Hôm nay,  

Vì Sao Mọi Người Dân Mỹ Nên Vui Mừng

12/11/200800:00:00(Xem: 10327)
Vì Sao Mọi Người Dân Mỹ Nên Vui Mừng
Minh Thu (VNN)
Arianna Huffington là người sáng lập và cũng là chủ bút của tạp chí Huffington Post, một diễn đàn thông tin được nhiều người tìm đọc trên mạng Internet. Trong bài viết mới nhất sau khi kết quả bầu cử tổng thống được loan báo, bà đã đưa ra cái tựa đề như trên. Sự vui mừng không phải chỉ giành riêng cho những cử tri đã bỏ phiếu cho người thắng cuộc là nghị sĩ Barack Obama, điều đó đã hiển nhiên; mà ngay cả đối với những ai đã bỏ phiếu cho ứng viên thất cử là nghị sĩ John McCain, họ cũng có nhiều lý do để vui mừng, theo lập luận của tác giả. Và hình như đa số cử tri gốc Việt, ít ra là ở vùng Orange County, đã bỏ phiếu cho ông McCain, và do đó nội dung bài viết của bà Huffington cũng có nhiều điều áp dụng rất thích đáng. (Theo thống kê của một cuộc thăm dò dân ý về cử tri gốc Việt, thì có khoảng 52% ủng hộ McCain, 24% ủng hộ Obama và 24% còn lại không cho biết ý kiến. Và sự ủng hộ của khối cử tri gốc Việt cũng là một ngoại lệ khác với các khối cử tri gốc Á khác, tất cả đều ủng hộ Obama nhiều hơn McCain).
Vào khoảng 10 tháng trước, khi ông Obama giành được chiến thắng bất ngờ tại cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Iowa, nhiều người đã bắt đầu nhận ra một hiện tượng mới lạ, tưởng chừng như khó hiện thực nhưng cuối cùng cũng có thể xảy ra tại Hoa Kỳ. Và rồi cuối cùng thì nó đã diễn ra vào đúng đêm kiểm phiếu vào ngày 4 tháng 11 vừa qua. Những gì mà bà Huffington đã viết vào thời điểm ấy về cử tri của một tiểu bang dường như cũng đã được lập lại trên toàn nước Mỹ:
"Sự chiến thắng đầy ấn tượng của ông Barack Obama đã nói rất nhiều về cái nước Mỹ này, và đặc biệt là về cái não trạng hiện nay của cử tri ở Mỹ. Bởi vì điều đó đã cho thấy rằng cử tri đã quyết định không muốn nhìn về quá khứ, mà họ chỉ muốn bước tới tương lai. Có vẻ như rằng một quốc gia đã mỏi mệt bởi hơn 7 năm qua giờ đây đang muốn đi tìm lại cái sinh động tươi trẻ của nó."
Thật vậy, Iowa là một tiểu bang nhỏ, nặng về nông nghiệp, nằm ở phía trung bắc, với đa số cư dân thuộc giống da trắng. Ấy vậy mà trong cuộc chạy đua giữa nhiều ứng viên của đảng Dân Chủ, trong đó có hai nhân vật da trắng sáng giá nhất là cựu nghị sĩ John Edwards và nữ nghị sĩ Hillary Clinton, ứng cử viên da đen Barack Obama lại giành được số phiếu cao nhất, cho dù ông chưa có kinh nghiệm, thành tích hay thành quả nào thiết thực cho tiểu bang này. Sự kiện đó đánh dấu lần đầu tiên đã có một số lớn cử tri quyết định bỏ phiếu không còn dựa trên yếu tố mầu da theo cảm tính nữa, mà đã sẵn sàng và cương quyết chọn lựa chính trị gia nào có những nhận định hay quan điểm thích hợp với họ.
Trong suốt cuộc chạy đua hào hứng tay đôi giữa ông Obama và bà Clinton trong vòng bầu cử sơ bộ, đặc biệt là trong những tháng sau cùng tại nhiều tiểu bang có đông dân Mỹ trắng như Ohio, Pennsylvania, Indiana, West Virginia v.v... cử tri tại những nơi này cũng như người dân trên nước Mỹ đã say mê theo dõi những diễn biến thăng trầm của kết quả hơn thua mà yếu tố mầu da có phần ảnh hưởng mạnh. Đến cả ngay khi ông Obama giành được chiến thắng trong nội bộ để trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân Chủ, nhiều người, kể cả những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho ông, cũng vẫn khắc khoải lo âu, hay ít ra là cũng phân vân, không biết là đại đa số cử tri trên toàn quốc sẽ quyết định ra sao với chính lương tâm mình khi bước vào thùng phiếu kín. Bởi vì trước đó, chưa bao giờ có một sự kiện nào táo bạo như vậy, cũng như chưa có một tiền lệ nào để có thể giúp cho người ta có quyền hy vọng. Ngược lại, mọi người đều nhớ đến một kinh nghiệm thất bại hết sức chua chát mà người ta phải gọi là "hiệu ứng Bradley" -- khi ông thị trưởng Tom Bradley của Los Angeles thất cử vào năm 1982 khi tranh chức thống đốc tiểu bang California mặc dù thống kê thăm dò cho thấy ông ta luôn dẫn trước -- chắc chắn phải ám ảnh tâm tư của những người lạc quan nhất cho triển vọng lạc quan của ông Obama dựa theo các cuộc thăm dò dân ý. 
Nhưng đến ngày 4 tháng 11 vừa qua, cử tri khắp nơi trên toàn quốc đã ồ ạt đổ xô đến các thùng phiếu, nếu như họ chưa kịp hoặc đã bỏ lỡ dịp đi bầu trước, cũng với tỉ lệ cao kỷ lục, dường như để nói rằng lần này họ sẽ không để bất cứ một trở ngại nào có thể cản ngăn tiếng nói và sự lựa chọn của họ. Vì thế cho nên, những kết quả lần này cũng là những con số kỷ lục, với hơn 133 triệu cử tri chịu khó đến thùng phiếu, mức cao nhất từ trước tới nay, và đã đem lại cho ông Obama một chiến thắng rõ rệt và toàn diện, nói theo ngôn ngữ của phim Tàu, là phải khiến cho đối thủ phải công nhận thua cuộc một cách khẩu phục và tâm phục. Trước cuộc bầu cử, đã có quá nhiều những bình luận gia uy tín của phe bảo thủ, cũng như nhiều ban chủ biên của các tờ báo bảo thủ, không những đã quay lưng với ông McCain để ủng hộ ông Obama mà còn trách cứ hay chê bai thậm tệ liên danh McCain-Palin. Bà Arianna Huffington thuật lại rằng trong ngày hôm sau kết quả đếm phiếu, bà đã nhận được nhiều bức thư e-mail của nhiều ngòi bút bảo thủ mà trong phần kết luận không nhiều hay ít đã đưa ra lời cổ động kiểu "Cố gắng lên Obama!" Có lẽ ít thấy cảnh nhỏ lệ khóc thương hay đau buồn trước cái kết quả thất bại này của ông McCain, ngoại trừ trong một vài cử tri gốc Việt rất cảm xúc nhưng thiếu hiểu biết, như đã trải bầy nỗi niềm trên một vài làn sóng phát thanh tiếng Việt.
Lịch sử Hoa Kỳ có nhiều dấu mốc quan trọng, được đánh dấu bởi những lãnh tụ can đảm và sáng chói như Abraham Lincoln, Teddy Roosevelt, Franklin Roosevelt, Martin Luther King Jr., dẫn đưa đất nước đi vào những thập niên phát triển hưng thịnh, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài lúc tụt dốc. Những năm tháng vừa qua của triều đại Bush 43 có thể được xếp hạng vào loại tụt dốc. Ngay cả ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một nhà báo nổi tiếng đã từng đề cao rất nhiều thành tích của TT Bush trước đây về cái tính cương quyết hiếm có của một lãnh tụ (xem nhiều bài bình luận trong những năm trước), mới đây cũng đã phải viết rằng "Huống hồ, tám năm cầm quyền của ông Bush và thành tích quá tệ của đảng Cộng Hoà trong Quốc Hội khiến cho từ năm ngoái rồi, người ta đã dự báo là đảng Dân Chủ sẽ thắng lớn năm nay." Và lá phiếu kỳ này của cử tri có thể coi như là một sự chối bỏ gần như toàn diện cho những năm tháng tụt dốc đó. Một trong những người xác nhận tình trạng đó không ai khác hơn là ứng viên thua cuộc, ông John McCain, khi ông tâm tình với cử tri ủng hộ trong đêm đếm phiếu: "Người dân Hoa Kỳ đã cất lên tiếng nói, và họ đã nói một cách rất rõ ràng." (The American people have spoken, and they have spoken clearly.)

Không rõ ràng sao được khi mà ông Obama đã thắng, và thắng lớn trên con số phiếu cử tri đoàn cần thiết là 270, khi ông đạt được ít nhất là 349 phiếu so với đối thủ chỉ có khoảng 162. Ông Obama còn thắng tại nhiều tiểu bang bảo thủ trước đây đã bỏ phiếu cho ông Bush như Ohio, Florida, Colorado, Nevada, New Mexico, Iowa hoặc tại những tiểu bang xưa nay hiếm khi nào bỏ phiếu ủng hộ phe Dân Chủ như Indiana, Virginia. Các cuộc thăm dò ngoài thùng phiếu cho thấy ông Obama cũng thắng đối với hầu hết các khối dân (trẻ, già, trung niên, nghèo, giầu) và các giới tính khác nhau. Chỉ riêng trong giới đàn ông Mỹ trắng thì ông McCain thắng khít khao, và ngay cả trong khối này, tỉ lệ 43% ủng hộ cho ông cũng còn cao hơn tỉ lệ mà ông John Kerry đã đạt được vào năm 2004. Ngay cả khối cử tri gốc Mễ, vốn thường hay đố kỵ với khối dân da đen và tẩy chay ông Obama rõ rệt trong vòng bầu cử sơ bộ, nhưng cũng đã quay sang ủng hộ ông Obama đến gần 2/3 so với ông McCain.
Trong tiến trình thăng hoa để đạt được một xã hội thật sự dân chủ tại Hoa Kỳ, kết quả bầu cử vừa qua quả là một dấu mốc đặc biệt đáng ghi nhớ. Nó đặc biệt không phải chỉ đơn thuần vì mầu da của người đắc cử, một người con mang hai giòng máu, cha là người Phi châu Kenya và mẹ là người Mỹ trắng, từ nhỏ lưu lạc nhiều nơi, để rồi sau cùng trở thành vị tổng thống tân-cử (president elect) của Hoa Kỳ. Mà nó còn là một dấu hiệu của đại đa số dân Mỹ muốn xác quyết lại một lần nữa rằng đất nước tốt đẹp và hùng mạnh của họ là một quốc gia được dựng lên từ niềm hy vọng với những hứa hẹn lạc quan chứ không phải là một quốc gia lúc nào cũng có thể bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi. Cuộc bầu cử năm 2004 lưu giữ TT Bush thêm 4 năm nữa tại Toà Bạch Ốc là một thí dụ điển hình cho một giai đoạn mà sức mạnh của sự sợ hãi đã ám ảnh đa số người dân trong nước. Và tiếc thay lần này, ông McCain và bộ tham mưu của ông, đầy rẫy những khuôn mặt vốn là đệ tử của những chiêu bài do lãnh tụ Karl Rove đề ra, đã áp dụng bài bản cũ để tiếp tục đưa ra chiến lược gây sợ hãi.
Nội dung của chiến lược này rất rõ. Hãy đưa ra một thông điệp để nhắc nhở cử tri Mỹ rằng hãy lo sợ về nhân vật có cái tên sặc mùi Hồi-giáo là Barack Hussein Obama. Hãy sợ những lời hứa hẹn cho một sự đổi mới mà không ai biết sẽ đi về đâu. Hãy sợ về một chính trị gia ngây thơ, sẵn sàng ngồi nói chuyện với chính quyền thân thiện với bọn khủng bố như Ba Tư. Hãy sợ về một kẻ có quá khứ đã từng lân la với những phần tử quá khích. Hãy sợ về một kẻ đã không nhìn về nước Mỹ một cách hãnh diện như chúng ta, đã không chịu chứng tỏ tinh thần ái quốc như chúng ta, không đeo cái huy hiệu cờ Mỹ trên ve áo. Một lá phiếu cho Obama là một lá phiếu đầy nguy hiểm và rủi ro cho tương lai của nước Mỹ.
Trong ba tháng trời vừa qua, người dân Mỹ đã lắng nghe tất cả những lời lẽ đó, và cuối cùng họ đã lựa chọn con đường rủi ro của đổi mới. Vì thế cho nên cho dù cử tri có bỏ phiếu cho ông McCain đi chăng nữa, thì mọi người cũng nên vui mừng, để nhìn thấy rằng quốc gia này, cho dù có nhiều khuyết điểm và bị công luận khắp nơi lên án hay ghét bỏ trong hơn 7 năm qua dưới thời của TT Bush, vẫn là một nước còn tươi trẻ chứ chưa lão hoá, nên vẫn còn sức để thay đổi, vẫn còn lạc quan để đi tới, cho dù tương lai có thể có những bất trắc không ai tiên đoán trước được.
Trong một cuộc vận động mới đây, ông Obama đã tâm sự với những người ủng hộ những câu nói mà ông đã lập lại nhiều lần:
"Chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình này vào giữa mùa đông lạnh giá cách đây gần hai năm, tại thềm của điện Capitol ở Springfield, tiểu bang Illinois. Vào lúc ấy, chúng ta chẳng có dồi dào tiền bạc cũng như chẳng có nhiều người lên tiếng ủng hộ. Hầu hết các cuộc thăm dò dân ý cũng như các chuyên gia am tường thời cuộc đều không tin tưởng vào khả năng thành công của chúng ta. Và ngay chính chúng ta cũng biết rõ là con đường đi tới rất gai góc, khó khăn. Nhưng tôi cũng biết chắc được điều này. Tôi biết là những thách thức cho chúng ta càng ngày càng lớn và nó đã vượt qua được tất cả những tị hiềm nhỏ nhen trong sinh hoạt chính trị thường ngày."
Dĩ nhiên, từ ngày đó, những thách đố cho quốc gia Hoa Kỳ càng ngày càng to lớn hơn, xuyên qua những tai hoạ về kinh tế, tài chánh nổ ra gần đây, xen lẫn với những khó khăn về quân sự; nhưng đồng thời những tị hiềm nhỏ nhen trong chính trường cũng đã đẩy ông McCain, trước đây từng là một người anh hùng có thành tích độc lập, nhưng giờ đây đã trở thành một ứng viên tìm cách kích động sự sợ hãi. Thế nhưng trong suốt quá trình vận động vừa qua, người dân Mỹ, đủ loại thành phần từ già tới trẻ, nam cũng như nữ, Mỹ trắng cũng như Mỹ đen, hoặc gốc Mễ, gốc Á v.v. . . đã không rơi vào bước xe cũ. Họ đã nhìn ở ông Obama một biểu tượng gây hứng khởi để họ có thể tự tin cho một ngày mai tươi sáng hơn.
Những phản ứng ngạc nhiên đồng loạt xảy ra trên khắp thế giới sau khi hay tin về kết quả bầu cử hi hữu này đã chứng tỏ rằng nhiều người vẫn còn chưa hiểu rõ về con người và đất nước này. Một trong những nghịch lý nhiều người hay nói đến để chỉ trích những người thích chỉ trích Hoa Kỳ là: quốc gia này tuy bị chỉ trích hay lên án nhiều nhất nhưng lúc nào cũng là nước duy nhất trên thế giới mà tất cả người dân của các nước khác cũng đều muốn tìm cách đến chơi hay đến ở. Bởi vì dù cho những chính quyền ở Mỹ có thể theo đuổi những chính sách gây thất nhân tâm chỉ vì nghĩ đến quyền lợi ích kỷ của riêng nước Mỹ, nhưng người ta vẫn phải công nhận rằng người dân Mỹ vẫn còn khá nhiều đức tính tốt đẹp mà nhiều người dân ở nước khác chưa sánh kịp: đó là tinh thần cần mẫn, trong sạch, thẳng thắn, đạo đức, vị tha và không cố chấp, sẵn sàng đón nhận mọi ý kiến mới lạ để thay đổi cho một tương lai sáng sủa và hứa hẹn hơn, cho dù đôi lúc có bị chê bai là ngây thơ, thiếu kiên nhẫn.
Trong bài diễn văn đọc trước cử tri hâm mộ trong đêm đếm phiếu, ông Obama đã nói: "Nếu như còn có người nào đó ở trên đời này còn nghi ngờ về việc quốc gia Hoa Kỳ là một nơi mà chuyện gì cũng có thể thực hiện được, nếu như họ còn ngờ rằng không biết những lý tưởng cao đẹp của cha ông chúng ta từ thời lập quốc có còn được áp dụng vào thời nay hay không, nếu như họ còn nghi ngờ về sức mạnh của một nền dân chủ, thì đêm nay đã là một câu trả lời. Cho dù có mất một khoảng thời gian để hiện thực, nhưng đêm nay, nhờ những việc làm mà chúng ta đã làm được trong kỳ bầu cử này, chúng ta có thể nói rằng sự thay đổi đã đến với Hoa Kỳ."
Dù muốn hay không, sự kiện này cũng là một chấn động lớn khó tưởng tượng có thể xảy ra ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, từ Âu sang Á, cho dù với những truyền thống lịch sử văn minh lâu đời đến đâu đi chăng nữa. Dĩ nhiên, không ai đoán được tương lai sẽ đi về đâu. Tuy nhiên, sự thay đổi này tự nó đã là một dấu hiệu tốt, biểu hiện của sự lạc quan, chấp nhận một sự đổi mới, cho dù có thể có những rủi ro, nhưng ít ra cũng là một cơ hội để cho người dân tại đây chứng tỏ khả năng của họ.
Trong tinh thần đó, chúng ta phải tạ ơn trời đất vì có được cái may mắn sống ở trên đất nước này, và được chứng kiến giờ phút lịch sử ấy. Vì thế cho nên mọi người phải nên vui mừng đi là vậy.     
Minh Thu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
Rồi vào ngày 12/12/2023, tức chỉ sau ba tháng, Việt Nam lại long trọng tiếp đón Chủ Tịch Tập Cận Bình và nói rằng hợp tác và hữu nghị với Trung Quốc là lựa chọn chiến lược của Việt Nam...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.