Hôm nay,  

Nhân lễ Tạ Ơn, Hội Kiến Với Dì Phước Rose Marie Redding: Người Đã Nhân Ai Cưu Mang Người Việt Tị Nạn Từ 1975

21/11/200700:00:00(Xem: 7377)

Ngày nay Little Sàigòn đã trở thành thủ phủ của người Việt mà khắp nơi trên thế giới, kể cả ở Việt Nam. Mọi người Việt luôn hãnh diện về việc một khu phố trên xứ người có đầy đủ những sinh hoạt tiêu biểu của người Việt Nam từ văn hóa, chính trị, kinh tế và cũng là cửa ngõ để nhìn về tương lai cho quê hương gấm vóc.

Từ lâu nay, đã có nhiều người muốn biết về giai đoạn sau tháng Tư 1975, những người tị nạn Việt Nam đầu tiên đến Orange County có đông không" Họ bắt đầu làm lại cuộc đời như thế nào" Ai là những người ân nhân giúp đỡ họ"...

Cùng với nỗ lực sưu tầm, ghi nhận của một nhóm bạn trẻ, chúng tôi may mắn được gặp ông Bùi Thọ Khang, là một trong số những người Việt tị nạn đầu tiên đặt chân định cư đến vùng Orang County. Càng may hơn nữa là, ông Khang đã sốt sắng kể chuyện xưa, giúp cho tài liệu, dàn xếp cuộc tiếp xúc với Dì Phước Rose Marie Redding, thuộc Dòng Mến Thánh Giá (tu viện San Joseph of Orange County), một trong những Thiện Nguyện Viên tiên khởi đã vào tận trại tị nạn Pendleton (căn cứ Thủy Quân Lục Chiến, California) để giúp cho người tị nạn Việt Nam từ những ngày đầu.

"Sister Rose Marie Redding là một đại ân nhân của người Việt chẳng những từ những ngày đầu 1975 mà mãi từ đó đến nay Sister vẫn còn tiếp tục liên lạc, giúp đỡ tất cả những gia đình, những cá nhân người Việt tị nạn, tùy vào nhu cầu của từng giai đoạn," ông Bùi Thọ Khang đã kể lại nhiều chi tiết cảm động, nhấn mạnh đến tấm lòng nhân ái của vị nữ tu Dòng Mến Thánh Giá nay đã 79 tuổi trời, còn khỏe mạnh và vẫn tiếp tục thương yêu người Việt một cách đặc biệt.

Ông Hùng, bạn của ông Khang cũng đồng ý rằng trong truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc, người Việt Nam luôn biết ơn những người đã đưa tay cứu vớt mình. Lòng biết ơn ấy được thể hiện chính bằng sự nhẫn nhục, cố gắng để vừa sống đời tự lập và còn chấp nhận mọi thử thách để làm những viên gạch lót đường cho thế hệ con em tiến thân, thành đạt, nên người hữu dụng.

Chính nhờ những tấm lòng nhân ái ấy mà cộng đồng chúng ta được hình thành. Ông Hùng nói: "Bằng lòng thương yêu của tha nhân, chúng ta đã chấp nhận mọi thử thách để hồi sinh. Ngày nay chúng ta có được những gì, như Little Sàigòn đã và đang có, cũng bắt nguồn từ những tình cảm chân thật của bao nhiêu người giàu lòng nhân ái Hoa Kỳ. Sister Rose Marie Redding không chỉ là một nữ tu khả kính mà đối với chúng tôi, Sister là người đỡ đầu, dẫn dắt và ảnh hưởng nhiều đến mọi gia đình, mọi cá nhân đã được Sister giúp đỡ, bảo trợ, hướng dẫn và trở thành một đại gia đình mà tính đến nay, sau 33 năm khối tình bao la vĩ đại đó vẫn còn ngày một phát triển và gắn bó..."

Thật ra, suốt 33 năm qua, có nhiều chuyện truyền kỳ về những ngày đầu của cộng đồng Việt Nam tại quận Cam đã được kể đi kể lại trong số người cố cựu, những người đặt chân đầu tiên lên vùng đất mà ngày nay mọi người Việt hãnh diện gọi là thủ phủ của người Việt Nam ở hải ngoại.

Sister Rose Marie Redding là một người Chị, người Mẹ nổi bật trong số các chuyện truyền kỳ mà "người tị nạn hồi 1975" thích thú truyền tụng. Dáng người nhỏ, giọng nói ngọt ngào và chậm rãi, vẫn thế, suốt 33 năm kể từ ngày gặp người tị nạn Việt Nam đầu tiên cho đến nay, như có ơn trên thiêng liêng tạo duyên, như một định mệnh gắn liền Chị, gắn liền Mẹ với những người Em, người Con trong một thứ tình cảm đặc biệt.

Hình tài liệu về trại tị nạn Pendleton, California

Nhân mùa Lễ Tạ Ơn, chúng tôi cùng nhau đến thăm Sister Rose Marie Redding tại tu viện Dòng Mến Thánh Giá St Joseph of Orange County và được Sister hướng dẫn thăm lại căn phòng hội họp trong tu viện dành cho người Việt tị nạn hồi 1975, trong chúng tôi nhiều người đã không cầm được nước mắt, nghẹn ngào kể lại những ngày đầu bơ vơ trên xứ lạ quê người...

Biến cố Tháng Tư Đen 1975 ụp xuống, dư luận của Hoa Kỳ có nhiều chia rẽ. Trong lúc chính phủ quyết định ra tay cứu vớt, đón nhận người Việt tị nạn thì không thiếu các khuynh hướng quần chúng chống đối, chỉ trích và hửng hờ trước làn sóng người Việt tị nạn.

Giữa lúc dư luận có vẻ nghiêng chiều không thiện cảm với những gì dính dấp đến cuộc chiến mà Hoa Kỳ tham dự, hàng trăm ngàn người Việt xất bất xang bang vì cảnh nước mất nhà tan, đặt chân đến các trại tị nạn bên trong lãnh thổ Hoa Kỳ. Không giống như những đợt người Việt đến sau, những người tị nạn hồi 1975 thật sự bơ vơ lạc lỏng giữa vùng đất mới. Chính vì thế mà việc ghi lại những gì liên quan đến giai đoạn này thật là cần thiết.

Chúng tôi đồng ý với quý vị cố cựu có mặt ở quận Cam từ 1975, nhân mùa Lễ Tạ Ơn, mỗi người trong chúng ta hướng lòng về những ân nhân (dù còn nhớ hay đã quên) để chẳng những tạ ơn mà còn luôn nhắc nhở thế hệ trẻ rằng chính lòng nhân ái vị tha đã giúp cho người Việt chúng ta được phục hồi và những gì chúng ta có ngày nay cũng nhờ vào những tấm lòng bác ái bao la ấy. Mãi mãi chúng ta không quên những ân tình sâu đậm đó và hãy sống xứng đáng với những tấm lòng cao cả của ân nhân, của cha mẹ, ông bà của mình.

Hi vọng bài phỏng vấn này sẽ góp một phần nhỏ vào công việc ghi nhớ công đức của những bậc đại ân nhân với người Việt tị nạn chúng ta.

Hỏi: Có phải Sister là người đầu tiên của tu viện Dòng Mến Thánh Giá đến thăm trại tị nạn Pendleton"

Đáp: Không. Trước tôi đã có Sister Henrietta đến giúp tại trại rồi.

H: Nhờ đâu mà Sister biết tin về trại tị nạn mà đến thăm"

Đ: Tôi đọc báo và nghe tin qua các đài truyền thanh và truyền hình. Lúc đó tôi nghĩ tôi nên giúp họ, nhưng không biết phải làm gì. Rồi tôi nghe tin là nhiều người tị nạn Việt Nam cần quần áo cỡ nhỏ. Tôi không có nhiều lắm, nhưng cũng chọn ra một số, bỏ vào mấy chiếc túi xách rồi lái xe đến trại.

H: Sister có cảm giác ra sao khi đến trại"

Đ: Tôi rất choáng ngợp, không có một cảm xúc rõ rệt. Tôi cảm thấy choáng ngợp khi thấy có quá nhiều người chen chúc dưới các căn lều hay đứng xếp hàng dưới ánh nắng chói chang để nhận trợ giúp.

H: Sister có vô thăm những người trong trại không"

Đ: Lúc lái xe đi, tôi nghĩ rằng ở trại chắc sẽ có một trung tâm để tôi giao áo quần và ghi danh để được giúp người tị nạn, bằng bất cứ cách nào cũng được! Thế nhưng đến đó, tôi chỉ có thể lái xe vòng quanh trại, tôi không được vào bên trong, trừ khi tôi có I.D. dành cho những người làm việc ở đó. Rốt cuộc tôi chỉ có thể để những túi phẩm vật ở một trung tâm tiếp nhận phẩm  vật mà không có ai làm việc ở đó cả. Trên đường lái xe 40 phút trở về tu viện, tôi cảm thấy buồn và thấy mình không giúp gì được hết. Tôi thầm nghĩ có lẽ lúc này Chúa chỉ muốn tôi như vậy thôi.

H: Vậy rồi làm sao Sister vô giúp trong trại được"

Đ: Khoảng một tuần sau, Chị Henrietta hỏi tôi có muốn thay thế chị dạy Giáo Lý cho trẻ em trong trại không" Biết rằng không ai có thể thay thế Chị được, tôi nhận lời và nói tôi sẽ làm hết sức mình. Từ đó, tôi bắt đầu đến trại mỗi Thứ Bảy để dạy Giáo Lý.

H: Sister có cảm xúc gì khi làm việc trong trại"

Đ: Tôi thấy rất tội nghiệp những người ở đây. Họ rất hoảng loạn. Tôi nhìn được và nghe thấy rất nhiều chuyện đau buồn. Có trường hợp một chị kia, tại Sài Gòn, trên đường chạy nạn, dí con vào chiếc taxi rồi sực nhớ mình chưa khóa cửa nhà, chạy vội trở lại để khóa cửa (đã chạy loạn thì cần gì phải lo đến căn nhà nữa nhưng khi người ta hoảng loạn thì không còn biết mình đang làm gi), rồi khi trở ra thì chiếc taxi đã không còn và mất luôn đứa con...

Hình chụp chung với Sister Rose Marie Redding tại tu viện Dòng Mến Thánh Giá, Orange.

Tôi nói chuyện với những người tị nạn ở đây. Họ rất đau buồn vì lạc mất gia đình. Có người thanh niên kia kể lại, anh đi suốt ba ngày, đến từng căn lều trong trại để tìm thân nhân và may mắn tìm lại được. Thế nhưng có nhiều người không tìm lại được người thân của họ.

Người lớn thì hoảng loạn như vậy, nhưng trẻ con lại rất vô tư. Trẻ con trên thế giới này ở đâu cũng vậy hết. Chúng chẳng có những nỗi lo buồn của người lớn. Những đứa trẻ ở trại tị nạn này cứ hồn nhiên đi nhặt những viên đá trên bãi đất và chơi đùa với nhau.

H: Tại sao Sister muốn giúp người tị nạn Việt Nam"

Đ: Không hẳn là tôi giúp họ mà chính những người tị nạn này đã làm cho tôi và những người bản xứ rất xúc động được chứng kiến khả năng và khát vọng sống còn của họ. Họ không quản đến chuyện mất hết nhà cửa, tài sản, hay bao khó khăn trên đường vượt thoát để đến đất tự do.

Người Việt Nam cũng rất rộng lượng. Họ nghĩ đến người khác hơn bản thân họ dù khi họ nghèo và đói. Có lần tôi đến thăm một gia đình kia, họ không có đủ thức ăn nhưng nhất định mời tôi ăn chung với họ. Hoặc khi tôi đến thăm một gia đình khác, người vợ lấy ra chiếc áo dài mầu xanh đẹp nhất của cô và nhất định muốn tôi mặc thử rồi tặng luôn cho tôi chiếc áo dài đó.

H: Vào thời gian đó, có những tổ chức nào giúp đỡ người tị nạn"

Đ: Có 4 cơ quan thiện nguyện là IRC, USCC, Hồng Thập Tự và Volags.

H: Có phải ai muốn bảo trợ người tị nạn cũng được không"

Đ: Không. Người tị nạn có quyền từ chối người muốn bảo trợ mình. Đồng thời, những ai muốn bảo trợ người tị nạn phải nộp đơn với cơ quan Volags. Volags sẽ phỏng vấn và hướng dẫn họ những trách nhiệm họ sẽ có khi bảo trợ người tị nạn.

H: Sister nghĩ sao về quá trình bảo trợ người tị nạn Việt Nam"

Đ: Tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ rất nhân ái. Họ không chỉ mở tung cửa trại và để người tị nạn tự len lỏi vào cuộc sống mới, nhưng họ đã kêu gọi người bản xứ bảo trợ và hướng dẫn những người tị nạn này hòa nhập vào đời sống hoàn toàn mới lạ đối với họ.

Lúc đó chính phủ Hoa Kỳ cho mỗi người tị nạn 500 dollar. Volags có quyền giữ 300 cho chi phí trang trải việc bảo trợ, còn lại 200 Volags trao cho người bảo trợ. Thực ra thì ban đầu Volags cũng không công khai về số tiền họ được chính phủ trợ giúp và có khi không đưa 200 dollar này cho người bảo trợ, trừ khi người bảo trợ hỏi. Tôi nghĩ chính phủ Hoa Kỳ rất nhân ái, nhưng họ không quản lý được hết mọi chuyện nên mới có chuyện này xảy ra.

H: Những người bản xứ có băn khoăn gì khi bảo trợ người tị nạn"

Đ: Đa số những người bảo trợ rất thành tâm muốn giúp người tị nạn. Có nhiều người nói với tôi, họ đã nộp đơn xin bảo trợ người tị nạn cả mấy tuần rồi mà vẫn không thấy Volags gọi đến phỏng vấn. Tuy nhiên, hầu hết những người bảo trợ muốn bảo trợ những gia đình nhỏ hơn là gia đình đông người.

Có gia đình một người tên Long. Ông Long và vợ con có thể được bảo trợ và ra khỏi trại bất cứ lúc nào, nhưng ông nhất định không chịu đi. Ông muốn được bảo trợ chung với gia đình bố mẹ của ông nữa, tổng cộng lên đến khoảng mười người. Thế nên gia đình ông bị kẹt lại trong trại khá lâu. May mắn là sau này có một câu lạc bộ phụ nữ ở thành phố Orange bảo trợ gia đình ông.

H: Sister có nhớ khi nào quá trình bảo trợ người tị nạn khỏi trại Pendleton chấm dứt không"

Đ: Trại đóng cửa ngày 15 tháng 10 năm 1975. Lần cuối tôi đến thăm trại là ngày 7 tháng 10 năm 1975. Vào khoảng tháng 9, chính phủ Hoa Kỳ đẩy mạnh quá trình bảo trợ. Họ nói những người còn sót lại trong trại sẽ được chuyển qua trại Fort Chaffee, tiểu bang Arkansas. Vào thời gian trại sắp sửa đóng cửa, có khoảng 40 người còn sót lại. May là một vị linh mục đã mua một căn nhà ở khu đường Bolsa và Westminster, thành phố Westminster, và đưa tất cả những người này đến sống trong căn nhà đó.

H: Sau khi trại Pendleton đóng cửa, Sister còn liên lạc với người tị nạn Việt Nam không"

Đ: Có.  Vào những giờ rãnh, tôi đến căn nhà nói trên để đưa những người ở đấy đi chích ngừa. Tôi cũng gặp gỡ những người khác để đưa họ đi chợ. Bây giờ thì ở quận Cam này đầy dẫy chợ Việt Nam, nhưng thời đó chỉ có một chợ Nhật Bản duy nhất ở Tustin. Ở đó không có nước mắm (cười), cho nên muốn mua nước mắm, tôi phải chở những người này lên Chinatown Los Angeles. Tôi thích thức ăn Việt Nam như phở, cháo gà. Tôi thích nhất là cháo gà, vừa ngon vừa dễ ăn.

Vũ Quỳnh Trâm phỏng vấn Sister Rose Marie Redding ngày 10 tháng 11 năm 2007.

H: Sister có thể kể những trường hợp tiêu biểu về việc người Việt tị nạn hội nhập vào cuộc sống mới"

Đ: Tôi rất quý trọng tính chịu khó và khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống mới của người Việt Nam. Có lần tôi hỏi một ông kia: Ông muốn làm việc gì, tôi sẽ tìm cho ông"  Ông trả lời việc gì cũng được, miễn là có việc làm là được rồi. Người Việt rất chịu khó, họ không nề hà và chấp nhận bất cứ việc làm nào, miễn là họ có thể bắt đầu một cuộc sống mới.

H: Hiện nay Sister còn liên lạc với những người Sister đã giúp đỡ trước kia không"

Đ: Còn. Tôi vẫn đến những gia đình này thăm và ăn uống với họ.

H: Nghe nói Sister hiện có một chương trình nhân đạo giúp người nghèo ở Việt Nam"

Đ: Không có, tôi thỉnh thoảng có đi thăm Việt Nam, nhưng để liên lạc, trao đổi với các Chị Em Dòng Mến Thánh Giá bên đó.

H: Sister có thể kể một vài hoạt động tiêu biểu của Sister hiện nay không"

Đ: Hiện nay tôi thường đến thăm các trẻ em trong trại tù thiếu niên và nói chuyện với các em. Tôi cũng đang viết một cuốn sách tên là "Truyện Kể Cho Những Thế Hệ Tiếp Nối" (Stories for The Next Generations).

H: Lý do nào thôi thúc Sister viết cuốn sách này"

Đ: Một lần đến chơi với một gia đình người quen Việt Nam. Một người khách hỏi cô con gái trẻ trong gia đình là cô biết tôi trong trường hợp nào. Cô hồn nhiên nói không biết nữa, từ khi cô sinh ra là đã gặp và biết tôi rồi. Từ dịp này, nhiều người đã thuyết phục tôi nên viết hồi ký về mối liên hệ của tôi với người Việt Nam. Thực ra tôi cũng có ý định như vậy trước đó nhưng chưa muốn làm. Nhưng từ dịp đó, tôi quyết tâm sẽ viết cuốn hồi ký này.

Tôi nghĩ người Việt Nam thật tuyệt vời, họ không quản ngại khó khăn để đến đất tự do. Đến đất nước này, họ không biếng nhác hay than van về hoàn cảnh khó khăn của họ, mà họ lập tức hòa nhập vào cuộc sống mới. Bởi thế mà con cháu của họ không biết hoặc không hiểu được những gì bố mẹ, ông bà họ đã trải qua. Tôi nghĩ tôi nên viết cuốn hồi ký này, mong rằng những người trẻ Việt Nam sẽ biết đến những hy sinh thế hệ trước đã trải qua...

Vũ Quỳnh Trâm (Ký giả tự do)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.