Hôm nay,  

Ong Chúa Khó Thành Ong Thợ

07/06/200800:00:00(Xem: 8810)

Hillary sẽ đứng phó cho Barack" Hơi khó...

Câu thành ngữ (Pháp) "không nên đánh một phụ nữ, dù bằng một cánh hoa" là một ý kiến tưởng là nịnh đầm mà... nhuốm mùi kỳ thị!

Kỳ thị vì không chấp nhận bình đẳng tính phái, vì hàm ý phụ nữ thuộc phái yếu, hay phái đẹp, nên phải được đối xử khác với phái nam! Trong chính trường, khi bảo rằng phải bỏ phiếu cho cô này hay bà nọ vì đó là phụ nữ, ta cũng có tính kỳ thị, dù là kỳ thị tích cực thì vẫn là kỳ thị! Và trong cuộc tranh cử tại Hoa Kỳ mà bày tỏ sự nể nang ấy với phụ nữ là không phải đạo - politically incorrect, nói theo kiểu Mỹ.

Nói nôm na là khi tranh cử thì phải đánh cho tới khi diện kiến thân mẫu đi chứ! Nhất là khi đối thủ muốn lên làm Tổng tư lệnh quân đội và lãnh đạo một siêu cường toàn cầu.

Vì vậy, Nghị sĩ Hillary Clinton bị đánh cho mờ người, như một con ong chúa bị đốt (xin xem lại bài "Ong Chúa Bị Đốt" trên cột báo này ngày 15 tháng Hai).

Thật ra, đảng Cộng Hoà giữ im lặng về Hillary, một sự im lặng đáng ngờ, trong khi phe bảo thủ của đảng ma mãnh ủng hộ nàng để kéo dài nội chiến trong đảng Dân Chủ ở vòng sơ bộ. Hillary bị đánh từ hai phía bất ngờ nhất, từ truyền thông thiên tả đã ủng hộ Obama và từ các bậc trưởng thượng trong đảng Dân Chủ. Nhiều người trong số này không ưa gia đình Clinton từ những năm 1992 rồi!

Khi chia một số đại biểu của Michigan cho Obama hôm Thứ Bảy 31, Tiểu ban Điều lệ của đảng đã thực tế quyết định về việc đề cử, vì Obama không ghi danh tranh cử tại Michigan. Kết quả là dù có thắng phiếu hôm Thứ Ba tại South Dakota, Hillary không thể hội đủ số đại biểu và mặc nhiên bị loại.

Đạo lý chính trị có khác với đạo đức bình dân.

Thông thường, không ai đánh kẻ ngã ngựa và đả kích Hillary vào lúc này là điều thiếu... mã thượng. Nhưng, "lạc tỉnh hạ thạch" - ném đá xuống kẻ bị lọt giếng - là một trong tam thập lục kế chính trị của cổ nhân! Cho nên, ta sẽ khó quên được Hillary, và nàng cũng không muốn vậy. Chuyện ấy, xin để về sau...

Thật ra, Hillary Clinton bị thất bại chủ yếu là vì nhiều sai lầm chồng chất của chính mình. Những sai lầm ấy khiến đảng Dân Chủ giúp Nghị sĩ Barack Obama đạt chiến thắng lịch sử là ứng cử viên da đen đầu tiên được một đảng lớn của Hoa Kỷ đề cử ra tranh cử tổng thống. Bảo rằng Obama không thắng mà chỉ vì bị Hillary bại là điều tối nghĩa, nhưng không sai lắm. Đảng Dân Chủ cố tình chọn Obama để cứu lấy đảng và quyết định ấy cũng có ý nghĩa lịch sử... cho sau này.

Sau khi chiếm đa số tại tiểu bang Montana vào tối Thứ Ba và đạt chiến thắng lịch sử nhờ hội đủ số đại biểu cần thiết là 2118 phiếu, bài diễn văn của Obama vào đêm Thứ Ba mùng ba lại là một bài thiếu lửa.

Dù là ngựa về ngược - 17 tháng trước, Obama còn là thương hiệu chưa quen biết trên thị trường - và được truyền thông và nhiều bậc niên trưởng trong đảng ủng hộ, Obama không đại thắng trong thế chẻ tre, còn thất cử tại các tiểu bang chiến lược nhất và cuối cùng thắng điểm của trọng tài. Một loại TKO, "technical knock out", sau một trận đấu ngang ngửa. Điều ấy, ta không nên quên.

Ngoài tài hùng biện, ưu điểm của Obama là có bộ máy tranh cử hữu hiệu và sáng suốt nhắm vào các hội đồng bầu cử caucus hơn là tranh thủ lá phiếu phổ thông (một đòn rất chuyên môn của nghệ thuật tranh cử tại Mỹ). Nhưng đối thủ Hillay vẫn có thể viện dẫn mình có hơn hay gần 18 triệu (tùy cách đếm) lá phiếu của cử tri, một con số không nhỏ và lớn hơn số phiếu phổ thông của Obama. Hillary đã thắng Obama như Al Gore đã thắng George W. Bush năm 2000, mà cuối cùng thì vẫn thua vì kém phiếu đại biểu.

Bây giờ, làm sao Obama lấy phiếu của Hillary mà khỏi lấy... nàng"

Suốt một tuần, thiên hạ bình loạn về một liên danh lý tưởng - Obama/Clinton - và đồn đoán ồn nào rằng nàng Hillary như con ong chúa bị đốt nay nguyện làm ong thợ cho Obama. Hão huyền!

Có cả chục lý do khiến liên danh này không thể thành hình.

Lý do khách quan đầu tiên là cả hai ứng cử viên đều thuộc cánh tả.

Khi tranh cử, yếu tố ấy là lợi thế vì cơ sở đảng và truyền thông vẫn có khuynh hướng thiên tả hơn trung bình của cả xã hội. Nhưng khi lãnh đạo thì họ phải áp dụng đường lối ôn hòa và trung dung hơn thì mới huy động được hậu thuẫn của đa số.

Vì tưởng rằng mình tất nhiên được đề cử, Hillary sớm từ phía tả chuyển về cánh giữa và bị phe cực tả và phản chiến trong đảng ráo tiết tấn công. Các bậc trưởng thượng trong đảng cũng chưa quên một Xuân Tóc đỏ Bill Clinton đã bất ngờ qua mặt họ mà thắng cử năm 1992, Tới năm 1994, khi đảng Dân Chủ mất đa số tại Quốc hội thì Bill lại lăng ba vi bộ về phía trung dung với một số sáng kiến mượn tạm của đảng Cộng Hoà. Tội nặng lắm!

Bây giờ, liên danh Obama/Clinton sẽ đứng ở đâu trên sân khấu tả hữu ấy"

Nếu chấp nhận một số tư tưởng trung dung của Hillary, Obama lập tức bị đánh giá là yếu, phải nhượng bộ! Nếu Hillary lui về cánh tả để có sự đồng thuận với Obama thì làm sao hốt phiếu cử tri ôn hoà, lao động, và sùng đạo" Nhường cho John McCain sao"

Một lý do khách quan khác là các niên trưởng trong đảng Dân Chủ cũng chẳng ưa Hillary và còn chuẩn bị ném đá khi nàng lọt giếng: không cho nàng ngóc đầu tại Thượng viện.

Là một Nghị sĩ loại junior (vì được bầu sau Chuck Shumer tại New York), nàng đứng hạng 68 trong 100 Nghị sĩ (hạng 37 trong 51 Nghị sĩ Dân chủ), Hillary khó lui về làm Chủ tịch các Ủy ban lớn của Thượng viện để tự chuẩn bị tư thế cho năm 2012. Huống hồ lại làm Chủ tịch Thượng viện trong tư cách Phó Tổng thống cho Obama ngay trong năm 2009!

Được các bậc trường thượng kề vai cõng lên, Obama không thể không biết được ác cảm đó của họ, và sẽ luồn lách để khỏi cần Hillary vẫn kiếm được phiếu Clinton. Nan giải!

Sau các lý do khách quan là những lý do chủ quan về hai người trong cuộc.

Obama là trang giấy trắng đầy hứa hẹn về một nước Mỹ lạc quan đã hàn gắn mọi dị biệt chủng tộc và sẽ chủ động thay đổi bộ mặt xã hội Mỹ. Obama đang vừa tranh cử vừa vẽ vời. Hillary không là trang giấy trắng - đã bảo "không đánh người ngã ngựa"! - nàng là cuốn niên giám điện thoại, bên trong có cả ngàn ý kiến rối mù, khiến ưu thế tranh cử của Obama là lạc quan và đơn giản sẽ mất hết sức thuyết phục. Hillary lại không dễ gì ngồi ghế đẩu thủ vai phụ diễn. Nàng sẽ rót mật của mình vào lọ pha lê trong vắt của Obama. Làm nước đục ngầu!

Mà Hillary không là vạn lý độc hành.

Nàng còn có Bill. Một Phó tổng thống cứng cựa như Hillary đã khiến Obama thấy rét, thêm một Phó Tổng thống bis ưa cựa quậy bất tử như Bill Clinton thì hoạ vô đơn chí! Bao nhiêu hồ sơ mờ ám của Bill - nhiều lắm - sẽ lập tức vấy bùn lên lời huấn dụ trong sáng của Giáo chủ Obama.

Mà sau lưng giáo chủ, cả ban tranh cử của Obama lẫn phu nhân Michelle cũng đều coi Hillary là con rồng lửa, và thầm thì chống đối tới cùng. Một lý luận được rỉ rai là "mời Hillary vào chung liên danh là yếu!" Con ong chúa Hillary không phải là không biết vậy nên ngay khi té vẫn ra đòn: mừng chiến thắng của Obama tại Montana chứ không mừng Obama được đề cử và ỡm ờ bắn tiếng sẽ có thể làm ứng viên Phó Tổng thống, khiến ban tranh cử của Obama lên cơn sốt.

Chưa hết, Hillary còn nhờ Nghị sĩ Diane Feisntein cho mượn tư thất tại Washington DC để gặp riêng Obama vào tối Thứ Năm. Nàng là ứng cử viên thua sát nút chứ không là một chính khách bình thường và rõ là đòi ngồi chung ghế. Obama mà nhận lời là sẽ lọt giếng với nàng vì chứng tỏ rằng mình phải nhượng bộ. 

Trong cuộc tranh cử vòng sơ bộ, Obama có để lộ một nhược điểm sinh tử, là một người yếu.

Bài toán của chàng là vượt qua sự yếu đuối ấy - như đã phải liên tục điều chỉnh lập trường về chuyện đánh hay đàm với Iran hoặc có quyết tâm bảo vệ Israel hay không. Khi đồng ý là sẽ mời Hilary đứng chung liên danh, Obama cho thấy mình không đủ đởm lược, và đấy là đòn hy sinh của Hillary. Nàng còn hứa là sẵn sàng lên đường tranh cử cho Obama, cùng Obama! Làm sao chia đôi sân khấu cho đều"

Mà, lòng vòng mãi, nếu có thắng cử khi kề vai Hillary, Obama sẽ vất vả chữa lửa trong tòa Bạch Ốc vì có hai con rồng cái cùng phun lửa, Hillary và Michelle. Đằng sau còn có chàng Bill mắt la mày lét!

Vả lại, Obama đâu cần trúng số cá cặp, dẫn đầu một liên danh vừa da đen vừa phụ nữ"

Chàng tuổi trẻ cần một gã cao niên da trắng quãng sáu chục, nếu ở miền Nam thì càng hay, nhưng có kinh nghiệm về đối ngoại và thành tích về an ninh. Người ấy là ai" Obama đang nhờ ba người tìm ra nhân vật đó cho mình.

Ngay sau khi nhận đủ số phiếu đại biểu, chàng lập ra một nhóm ba người làm cố vấn tuyển chọn, điều tra, phỏng vấn và đề nghị danh sách ứng cử viên Phó Tổng thống. Trong số ba người đó, dư luận chú ý đến Caroline Kennedy, ái nữ của cố Tống thống John Kennedy. Nhưng lại lãng quên luật sư kiêm nghề thầy cò Eric Holder.

Nguyên là Phụ tá Tổng trưởng Tư pháp của Bill Clinton, Holder từng làm môi giới dàn xếp việc Tổng thống Clinton ân xá một doanh gia bất lương bị truy nã và đã trốn qua Thụy Sĩ (vụ Marc Rich, trong mấy giờ cuối của nhiệm kỳ Clinton). Chỉ một vấp ngã đó, Obama đã cho thấy yếu điểm của mình. Nó báo hiệu nhiều màn ngoạn mục khác cho đến ngày bỏ phiếu.

Cho nên, Hillary vẫn chưa tuyệt vọng. Nàng đã cảm tạ ban tranh cử với tờ lịch trong túi lật qua trang 2012. Con ong chúa sẽ đi vào giấc đông miên...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.