Hôm nay,  

Cỗ Bài Tam Cúc

18/02/200800:00:00(Xem: 11874)

Phải lâu lắm rồi, tôi mới nghe có người nhắc lại bài Tam Cúc ngày Tết. Có khi từ ngày sang đến Mỹ này cũng nên. Mà có lẽ ngay tại Việt Nam bây giờ, thế hệ những người chơi bài Tam Cúc cũng chẳng còn mấy người. Hỏi những người tre trẻ, chắc không nhiều người còn nhớ hay biết đến cách chơi, đừng nói những em tuổi mới lớn. Vậy mà người nhắc lại bài Tam Cúc ngày Tết ở đây lại là một cô bé 11 tuổi, trong bài viết nhớ mẹ ngày Tết của mình. Viết bằng tiếng Việt. Và bằng giọng văn làm mủi lòng những người có mẹ. (Mà ai lại chẳng có mẹ), ngoại trừ cô bé này.

Có lẽ năm tôi khoảng 14 hay 15 tuổi gì đó, tôi cũng đã biết chơi bài Tam Cúc. Tôi biết chơi bài Tam Cúc là nhờ mẹ của đứa bạn thân chỉ cách, để lỡ có thiếu tay thì bà ... đem tôi vào thế chỗ. Đánh không giỏi và xoè bài thật vụng. Nhưng tôi cũng được việc, khi làm con "tốt đen" góp mặt, mỗi khi bà thiếu tay xoè những ngày Tết. Bà gốc người Quảng Trị, cao lớn, giọng nói sang sảng. Nhưng thiệt khó nghe. Không phải chỉ mình tôi nghe không được, mà nhiều khi cả thằng con bà, tức thằng bạn học tôi, cũng chẳng nghe nổi. Bởi tụi tôi đứa nào cũng đã "mất gốc", sinh ra hay từ nhỏ đã theo ba mẹ vào Sài Gòn. Lắm khi nghe không rõ, tụi tôi hỏi lại hoặc nhái giọng bà. Nghe bà réo "Mồ cha tụi mi" (câu này thì nghe rõ, có lẽ vì quen tai), lại cười rúc rích. Cái cười của tuổi nghịch ngợm mới lớn, chứ chẳng vì vô lễ. "Thứ ba học trò" mà.

 Kể chuyện "nhất quỷ, nhì ma" lại nhớ có năm thức canh nấu bánh chưng nhà nó, mấy đứa ngồi đàn hát thế nào lại dựa lưng vào chậu lan, làm gãy ngang nhánh lan chỉ có một nụ đang chờ trổ hoa thật đẹp. Đứa nào cũng hết hồn vì đó là chậu địa lan mà anh trai nó nâng niu như trứng để chưng ba ngày Tết, ban đêm mang ra hiên nhà cho nó ăn sương. Anh trai nó tướng tá ngon lành, cũng to cao và giọng sang sảng như bà mẹ, nhưng nóng tính thì như Trương Phi. Mỗi khi giận dữ, mặt đỏ phừng phừng. Lúc đó ông cũng còn trẻ thôi và là giáo sư đại học trước 75, hay chạy chiếc xe Yamaha cũ, màu xanh da trời. Đi tù cải tạo đôi năm về, đâu chừng cũng đôi năm sau, ông vượt biên trót lọt. Bây giờ đang làm gì đó cho chính phủ ở Cali . Đâu hơn mười năm trước, lúc sang thăm thằng bạn cũng đang ở Cali , tôi có gặp lại ông. Còn vụ cái hoa lan bị gãy, sợ thì có sợ nhưng tụi tôi đâu có ... ngán. Vì đến sáng thì "biến", có gì thì cũng mình thằng bạn tôi lãnh đủ. Bạn bè thân thiết với nhau, gặp hoạn nạn thì phải ... mạnh đứa nào đứa đó chạy, chớ ngu sao mà ở lại cho chết chùm. Thằng bạn tôi đâu phải tay vừa. Nó lấy cây tăm xỉa răng, ngồi tẩn mẩn như thợ khắc gỗ, nghề khá thịnh hành lúc bấy giờ ở Sài Gòn, mà gắn lại hai nhánh lan bị gãy. Địa lan nên cái cuống hơi to, gắn tăm vào thì có trời mà biết nhánh lan đã bị ... tan nát đời hoa. Nhưng ba cái trò con nít đó đâu gạt được ai, nghe nói hôm sau thấy nụ lan héo rũ và thấy cả cây tăm gắn, anh trai nó biết tỏng liền ai là thủ phạm, nên "dợt" cho nó một trận ra hồn. Cho xứng công sức của ổng nâng niu chậu lan. Tụi tôi đứa nào cũng lấm lét hết mấy hôm, phải canh không có anh trai nó ở nhà mới dám réo ới ời, rủ nhau đi coi phim ba ngày Tết ở rạp Minh Châu, khúc đường Trương Minh Giảng cũ.

Bây giờ thì tôi đã quên hết, chẳng còn nhớ đánh bài Tam Cúc như thế nào nếu có phải "chêm vào chỗ trống" cho ai đó. Chỉ còn nhớ mang máng mấy tên gọi, nào là đôi sĩ điều, đôi pháo đen hay kết đôi, kết ba ... Và sót lại dăm câu thơ đọc được trong bài thơ "Cỗ bài Tam Cúc" của Hồ Dzếnh:

"Từ đó mỗi mùa đào nở

Pháo xe lại rộn cây bài

Có độ anh về, có độ

Vắng anh, em nhớ mong hoài"

Hay dăm câu thơ ngây ngất, phiêu bồng trong bài thơ "Cây Tam Cúc" của Hoàng Cầm đã được phổ nhạc, cũng cùng sự khắc khoải, vô vọng cái tình "chị-em" như trong "Lá diêu bông" của ông:

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm

Em đừng lớn nữa chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

Ổ rơm thơm, đọng tuổi đương thì

...

thả tịnh vàng đưa chị võng mây trôi

Em đứng nhìn theo

Em gọi: đôi!

Quả bài văn cô bé 11 tuổi lại có ma lực ghê hồn. Nó dẫn dắt tôi đi ngược lại không gian của một nửa vòng trái đất, mà có mua vé cũng tốn bộn bạc. Và thời gian thì cũng quá dư cho một hai đứa trong chúng tôi đã trở thành giáo sư đại học, như ông anh "Lan Trương Phi" đó (sau vụ gãy cành lan, tụi tôi ghép thêm cho ông chữ "Lan" vào "Trương Phi" nghe cho "dịu dàng" bớt). Chỉ với mấy nhắc nhớ về bộ bài Tam Cúc của cô bé.

 Mà cũng có thể tại tôi đọc bài văn của em quá nhiều lần cũng nên. (Vì tôi được mời làm một thành viên trong ban giám khảo của cuộc thi viết ngắn dành cho trẻ em, do Trung tâm giữ trẻ Magic Land tại Dallas tổ chức Tết năm nay). Nhưng cũng có thể vì bài văn của em cảm động quá, dù đọc đôi lần cũng cứ quặn lòng. Ba tuổi, em mất mẹ. Cái tuổi quá nhỏ để cảm nhận sự mất mẹ. Nhưng đến bây giờ, có lẽ em thấm thía nỗi mất mát này thật lớn. Đến độ giọng văn của em làm vài người đọc bài văn của em trên báo và không tin rằng bài văn do một cô bé 11 tuổi, sinh tại tại Mỹ đã viết ra bằng tiếng Việt như vậy. Mà lại nhắc cả về bài Tam Cúc hơi lạ tai. Nhưng tôi tin. Hay đúng ra, chúng tôi, những người trong ban giám khảo, đã tin vậy. Tôi còn trừ em vài điểm chính tả, nhưng có vị còn cho em cả số điểm tuyệt đối 100. Để chấm cho em giải nhất cuộc thi "Viết về Ngày Tết" dành cho trẻ thơ.

Tôi bỏ thì giờ để đọc nhiều lần bài viết của em. Thiếu mẹ nên sống với tình thương của bà ngoại và các dì. Bà Ngoại dạy em đánh Tam Cúc. Em viết rằng, ước gì ngày Tết của em có mẹ âu yếm dắt đi chùa hay cùng ngồi đánh bài Tam Cúc. Em kể rằng những ngày trước Tết, ra thăm mộ mẹ, thấy tội nghiệp mẹ quá, nhủ lần tới sẽ mang theo một gói kẹo chocolate để cúng mẹ. Không ai đủ hồn nhiên và tha thiết để viết lên một câu văn, một ý tưởng cảm động và trẻ thơ đến vậy.

Chúng tôi ngồi nói chuyện với em dăm phút, trước lúc phát giải. Không phải để kiểm chứng lại bất cứ điều gì, mà chỉ để thăm hỏi em vài câu khi lần đầu gặp mặt. Giọng nói thật nhẹ, tưởng nếu lớn hơn, sẽ vỡ rụng những giọt nước mắt chực trào trên khoé mắt của em. Tôi cũng chẳng dám hỏi nhiều hơn, vì sợ những giọt nước mắt của em cũng lại làm mình lặng người như khi đọc bài viết của em. Nhưng từ bục phát giải, khi em đọc lại bài viết của mình trước quan khách, tôi đã thấy những giọt nước của vài vị khách tham dự. Và cả trên đôi má của bà ngoại, người mà em bảo với tôi rằng không chỉ đã chỉ em về bài Tam Cúc, mà còn dạy cho em đọc cả tiếng Việt. Có lẽ không chỉ cảm ơn Nancy Thu Trịnh, tên cô bé, đã làm những xúc cảm rất thật của chúng ta rung lên khi suy nghĩ về những mất mát, có-được trong đời sống tất bật này, qua bài viết của em, mà cũng cần cảm ơn cả bà ngoại, người đã hun đúc cho em một tâm cảm và ngôn ngữ Việt tha thiết đến vậy.

DYT (Dallas)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đầu năm 2001, sau khi thôi việc tại Tạp chí Cộng sản, tôi có dịp gặp gỡ làm quen với các nhà đấu tranh Dân chủ, trong đó có Cụ Hoàng Minh Chính
Sau đây là toàn văn Tâm Thư Đạo Tình Của Hòa Thượng Thích Tâm Châu. Bản văn ký ngaỳ 15-2-2008, gửi từ Tổ Đình Từ Quang, Canada
Năm 1973, Hiệp Định Paris được bốn phe ký kết, chấm dứt sự tham chiến của Mỹ tại Việt Nam, mặc dù cuộc chiến vẫn tiếp tục thêm hai năm nữa
Ngày hôm nay, 16-2-2008, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã chính thức gởi một văn thư đến Ông Thẩm Phán Michael Chertoff
Đứng trước sự phát triển toàn cầu, hầu hết mọi dụng cụ điện tử như điện thoại di động, máy điện toán và các bộ phận liên kết, truyền hình v.v…
Vào ngày 12-2-08  vừa qua TT. Thích Thiện Minh – Hội Trưởng Hội Ái Hữu TNCT & Tôn Giáo VN đã gửi một thư ngỏ tới “thủ tướng” Nguyễn Tấn Dũng
Nhà thơ Gỷang Anh Iên đã thắng giải thơ tân hình thức kỳ 3 - năm 2008. Kết quả này được loan báo bởi nhà thơ Khế Iêm
Khi lần đầu tiên đặt chân đến Tây Phương, tôi nhận thấy một số sự việc tại đây không giống ở Đông Phương, và đặc biệt nhất là đối với đất nước Tây Tạng
Trong vòng vài thập niên trở lại đây, ở các quốc gia hậu kỹ nghệ, phong trào Công nghệ Xanh (Green Technology) đã được các nhà khoa học đưa lên hàng đầu
Chúng tôi là NAPCA (National Asian Pacific Center on Aging), một trung tâm bảo vệ quyền lợi của những người cao niên Châu-Á ở nước Mỹ
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.