Chuyện Xưa Chuyện Nay: Thầy Đặng Vũ Tiển ở làng Hành Thiện
Đoàn Thanh Liêm
Năm học 1950-51, tôi theo học với thầy Đặng Vũ Tiển tại lớp học tư ngay trong nhà cuả thầy ở làng Hành Thiện, cũng gần với làng Cát xuyên cuả tôi. Vì mấy năm chiến tranh, việc học cuả tôi bị gián đoạn, nên phải học bù lại bằng cách học dồn chương trình hai năm vào trong có một năm.
Thầy Tiển có bằng tú tài thời Pháp thuộc trước năm 1945, nên có tên là ông Tú Tiển. Vì thầy có dị tật với cái bướu sau lưng, nên thường được gọi là “thầy Tiển gù”, chỉ cao chừng 1,20 mét thôi. Thầy dậy chúng tôi vào buổi chiều, trong lớp chỉ có chừng 20 học sinh. Mà chỉ dậy có 4 môn, đó là Toán, Vật lý, Anh văn, Pháp văn trong chương trình 2 lớp Đệ ngũ và Đệ Tứ (tức là lớp 8 và 9 sau này). Là người đã dậy học lâu năm, nên thầy có nhiều kinh nghiệm về sư phạm và diễn giảng hướng dẫn chúng tôi rất tận tình chu đáo. Mà thầy cũng không hề tỏ vẻ chú trọng về chuyện tiền bạc cuả các học sinh phải bồi dưỡng cho thầy. Lớp học rõ ràng là giống như cuả các cụ đồ nho ngày trước ở các làng quê : học trò thường không phải trả ‘học phí”, mà chỉ lâu lâu đem biếu ông thầy ít sản phẩm nông nhiệp như một thúng gạo, con gà, chục trứng, con cá lớn, hay mấy nải chuối, gọi là “ lễ vật để tạ ơn thầy”.
Làng Hành Thiện rất nổi danh ở miền Bắc với câu dân gian thường hay truyền tụng : “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”. Làng Cổ Am ở miệt Hải Dương – Kiến An về phía đông so với thủ đô Thăng Long. Còn làng Hành Thiện ở miệt Sơn Nam tức là về phía nam so với Hanoi. Hành Thiện có rất nhiều nhân tài với biết bao nhiêu vị khoa bảng đỗ đạt thành danh qua rất nhiều kỳ thi dưới các triều vua chúa ngày xưa. Mà ngay dưới thời Pháp thuộc, thì cũng có rất nhiều vị bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giáo sư nổi tiếng khắp nước. Điển hình như bác sĩ Đặng Vũ Lạc là một vị bác sĩ trong lớp đầu tiên cuả giới bác sĩ y khoa và đã đứng ra thiết lập một bệnh viện tư nhân lớn nhất toàn cõi Đông Dương hồi trước 1945. Còn phải kể đến nhà cách mạng lừng danh Nguyễn Thế Truyền đã hoạt động chung với các cụ Nguyễn An Ninh, Phan văn Trường, Phan Châu Trinh... ngay tại Pháp hồi thập niên 1920. Kể cả Trường Chinh Đặng Xuân Khu một nhân vật khét tiếng trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản, bị mất chức Tổng Bí thư đảng cộng sản sau vụ cải cách ruộng đất năm 1955-56, thì cũng là người xuất thân từ làng Hành Thiện.
Hồi tôi theo học với thầy Tiển ở Hành Thiện, thì hay được các bậc cha bác ở trong làng nhắc nhủ rằng: “Cháu phải cố gắng mà học tập theo gương kiên trì hiếu học cuả người Hành Thiện đấy nhé. Mong sao cho lớp trẻ tuổi như bọn cháu sánh bước theo kịp được với các bạn đồng lưá cuả làng này. Chứ đừng có lẹt bẹt thua kém như lớp tuổi cuả chúng tao ngày trước ấy. Có như thế, thì chúng cháu mới xứng đáng với câu tục ngữ : “hậu sinh khả uý”, “con hơn cha, nhà có phúc” vậy đó...” Và ngay từ hồi còn theo học ở Hanoi vào các năm 1952-54, tôi đã hết sức thán phục cái thành tích đáng nể cuả các anh Đặng Vũ Biền, Nguyễn Xuân Nghiên, Đặng Văn Nhân, Bùi Duy Tâm, Bùi Duy Quang v.v... đều là dân Hành Thiện mà học hành thi cử lúc nào cũng thành công nổi bật cả ở cấp trung học đến cấp đại học. Có thể nói sự thành công cuả các anh này đã khích lệ cho tôi thêm miệt mài trong việc sách đèn, để mà “có thể theo kịp được với dân Hành Thiện”, đúng như lời nhắc nhủ cuả cha bác làng Cát xuyên cuả tôi như đã ghi ở trên.