Hôm nay,  

Khủng Hoảng Lúa Gạo

4/30/200800:00:00(View: 9884)

...vừa được mùa lúa gạo mà dân trong Nam lại hốt hoảng sợ thiếu ăn...

Tuần qua, khi mà dân chúng Việt Nam cũng hốt hoảng về nạn thiếu gạo vì giá cả tăng vọt, vụ khủng hoảng về lúa gạo ở khắp Á châu đã thực tế tràn vào Việt Nam, một quốc gia đứng hàng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo. Diễn đàn Kinh tế của đài RFA sẽ tìm hiểu về cuộc khủng hoảng và những giải pháp có thể áp dụng trong tương lai, qua cuộc trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Thưa ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cuối tuần qua, cơn sốt gạo đã nổi lên tại Việt Nam khi rất nhiều người đổ xô mua gạo phòng ngửa và nạn đầu cơ tích trữ có xảy ra. Như vậy, vụ khủng hoảng lúa gạo đã thực tế tràn vào một quốc gia đứng hàng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo và vừa được mùa thu hoạch rất khả quan tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Vì lý do đó, mặc dù cơn sốt gạo tại Việt Nam có vẻ đã tạm lui từ hai ngày qua chúng tôi vẫn đề nghị là trong chương trình chuyên đề tuần này, ta sẽ cùng tìm hiểu về cuộc khủng hoảng đó và về những biện pháp mà các nước trên thế giới có thể áp dụng.

Câu hỏi đầu tiên thưa ông, vì sao khủng hoảng lúa gạo đã bùng nổ vào lúc này khi nhiều nước sản xuất gạo đã hoặc sắp tới mùa gặt được thế giới dự đoán là khả quan"

- Vụ khủng hoảng lúa gạo chúng ta đang chứng kiến là một phần của vụ khủng hoảng vì lương thực tăng giá phi mã, mà diễn đàn này đã nhiều lần đề cập tới từ cuối năm ngoái. Gạo là nguồn lương thực chính của nhiều người, nhất là tại Á châu trong đó có Việt Nam. Thành phần dân chúng nghèo đói nhất lại bị ảnh hưởng nặng nhất nên khủng hoảng lúa gạo có thể dẫn tới khủng hoảng xã hội là điều đã xảy ra cho 37 quốc gia trên thế giới, tính tới tuần này. Vụ khủng hoảng lương thực nghiêm trọng đến độ Tổng thư ký Liên hiệp quốc đã triệu tập một phiên họp bất thường trong hai ngày đầu tuần tại Thụy sĩ để cùng các tổ chức quốc tế tìm phương cách đối phó.

Hỏi: Như vậy, khủng hoảng lúa gạo là một phần của cuộc khủng hoảng về lương thực, nhưng đó là một phần lớn hay nhỏ tới chừng nào"

- Trong các loại ngũ cốc, gạo là lương thực đứng hàng thứ nhì sau lúa mì và là nguồn lương thực chính của các nước châu Á. Dân số thế giới có sáu tỷ người thì hơn 15%, tức là hơn một tỷ người là thành phần nghèo đói, có lợi tức bình quân là dưới một đô la một người trong một ngày, nghĩa là thu nhập cả năm chưa được tới 360 Mỹ kim. Trong số này, hơn hai phần ba là những người ăn gạo tại châu Á, tức là khoảng 700 triệu người. Họ mất chừng 40% ngân sách chi tiêu chỉ nội cho một việc là mua gạo. Ngoài châu Á, châu Phi ngày nay tiêu thụ gạo nhiều hơn trước và có tỷ lệ bần cùng còn cao hơn châu Á nên cũng bị ảnh hưởng rất nguy kịch. Trong những biến động đang dồn dập xảy ra, có lẽ khủng hoảng lương thực gần như là đồng nghĩa với khủng hoảng lúa gạo.

Hỏi: Nếu có thể nói thật ngắn gọn về nguyên nhân thì ông cho là vì sao thế giới lại bị khủng hoảng lương thực vào lúc này khi mà sản lượng ngũ cốc trên toàn cầu đang ở một mức cao kỷ lục như diễn đàn này đã trình bày trong một kỳ trước, là hai tỷ 130 triệu tấn"

- Thật khó mà nói tới một nguyên nhân chính, và tôi lại xin trở lại chuyện "nhân" và "duyên" mà mình thường đề cập tới trong chương trình này. Cái "nhân" ở đây là hoàn cảnh cung cầu đang căng thẳng vì số cầu rất cao. Cái "duyên" chính là nạn đầu cơ tích trữ trên phạm vi toàn cầu.  Chính quyền Việt Nam đang kết án những người gọi là đầu cơ tích trữ trong xã hội, nhưng thực tế thì chính Việt Nam - và nhiều quốc gia khác - cũng đang đầu cơ tích trữ gạo.

- Điều ấy cho thấy những bất toàn trong thị trường lúa gạo vì ta nên biết là tâm lý hốt hoảng hoặc phản ứng tích trữ dẫn tới nạn đầu cơ chỉ xảy ra khi thị trường không vận hành một cách bình hòa. Chính quyền Việt Nam cần nhìn ra trách nhiệm của mình trong vụ khủng hoảng đó, chứ nếu chỉ cho công an đi lùng bắt người đầu cơ hoặc cấm báo chí không được loan tin xấu về việc cung cấp lương thực thì cũng không giải quyết được vấn đề.

Hỏi: Nếu vậy, xin đề nghị là chúng ta sẽ lần lượt phân tích những nguyên nhân sâu xa của vấn đề, trước hết là về tình hình cung cầu, được biểu hiệu qua một chỉ dấu là giá cả. Sản lượng lúa gạo của thế giới đã lên xuống ra sao và vì sao giá gạo lại tăng vọt như vậy"

- Theo một cơ quan có thẩm quyền nhất là Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, có tên tắt là IRRI với trụ sở đặt tại Manila của Philippines, thì sản lượng gạo trên thế giới đã gia tăng đều đặn từ 1960 đến nay, trừ ba năm bị sút giảm nhẹ là từ năm 1999 tới 2001. Giá gạo cũng giảm mạnh và tương đối liên tục kể từ năm 1974, tính theo thực giá của đô la ngày nay thì giảm từ khoảng 1.300 xuống dưới 300 đô la một tấn, cho tới 2001 mới bắt đầu tăng. Nhưng tăng mạnh nhất là kể từ năm 2007, rồi từ bốn tháng đầu năm nay thì đã trở thành phi mã. Nếu lấy giá gạo tiêu chuẩn trên thị trường là gạo Thái loại có 5% tấm, thì từ đầu năm ngoái đến tháng Tư năm nay đã gấp ba, từ 362 đô la đã lên một ngàn đô la một tấn.

- Nguyên nhân chính yếu và sâu xa của hiện tượng trường kỳ này là sau cuộc cách mạng về kỹ thuật nông nghiệp - mà người ta gọi là "Cách mạng Xanh" vào đầu thập niên 1960-1970 - khi sản lượng tăng và giá hạ, nhiều quốc gia Á châu đã rơi vào phản ứng chủ quan ỷ lại mà lãng quên hẳn khu vực canh nông. Chúng ta có đề cập tới vấn đề ấy trong chương trình phát thanh cách đây hai tuần, vào ngày 16 tháng Tư dưới tiêu đề "Nông sản lên giá - Nông gia tuột dốc" khi phân tích báo cáo mới nhất của Ủy ban Kinh tế Xã hội Á châu Thái bình dương ESCAP.

Hỏi: Như vậy, có phải là từ cái nhân là lãng quên nông nghiệp mà chúng ta đang gặp hậu quả ngày nay"

- Khi nói đến tình trạng cung cầu bấp bênh ngày nay, ta nhớ trước tiên là vế cung, là sản lượng và đà gia tăng năng xuất canh tác của các nước có sút kém dần vì ít đầu tư vào hạ tầng vận chuyển, vào công nghệ lúa gạo và bỏ rơi khu vực canh nông, hoặc lấy đất đai canh tác vào công dụng khác. Đấy là phần quan trọng nhất của vấn đề, các yếu tố khác như thiên tai, dịch bệnh hay giá cả nguyên nhiên vật liệu gia tăng, chỉ làm cho vấn đề trở thành trầm trọng hơn.

- Bước sang chuyện cầu và giá cả thì ta không quên rằng nhiều quốc gia đứng đầu thế giới về sản lượng thì thật ra cũng chỉ đủ "vặt mũi bỏ mồm", là trường hợp bốn nước trồng gạo nhiều nhất địa cầu mà tiêu thụ cũng nhiều nhất. Đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Quốc gia có sản lượng thứ năm là Việt Nam thì còn dư để xuất khẩu nhưng vẫn thua kém nước thứ sáu là Thái Lan, đứng đầu thế giới về xuất cảng gạo.

- Khi người ta ăn nhiều hơn mà sản xuất không tăng theo cùng nhịp độ thì mình có tình trạng cung cầu bấp bênh như hiện nay. Thế rồi những nước xuất khẩu mà quản lý kém về vĩ mô lại dùng lợi thế ấy để tích trữ và đầu cơ, là trường hợp Việt Nam, với kết quả bất công là nông gia hưởng lợi rất ít mà các đầu nậu thu mua và doanh nghiệp xuất khẩu lại có lời lớn. Trong khi ấy, dân nghèo lại rơi vào hoàn cảnh thiếu ăn trầm trọng nên động loạn mới dễ bùng nổ.

Hỏi: Ông có nghiêm khắc quá khi nói tới trường hợp của Việt Nam hay không"

- Thưa là không và điều mỉa mai là chuyện ấy lại xảy ra khi Việt Nam đang muốn ăn mừng biến cố 1975 vào cuối tháng Tư này! Khi đồng bằng Cửu Long vừa được mùa lúa gạo mà dân trong Nam lại hốt hoảng sợ thiếu ăn khiến Chính phủ và các ban ngành hay chính quyền địa phương phải mở chiến dịch trấn an thì ta thấy ra sự bất trắc và không đáng tin của thông tin và phân phối thị trường.

- Bây giờ, hãy tưởng tượng ra phản ứng của từng tỉnh là lui về chế độ "ngăn sông cấm chợ" thời trước để gạo của tỉnh nhà khỏi lọt qua nơi khác thì ta suy ra quy mô toàn cầu của vấn đề, khi các nước đều phải có phản ứng phòng ngừa như thế. Đây là một sự thất bại hiển nhiên của quản lý thị trường.

Hỏi: Chúng ta bước qua phần thứ hai của đề tài là làm sao giải quyết vấn đề này, vấn đề ông cho là do sản xuất kém và quản lý kém. Hãy nói về sản lượng trước, người ta có thể làm được những gì"

- Chúng ta sẽ phải nói đến biện pháp ngắn hạn và chiến lược trường kỳ. Nhưng, ngay trước mắt thì ai cũng có thể thấy rằng mình phải gia tăng sản lượng lúa gạo. Làm sao đạt mục tiêu ấy" Để tăng sản lượng, ai cũng có thể nghĩ đến mở rộng diện tích canh tác, đạt năng xuất cao hơn trên cùng một diện tích hoặc phải cùng lúc làm cả hai việc đó. Thực tế cho thấy những giới hạn quá lớn của việc mở rộng diện tích canh tác nên giải pháp chủ yếu và thiết thực là phải nâng cao năng xuất.

- Một cách cụ thể, và cần xúc tiến ngay trong một chiến lược có tầm vóc quốc gia, là xác định lại ưu tiên của nông nghiệp và đầu tư nhiều hơn vào việc nghiên cứu ra công nghệ mới và phổ biến kiến thức mới cho nông gia. Nói cho dễ hiểu là phát động một cuộc Cách mạng Xanh trên phạm vi toàn cầu và toàn quốc. Đó là về chiến lược trường kỳ mà các nước đều đang được nhắc nhở.

Hỏi: Về những biện pháp trước mắt thì các nước có thể làm được những gì"

- Tôi thiển nghĩ rằng ở gốc thì trong khi chờ đợi tìm ra giải pháp kỹ thuật cải thiện năng xuất, người ta cần giảm thiểu những thất thoát oan uổng trong quy trình từ sản xuất, xay xát, đến phân phối, tức là tồn trữ, bảo quản và vận chuyển. Việt Nam có thể tiết kiệm - nghĩa là gia tăng được - số thất thâu là từ 10 đến 15% sản lượng lúa gạo trồng trọt được và nâng cao được phẩm chất lúa gạo mình có. Chính quyền nên đi tiên phong trong việc đầu tư thiết thực ấy.

- Bước kế tiếp là nên bắt đầu giải phóng thị trường để nông gia ngày càng có cơ hội tiếp cận thẳng với nhà tiêu thụ thay vì phải mất tiền cho hệ thống trung gian, và cho doanh nghiệp thực tế đang được độc quyền xuất khẩu và làm giá.

- Tôi xin lấy một thí dụ dễ hiểu là nếu các doanh nghiệp phân phối hay bán lẻ hoặc hệ thống siêu thị của quốc tế mà được đầu tư vào thị trường Việt Nam, chính họ sẽ trực tiếp gặp gỡ nông gia, giải thích về yêu cầu hay thị hiếu của thị trường, đặt ra tiêu chuẩn chính xác cho nông gia biết rõ mà cung ứng vì điều ấy có lợi cho cả đôi bên. Khi được yểm trợ từ gốc mà lại có cơ hội tự do trao đổi ở ngọn thì nông gia sẽ có lợi và chính là thị trường sẽ cải thiện được những bất toàn hay ách tắc trong phân phối.

Hỏi: Câu hỏi sau cùng mà nhiều người rất quan tâm, thưa ông, liệu một trận đói có thể xảy ra tại Việt Nam hay không mà vì sao dân chúng lại hốt hoảng như vậy"

- Chúng ta không quên rằng hai chục năm trước, khi Việt Nam bắt đầu giải phóng nông nghiệp từ thời kỳ đổi mới và lần đầu tiên xuất khẩu gạo sau mấy chục năm chiến tranh, một số tỉnh đã bị đói. Ngày nay, có lẽ nạn đói sẽ khó đe dọa như thời ấy nhưng tâm lý hốt hoảng thì vẫn còn, là trường hợp xảy ra cho mọi xã hội trong hoàn cảnh bất trắc của thị trường.

- Tuy nhiên, dù không sợ bị chết đói, Việt Nam cũng cần chú ý đến tình trạng ngặt nghèo nhất của các thành phần cùng khốn mà chuẩn bị những biện pháp cung cấp và cấp cứu xã hội. Tất nhiên, đây không phải là sự tái lập của chế độ tem phiếu ngày xưa, và trong hoàn cảnh đó, người ta cũng không nên quên rằng nạn tham nhũng vẫn hoành hành và các phần tử thiếu lương thiện sẽ thừa cơ trục lợi.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tập Cận Bình tin rằng lịch sử đang dịch chuyển theo hướng có lợi cho mình. Trong chuyến thăm Vladimir Putin tại Matxcơva vào tháng 3 năm ngoái, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói với Tổng thống Nga rằng “Ngay lúc này, chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi chưa từng thấy trong 100 năm qua, và chúng ta đang cùng nhau thúc đẩy sự thay đổi ấy.”
Sau 20 năm chiêu dụ Kiều bào về giúp nước không thành công, đảng CSVN lại tung ta Dự án “Phát huy nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới” vào dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ tư, từ khi có Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004, một Quyết định nhằm mưu tìm đầu tư, hợp tác khoa học, kỹ thuật và tổ chức các Hội, Đoàn người Việt ở nước ngoài, đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng CSVN được tung ra...
Khi số lượng di dân vượt biên bất hợp pháp qua biên giới Hoa Kỳ-Mexico tăng cao kỷ lục, câu hỏi quan trọng được đặt ra là: Làm thế nào mà Hoa Kỳ lại rơi vào tình trạng này, và Hoa Kỳ có thể học hỏi những gì từ cách các quốc gia khác ứng phó với các vấn đề an ninh biên giới và nhập cư. Chào đón công dân nước ngoài đến với đất nước của mình là một việc khá quan trọng để giúp cải thiện tăng trưởng kinh tế, tiến bộ khoa học, nguồn cung ứng lao động và đa dạng văn hóa. Nhưng những di dân vào và ở lại Hoa Kỳ mà không có thị thực hoặc giấy tờ hợp lệ có thể gây ra nhiều vấn đề – cho chính bản thân họ và cho cả chính quyền địa phương bởi tình trạng quá tải không thể kịp thời giải quyết các trường hợp xin tị nạn tại tòa án nhập cư, hoặc cung cấp nơi ở tạm thời và các nhu cầu cơ bản khác. Mà tình trạng này hiện đang xảy ra ở rất nhiều nơi ở Hoa Kỳ.
Trên vai những pho tượng trắng trong vườn Lục Xâm Bảo, lá vàng đã bắt đầu rơi lất phất. Mùa Thu Paris thật lãng mạn. Henry Kissinger đi dạo quanh một hồ nhỏ ở ngoại ô gần Rambouillet. Nơi đây từng cặp tình nhân đang nắm tay nhau bên những cành cây la đà bóng hồ. Ông thấy lòng mình nao nao (melancholic) vì sắp tới phiên họp quan trọng nhất với ông Lê Đức Thọ.
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.