Hôm nay,  

Những Giọt Nước Mắt

12/12/200700:00:00(Xem: 7418)

"Trường Sa & Hoàng Sa là của Việt Nam!

Hoang Sa & Truong Sa of Vietnam!

Đả đảo Trung Quốc bành trướng xâm lược!

Tẩy chay hàng hoá Trung Quốc!..."

Bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày 9-12-2007, trước khuôn viên đại sứ quán Trung Quốc tại số 30 đường Hoàng Diệu, Hà Nội, hàng trăm tiếng hô đã vang lên. Vâng! Đó là tiếng hô của hơn 200 sinh viên đang học tại một số trường Đại học ở thủ đô Hà Nội và khoảng 300 người dân tham dự một cuộc biểu tình tự phát và ôn hòa phản đối nhà cầm quyền Trung cộng thành lập trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam một đơn vị hành chính sau khi đã xâm chiếm được một số đảo. 50 cảnh sát bảo vệ sứ quán cùng cảnh sát cơ động Việt Nam, dàn hàng ngang kéo dài hai bên tả hữu cổng sứ quán 40m, tay cầm dùi cui, đứng dạng chân trên vỉa hè, sát hàng rào sắt bên ngoài khuôn viên, mắt gườm gườm nhìn vào đoàn biểu tình đứng đối diện ở vỉa hè bên kia, trong tư thế sẵn sàng phản ứng.

Hàng rào cảnh sát thứ hai gồm 100 người đứng ở mép đường án ngữ trước mặt đoàn biểu tình, sẵn sàng cưỡng chế những ai trong đoàn biểu tình tràn xuống lòng đường. Hàng rào thứ ba gồm mấy chục viên cảnh sát đứng lẫn trong đoàn biểu tình có công vụ thuyết phục, xua đuổi những người dân tò mò đứng xem, ngăn chặn đoàn biểu tình đông thêm. Còn hàng rào thứ tư nữa, hàng rào này không mặc cảnh phục mà hầu hết sinh viên và người dân Hà Nội tham gia biểu tình không biết, chỉ những nhà hoạt động dân chủ nhân quyền biết họ qua cặp mắt soi mói vào những đối tượng nghi ngờ và cặp tai chăm chú vào những đám đông đang trao đổi...

Mặc! Không ai quan tâm đến họ, và họ cũng không có một hành vi nào cho thấy sẵn sàng đàn áp cuộc biểu tình. Đúng ra, cuộc biểu tình này là của họ, bởi vì họ cũng là người Việt Nam, mà đã là người Việt Nam thì ai không đau xót khi người ngư dân Việt Nam bị bắn ghiết và lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo của quốc gia bị sát nhập vào lãnh thổ láng giềng không lồ phương Bắc có truyền thống xâm lược và bành trướng từ khi lập quốc, ngoài những tập đoàn cầm quyền phản dân hại nước như Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.

Không biết có phải vì là ngày Chủ Nhật hay không mà cánh cổng đại sứ quán Trung Quốc đóng im nghỉm. Trên tầng hai, vài khuôn mặt nhân viên sứ quán Trung Quốc xuất hiện sau các tấm kính, ở hành lang ngoài tiền sảnh vài ba hình người đi đi, lại lại nhìn ra đoàn biểu tình rồi cúi gằm mặt trầm ngâm và sau đó biến mất. Ở bên ngoài, những tiếng hô: "Đả đảo Trung Quốc Xâm lược, Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam, Tẩy chay hàng hóa Trung Quốc" vẫn ầm vang dội vào cánh cửa gian tiền sảnh và các tấm kính của toà đại sứ, vang động đến lương tri những người qua đường, kêu gọi họ dừng lại chứng kiến cảnh tượng có một không hai này tại thủ đô Hà Nội, trung tâm của một quốc gia mà trong Hiến Pháp và pháp luật thừa nhận công dân có quyền biểu tình, nhưng bị gắn vào đó cái đuôi quái gở: "Theo quy định của Pháp luật".

Hẳn những người dân Việt Nam vô tư nhất, kể cả những người còn níu giữ hình ảnh của một nước "đồng chí cộng sản, môi hở răng lạnh" cũng không còn đặt câu hỏi Hoàng Sa và Trường Sa là của ai. Hai quần đảo này đã được khẳng định bằng các cứ liệu khoa học thuộc lãnh thổ Việt Nam về vị trí, về địa hình đáy biển, sinh học và lịch sử. Năm 1974 chúng ta đã mất một phần khi hai quần đảo này thuộc lãnh thổ của Việt Nam cộng hòa, dù khi đó hải quân Việt Nam cộng hoà đã bỏ nhiều sinh mạng trong cuộc hải chiến không cân sức. Năm 1979 chúng ta được họ "dạy cho một bài học" ở biên giới phía Bắc. Năm toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải và phần lớn các đảo trong hai quần đảo này đã thuộc quyền quản lý hợp pháp của chính quyền cộng sản Việt Nam; dù muốn hay không, lúc ấy trong con mắt quốc tế họ cũng đại diện cho nhân dân và tổ quốc Việt Nam. Nhưng rồi, vì những kháng cự yếu ớt, những tuyên bố né tránh, chúng ta đã phải cam chịu. Thế là mảnh đất nhỏ bé, đông dân và thiêng liêng mà tổ tiên để lại cho chúng ta đã bị lưỡi dao sắc lẹm của chủ nghĩa bá quyền bành trướng phương Bắc chém lìa: một ở Thác Bản Giốc, một ở Mục Nam Quan và một nữa ở hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa. Còn Bây giờ... Còn bây giờ...

Tôi thấy LS Lê Quốc Quân, người bị công an bắt giữ một thời gian để điều tra khi trở về từ Hoa Kỳ sau chuyến tu nghiệp. Anh đứng trước đoàn biểu tình, nơi sôi động nhất, lĩnh xướng cho dàn âm thanh phản đối. Theo bàn tay chỉ huy của anh, khi ở phía tả hô: Trường Sa, ở phía hữu đế tiếp: Hoàng Sa và hai danh từ chỉ thị hai địa danh của tổ quốc chúng ta vang lên đều đặn và cộng hưởng. Tôi thấy ở bên hữu tấm băng rôn: "Trường Sa& Hoàng Sa phải là của Việt Nam" ông Nguyễn Văn Tính, một cựu tù nhân chính trị, tóc điểm bạc, người vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước đã nhận chân ra cái bất hảo của chủ nghĩa cộng sản và chính quyền cộng sản và đã vận động thành lập một đảng chính trị đối kháng khi mới 23 tuổi. Tôi thấy ở phía tả tấm băng rôn là cô gái Phạm Thanh Nhiên dáng vóc nhỏ bé một tay níu giữ tấm băng rôn, một tay đang vung cao, miệng hô to và nước mắt giàn dụa. Tôi thấy cô Lê Thị Kim Thu, một dân oan trẻ quê ở Đồng Nai, thành viên của khối 8406 ra Hà Nội ăn chực nằm chờ, trước kia là vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nay là 110 Cầu Giấy để đánh trống cho nỗi oan mất nhà mất đất của gia đình, Tôi thấy thầy giáo về hưu Nguyễn Thượng Long, ứng viên đại biểu Quốc hội khoá XI với một búi tóc đuôi ngựa rất nghệ sĩ và thân hình cường tráng, một tay vung lên theo tiếng hô, một tay cầm máy ảnh chụp lia lịa. Tôi thấy ông Vũ Cao Quận già cả và nhỏ bé với chiếc áo Ba-đờ-suy cũ phanh mở giữa đám đông các công dân trai trẻ, sẵn sàng nhận một viên đạn như những tín đồ đạo Phật Miến Điện đã ngã trên đường Rangoon cuối tháng 9 năm nay.

Nhưng hình ảnh sâu đậm nhất trong tôi là các anh chị em sinh viên, trong đó có một sinh viên hai tay nắm chặt hai mép lá cờ đỏ sao vàng, miệng ngậm chặt tấm biểu ngữ bằng chữ Anh: "Trường Sa & Hoàng Sa of Việt Nam". Lúc lúc, chờ phút lơ là của những viên cảnh sát đối diện, cậu nhảy xuống lòng đường hô vang khẩu hiệu và lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên đầu. Tôi không biết người sinh viên này có phút nào thoáng nghĩ đến nguy cơ bị đuổi khỏi trường đại học hay không, vì trước đó đã có tin, một gã hiệu trưởng răn đe nếu sinh viên nào tham gia cuộc biểu tình sẽ bị "tống tiễn". Trời ơi! Tham gia biểu tình phản đối nước láng giềng xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia mà bị đuổi học. Gã hiệu trưởng này theo lệnh của ai và họ có còn là người Việt có lương tri, nữa hay không" Hàng triệu đồng bào ta ở Hải Ngoại, dù đã có quê hương thứ hai, có cuộc sống phồn vinh, tự do và nhân quyền mà con đau xót cho quê cha đất tổ bị xâm lược nữa là!

- Anh đang truyền âm thanh này ra đâu" Một người đàn ông tuổi trung niên vận complet màu xám và caravat trang nhã hỏi tôi: - Tôi truyền âm thanh này ra cho đồng bào Việt Nam yêu nước ở Hải Ngoại. Tôi trả lời. - Anh cho tôi được nói vài câu! Như tuân theo một mệnh lệnh, tôi trao máy di động cho anh. Tiếng anh vang lên. Câu đầu tiên anh tự giới thiệu mình là một doanh nhân và tiếp đó: "Tổ tiên chúng tôi đã đổ bao xương máu để có mảnh đất này. Tôi phản đối Trung Quốc. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam..." Những người đứng xung quang kéo đến vây lấy chúng tôi, đưa vào tim gan mình những lời nói của anh. Rồi không biết từ đâu chen vào một con người lạ hoắc. Ông ta đã già, có lẽ là một cán bộ đảng đã về hưu, đầu óc bị khóa chặt bởi ổ khoá truyền thông trong nước: - Các anh không được kích động. Đảng và Chính phủ cũng phản đối Trung Quốc...

Tôi gạt ông ta sang một bên bằng câu nói: "Chúng ta chưa bao giờ có tự do ngôn luận. Đây là một dịp hiếm hoi để người công dân quan tâm đến vận mệnh quốc gia bày tỏ ý kiến của mình. Nếu muốn, ông sẽ nói khi người này nói xong." Những tiếng la ó nhạo báng ông ta vang lên sau câu nói của tôi; và đám đông khép lại sau khi nhường một lối cho ông ta vội vàng cút xéo.

- Bác muốn tham gia diễn đàn" Một bà đến cạnh tôi khi tôi chen ra khỏi đám đông. Bà không trả lời tôi mà cầm ngay máy di động. Bằng giọng miền Nam nhỏ nhẹ, bà tự giới thiệu bà quê ở Đồng Nai, ra Hà Nội thăm thân nhân, tình cơ đi qua mà có mặt ở cuộc biểu tình: "Chúng tôi phản đối chính phủ Trung Quốc xâm lược hai quần đảo của chúng tôi. Người dân Việt Nam nào còn lòng yêu nước thì phải lên tiếng. Chúng tôi sẵn sàng đánh trả cuộc xâm lược của Trung Quốc. Tôi là đàn bà cũng sẵn sàng ra trận...". Những tiếng nói cuối cùng của bà âm vang và to dần lên, cùng lúc những giọt nước mắt chảy dàn dụa xuống hai gò má. Tình yêu và lòng căm thù trộn vào nhau của bà lan truyền ra xung quanh; và một cảm xúc bất lực xuất hiện trên khuôn mặt của người chứng kiến. Phải rồi! Chúng ta, những người dân đành bất lực trước sự việc đau lòng này. Chúng ta chỉ có thể nói lên được một vài lời, trong một vài phút hiếm hoi này thôi, mà phải những người thật dũng cảm mới đi được đến đây và được nói. Chính quyền đâu phải của chúng ta. Điều đó càng được khẳng định khi tiếng loa trên một chiếc xe cảnh sát tăng cường vang lên: "Yêu cầu các sinh viên và mọi người giải tán. Đây là việc của hai chính phủ, để hai chính phủ giải quyết. Không được để cho bọn phản động chống phá nhà nước lợi dụng".

Thế đấy! "Đây là việc của hai chính phủ..." và lại còn "không được để cho bọn phản động chống phá nhà nước lợi dụng"; Người dân không có quyền, những người yêu nước đang đấu tranh cho nhân quyền của nhân dân và sự toàn vẹn lãnh thổ không có quyền... Sau tiếng loa, những người cảnh sát cơ động đội mũ sắt, tay cầm dùi cui nhảy xuống xe. Nguy cơ một cuộc giải tán bằng vũ lực xuất hiện.

Cho đến bây giờ, khi ngồi trước bàn phím trắng, tay run rẩy gõ lên màn hình những con chữ ran ruột, trong hai mắt tôi vẫn còn nhoè mờ những giọt nước mắt của cháu Phạm Thanh Nhiên, của bà già quê tận Đồng Nai và của các cháu sinh viên cùng nhiều người khác trong cuộc biểu tình hôm 9-12-2007 mà tôi đã thấy hoặc vô tình không thấy. Cám ơn các anh chị em sinh viên Hà Nội đã dũng cảm tổ chức cuộc biểu tình này, cám ơn người dân Hà Nội đã đến đây. Chúng ta biết đang phải làm láng ghiềng nhỏ bé cạnh một nhà nước khổng lồ của Tần Thủy Hoàng và Mao Trạch Đông. Chúng ta có quyền tự hào về những vị anh hùng Trần Hưng Đạo, Lê lợi, Quang Trung... Nhưng đó chỉ là những giây phút loé lên hiếm hoi trong lịch sử 4000 năm, khi dân tộc đạt đến điểm cực thịnh và lòng người quy về một mối. Còn bây giờ chúng ta đang bị dẫn dắt bởi một chính quyền nhu nhược và lòng người ly tán. Liệu có ngày nào và bằng cách nào dân tộc ta thay đổi được số phận"

Hải Phòng, ngày 10-12-200

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nếu Cuộc biểu tình tự phát của nhân dân chống Tầu xâm lược ngày 9-12 (2007) tại Hà Nội và Sài Gòn  đã nói lên quyết tâm bảo vệ giang sơn bất khuất
Ngày 27 tháng 11 năm 2007, Tổng cục an ninh Bộ công an Cộng sản Việt Nam đã cho phổ biến một bản tin trên tờ Sài Gòn Giải Phóng có nội dung
Mặc dù Việt Nam đã nhượng bộ và muối mặt làm lành nhưng Trung Quốc vẫn không từ bỏ tham vọng. Hải quân Trung Quốc tấn công vào ngư dân vô tội
Bản tin ngày chủ nhật 09-12-2007 của hãng thông tấn AP có nhiều điểm cực lạ và rất đáng suy ngẫm: Bá quyền phương Bắc xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa
Tại nhà hàng Kim Sư vào lúc 9 giờ sáng thứ tư ngày 12 tháng 12 năm 2007 một buổi gặp gở với giới báo chí
Trong tuần lễ đầu tháng 10, năm 2007, tất cả các cơ quan ngôn luận trên thế giới đều loan tải và sôi nổi bàn tán về một nguồn tin liên quan tới một vị tổng thống
Tại Hội trường Nhật Báo Việt Báo, vào lúc 10 giờ 30 sáng thứ ba ngày 11 tháng 12 năm 2007
Ông Đặng Đình Khiết, Ông Nguyễn Minh Nữu cùng một nhóm  phật tử và nhà hoạt động vùng Hoa Thịnh Đốn
Sau Ngân hàng Trung ương Anh quốc, đến lượt Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ cũng hạ lãi suất và ngày càng nhiều người dự đoán là nạn suy trầm kinh tế
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, hải quân Trung Quốc đã cưỡng chiếm quần đảo Hoàng sa dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Trong trận hải chiến không cân sức này
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.