đáng nể cuả các anh Đặng Vũ Biền, Nguyễn Xuân Nghiên, Đặng Văn Nhân, Bùi Duy Tâm, Bùi Duy Quang v.v... đều là dân Hành Thiện mà học hành thi cử lúc nào cũng thành công nổi bật cả ở cấp trung học đến cấp đại học. Có thể nói sự thành công cuả các anh này đã khích lệ cho tôi thêm miệt mài trong việc sách đèn, để mà “có thể theo kịp được với dân Hành Thiện”, đúng như lời nhắc nhủ cuả cha bác làng Cát xuyên cuả tôi như đã ghi ở trên.


Trở lại với chuyên cuả thầy Đặng Vũ Tiển, thì từ ngày di cư vào Nam năm 1954, thầy đi mở trường dậy học ở Phan Thiết. Mãi đến sau năm 1975, tôi và anh bạn Trịnh Ngọc Cứ vốn là học trò xưa mới có dịp đến thăm thầy được mấy lần tại nhà riêng ở khu Ngã Ba Ông Tạ Saigon. Thầy vẫn còn nhớ anh em chúng tôi và tiếp chuyện rất thân tình với bọn tôi. Tôi nhận thấy thầy có tâm sự bi quan, buồn rầu trước tình hình ngột ngạt, tiêu điều hiu quạnh ở miền nam hồi đó. Và chẳng bao lâu sau, thì tôi được tin thầy mất, mà vì không được thông báo qua báo chí hay radio, nên hầu như không có mấy học trò cũ như chúng tôi được biết để mà đến viếng và tiễn đưa thầy vào dịp tang lễ. Một lần nưã, tôi xin được bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ cuả một môn sinh đã có may mắn được thụ giáo với vị thầy rất tận tâm chu đáo là thầy Đặng Vũ Tiển cuả làng Hành Thiện vậy.
Sách vở, báo chí và tài liệu viết về làng Hành Thiện thì rất nhiều, có đến cả hàng ngàn, hàng vạn tài liệu không thể liệt kê cho hết được. Đặc biệt, tôi chú ý đến công trình sưu tầm nghiên cưú gần đây cuả cụ Đăng Hưũ Thụ hiện đã vào tuổi thượng thọ cưủ tuần rồi. Cụ nguyên là một vị chánh án tại miền Nam trước năm 1975. Sau đó cụ sang định cư tại Pháp và kể từ ngày về hưu vào năm 1984, cụ đã dành hết thời gian rảnh rỗi để tìm hiểu lịch sử văn hoá cuả làng Hành Thiện vốn là quê hương bản quán cuả mình. Cụ làm việc say mê, miệt mài và theo phương pháp khoa học, nên đã hoàn thành được nhiều tác phẩm về các sự tích lịch sử cũng như về các danh nhân xuất thân từ đất Hành Thiện. Tôi đặc biệt rất thích thú khi được đọc cuốn tiểu sử cuả nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền do cụ biên soạn vào đầu thập niên 1990. Rõ ràng là Hành Thiện rất xứng đáng với danh hiệu “Điạ linh Nhân kiệt” như dân gian thường nói vậy. Và tôi xin giới thiệu với bạn đọc loại sách biên khảo cuả cụ Đặng Hữu Thụ rất có giá trị riêng về lịch sử văn hoá và danh nhân cuả Hành Thiện.
Cuối cùng, tôi cũng xin bày tỏ lòng thương tiếc đối với các anh bạn thân thiết, đồng lưá tuổi người Hành Thiện mà đã ra đi trong các năm qua. Đó là các bạn Nguyễn Xuân Nghiên, Đặng Văn Nhân, Nguyễn Xuân Quế, Đặng Mộng Lân... Tuy các anh đã đi xa, nhưng cái kỷ niệm chung với các anh về thời thơ ấu ở quê nhà tại Hành Thiện – Xuân Trường – Nam Định, thì không bao giờ phai mờ trong tâm trí cuả tôi được.
California, ngày cuối năm Kỷ sửu
Đoàn Thanh Liêm

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm 1991, kinh tế Hoa Kỳ bị suy trầm, rất nhẹ. Nhưng dư luận nước Mỹ lúc đó đều nghe thấy những hồi chuông báo tử
Bản đồ Việt Nam đây, cụ Hồ vừa ý chưa" (Ảnh Bà Phạm Thúy Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa
Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (PDDDD HVK Thoại) là Tư Lệnh Hải Quân vùng I Duyên Hải
Đại hội thanh niên sinh viên thế giới kỳ VI được tổ chức ở Mã Lai, số người tham dự hơn 200
Chịu đựng được bao đày ải trong tù đã là hay. Nhưng ngẩng đầu đứng thẳng trước đe dọa của gông cùm, họng súng thì thật xứng là anh hùng
Tết Mậu Tý năm nay đánh dấu 40 năm ngày Cộng sản Việt Nam lợi dụng  Đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc Tết Mậu Thân (1968)
Các cuộc tranh cử sơ bộ đã chính thức bắt đầu qua hai cuộc bầu cử tại hai tiểu bang Iowa và New Hampshire. Cả hai cuộc bầu đều mang lại bất ngờ
Vào ngày này cách đây bốn năm, Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn đã lặng lẽ ra đi về cõi vĩnh hằng
Đó là tựa đề trên báo điện tử đảng Cộng sản Việt nam ngày 28/09/2007, để trả lời câu hỏi trên, tôi chọn cách tìm hiểu từ nội tình Việt nam ta
Đường vào Bạch Cung có thể ví như một cuộc chạy đua đường trường 50 vòng và với khoảng 15 vận động viên ở mức khởi hành
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.