Hôm nay,  

Tôi Và Bố

16/06/200700:00:00(Xem: 10279)

Tôi lớn lên trong thời Đệ Nhị Cộng-Hòa, Bố tôi là một viên-chức về hành chánh của Bộ-Nội-Vụ, trụ sở ông làm việc nằm ở góc đường Nguyễn-Du và Tự-Do (bây giờ đổi tên là Đồng-Khởi).  Thưở Mẫu-Giáo và Tiểu-Học, Bố cho tôi theo học ở trường Hòa-Bình, bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà, đối diện Bộ-Nội-Vụ, chắc có lẽ để tiện việc đưa đón tôi.  Sau giờ tan học, Bố thường dẫn tôi vào sở vì ông còn làm việc đến hết giờ mới đưa tôi về nhà để Mẹ tôi lo cơm nước cho gia-đình.

 Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ tấm thảm đỏ trải dài suốt dãy hành lang trong sở Bố, nhớ những cái xoa đầu tôi của ông “Xếp” (Boss) Bố là ông Lê-Công-Chất (Thứ-Trưởng Bộ-Nội-Vụ lúc bấy giờ). Nhớ hoài những viên kẹo ngọt, những hộp bánh “Bít-quy” (crackers) của mấy cô, mấy bà thư-ký làm việc cho Bố thường đem cho tôi ăn… Có lẽ vì thế mà tôi thân với Bố từ bé và ít khi nào kể cho Mẹ tôi nghe về những người đẹp trong sở Bố làm… (theo lời Bố dặn).

Đối với Bố tôi, bữa ăn trưa và ăn tối trong gia-đình là điều tối quan trọng không thể thiếu một thành viên nào trong nhà.  Ngày xưa, giờ giấc làm việc của các công-nhân-viên chức Việt-Nam theo chính sách của người Pháp đó là được nghỉ trưa từ 1 đến hai tiếng mỗi ngày.  Bố tôi đã bảo với Mẹ tôi và các chị tôi rằng: “Bà và các con dầu đi đâu cũng phải có mặt đầy đủ trong hai bữa ăn của gia-đình!” … Lời dặn chỉ có thế và mọi người trong nhà đều răm-rắp nghe theo.  Về sau này khi lớn lên tôi mới hiểu đó là cách Bố tôi giữ gìn hạnh-phúc gia đình và cũng là cách dễ nhất để ông có thể gần gũi vợ con, vì trong bữa ăn, mọi người đều kể cho nhau nghe về những diễn biến trong ngày, chúng tôi đều phải trình bày những khó khăn trong học-đường và xin ý kiến Bố-Mẹ.  Cũng như Mẹ thường lên kế hoạch để bàn định về những chỗ đi chơi cuối tuần (thí dụ như: đi Cấp, đi lên rẫy ở Long-Khánh hay đi Lái-Thiêu ăn trái cây v.v…) Nhờ vậy mà bây giờ tiền lệ đó đã được tôi áp dụng trong tiểu-gia-đình mình, nhưng chỉ được bữa ăn tối mà thôi vì làm việc ở Hoa-Kỳ không có giờ về nhà để nghỉ trưa.

Thưở lên mười một tuổi, lúc tôi theo học Trường Nữ Trung-Học Trưng-Vương, có lần Bố đưa tôi và Mẹ tôi đi Siêu-Thị ở đường Nguyễn-Du (gần sở Bố) gọi là chợ “P.X”. Hình như thời bấy giờ Saigon chỉ có một siêu-thị duy nhất bán đồ nhập cảng từ Mỹ.  Khi nhìn thấy một chiếc xe đạp mini gấp được làm đôi để có thể bỏ vào “cốp” (trunk) xe hơi, chiếc xe màu bạc óng ánh đã hấp dẫn tôi hơn kẹo sô-cô-la (chocolate), cà-rem (ice cream) hộp và bất cứ thứ gì chung quanh tôi lúc bấy giờ. 

Tôi đã ở lì trong siêu-thị không chịu đi về sau khi Mẹ đã mua xong những thứ cần thiết.  Khi Bố kéo tôi đi, tôi bỗng òa khóc nức nở và chỉ tay vào chiếc xe đạp nói rằng: “Con chỉ đi về khi Bố mua cho con chiếc xe đạp kia thôi!”. Trong đầu óc bé nhỏ của tôi lúc bấy giờ, bao nhiêu là hình ảnh thích thú hiện ra, nếu tự một mình tôi chạy xe (một kiểu xe đạp duy nhất mới có ở nước Việt-Nam thời bấy giờ, các bạn tôi chắc chắn sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu tôi được tự đạp xe đến trường bằng chiếc xe này.  Vì phần lớn nhóm bạn chúng tôi gia-đình ai cũng khá giả, có tài-xế đưa đón và hơn nữa, người lớn đều xem chúng tôi là trẻ nhỏ không được đi học một mình vì sợ bị  “Mẹ Mìn” bắt cóc…)

Tôi còn nhớ phản ứng của Mẹ tôi là mặt bà đỏ bừng lên rồi chạy đến bên tôi ôn tồn bảo: “Con bé hư quá! Nín khóc ngay, không được nhõng nhẽo giữa chợ thế này.  Người ta cười Bố-Mẹ kìa!”.  Đựợc sự vuốt ve của Mẹ, tôi càng khóc lớn hơn vì cảm giác tủi thân chưa được Bố quan-tâm đến.  Tuy khóc nhưng mắt tôi vẫn dõi theo hành động của Bố, tôi thấy Bố đi hỏi giá chiếc xe đạp, sau đó ông quay lại nghiêm nghị bảo với tôi rằng : “Bố sẽ mua cho con với điều kiện là chỉ được chạy sau khi bố tập cho con lái, vì lái xe đạp không phải dễ đâu và con không được tự ý một mình đạp xe ra khỏi khuôn viên nhà, chỉ đạp trong vườn nhà hoặc khi lên rẫy chơi mà thôi, vì lái xe ra đường sẽ rất nguy hiểm”… Tôi gật đầu đồng ý ngay vì nào tôi có nghe rõ những lời Bố dặn, trong tâm thức tôi hình ảnh chiếc xe đạp mini gấp đã chiếm trọn, miễn làm sao tôi phải có nó bằng được thì tôi mới mãn-nguyện. 

Từ đó, mỗi buổi chiều, sau giờ cơm tối, Bố dạy tôi cách giữ thăng bằng để đạp xe, lúc đầu Bố vịn sau yên cho tôi chạy, rồi dần dần ông buông hẳn tay ra, tôi biết lái ngon lành…  Nhóm bạn thân của tôi gồm chín đứa, vì nhỏ con và học giỏi nên ba đứa ngồi một bàn chiếm ba cái bàn đầu trong lớp, đối diện với Giáo-sư. Thầy-Cô và mọi người vẫn thường gọi đám học trò ồn ào cao ngồng ngồi cuối lớp là “xóm nhà lá”.  Đứa bạn nào của tôi cũng mong mỏi tôi đạp xe đến trường để chúng chiêm ngưỡng và lái thử.  Tôi cố suy nghĩ nát óc để tìm ra phương kế. Thường thì Bố tôi có tài-xế lái xe cho Bố đi làm rồi đưa Bố về nhà ăn trưa và nghỉ trưa, giờ Bố nghỉ trưa là chú tài có nhiệm vụ chở tôi đến trường.  Đến chiều tan học, chú tài đến đón tôi trước rồi mới đón Bố từ sở về nhà tôi ở khu Tân-Định.  Đã đôi lần tôi dò la ý của Bố là tôi muốn được tự lập bằng cách đạp xe đến trường một mình,  Bố đã quắc mắt, gằn giọng bảo: “Con đã hứa với Bố như thế nào trước khi Bố mua xe cho con"”…Thế là tôi im ngay.

Cơ hội ngàn vàng đã đến với tôi, vì buổi trưa hôm ấy sau giờ ăn trưa, Bố tôi vào phòng nghỉ như thường lệ.  Mẹ tôi có công việc phải đi Đà-Lạt vài ngày. Tôi sửa soạn cặp-táp xong chạy xuống phòng trọ của chú tài bên cạnh phòng chị người làm, thấy chị Ba đang cạo gió cho chú tài. Tôi bảo: “Trời ơi! Chú Minh bị trúng gió rồi.  Chú nghỉ ở nhà đi để chút nữa còn đưa Bố đi làm, con đi xe đạp đến trường được rồi!” Cả hai người  đều trợn tròn mắt nhìn tôi.  Chị Ba nói ngay: “Không được đâu cô. Ông dặn tụi tui là coi chừng không cho cô đạp xe ra ngoài đường.” Chú tài mặt đỏ như gấc cũng nói theo: “Có bệnh gì tôi cũng ráng đưa cô Út đi, lỡ ông biết được tôi bị đuổi việc liền!” Tôi mới kể cho chị Ba và chú tài nghe về sự trông đợi của bạn bè tôi đựợc nhìn thấy chiếc xe đạp, nếu không một lần mang đến cho chúng nó xem thì chúng sẽ bảo tôi là thợ vẽ, làm gì có chiếc xe đạp mini bằng sắt mà gấp lại được…

Tôi đem tất cả khả năng “hùng-biện” của mình để thuyết phục hai người. Nhất là hôm ấy tôi biết trước mình được về sớm hai giờ cuối vì Thầy-Cô bận họp. Tôi nói rằng tôi sẽ đạp xe về nhà sớm, chú Minh không cần phải nói với Bố tôi điều gì cả, vì tôi cũng không muốn chú nói dối.  Buổi chiều khi Bố tan sở là tôi đã có mặt ở nhà rồi, sẽ không ai biết gì cả!” Thấy giọng tôi chắc ăn như bắp.  Chú Minh có vẻ xiêu lòng, phần vì chú có vẻ rất mệt.  Chị Ba run lẩy bẩy như sắp làm một chuyện động Trời. Mọi việc thu xếp xong, tôi ung dung đạp xe đến trường một mình lần đầu tiên trong đời, Saigon tháng sáu thường mưa nên hôm ấy Trời không có nắng, tôi rất thận trọng đạp từng vòng xe.  Người đi đường ai cũng nhìn tôi vì chiếc xe quá đặc biệt lần đầu tiên xuất hiện trên đường phố. Tôi nhớ là khi đến trường, tôi đã gởi chiếc xe yêu quý của tôi trong nhà bác lao-công ở trong trường và cho bác ít tiền. 

Đến giờ tan lớp, các bạn tôi xúm-xuýt, trầm trồ bu quanh chiếc xe, tìm cách gấp đôi lại rồi gỡ ra, tôi cho mỗi đứa chạy thử một vòng ở cuối con đường Nguyễn-Bỉnh-Khiêm.  Có đứa không biết đạp cũng đòi dẫn bộ đi cho oai. Con đường ngập xác lá vàng, có những trái “Giáng-Tiên” rơi xuống xoay vòng cầu đẹp như một bức tranh.  Chưa bao giờ tôi thấy mình hạnh-phúc như thế với bạn bè.  Bất thình lình, mây đen kéo tới, tôi quýnh lên từ giã các bạn để còn đạp xe về nhà sớm. 

Theo lộ-trình mỗi ngày chú tài đưa đi, tôi chạy dọc con đường Thống-Nhất (bây giờ đổi tên là Lê-Duẩn), đến đường Hai-Bà-Trưng quẹo tay mặt là sẽ về đến nhà.  Trời bỗng đổ mưa như trút nước, mưa mịt mù phố xá. Lần đầu tiên tôi được tắm mưa, cảm giác lạnh và sợ, tim tôi đập loạn lên nhưng chân vẫn không ngừng đạp.  Đến gần trước Tòa-Đại-Sứ Mỹ, tôi thấy xe mình lao vào một vật cản bằng sắt lù lù trước mặt, một cái “Rầm”, tôi té xuống đường, rách toạt vạt áo dài trắng, tôi thấy máu chảy ra từ cánh tay và rồi, một ông lính Mỹ trong quân-phục, đội nón sắt có chữ: “MP” gác trước cổng Tòa-Đại-Sứ chạy nhào tới bế xốc tôi lên, tôi bất tỉnh ngay lúc đó…    

Tôi bị sốt mê man mấy ngày liền, lúc lơ mơ tỉnh dậy  thấy Mẹ và Bố, sợ quá tôi lại ngất đi, không ăn uống gì được, Bố phải đưa tôi vào bệnh-viện “Đồn-Đất” để được tiếp nước biển cho tôi.  Bác-Sĩ người Pháp nói rằng tôi bị “Thương Hàn”. Một tháng trời tôi phải nằm viện, bỏ học vì cơn đau “thập tử nhất sinh”. Mẹ tôi cầu Trời, khấn Phật ngày đêm.  Bố tôi xanh xao vì lo lắng, ông cũng mất ăn, mất ngủ vì thương tôi quá…

Cuối cùng, tôi khỏi bệnh.  Ngày xuất viện về nhà, Bố mua cho tôi một bó hoa “Tulip” màu vàng rất đẹp, không một ai dám nhắc đến cái tai-nạn “chiếc xe mini gấp của tôi”. Chú tài-xế Minh không bị đuổi việc và chị Ba vẫn là người làm trong nhà. Khi ra nước ngoài, chị tôi mới kể rằng lúc bấy giờ, Bác-Sĩ cấm mọi người trong nhà nhắc đến chuyện đó! Bắt buộc những sinh-hoạt phải bình thường như trước lúc tôi gặp tai-nạn.

Đến năm 1981, Bố lo cho tôi đi vượt biển, tàu tôi may mắn được dàn khoan cứu vớt, tôi qua Úc định cư rồi vài năm sau, tôi lo thủ tục bảo lãnh cho Bố-Mẹ, các chị cùng đoàn tụ gia-đình. Suốt thời gian này tôi được dịp phụng-dưỡng Bố Mẹ để đáp đền phần nào tình-thương mà hai đấng Phụ-Mẫu đã dành cho tôi.

Sau này tôi qua Mỹ định-cư vì tư tưởng luôn tìm tòi, mạo hiểm và thích khám phá tôi đi chu du nhiều nơi trên thế-giới.  Lúc hay tin Mẹ lâm bệnh, tôi đã bay trở lại Úc để lo cho Mẹ tôi đến ngày bà nhắm mắt. Bố ở với các chị, tôi phải quay về Mỹ, vì lúc ấy tôi đã có gia-đình.  Đúng một năm sau ngày Mẹ mất. Một buổi chiều, đầu tháng tám, tôi nhận điện thoại từ Úc, hung tin báo rằng Bố tôi đang hấp hối, tôi xin bên nhà một bức điện thư của bệnh-viện chứng nhận để ra phi-trường được mua vé khẩn bay ngay đêm hôm ấy.  Bố tôi nhắm mắt lúc tôi đang bay ở trên Trời. 

Tới Phi-Trường Melbourne, làm thủ tục nhập cảnh xong , tôi bước ra ngoài gặp ngay một tiệm bán hoa.  Duy nhất một bó “Tulip” vàng nằm trong chậu xen lẫn với những bó hoa Hồng, LyLy, Cúc trắng… Nước mắt bỗng tuôn trào, tôi đến mua ngay bó hoa “Tulip” vàng ấy. Thuê xe tôi lái thẳng đến bệnh-viện, tôi đọc kinh suốt đoạn đường dài, đầu nhức như búa bổ, nhưng sao hình ảnh chiếc xe đạp mini gấp trong chợ “PX” năm nào hiện ra rất rõ.  Rồi đến khuôn mặt đỏ bừng của Mẹ khi tôi làm nũng, rồi đến hình ảnh Bố, cái nhìn nghiêm khắc nhưng đầy trìu mến của Bố bao trùm lấy tôi…

Đến cửa bệnh-viện, tôi mệt gần muốn xỉu.  Người ta cho biết xác Bố tôi đã được đưa vào phòng lạnh.  Tôi khóc ngất, đòi được nhìn xác Bố.   Các nhân-viên phải làm thủ tục ngay vì biết tôi mới từ Mỹ bay về.  Mười phút sau, một người y-tá dẫn tôi đi qua một hành lang dài hun hút im lìm hai dẫy phòng trắng toát màu vôi.  Tôi chợt nhớ đến dãy hành lang trải thảm đỏ trong sở Bố ngày xưa. Mắt tôi cay xé, đến trước một căn phòng với cánh cửa sắt thật dầy (có lẽ để giữ được độ lạnh phía bên trong), người y-tá khó khăn lắm mới đẩy được cánh cửa để đưa tôi vào. 

Một Thế-giới khác!  Lạnh toát và thật xa lạ, Bố tôi nằm thanh thản như ngủ trên một chiếc giường cũng bằng sắt lạnh, hai tay chắp trước ngực.  Đó là giấc ngủ ngàn thu của Bố, tôi xin người y-tá ra ngoài cho tôi được một mình với Bố.  Ông ta hỏi lại tôi bằng tiếng Anh: “Are you sure"” Tôi gật đầu bảo chỉ vài phút thôi.  Cánh cửa đóng lại sau khi người y-tá bước ra, tôi ôm chầm lấy xác Bố mà khóc nức nở.  Tôi ước gì những giọt nước mắt nóng của mình sẽ làm ấm lại thân thể đóng băng của Bố tôi.  Tôi đặt bó hoa “Tulip” vàng gọn gàng trên ngực Bố.

Bó hoa “Tulip” vàng được liệm cùng xác Bố tôi, thay cho lời tạ lỗi mà tôi không có dịp để tỏ bày khi Bố còn sống về vụ việc năm xưa.

Bây giờ ở Hoa-Kỳ, mỗi khi ngày Lễ Father’s Day đến, tôi đều tìm mua một tấm thiệp có hình hoa “Tulip” vàng đề vào đó ba chữ: “Con Yêu Bố!” rồi đốt đi như gửi vào đất, vào gió tình của tôi và Bố./.

(www.diamondbichngoc.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.