Hôm nay,  

Bầu Cử Sơ Bộ Tại California: Các Đề Luật Quan Trọng

19/01/200800:00:00(Xem: 8208)

LS Nguyễn Quang Trung

Cử tri tại tiểu bang California đang sửa soạn tham dự vào cơn sốt tuyển chọn ứng cử viên tổng thống được tổ chức vào ngày 5 tháng 2 sắp tới. Không những chỉ chọn ứng cử viên tổng thống theo đảng phái, các cử tri cũng sẽ được bỏ phiếu cho một số các dự luật có ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế cũng như hệ thống chính trị tại California. Bài viết này không nhằm mục đích khuyến khích hay vận động bầu cho ai hay cho dự luật nào vì vấn đề quan trọng hơn cho các cử tri gốc Việt là tham gia đi bầu đông đảo và hiểu rõ những gì mình bỏ phiểu trong cuộc bầu cử này.

Đổi ngày bầu cử sơ bộ đến tháng 2

Đây là năm đầu tiên tiểu bang California đã đổi cuộc bầu cử sơ bộ thông thường được tổ chức vào đầu tháng 6 đến đầu tháng 2 để tạo thêm ảnh hưởng chính trị trong cuộc tranh cử vào chức vụ tổng thống. Vì hầu hết các tiểu bang khác tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ chọn tổng thống vào tháng 2 hay trước thời hạn này. Do đó, nếu cứ giữ nguyên ngày bầu cử sơ bộ vào tháng 6 như trước đây, đến khi cử tri California bỏ phiếu thì hầu như vấn đề đã được quyết định xong và do đó tiểu bang California sẽ mất đi cơ hội gây ảnh hưởng chính trị trong cuộc bầu cử quan trọng này.

Nhưng nếu đổi ngày bầu cử đến tháng 2 vì lý do này, nhiều người lại cho rằng tiểu bang California vẫn phải tổ chức một cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 6 cho hầu hết các chức vụ khác và do đó tiểu bang sẽ phung phí tiền để tổ chức thêm một cuộc bầu cử vào tháng 2.

Dầu chống đối hay hỗ trợ việc thay đổi ngày bầu cử này, các cử tri cũng nên tìm hiểu rõ các dự luật cũng như những chức vụ đang được bầu cử vào tham dự một cách đông đảo. Hy vọng cử tri gốc Việt sẽ tham dự một cách đông đảo hơn để chứng tỏ sức mạnh chính trị của cộng đồng Việt Nam trong bất cứ cuộc bầu cử nào.

Cuộc bầu cử tổng thống

Trong cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 5 tháng 2 sắp tới, các cử tri sẽ được bầu cho ứng cử viên theo đảng mà mình ghi danh. Ví dụ những cử tri nào ghi danh theo đảng Dân Chủ thì chỉ được bầu cho các ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ mà thôi, ví dụ như Hillary Clinton, Barack Obama, John Edwards, v.v... Trong khi đó, các cử tri ghi danh theo đảng Cộng Hòa thì chỉ được bầu cho các ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hòa mà thôi và cho các ứng cử viên như John McCain, Mitt Romney, Mike Huckabee, Fred Thompson, Rudy Giuliani, Ron Paul v.v…

Các cử tri không ghi danh theo đảng nào, tức là Decline to State, có thể được bầu cho bất cử ứng cử viên của đảng nào nếu đích thân yêu cầu phiếu bầu của đảng đó, ngoại trừ đảng Cộng Hòa. Nếu không yêu cầu các phiếu bầu theo đảng, các cử tri này chỉ có thể bầu cho các dự luật mà thôi.

Ngoài hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, các cử tri thuộc các đảng khác cũng có thể bỏ phiếu cho các ứng cử viên thuộc đảng khác, ví dụ như American Independent, Green, Libertarian, hay Peace and Freedom.

Bầu cử các dự luật tiểu bang

Trong cuộc bầu cử sơ bộ này, một số các dự luật đã được lưỡng viện tiểu bang phê chuẩn hay thâu thập đủ chữ ký để đưa trưng cầu dân ý trước toàn thể cử tri tại tiểu bang California. Sau đây là tóm lược các dự luật đang được trưng cầu dân ý.

Proposition 91. Đề nghị một tu chính hiến pháp tiểu bang để ngăn cấm một số thuế xăng dầu được sung vào quỹ chung của tiểu bang để xử dụng vào các mục đích không có liên hệ đến việc tân trang hay bảo trì đường xá.

Các thành phần ủng hộ cho rằng tiểu bang không được quyền lưu giữ tiền thuế xăng dầu thâu được trong quỹ chung của tiểu bang và nếu có vay mượn trong trường hợp khẩn cấp thì phải hoàn trả lại trong vòng 30 ngày. Theo luật hiện nay, tiểu bang có thể hoàn trả lại số tiền vay mượn này trong vòng 3 năm hay lâu hơn.

Các thành phần chống đối cho rằng nếu không được vay mượn số tiền này trong hoàn cảnh khó khăn của tiểu bang, các chương trình hay dịch vụ tiểu bang có thể bị cắt giảm hay đe dọa vì thiếu tiền. Hơn nữa, vào tháng 11 năm 2006, cử tri tiểu bang đã thông qua Dự Luật 1A với cùng một mục tiểu của Dự Luật 91 này và do đó việc bỏ phiếu chấp thuận Dự Luật 91 trong cuộc bầu cử này không còn cần thiết nữa.

Proposition 92. Đề nghị một tu chính án hiến pháp tiểu bang để thành lập hội đồng giáo dục của các hệ thống đại học cộng đồng (community college), đặt mức tài trợ tối thiểu theo một công thức dựa trên phần trăm của tiền thâu nhập của tiểu bang, và giảm học phí cho mỗi tín chỉ từ $20 như hiện nay xuống còn $15.

Các thành phần ủng hộ cho rằng phải tăng tiền tài trợ và giảm chi phí học đại học cộng đồng để giúp nhiều người có thể theo học và do đó nâng mức lương của các sinh viên đại học sau khi tốt nghiệp trung bình từ $25,600 đến $47,571.

Các thành phần chống đối thì cho rằng dự luật này sẽ tăng tiền tài trợ cho hệ thống đại học cộng đồng và có thể ảnh hưởng đến mức tài trợ cho hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến lớp 12 vì cả hai sẽ xử dụng một công thức tài trợ dựa trên phần trăm của tiền thâu nhập và bất kể đến các chi phí khác của tiểu bang.

Proposition 93. Thay đổi luật giới hạn nhiệm kỳ (term limits). Hiện nay một vị dân biểu tiểu bang có thể giữ chức vụ tối đa là 6 năm, tương đương 3 nhiệm kỳ 2 năm một. Một vị thượng nghị sĩ tiểu bang có thể giữ chức vụ tối đa là 8 năm, tương đương 2 nhiệm kỳ 4 năm một. Ngoài ra các vị dân cử này có quyền tranh cử vào viện kia sau khi hết nhiệm kỳ. Như vậy có thể kéo dài tối đa là 14 năm trong chức vụ thượng nghị sĩ và dân biểu tiểu bang.

Dự luật 93 cho phép các vị dân biểu tiểu bang được giữ nguyên chức vụ đến 12 năm, tương đương cho 6 nhiệm kỳ liên tục cho một dân biểu. Dự luật cũng cho phép các vị thượng nghị sĩ tiểu bang giữ nguyên chức vụ đến 12 năm, hay 3 nhiệm kỳ liên tục.  Như vậy là các vị dân cử này có thể ở lại cùng một chức vụ lâu hơn là theo luật giới hạn nhiệm kỳ như hiện nay.

Các thành phần ủng hộ cho rằng tổng số thời gian nhiệm kỳ như vậy đã giảm từ 14 năm xuống còn 12 năm và thời gian kéo dài này cần thiết để gia tăng kinh nghiệm làm việc cho các vị dân cử liên hệ.

Các thành phần chống đối thì cho rằng dự luật này chỉ tạo điều kiện cho các vị dân cử hiện nay kéo dài nhiệm kỳ trong cùng chức vụ thay vì phải từ chức để tranh cử vào Hạ Viện hay Thượng Viện sau khi hết nhiệm kỳ tại viện kia. Họ lập luận rằng càng ở lâu tại cùng một chức vụ, những vị dân cử này dễ lạm dụng quyền hạn và càng dễ bị mua chuộc bởi các quyền lợi kinh tế không có ích lợi cho tiểu bang hay cử tri.

Đây là cuộc tranh chấp rất gay go giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tại tiểu bang vì đảng Dân Chủ hiện đang nắm quyền tại cả hai Hạ Viện và Thượng Viện và nếu dự luật này được thông qua, các viên chức lãnh đạo này sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo và với nhiều quyền lực lâu dài hơn.

Proposition 94, 95, 96 và 97. Thay đổi giao kèo cho mở sòng bài với 4 bộ lạc người Native American (thông thường gọi là dân da đỏ) là Pechanga, Morongo, Sycuan và Agua Caliente để cho phép mỗi bộ lạc có thể gia tăng máy đánh bài từ 2,000 máy đến 7,500 máy cho mỗi bộ lạc và đóng tiền lệ phí cho tiểu bang ở mức độ từ 15% đến 25%. Các bộ lạc này tập trung tại miền Nam California trong vùng núi của các quận San Diego, Riverside hay San Bernardino. Trung bình, mỗi bộ lạc sẽ đóng thêm khoảng từ 30 đến 45 triệu mỗi năm vào ngân quỹ tiểu bang.

Các thành phần ủng hộ cho rằng 4 dự luật này sẽ mang lại nhiều tỉ Mỹ kim trong vòng 10 năm tới, như vậy sẽ bù đắp những số tiền thiếu hụt mà tài khoá tiểu bang đang phải đương đầu hàng năm.

Các thành phần chống đối các dự luật này thì cho rằng làm như vậy chỉ mở đường cho việc mở rộng các cơ sở sòng bài và làm giàu thêm cho 4 bộ lạc giàu có nhất và nhiều quyền lực nhất trong khi bỏ qua sự khó khăn của hàng trăm bộ lạc khác. Thêm nữa nếu so sánh số tiền của 10 năm hy vọng đem tới với 1 năm là không cân xứng và có thể là một hình thức đánh lận con đen. Các thành phần chống đối này phần lớn đến từ các sòng bài tại Las Vegas vì sự cạnh tranh với các sòng bài của các bộ lạc tại California.

Kết Luận. Cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới tại California mặc dầu mới nhìn qua không thấy có ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng Việt Nam. Nhưng mỗi dự luật đều có tầm ảnh hưởng lâu dài thí dụ về chính trị như dự luật 93, hay kinh tế như các dự luật khác. Hơn nữa việc tham gia bầu cử đông đảo trong bất cứ cuộc bầu cử nào là một điều rất quan trong để tạo ảnh hưởng chính trị qua tổng số phiếu bầu của khối cử tri gốc Việt. Dầu ở trong hoàn cảnh hay quan điểm chính trị khác nhau, các cử tri gốc Việt cần tham gia bỏ phiếu càng đông càng tốt, bất kể là bầu cho ai hay cho dự luật nào.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chuyến công du của Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, John Negroponte đến Trung Quốc và Việt Nam vào ngày 18-20 tháng Giêng 2008
Biểu tình  trứơc sứ quán CSVN, CSTQ hôm chủ nhật ở Washington DC, khẳng định các đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Mỗi  quân binh chủng có những trận chiến lẫy lừng làm cho người lính  hãnh diện về quân binh chủng của mình, như Nhảy Dù hãnh diện với những chiến trường
Đỗ Văn Phúc sinh năm 1946 tại Quảng Trị, tốt nghiệp khoá 1 Đại học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.
Năm 1975, từ khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Việt Nam đã bắt đầu đặt kế hoạch phát triển trên toàn thể quốc gia.
Buổi lễ vinh danh do Bộ Nội An tổ chức nhằm hai mục đích. Thứ nhất là để tuyên thệ cho hai mươi lăm người từ mươi tám quốc gia
Ông Vũ Dũng trong trả lời phỏng vấn trên báo Nhân dân ngày 6-1-2008 khẳng dịnh: không có chuyện chúng ta mất dất mất biển.
Cộng sản là một chủ nghĩa và là một chế dộ chuyên tạo ra kẻ thù cho mình. Ngay từ lý thuyết, thay vì cổ xúy tương sinh, cộng tồn
Nhằm mục đích phản đối Trung Cộng xâm chiếm quần đão Hoàng Sa và Việt Cộng đã dâng đất
Hôm nay tranh thủ về gặp mẹ xem có chuyện gì mà nghiêm trọng thế. Sau khi nghe mẹ kể sự việc con mới biết thì ra là không có chuyện gì nghiêm trọng cả
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.