Hôm nay,  

Thiên Tai Và Nhân Hoạ

12/05/200800:00:00(Xem: 11589)

Vì sao độc tài Miến Điện vẫn ngự... trong rừng"

Có diện tích gấp đôi Việt Nam với dân số chừng 56 triệu (so với 85 triệu của Việt Nam), Miến Điện từng là quốc gia trù phú nhất Đông Nam Á và là nước xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới... vào thời thuộc địa Anh.

Người Việt Nam ta có loáng thoáng biết xứ này như đất Phật với người dân sùng chuộng đạo Phật và tăng ni được quý trọng. Rồi biết tới Miến Điện như đường tiến quân của Phát xít Nhật thời Đệ nhị Thế chiến, với phim truyện nổi tiếng về chiếc cầu trên sông Kwai...

Sau khi giành lại độc lập cách đây đúng 60 năm, Miến Điện rơi vào chế độ quản lý bao cấp, tuột đáy xuống chế độ cộng sản dưới tên... Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Miến Điện vào năm 1974. Ngày nay, xứ này đang bị cái cảnh "họa vô đơn chí" vì bị cai trị bởi một chế độ... xã hội chủ nghĩa quân phiệt.

Nhờ vậy, Miến Điện đang là một quốc gia nghèo đói nhất Đông Á.

Hôm Thứ Bảy mùng ba vừa qua, xứ này còn bị thiên tai nặng nề.

Trận bão Nargys đã quét qua tỉnh Irrawaddy, là lưu vực của sông Irrawaddy, một vựa lúa và một vùng đông dân. Hậu quả là khoảng 100 ngàn dân bị tử nạn, hàng triệu người mất nhà, thiếu ăn và chờ đợi dịch bệnh bùng phát. Trong khi cả thế giới cuống cuồng nói tới việc cứu trợ và Liên hiệp quốc cùng các nước lên tiếng kêu gọi Miến Điện cho phép đưa người và đổ của vào cấp cứu thường dân, chế độ quân phiệt vẫn lạnh lùng thông báo xúc tiến cuộc "trưng cầu dân ý" hôm mùng 10 này để tu chính hiến pháp, hầu củng cố ách độc tài của họ.

Giữa việc cứu dân và nắm quyền, chế độ đã chọn và từ chối rồi cản trở một công tác cứu trợ của thế giới. Trước sau mới chỉ có 11 chuyến bay đưa hàng hoà vào là được phép hạ cánh, nhưng hàng hoá nằm ụ ngoài phi trường. Nhân viên của quốc tế không được chiếu khán nhập nội, phẩm vật cứu trợ không được bốc rỡ.

Thứ Sáu mùng chín, bộ Ngoại giao Miến còn thông báo là không yêu cầu trợ giúp và nếu có phẩm vật cấp cứu ở ngoài đưa vào thì sẽ do chế độ quản lý và cấp phát lấy!

Tình hình cùng quẫn ấy khiến nhiều quốc gia, kể cả Pháp, nghĩ tới giải pháp cực kỳ bất thường mà cần thiết là đưa máy bay vào thả dù thuốc men và thực phẩm xuống vùng bị thiên tai. Ấn Độ và Indonesia phản đối đề nghị đó. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ từ chối việc xâm phạm vào không phận và chủ quyền lãnh thổ của Miến. Đó là câu chuyện éo le vào cuối tuần này.

Trong những ngày sắp tới, tình hình chưa chắc đã thay đổi, và Liên hiệp quốc hay các cơ quan thiện nguyện quốc tế sẽ phải lom khom chui vào, trong khi nạn dân cứ chết lần mòn vì đói và bệnh. Và chế độ quân phiệt Miến Điện vẫn tồn tại.

Sau vụ dân chúng và chư tăng Miến Điện biểu tình rồi bị tàn sát vào tháng Chín năm ngoái, thiên tai Nargys cũng vẫn khó làm chế độ vô đạo của xứ này bị lật đổ. Nhân họa còn thảm khốc và kéo dài hơn thiên tai, và sự lặng thinh đồng lõa của nhiều quốc gia mới là điều bi thảm nhất.

Mà vì sao lại như vậy"

Thứ nhất, thiên tai không quét sạch chế độ mà lại đánh vào dân.  Vì sao thì xin hỏi Thượng đế! Như thế nào là chuyện của chúng sinh.

Thủ đô Yangoon (Rangoon, Ngưỡng Quang) của xứ này cũng bị nạn và đang là thành phố tê liệt vì thiếu điện nước và bị tàn phá, nhưng nay đã là cố đô. Từ năm 2005, các tướng lãnh đã... xem bói và quyết định dời đô vào rừng thẳm, cách Yangoon gần 400 cây số  ở phía Bắc. Kinh đô mới là Naypyidaw được khánh thành đầu năm 2006 trong một ngày "hoàng đạo" dù chưa có đủ công thự phòng ốc.

Chế độ biến thủ đô thành pháo đài kiên cố trong một vùng đất hiểm trở không người. Nhờ vậy mà thoát cơn bão loạn tại Yangoon vào tháng Chín năm ngoái. Và cũng thoát trận bão lụt Nargys tại miền Nam vào tuần qua.

Dù được các cơ quan khí tượng cấp báo từ hai ngày trước, chế độ không làm gì để cho người dân biết trước hầu ứng phó với trận bão. Khi thủy thần nổi giận, thì quân đội Miến vốn dĩ hung hăng và no đủ với khả năng lùng bắt người dân rất điệu nghệ bỗng dưng... hoàn toàn vắng mặt.

Từ một tập đoàn có khả năng huy động quân đội và công an đàn áp người dân ở mọi nơi, việc từ chối cấp cứu thường dân trước và sao thiên tai cho thấy sự thật bi thảm thứ nhất: sự tồn tại của chế độ mới là đáng kể. Và hệ quả nối tiếp của sự thật đó: nếu thiên tai có giết bớt bọn "phản động" thì... cũng tốt thôi!

Nhờ thầy bói - hẳn là các tay phong thủy gốc... Bắc Kinh như ta sẽ biết dưới đây - cơ sở quyền lực của chế độ tại Naypyidaw không hề hấn gì và cũng chẳng bị quần chúng biểu tình bao vây để phản đối như đã có thể xảy ra tại nhiều xứ độc tài khác. Hãy tưởng tượng là nếu Bắc bộ phủ, hay bộ Tổng tham mưu và Văn phòng Chính phủ bị bay nóc hay chìm xuống nước và bị tê liệt trong khi cả vạn người đói khát kêu gào ở chung quanh, ta có thể đoán ra một sự thể khác.

Khi thiên tai lại mù quáng mà nhân họa lại tinh ma, chỉ có thường dân là khổ.

Lý do thứ hai khiến chế độ này vẫn có thể trụ - dù rằng trụ ở trong rừng - phải được thấy từ bên ngoài. Tại Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, ba nước lân bang có quyền lợi gắn bó với... "sự ổn định của Miến Điện".

Với Trung Quốc, Miến Điện là một Sudan ở phương Đông. Vì nhu cầu năng lượng, Bắc Kinh đầu tư vào Sudan và trang bị võ khí cho chế độ độc tài Khartoum mà bất chấp sự phản đối của quốc tế về nạn diệt chủng do chính quyền Khartoum tiến hành tại đây từ năm năm nay.

Tháng Chín năm ngoái, khi nạn tàn sát tăng ni bùng nổ tại Miến Điện, nhiều người cứ mong là dư luận căm phẫn sẽ khiến Bắc Kinh phải chấm dứt yểm trợ chế độ quân phiệt hầu không gây vẩn đục cho lễ hội Thế vận ở Bắc Kinh. Chuyện ấy không xảy ra. Năm nay, cả một cơn chấn động toàn cầu về vụ khủng hoảng Tây Tạng lẫn những đợt biểu tình liên tiếp vì ngọn đuốc Thế vận cũng vẫn chưa đủ để Bắc Kinh thay đổi.

Tội ác của chế độ quân phiệt Miến đối với thường dân của họ là lý do chính đáng để thế giới và Liên hiệp quốc nói tới "quyền can thiệp". Nhưng nguyên tắc đạo đức và pháp lý ấy không thể vượt qua thực tế chính trị là Trung Quốc đã đầu tư rất mạnh vào xứ Miến và không muốn có thay đổi chế độ tại đây. Miến Điện là nguồn cung cấp năng lượng, kim loại và lâm sản, là cửa ngõ thông thương từ Hoa lục xuống vịnh Bengal vào Ấn Độ dương. 

Trong việc bảo vệ chế độ tồi tệ này, Trung Quốc còn có sự đồng thuận của một đối thủ là Ấn Độ. Xứ Ấn không muốn Miến Điện bị loạn vì cũng mất một nguồn tài nguyên đáng kể, một vùng trái độn cần thiết. Vả lại, Dehli còn nhiều chuyện khác đáng lo ngại hơn ở bên trong.

Thái Lan cũng có những tính toán tương tự. Nhiều đại gia của Thái đang trục lợi nhờ khai thác tài nguyên của Miến - không khác gì cán bộ lâm sản của Việt Nam tại Lào. Bangkok còn e ngại rằng nếu Miến Điện gặp loạn là mình sẽ gánh nạn dân Miến đi cùng mối họa ly khai hay ma túy của các lực lượng thiểu số đang hoạt động trong vùng biên giới Thái-Miến.

Vì vậy, ba nước Á châu lân bang của Miến đều muốn xứ này có một chính quyền độc tài mà ổn định để họ tiếp tục trục lợi mà khỏi phải quét rác hay lãnh họa.

Các nước đầy từ tâm trong Liên hiệp Âu châu cũng chẳng thể làm gì hơn là ra tuyên ngôn than phiền hoặc tố cáo. Ngoại trưởng Pháp có viện dẫn quyền can thiệp để yêu cầu Hội đồng Bảo an ra Nghị quyết đòi Miến Điện phải mở cửa cho quốc tế bước vào cứu trợ, nhưng tất nhiên là việc ấy khó thành. Bất cứ một quyết định nào của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về vấn đề Miến Điện đều sẽ bị lá phiếu phủ quyết của Bắc Kinh, rồi Liên bang Nga, nay còn có thêm lá phiếu đồng lõa của Hà Nội.

Trong hoàn cảnh quốc tế ấy, Liên hiệp quốc trở thành bà già trầu cầm ống nước mà không thể cứu hỏa, ôm ống thuốc mà không thể cứu bệnh. Một sự nhu nhược được định chế hoá.

Còn lại Hoa Kỳ, một tay "sen đầm quốc tế" dưới sự lãnh đạo của một tay cao bồi hung hăng đất Texas. Xin đừng bấm số "911". Chúng tôi treo miễn chiến bài vì đang bận chuyện khác.

Có ai nghe thấy ba ứng cử viên Tổng thống Mỹ đề nghị điều gì về thảm họa Miến Điện chưa" Họ có những ưu tiên sinh tử hơn: làm sao đẩy cho Nghị sĩ Hillary Clinton phải bỏ cuộc rồi chuẩn bị cho cuộc tranh cử giữa hai Nghị sĩ John McCain và Barack Obama. Nargys là gì và lưu vực Irrawaddy nằm ở đâu, thiên tai sẽ ảnh hưởng ra sao tới lúa gạo Miến Điện và lương thực thế giới trong sáu tháng tới là chuyện xa vời. Sáu tháng tới là cuộc bầu cử tổng thống.

Duy nhất trong chính trường Hoa Kỳ có người mạnh dạn lên tiếng về chuyện này là Tổng thống George W. Bush, sau khi Đệ nhất Phu nhân Laura Bush than phiền việc chế độ độc tài không để ý gì tới lời cảnh báo để cứu dân. Kế tiếp là một nghị quyết của Quốc hội Mỹ kết án việc Miến Điện tổ chức trưng cầu dân ý để tu chỉnh hiến pháp vào ngày 10 tháng Năm là "đơn phương, không dân chủ và không chính đáng".

Phải chi Hành pháp - tòa Bạch Ốc và bộ Ngoại giao - và Lập pháp - cả hai viện trên dưới của Quốc hội - cũng quyết liệt như vậy đối với Hà Nội... trước khi thảm họa thiên tai xảy ra!

Câu trên hơi khó hiểu, nhưng xin hãy nghĩ tới nghệ thuật "đánh bùn sang ao" của Mỹ.

Khi thảm kịch xảy ra tại Miến Điện vào tuần qua, những chuyện gì là ưu tiên của Mỹ" Trước hết, riêng về Miến Điện thì ưu tiên của Hoa Kỳ tại đây phải là gì" Cứu trợ nạn nhân hay phê phán bọn cai ngục đang canh cửa bên ngoài"

Mọi sinh viên dù trốn học về khoa chính trị học cũng đều biết rằng chế độ độc tài mắc bệnh tự kỷ ám thị, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, chưa thấy sào đã sợ bóng. Bọn tướng lãnh vô tâm vô cảm của Miến đều sống trong sự sợ hãi là thế giới có nhiều âm mưu khuynh đảo để kết thúc chế độ cai trị của họ.

Thiên tai là cơ hội rất tốt cho bọn xấu nước ngoài - đứng đầu là tư bản Mỹ và cao bồi Bush - bước vào phân phát phẩm vật cứu trợ để thăm dò và sách động dân chúng nổi loạn. Trong hoàn cảnh tâm lý ấy, ông Bush lại xác nhận mối lo của những kẻ mắc bệnh tâm thần. Ông đả kích chế độ. Và đúng ngày Quốc hội mẫn cán ra nghị quyết kết án cuộc trưng cầu dân ý thì ông ký đạo luật Quốc hội Hoa kỳ vinh danh bà Aung San Suu Kyi, khắc tinh của các tướng!

Nếu muốn... phá hoại công tác cứu trợ thì Hoa Kỳ không thể chọn thời điểm nào thuận tiện hơn.

Những quyết định vụng về ấy của Hoa Kỳ tất nhiên khiến chế độ quân phiệt Miến nổi đóa hoặc hãi sợ và tỳ lưng vào cửa để chặn đường cấp cứu. Bên trong là những người hấp hối!

Đâm ra tại Miến, Hoa Kỳ cần tát vào mặt chế độ vô lại hơn là cấp cứu nạn nhân vô can. Đáng lẽ, họ cần có quyết định trái ngược: cứu dân trước đã, sau đó, người dân mới có đủ hơi sức đối đầu với chế độ. Lãnh đạo Mỹ sở dĩ có loại quyết định kỳ lạ ấy vì ưu tiên của Hoa Kỳ không là cứu giúp nạn dân hay phát huy dân chủ tại Miến Điện.

Ngoài vụ trường kỳ tranh cử, ưu tiên của Hoa Kỳ ngày nay là nhiều vấn đề chiến lược khác. Chuyện Iraq rồi Afghanistan là một. Ở vòng ngoài là ba chế độ toàn trị trong "cái trục tội ác" nay chỉ còn hai là Iran, và Bắc Hàn (nước thứ ba thì đang vùng ra khỏi đại loạn để học tập dân chủ là Iraq). Iran và Bắc Hàn mới là hai chế độ cần quan tâm và xử lý theo lối mềm nắn rắn buông. Trong vụ Iran, phải cần Liên bang Nga đừng thọc gậy bánh xe. Trong vụ Bắc Hàn, vai trò của Bắc Kinh cũng là cần thiết.

Ở vòng ngoài nữa, rất xa sự tập trung chú ý của các viên chức hữu trách, mới là các "tiền đồn độc đoán" - chữ của ông Bush - như Belarus, Cuba, Zimbabwe... hay Miến Điện. Truyền thông và dư luận có nói rất nhiều đến nạn độc tài của các xứ ấy, nhưng vấn đề chưa đủ cho chính quyền quan tâm, hoặc có quyết định rõ ràng.

Và trong một mùa bầu cử như hiện nay, không một ai tại Hoa Kỳ lại muốn nước Mỹ đội mũ chữa lửa hay khoác áo trận bước vào Miến Điện để cứu dân và phát huy dân chủ.

Cho nên, mọi người đều ồn ào kết án chế độ quân phiệt Miến nhưng không quốc gia nào sẽ xăn tay áo bước vào cứu dân độ thế. Cho nên ma quỷ tiếp tục nhảy múa trong rừng, trên xác chết của nạn nhân thiên tai.

Đây là sự thật bi thảm của nhân loại tự xưng là văn minh của thế kỷ 21. (080509)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Họ kỷ niệm ngày nổi dậy của dân Tây Tạng tại thủ đô Lhasa - mùng 10 tháng Ba năm 1959 - khi Trung Quốc đưa quân từ các tỉnh miền Đông
Đâu phải tự nhiên mà người Cộng sản Việt Nam rộ lên “phong trào” bàn về “hòa hợp dân tộc” sau 3 năm thi hành Nghị quyết 36
Khoa học tân tiến nhất của loài người ngày nay đã tìm đến Nguyệt cầu, Hoả tinh, và đã có các phi hành gia bay bổng ra ngoài tầng khí quyển
Khóa giảng hàng năm của đức Đạt Lai Lạt Ma là ngày hội cho Dharamsala... Hàng năm, cứ sau Tết Âm lịch
Khi một xã hội chỉ tìm thấy mẫu mực để bắt chước hay học hỏi từ ở bên ngoài thì rất dễ đánh mất bản sắc của mình vì thần tượng của họ
Trong đoàn quân Pháp sang đô hộ VN có một số quân nhân gốc Phi Châu ưa phá làng phá xóm khiến dân chúng Việt Nam căm ghét
Tình hình ở trong nước các tuần gần đây trước cuộc bầu Quốc hội (QH) vào 20.5.07 đã cho thấy hai chiều hướng phát triển
Trở về Việt Nam sau ba mươi năm lià xa, tôi đã đi không ngừng, Saigon ra Trung, Hà Nôi vô Nam; và mong sẽ quên chuyện non nước mình
Bước vào thế kỷ 21, việc xử dụng đa dạng năng lượng (energy diversity) trong chuyển vận là một trong những suy nghĩ lớn
Cuộc đấu tranh cho dân chủ trong nước đang nở rộ, và tấm gương bất khuất ngàn xưa của Việt Nam đang được lật lại từng trang
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.