Hôm nay,  

Lực Tình

18/08/200800:00:00(Xem: 8649)
Tình yêu là phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất, có sức thay đổi lòng người, chứ không phải là những lời khuyên bảo, hay những chỉ đạo cao đẹp. Điều này thật đúng, ngay cả trong khoa tâm lý trị liệu ngày nay.

PHÉP LẠ MỘT CUỘC THAY ĐỔI

Có lần dự một khóa tu tập tại St Louis, Missouri, tôi được nhà tâm lý nổi tiếng là Anthony de Mello kể một câu truyện về cách thay đổi lòng người rất kiến hiệu.

 Một người bạn ít lâu nay trở chứng, tính tình mỗi ngày mỗi tồi tệ thêm. Mọi người thấy vậy thì cố khuyên bảo, nhưng cô ta càng quá ra, và còn tỏ ra bực tức thù ghét, đôi khi còn làm ngược lại nữa. Cô ta cũng biết những lời khuyên bảo là đúng, và cũng muốn thay đổi lắm chứ, nhưng đâu có dễ, mặc dù đã cố gắng nhiều lắm.

 Điều làm cho cô khổ tâm nhất, đó chính là ngay cả người bạn thân nhất của cô cũng nhận xét thấy cô tệ quá rồi, và ra sức khuyên cô phải thay đổi đi. Cô biết vậy, nhưng cũng vẫn không sao khác hơn, vì thế cô càng mất đi lòng tự tin, và cuối cùng thì buông xuôi không còn một chút nghị lực nào.

Không sao được nữa, người bạn thân đến thủ thỉ: "Thôi, bạn đừng nhọc sức tìm cách thay đổi gì nữa. Dù bạn như thế nào, tôi cũng vẫn thương bạn. Cứ nhớ là lúc nào tôi cũng chấp nhận và thương yêu bạn."

 Những lời nói đó như một thứ linh dược thành điệu nhạc văng vẳng bên tai, thấm vào mạch máu: "Đừng thay đổi gì cả. Đừng thay đổi gì cả. Đừng thay đổi gì cả. Lúc nào tôi cũng thương yêu bạn." 

Và điều lạ lùng đã xẩy ra. Cô ta như trút được một cối đá nặng đè xuống bấy lâu. Cô ta đã thay đổi, tìm lại được niềm vui mọc cánh vút cao. Cô ta khám phá ra rằng mình sẽ không bao giờ có thể thay đổi được thực sự, nếu không có một người thực tâm thương yêu chấp nhận dù mình có thay đổi hay không.

 LỰC TÌNH CỨU MẠNG

 Đúng là tình yêu mới có sức giải thoát chứ không phải những lý thuyết, những lời cố vấn hay tư vấn rành nghề, ngay cả những đạo lý cao siêu.

 Đó cũng là câu truyện kể về một đứa bé bị trượt chân rơi xuống giếng. Ngay sau đó có hai người đi ngang qua. Người thứ nhất thấy vậy thì lấy làm tội nghiệp, nhưng không biết làm sao hơn vì trong tay chẳng có gì để cứu; mà theo kinh nghiệm cá nhân của ông ta thì mình đôi khi cũng có thể tự cứu mình được nên nói vọng xuống rằng đừng la hét, cứ bình tĩnh rồi từ từ sẽ tự tìm ra giải pháp.

Người thứ hai đi tới thấy vậy thì ra sức tìm tòi sách cổ kim, mãi hồi lâu mới khám phá ra được một cách: "Ê, cứ chịu khó làm sao để khoét vào vách giếng thành bậc thang, rồi bước theo đó mà lên dần dần. Diệu kế đấy."
Nhưng rồi đứa bé loay hoay mãi cũng không thể làm gì khác hơn, chỉ biết khóc hết nước mắt. May hết sức, lúc đó có một người thứ ba nghe thấy tiếng khóc dưới giếng liền đi tới. Người này chẳng kịp nghĩ ra kế gì cả, không cứu gấp thì đứa bé chết mất. Vậy là ông ta đu dây thừng xuống ngay được giếng mà ẵm đứa bé lên. Hú hồn!

THỜI ĐIỂM BA NĂM CHƯƠNG TRÌNH PHÁT THANH

 Câu truyện này diễn tả phần nào ý nghĩa phương tiện "truyền thông" của Chúa Giêsu. Người đã khởi đi từ những rung cảm, từ những khắc khoải trong tim mỗi người. Ngài không giải thoát con người bằng cách đứng ở xa để dùng quyền năng thượng trí mà cố vấn theo kiểu tâm lý trị liệu, để vạch ra một con đường, để chỉ ngón tay về phương pháp này kia. 

Nhưng Ngài đã tìm cách xuống được giếng, chia sớt được thân phận khổ lụy như bất cứ ai. Ngài cũng trốn chạy tỵ nạn sang Ai Cập, cũng lam lũ vất vả để sinh sống, cũng run sợ trong Vườn Câu Dầu và trên thập giá. Khi thấy có người cảm thương được với mình như vậy, con người mới nhận ra những gì vốn sợ hãi nhất trên đời lại không còn đáng sợ như vậy nữa. Thật lạ. Đời không còn là bể khổ phi lý nữa, vì chính Đức Kitô là Thiên Chúa đã mang thân xác làm người và nhập thế dựng lều cư ngụ giữa anh em mình. Ngài cũng đã chấp nhận cái chết, để khi sống lại, Ngài mở cửa Trời đi vào vĩnh cửu, cho con người mọc cánh có thể “cất nổi mình mà bay” cao tới vô hạn, chứ không mang nỗi tuyệt vọng về kiếp người:

Em như con hạc đầu đình

Muốn bay không cất nổi mình mà bay.

Tôi rất thích hình ảnh "mọc cánh" bay lên trời của ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời. Vì đây chính là cái nhìn nhân bản nhất, là lúc vinh thăng con người cao độ nhất. Hình ảnh này tôi đã thấy bàng bạc trong tâm khảm Việt tộc mình qua cánh chim Âu tổ mẫu, qua truyện thiêng thánh Gióng mọc cánh bay lên Sóc Sơn sau những dấn thân trần thế.

 Chương trình Tin Vui Gửi Thời Đại Mới đã được tiếp nhận phát thanh tại nhiều thành phố. Tin Vui được gửi tới đây là chính Đức Giêsu chứ không phải phát minh này hay lý thuyết nọ. Vào thời điểm sang thiên kỷ mới, hội thánh Công giáo khấp khởi hân hoan loan báo chính Chúa Giêsu, Đấng phải đến đã đến, và vẫn luôn hiện diện trong yêu thương: Hôm Qua, Hôm Nay và Mãi Mãi. Ngài đã mang tình yêu nhập thể và nhập thế, vượt qua cả giới hạn nhà thờ hay tôn giáo mà đi vào cuộc sống đời thường giữa lòng nhân thế.

TIN VUI NHỊP MÚA SÔNG THANH

Tôi được hân hạnh cộng tác với chương trình Tin Vui Gửi Thời Đại Mới ngay từ đầu, trong mục Tin Vui Thời Điểm, theo hướng của công đồng Vatican II: nhìn dấu chỉ thời đại mà chụp ghi dưới ánh sáng Tin Vui. (G.S. #4)

 Những bài viết hằng tuần của tôi chẳng nhằm mục đích chuyển đạt tư tưởng thuyết phục ai cả, mà chỉ mong chia sẻ độ rung và thái độ nhìn của mình dưới ống kính nội tâm về những biến động chung quanh trong cuộc sống hằng ngày. Tôi coi những chuyện xảy ra, dù bế tắc đen xám mấy, cũng đều là những dấu chỉ thời đại, những bí tích theo nghĩa rộng, những mốc đá ghi nơi gặp Chúa. Như Gia-cóp đã gặp, như Mô-sê đã gặp, như hai môn đệ trên đường Emmaus đã gặp. Chúa vẫn đến tìm gặp tôi qua những bước đi của cuộc sống.

 Là một người Việt, tôi cảm nhận Tin Vui đạo Chúa trong tâm thức Việt giữa khung cảnh sống mới. Nói khác hơn, mình cần gặp được Chúa trong cảm nghiệm đời thường, qua những nấc đá đời mình trong lịch sử hùng tráng mà cũng bi đát của dân tộc mình, với cả một truyền thống trải dài qua bao thời đại, và hội nhập được vào dòng sông cuộc sống vẫn không ngừng chảy tới.

Niềm vui cho tôi là được nhiều người nghe hay đọc những độ rung ấy liền bác cầu cảm thông, và được một số cơ quan truyền thông cũng như một số nhà văn, nhà báo ngay cả ngoài Công giáo chia sẻ quan điểm. Đó là một hạnh ngộ ở cùng một tần số nào đó. Và như vậy là đã có điểm gặp gỡ ở những độ rung gần gũi hơn là thuyết lý xa cách.

 Ngoài việc hằng tuần phóng những bài viết này lên mạng lưới điện toán, tôi cũng được một số người khuyến khích gom lại in thành sách. Cuốn thứ nhất là Vũ Khúc Thăng Ca, và tiếp theo cuốn thứ hai là Nhịp Múa Sông Thanh. Cả hai đều nhằm góp phần chuyển diễn một nhịp sống của Tin Vui mà con người sau những chạy mệt và đi mỏi đang cần vươn tới vào thời điểm này, trong cùng một điệu vũ thênh thang từ tâm thức Việt, như cánh chim âu vút bay về núi và rồng múa chuyển lực dưới sông.

 PHÚT CẢM NHẬN PHÉP LẠ MỌC CÁNH

Đó chính là hình ảnh của Đức Maria Lên Trời, một thụ tạo chỉ là bụi đất mà đã "mọc cánh" vươn cao tới vô hạn nhờ cảm nhận được chất lực tình Thánh Linh cũng mang hình ảnh chim bồ câu. Thần trí Mẹ đã nhẩy mừng cảm nhận được Chúa là Đấng Cứu Độ. Mẹ đã "truyền thông" mang chính Chúa Tình Yêu trong lòng mình đi thể hiện tình yêu, thăm nom săn sóc người chị họ là Elizabeth đang cần đến trong khung cảnh đời thường, khiến bé Gioan còn trong bào thai cũng nhảy mừng vui sướng. "Mẹ thật có phúc vì đã tin rằng lời Chúa nói với Mẹ sẽ được thực hiện." (Lc 1:45)

Phép lạ mọc cánh bay lên được là do lực tình yêu, do lực niềm tin. Một người đàn bà ngoại đạo ở đất Canaan cũng nhận được phép lạ con mình được chữa khỏi nhờ lòng tin vào Chúa: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy." (Mt 15:28)

 Vậy xin cùng được mang niềm tin này mà hòa vào điệu vũ "mọc cánh" với Đức Maria, mà bắt đầu một nếp sống mới vươn lên thênh thang như Nhịp Múa Sông Thanh trong dòng sức sống Thần Linh.

 Linh hồn tôi cất lời ca ngợi Chúa

Cả tâm tư cùng nhảy múa trong Người.

Vì chính Chúa, Đấng Cứu Độ của tôi

Đã đoái nhìn phận nhỏ hèn tôi tớ.

 *

Rồi từ đây mọi người luôn nhắc nhở

Và khen tôi thật có phước muôn đời.

Đấng Toàn Năng làm muôn việc cho tôi

Rất kỳ diệu, bởi danh Người chí thánh.

  (Luca 1:47-49)                         

Lm. Trần Cao Tường

Mời thăm www.dunglac.org

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mười chín năm trước, 2004, nguyên Thủ tướng Cộng sản Võ Văn Kiệt nói: “Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại theo các lối cũ vẫn làm sẽ “có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Trong cuộc phỏng vấn của báo Quốc Tế thuộc bộ Ngoại giao phổ biến ngày 30-3-2005, ông Kiệt khuyên: “Vết thương chung của dân tộc như vậy cần được giữ lành, “thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”. Và muốn để mọi người Việt Nam chung tay hàn gắn thì chúng ta, người chiến thắng và đang lãnh đạo đất nước, “phải thực tâm khoan dung và hòa hợp”.
Như vậy, ông Trọng và đảng của ông Trọng không chỉ có khả năng dễ dàng tham nhũng, vơ vét ngân quĩ, tiền bạc công khố, tài nguyên của Việt Nam mà còn có khả năng dễ dàng nhận được hỗ trợ tiền bạc từ thế lực nước ngoài muốn thôn tính Việt Nam. Ông Trọng có bao nhiêu đô-la, bao nhiêu ngoại tệ hay bao nhiêu vàng là điều chúng ta có thể không bao giờ biết. Nhưng chắc chắn không thể ít...
Kẻ Bắc/người Nam, bên thua/bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt!
✱ SCMP/Mỹ: Chúng tôi chắc chắn sẽ hoan nghênh bất kỳ nỗ lực nào nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng miễn là nền hòa bình đó, như tôi đã nói, có thể bền vững và đáng tin cậy. ✱ SCMP/Pháp: Tôi biết tôi có thể tin tưởng vào việc ông Tập sẽ khiến Nga tỉnh táo và đưa mọi người trở lại bàn đàm phán. ✱ Global Times: Cuộc điện đàm này cũng là nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm thúc đẩy ngừng bắn và lập lại hòa bình càng sớm càng tốt. ✱ Moscow Times: Chúng tôi sẵn sàng hoan nghênh bất cứ điều gì có thể giúp chấm dứt xung đột ở Ukraine và đạt được các mục tiêu của Nga...
Từ Ất Mão 1975 đến Quý Mão 2023 là 48 năm, tròn 4 con giáp từ ngày nước Việt Nam thống nhất. Sau 10 năm với chính sách bao cấp khiến kinh tế gặp khó khăn, từ dấu mốc “đổi mới” 1986 mở cửa giao thương với phương Tây, bỏ chủ trương kinh tế tập trung, ban hành những cải cách cho giới tiểu thương tự do kinh doanh, tạo ra nền kinh tế nhiều thành phần, bắt đầu từ đó Việt Nam phát triển...
Trước thềm Hội nghị Trung ương lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ khóa đảng XIII (2021-2026), Ban Tuyên giáo đảng đã chỉ đạo báo chí phải kiên quyết “bảo vệ tư tưởng đảng”. Theo Trung ương, tư tưởng Đảng bao gồm chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã được chọn làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động...
Cũng thôi đừng đập phá nghĩa trang và bia mộ của những kẻ thuộc bên thua cuộc nữa. Trút hận thù lên ngay cả những nấm mồ của người đã chết thì làm sao với tay đến được thân nhân của họ, những khúc ruột xa, ở tận nước ngoài?
Một vài chủ đề trong lĩnh vực giáo giục đã nổi lên khắp các trang tin tức trong vài năm qua, trong đó nỗ lực cấm Thuyết Chủng Tộc Phê Phán* (Critical Race Theory – CRT) trong các trường học là một trong những chủ đề thống trị. Chủ đề này phổ biến đến mức các chuyên gia nghiên cứu tại UCLA School of Law Critical Race Studies Program đã lập ra một cơ sở dữ liệu mới để theo dõi các nỗ lực của chính quyền địa phương và tiểu bang trong việc cấm giảng dạy lý thuyết này cùng với những thứ khác.
Hôm 26/03/2023, FB Trịnh Nhung ái ngại cho hay: “Hiện tại chị Bong Tuyet vợ TNLT Đỗ Nam Trung đang gặp khó khăn trong việc tìm và thuê nhà. Kính mong cô bác thương tình, có căn nhà nào đang để trống thì cho chị ấy thuê lại với ạ. Để có chỗ còn sinh sống và các cháu được yên ổn học hành...
Đảng Cộng sản Việt Nam tự cho mình quyền lãnh đạo là phản dân chủ vì dân chưa bao giờ bỏ phiếu giao quyền cai trị cho đảng. Thế nhưng Đảng vẫn cãi lý rằng “vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử, không thể thay thế.” (Tạp chí Quốc phòng toàn dân, ngày 10/02/2020). Nhưng “lịch sử nào” đã chọn đảng thay dân? Nói cách khác là đảng của ai và đại diện cho tầng lớp nào trong xã hội Việt Nam?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.