Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

15/05/200700:00:00(Xem: 2651)

  LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

(Tiếp theo...)

Tôi đi mãi, ghé ra bờ hồ, để tôi có thể nhìn chéo 40 độ về phía đối tượng cách rất xa tôi chừng hơn nửa cây số. Tôi chỉ còn thấy bóng dáng (không thể nhìn rõ mặt) đối tượng vẫn ngồi yên chỗ cũ. Tôi vừa thẫn thờ đi từ đó tới đây, cũng phải mất hơn 10 phút, vậy đối tượng đến lấy tài liệu chưa" Theo phán đoán của tôi thì chưa. Chỉ qua hai lần tiếp xúc bằng ánh mắt và cử chỉ, tôi đã thấy đối tượng tỏ ra là người trầm tĩnh. Hơn nữa, không bao giờ đối tượng đến lấy rồi lại ngây thơ trở về chỗ cũ ngồi. Vậy thì chưa đâu! Tôi yên tâm, đưa mắt lơ đãng đuổi theo những tảng mây trắng nõn, như những búi bông khổng lồ, đang chầm chậm bò trên nền trời xanh thẫm, về miền Nam xa xôi. Mãi 15 phút sau, bóng dáng của đối tượng mới từ từ tiến đến chỗ tôi ngồi khi nãy, làm như bâng khuâng nhìn vòi nước phun tung tóe từ miệng con cóc bằng xi măng, rồi ra vẻ như mệt, đối tượng ngồi xuống.
Tôi vẫn quay mặt ở một góc 40 độ với đối tượng, mục đích khi đôi tượng đứng lên đi, tôi quan sát theo dõi xem đối tượng có “đuôi” hay không" Sao mà ngồi lâu thế! Tôi vừa trách, lại vừa không muốn đối tượng đi, thật là mâu thuẫn. Đối tượng đi là vĩnh biệt rồi.
Chẳng hiểu trong lòng đối tượng nghĩ gì mà ngồi mãi không đi, lâu lâu lại nhìn phía tôi. Phải chăng tâm trạng của đối tượng cũng như tôi"
Do những điều kiện khắt khe tôi đang nằm trong lưới của kẻ thù, nên khi nhìn đối tượng, một ý nghĩ lởn vởn trong óc tôi, ước gì tôi có thể lên tiếng cùng đối tượng một vài lời nhỉ" Gần 20 ngày qua, tôi đã buộc kín lòng mình, đến trở thành cô độc, lẻ loi trên mảnh đất thân yêu này. Chỉ còn có người, một chiến hữu, một đồng chí, tuy ngồi ngay trước mặt, cùng thở hít chung nhau một bầu không khí, cùng bâng khuâng đầy vơi ngắm chung một cảnh hồ, mà người ơi, xa vời vợi! Rồi đây, tuy chúng ta cùng chung một lý tưởng nhưng hai đường đời. Xin cầu chúc cho người gặp nhiều thuận tiện, may mắn, đạt những thành quả vẻ vang trên đường đi của dân tộc. Thôi, tôi xin cúi đầu biết ơn đối tượng. Thế lả đủ cho kẻ bất hạnh này ghi nhớ mãi mãi, trong những ngày gian khổ tới đây.
Mãi gần 12 giờ trưa, mặt trời chói chang đã đốt khô cảnh vật, tôi mới thấy đối tượng đứng lên, không quên nhìn về phía hồ một lần nữa và chẳng hiểu sao, đối tượng quay lưng lại vừa đi vừa gãi đầu, nghĩa là khoảng cách giữa đối tượng và tôi dần dần xa vời vợi.
Đối tượng không có “đuôi”, tôi cũng mừng. Chỉ có số phận hẩm hiu của tôi là có “đuôi”, mà những 5, 6 cái.
Trời Hạ lúc này trong xanh, chỉ còn một vài vẩn mây, không gian, cảnh vật bừng sáng lung linh. Tôi nhìn thẳng ra Tháp Rùa đứng chơ vơ như hòn non bộ, chiếc bóng nghiêng nghiêng lung linh dưới nước như nhún nhẩy reo vui mừng rỡ. Hai con rùa chẳng biết bò lên chân tháp tự bao giờ đang nằm ấp lên nhau phơi nắng, như hai cái nồi ba mươi đen xì. Những chùm phượng vĩ đỏ ối tràn lan chung quanh hồ, đang sói bóng trên mặt nước, nổi bật lên giữa cái xanh ngắt của bầu trời và màu xanh của lá cây tạo thành một bức tranh sơn mầu rực rỡ. Một trận gió Nồm Nam thổi dọc từ phía “Gô Đa” về. Những chiếc lá me đong đưa dẫy dọn như trăm ngàn bàn tay nhỏ tí đang vỗ, gây lên những tiếng xào xạc lẫn vào tiếng ve kêu vang vang như hồi kèn thắng trận. Thoang thoảng đâu đây mùi nồng nồng ngan ngát của nước hồ tù, mùi dìu dịu ngây ngây của những chùm phượng, mùi ngòn ngọt man mát của mấy bông hồng trong vườn hoa phía bên kia đường, tất cả quyện vào nhau thành một thứ hương ngây ngất hồn người.
Tôi đứng dậy, lòng nhẹ lâng lâng, tinh thần sảng khoái. Hôm nay hơi đặc biệt, tôi tự thưởng công 3 đồng, đi thẳng lên ngõ Hàng Giầy chén một bữa nem cua rán.
“Đuôi!!!”...
Bẩy giờ sáng hôm sau, tôi mới dậy. Tên đau dạ dầy cũng dậy lúc đó. Tôi nhăn nhó:
- Đêm qua, tôi tưởng gần chết! Tim tôi nhiều lúc nghẹt lại tưởng mê man, xỉu đi. Khi ở nhà, đôi khi tôi cũng bị như vậy. Hôm nay, tôi phải vào nhà thương xem sao. Tuổi trẻ mà nhiều khi không muốn sống nữa!
Y nói:
- Hãy cố gắng đi, có khi vào Việt Đức sẽ chữa khỏi. Khoa học ngày nay, chữa được nhiều bệnh lắm.
Tôi hỏi:
- Anh đi nhà thương nào"
Y trả lời:
- Hôm nay tôi chưa đi, còn bận đến nhà người anh họ.
Lúc vào rửa mặt, tôi xem trong túi dết: Không còn đồ gì đáng ngại. Trước khi buộc túi, tôi cố ý để đuôi bàn chải ló hơn đuôi hộp thuốc đánh răng đúng nửa phân và quấn vào cái quần lót; giữa cuốn “Đời Cô Lựu” và cuốn của Võ Nguyên Giáp, tôi kẹp một miếng giấy bé bằng đốt ngón tay út giữa hai cái bìa, rồi xếp lại. Khi buộc túi dết, tôi thắt nút quai chèo, dây dài thò dài hơn đúng 3 lần giây ngắn. Xong, tôi đem ra bàn trực gửi, rồi đi.
Như thường lệ, tôi cũng ra bến xe điện mua một cái bánh mì nhỏ như mọi khi, sau khi quan sát hết một chu vi có thể được do mắt tôi. Tôi hơi nghi bộ mặt và thái độ của mấy người, hai anh chàng hôm trước không thấy. Ăn xong, tôi đi về phía nhà thương Việt Đức. Tôi quyết định không trở lại linh mục A nữa, trừ trường hợp tôi cắt được đuôi, hoặc có thời cơ thuận tiện.
Tôi quẹo xuống Trường Thi, đi qua một đường hẻm và một phố nhỏ, đến một cái ghế đá ở Trường Thi, tôi ngồi nghỉ. Thỉnh thoảng tôi lại để tay lên ngực nhăn nhó. Rất lẹ, tôi đã thấy hai chú, mà tôi đã nghi ngay trên bờ hồ. Á chà! Lại có một cô gái chừng 18 tuổi. Mặt non choẹt, có hai mớ tóc đuôi sam, đang ngồi ở một hàng nước vỉa hè cách xa chỗ tôi đến 250 mét. Dáng dấp ấy, tôi đã thấy đứng ở bến xe điện. Được, xem chúng mày bao nhiêu đứa! Cô gái cứ cúi xuống, hai tay lúc lắc đan len. Như thế, hiện nay là 3 đứa.
Tôi vào một cửa hàng quốc doanh, mua một chiếc khăn mặt 5 hào, rồi đi trở về nhà thương Việt Đức. Khi gần tới nhà thương, tôi coi như lần đầu tiên đến đây. Tôi phải hỏi thăm một người đi đường, họ chỉ cho. Tôi lớ ngớ như bộ điệu của một anh chàng ở tỉnh, chưa hề tới lần nào, từ cách đưa giấy tờ, cho tới khi vào trong. Dù không cần quan sát, tôi cũng hiểu mọi cử chỉ hành động của tôi; ít nhất có 6 con mắt không bỏ sót. Tôi cố ý tránh, không bén mảng tới mấy dẫy nhà của Z-5.
Tôi hỏi thăm những người y tá để đến thẳng khu phòng khám, chữa về tim. Điều phiền toái là tôi lại không có bệnh. Vì thế, tôi chỉ đến phòng đợi, hỏi han vớ vẩn về tim, có nằm điều trị được không v.v... Khi họ hỏi tôi có giấy giới thiệu không" Tôi lại lắc đầu. Loanh quanh một lúc, thế mà cô ả đan len cũng mò vô, và một anh chàng nữa.
Khi ra cổng bệnh viện, ngay khi vừa tới mép cổng, tôi đã thấy anh chàng mặc áo nâu cùng xuống Tràng Tiền với tôi, đứng mãi bên trong giậu găng của một ngôi nhà xa tôi đến 300 mét, thò mỗi cái mặt ra. Ngay chéo bên kia phố, một anh xích lô đầu đội mũ công nhân, mà tôi đã để ý từ dưới Trường Thi, đang lúi húi nắn cái lốp (vỏ) xe. Tôi biết rồi, đừng vờ nữa!
Như thế là những 4 người. Điều này đã nói lên tình hình rất căng. Không thể còn lỏng lẻo mơ hồ nữa.
Tôi về bờ hồ, sang phía đền Ngọc Sơn. Chỗ có nhiều cây to, có các quán nước ngoài trời, vào một bàn, mua một chai nước ngọt, ngồi nhìn ra hồ. Tôi ngồi nơi vắng lặng như vậy, cho tinh thần được thoải mái để cân nhắc, tính toán. Lúc này, tôi không cần để ý tới người theo dõi cho mệt. Cái cần thiết, tôi đã biết rồi. Mức độ căng thẳng tôi cũng đã nhìn thấy. Vậy, chỉ còn đào sâu tính toán cho kỹ. Rồi theo đó giải quyết.
Vẫn làn gió hồ hiu hiu thổi nhẹ, vẫn những bông phượng vĩ đỏ ối quanh hồ, nhưng hôm nay tôi không cần biết, trước mắt mà coi như không thấy. Tôi chưa kết luận, nhưng những hiện tượng vừa qua trong hai ngày cho thấy, phải tới 90% là phản gián Hà Nội đã phát hiện ra tôi. Nếu chúng là phản gián, chúng đã xác minh được tôi rồi. Tôi không phải là người sống ở miền Bắc, tuy có giấy thông hành đầy đủ tên tuổi, quê quán do công an huyện ký. Chúng chỉ cần nhắc điện thoại là biết rõ rồi. Tôi làm gì có tên trong sổ cái.
Nếu chúng là phản gián, tôi phải tin chắc nguyên tắc này, chúng sẽ chưa bắt tôi. Chúng cần bí mật theo dõi, để xem tôi đi những đâu, làm gì, giao thiệp với những ai..." Trừ phi tôi định chuồn. Vậy tôi yên tâm, chưa sợ chúng bắt. Tôi cần tỉnh táo, bình tĩnh để đối ứng. Từ nguyên tắc trên, đôi khi chúng lại tạo điều kiện cho tôi đi lại, hoặc ra vào một cách dễ dàng hơn, ở một cơ quan nào đó mà tôi muốn. Có như vậy, chúng mới biết được tôi định làm gì và giao thiệp với ai" Mặt khác, chúng sẽ bố trí nhân viên phản gián sao cho:
- Không bỏ sót một việc gì mà không biết, dù nhỏ nhặt của con mồi. Nếu có quay phim thì càng tốt.
- Tuyệt đối khéo léo, không để cho con mồi biết là đã bị phát hiện.
- Cố tránh đừng để con mồi thấy mặt nhiều lần, nó sẽ nghi ngờ.
- Bám riết, không được để mất con mồi. Phải tinh ý, đoán trước được ý đồ của con mồi định làm.
Những điều trên, có lúc tưởng như mâu thuẫn với nhau, vì thế, để giải quyết, chỉ còn một cách duy nhất là tăng cường đầy người theo dõi, vòng trong, vòng ngoài, v.v... Mục đích của chúng là phải biết rõ về tôi, và tìm hết mọi mắc lưới của tôi. Biết khả năng của địch ưu, cũng như nhược, để tùy cơ ứng biến theo điều kiện của tôi. Về phía tôi, tôi nhận thấy, điều đầu tiên và quan trọng nhất là: Bằng mọi giá, mọi cách dứt khoát không để cho chúng biết là tôi đã biết chúng. Dù sau này, sự việc diễn tiến như thế nào, điều đó chỉ có lợi cho tôi mà thôi. Tôi sẽ phải tạo điều kiện cho đối phương mất cảnh giác rồi bất ngờ cắt “đuôi”. Nếu có thời cơ tôi sẽ trở lại linh mục A. Nắm vững là chúng chưa bắt mình, vậy thôi phải triệt để lợi dụng yếu tố này. Kéo dài thời gian, tung hỏa mù, để trao tài liệu “M”. Tương kế tựu kế, tôi sẽ dẫn đối phương về một chiều hướng khác. Tôi phân tích, cân nhắc, đặt ra những phương hướng trên. Trước mắt, tôi cứ như thế, rồi tùy theo diễn tiến của thực tế, sẽ bổ sung hoặc thay đổi.
Một điều tôi buốt ruột đau lòng lúc này, là hộp thuốc hóa trang đã để lại miền Nam. Tôi đã học và thực tập hóa trang nửa tháng trời. Lỗi này không do tôi, mà do các ông dậy tôi. Các ông đã chuyển hết đồ của tôi đi trước. Tôi tin nơi các ông, nên tôi đã không kiểm soát lại. Âu đây cũng nói lên một khía cạnh, về tinh thần tắc trách của cán bộ miền Nam. Tôi sẽ trình bầy thêm sau này.
Tôi ý thức được sự nghiêm trọng trong lúc này. Đi hoạt động trong vùng đầu não của địch; đã bị lộ, chẳng khác gì con cá nằm trên thớt. Dù vậy, với bản tính coi thường nguy hiểm của mình, nên tương đối tôi vẫn bình tĩnh. Đây là lúc thử nghiệp vụ giữa miền Nam và miền Bắc. Ở miền Nam tôi chỉ là loại tép riu thôi, nhưng ra đây, tôi cũng dám đùa dỡn với các ngài! Khi đã có chủ định tôi cảm thấy an tâm, bình thản hơn. Ngay sau đó, tôi trở về bến xe điện. Đi Hà Đông chơi, vừa để nhìn rõ được mức độ theo dõi, tôi vừa xem cảnh xây dựng đổi mới của xã hội chủ nghĩa, sau hơn 8 năm thống trị.
Chủ trương đã như vậy trong lòng, nên cách đi đứng cũng như cách lên xe điện. Tôi tỏ ra là một người rất chậm chạp, đôi khi còn nhút nhát nữa, như: Ở bến xe điện, tôi ngồi ở ghế xi măng, vờ cứ cắm cúi xem báo, chờ cho xe điện bắt đầu chuyển bánh. Tôi mới giật mình đứng dậy chạy theo, chới với, lúng túng, rồi đành nhìn theo xe điện chạy, tiếc ngẩn ngơ, nhỡ tầu v.v... Mục đích là để cho những người theo dõi tôi, mang một ấn tượng, thằng này dáng bộ chậm chạp, nhát nữa. Họ đâu biết rằng, với tốc độ xe điện ở Hà Nội, hoặc xe buýt ở Sài Gòn, bất cứ lúc nào tôi cũng có thể nhẩy lên hay nhẩy xuống được.
Lúc đó đã một giờ chiều, ngày 4 tháng 6. Chẳng hiểu cô gái ấy ăn cơm ở đâu, bây giờ cũng thấy đứng ở cuối toa xe điện theo tôi vào Hà Đông. Hai người lên xe điện, còn các người kia tôi không thấy. Khi tầu điện ra khỏi thành phố, tôi muốn quan sát lại phía sau, xem có xe nào đuổi theo không. Biết rằng có bốn con mắt đang để ý tôi ở trên tầu. Mắt tôi cứ vờ như đang chú ý đến một người đang gánh rạ dưới đường. Xe điện chạy qua, và tôi phải ngoái lại nhìn theo người gánh rạ. Tôi đã nhìn thấy hai anh chàng ngồi trên một cái Mô bi, đang cúi gò người chạy theo tầu, thật vất vả. Một chiếc Commanca nữa ở phía sau. Tôi chỉ thoáng nhìn thấy kiểu xe và hình dáng người trên xe. Chốc nữa vào Hả Đông là tôi sẽ biết ngay.
Chà, khu Cao Xà Lá (Cao Su, Xà Phòng, Thuốc Lá)! Đọc ở trên báo, nghe ở trên đài, tôi tưởng khu này do Trung Quốc giúp xây dựng lớn lắm kia. Thế mà cũng gọi là khu Liên Hợp Trung Quy Mô! Biết họ nói bốc, tôi đã trừ hao đi rồi, thế mà vẫn còn thấy ngạc nhiên. Nhìn toàn khu, chỉ như một cái hãng tư trung bình của miền Nam.
Tôi đã nhìn thấy số của chiếc xe Commanca: HN5037. Trên xe có 3 bộ mặt. Tuy tôi chưa chắc, nhưng hiện tượng thì nghi. Nó đã chạy vượt trước xe điện. Vào tới Hả Đông, hành khách xuống, tôi cũng xuống theo. Tôi đi lang thang mấy phố. Nói mãi cái nghèo của Cộng Sản thành nhàm. Tôi chỉ thấy Hà Đông như nhà quê, cái thành phố mà ngày xưa, đầu 1954, tôi và người em họ Phan Gia Ân thường đèo nhau vespa đi vào chùa Trầm, vào trại vải chơi đùa trong thời hoa mộng. Tôi có cảm tưởng lúc đó Hà Đông là một cô gái 18, đôi mươi của hương sắc. Còn bây giờ là một bà lão 60-70 tuổi móm mém. Cuộc đời thăng trầm đã làm cho cô thất cơ lỡ vận, bần hàn, cực nhọc. Quanh quẩn, đến một đầu phố, tôi đã thấy từ xa trong một góc đường, chú HN5037 đang đậu im phăng phắc. Chốc nữa tao về Hà Nội, mày mà mò theo là tao nhớ mày!


Tôi trở ra bến xe, về Hà Nội. Xe điện đi được nửa đường, lúc ngừng ở một bến phu, chú HN5037 chạy vượt qua. Tôi nhận được mặt thêm 3 người nữa, đồng thời lúc này tôi cũng khẳng định chúng 100% là phản gián Hà Nội. Tuy vậy, mức độ chúng đánh giá về tôi, tôi chưa xác định được. Với sự hiểu biết của tôi, điệp viên có nhiều loại, nhiều trình độ: Hồ Chí Minh, Fidel Castro, Lý Thừa Văn, v.v... Chẳng đã có thời gian hoạt động tình báo đấy ư" Ở bờ bên kia Bến Hải, khoán 300 đồng sang khu phi quân sự Bắc, mua hay lấy một tờ báo Nhân Dân. Như vậy, cũng là hành động của một điệp viên (điều này, chính ông Hương đã kể). Từ ý nghĩ trên, tôi chẳng cần giữ vỏ bọc là học sinh ở Vĩnh Linh nữa. Học sinh gì mà chúng phải vận dụng đến 7 người một ngày, cả xe Commanca đi theo như thế"
Biết người, biết mình một tí. Chúng đã biết tỏng tôi rồi; chúng chỉ không biết tôi ra đây để làm gì thôi. Vì thế, chúng sẽ còn phải mất nhiều tâm sức với tôi. Xe điện về tới bờ hồ thì đã chiều, tôi đi ăn cơm rồi về nhà trọ. Đưa thẻ lấy túi dết. Chưa cần mở ra, tôi đã biết có người mở túi dết của tôi ra rồi. Không sao cả, ngay khi tôi ở hàng cơm ra, tôi đã thấy trên một cửa sổ nhà đối diện, một người chụp ảnh tôi. Cũng không sao cả! Dù tôi muốn hay không, bây giờ cái thế đã như vậy rồi, sợ cũng chả được nữa. Không sợ mấy, tôi còn được cái khoái ngắm cảnh khi cưỡi trên lưng cọp.
Đêm ấy, tôi vẫn ngủ quán trọ Hàng Quạt. Tên đau dạ dầy cũng vẫn ở đó. Tôi đã biết nó khi đi ăn cơm. Lúc ở bờ hồ rẽ về, từ xa tôi đã thấy nó đứng nói chuyện với một trong số người theo dõi tôi từ hôm qua đến bây giờ. Nó chủ quan, nghĩ rằng tôi không thể biết tên kia. Ngoài đường phố người đông như hội, gặp người quen là chuyện thường. Nhưng vì tôi đã biết tên kia, nên biết về nó. Do vậy, tôi đi tắm, xong về giường nằm. Nó không hỏi, tôi cũng chả cần nói, dù có mỉm cười gật đầu chào nhau. Đêm qua tôi mất ngủ. Đêm nay, tâm hồn đã xác định rõ, vì thế, tôi cần ngủ cho lại sức đã. Thời gian chờ còn hơn 10 ngày nữa mới tới 16-18: Ngày quy định trao tài liệu “M”. Trong thời gian này, tôi phải tung hỏa mù bằng cách:
- Sẽ dẫn chúng đi lung tung để lợi dụng nhìn được nhiều cảnh vật của Hà Nội, biết thêm nhiều điều hữu ích khi trở về Sài Gòn. Trong khi đó, nếu có thời cơ, tôi cắt “đuôi” ngay.
- Ngoài ra, tôi còn phải tỏ ra là một người có tính tiểu tư sản lãng mạn, lưu luyến cảnh cũ (mặc dù có nhận nhiệm vụ về miền Bắc theo dõi sư đoàn 308, nhưng trong lòng không thích hoạt động. Cụ thể, là không hề chú ý tới những nơi đóng quân, cũng như những bộ đội, xe cộ quân sự gặp trên đường đi qua). Lâu ngày, nhớ Hà Nội, về thăm, chứ không thích hoạt động, thế thôi.
- Trong quá trình đi linh tinh như vậy, tôi phải để ý tìm một địa thế thuận lợi để cắt “đuôi”.
Tuy trong lòng tính như thế, nhưng nằm xuống, tôi cũng không làm sao ngủ nổi. Cứ vẫn vơ nghĩ suy, hết sự việc này, lại sự việc khác tiếp nối kéo đến. Ngay khi còn ở Sài Gòn, trước những ngày đi, tôi vẫn tâm niệm là: Ra đi, đẹp nhất là hoàn thành nhiệm vụ trở về. Thứ nhì là ...chết! Khi không may mà chết, chả có gì để nói nữa, vì chết rồi còn biết gì nữa đâu. Hòa cả làng! Trường hợp thứ ba là trường hợp xấu nhất, tức là bị bắt. Phải chịu đắng cay, khổ đau rồi cũng chết. Tuy thế, qua bao nhiêu sách báo, truyện tôi đã từng đọc. Trong nhà tù, có biết bao nhiêu những nhân vật quái kiệt, tài ba, những con người xông xáo, muốn làm những việc khác thường, nhưng không gặp thế, gặp thời. Vậy là dịp tôi được gần gũi những bộ óc uyên bác, sẽ học hỏi được nhiều; từ đấy, tư duy và kiến thức của tôi được mở rộng. Giòng suy nghĩ cứ chảy dài vào đêm thâu đổ dần vào giấc ngủ muộn.
Sáng hôm sau, Hà Nội mưa dầm dề. Những trận mưa mùa Hè như đổ nước xuống. Tôi ngồi dậy, nghe tiếng mưa rơi và gió thổi bên ngoài, tôi liên tưởng đến một ý thơ của một thi nhân người Pháp, Verlain thì phải, đúng với tâm trạng của tôi lúc này: Mưa gió ngoài phố phường, như mưa gió trong lòng tôi. (Il pleut sur la ville, comme il pleut dans mon ceour). Mắt tôi chợt thoáng bắt gặp một bộ mặt quen thuộc, ngồi nghiêng nghiêng trên giường số 9. Gớm thật, những hai tên cùng ngủ với tôi. Tôi đi đánh răng, vừa rửa mặt vừa nghĩ ngợi: Mưa gió thế này đi đâu" Tôi chợt nghĩ, chúng nó bám mình riết quá!
Trên nguyên tắc, chúng nó sẽ chưa bắt tôi. Nhưng điều gì có thể chắc chắn là chúng chưa bắt" Nhỡ ra vì một lý do bất thường nào đó, chúng lại vồ thì sao" Vậy, tôi phải phòng hờ cả những trường hợp ngoại lệ. Hai lá thư của các linh mục B và C, tôi xét thấy không thể thực hiện được. Hơn nữa, hai linh mục này cũng chỉ là thứ yếu trong công tác của tôi. Tôi quyết định hủy. Sợ vào chỗ rửa mặt lâu, chúng nó đặt vấn đề, rồi theo vào. Tôi vờ ra cất bàn chải và khăn mặt cho chúng thấy, rồi tìm giấy để chúng biết là tôi đi cầu. Vào nhà xí, sau khi quan sát mọi ngóc ngách, không chỗ nào để bên ngoài có thể nhìn được tôi, trừ lỗ khóa ở cửa. Tôi tụt quần dài treo vào quả nắm là xong, yên tâm. Tôi xé hai lá thư bọc ny lông ra, đọc lại một lần nữa, rồi đánh diêm đốt, cho xuống thùng phân.
Như vậy, trong người tôi chỉ còn tài liệu “M”. Tôi phải để trong một tư thế, nếu thấy có hiện tượng bị bắt giữ, tôi sẽ vo viên búng đi nơi khác bằng một động tác mau lẹ bất ngờ. Còn chì mật, chắc chắn muôn đời chúng cũng không tìm ra, dù để ngay trước mặt, chúng cũng không thể biết là cái gì.
Ngoài trời, mưa đã ngớt hạt, trời sáng dần, tôi đeo túi dết ra phòng trực lấy giấy tờ. Vừa ra tới cửa, tôi liếc nhanh lên một khung cửa sổ của căn nhà lầu phía bên kia phố, thấy hai bộ mặt lạ của một người đàn ông và của một người đàn bà chừng 30 tuổi.
Tôi đi ngược lên phố Lãn Ông, rồi rẽ về Hàng Buồm, vào ngõ Hàng Giầy. Mấy hôm nay tinh thần tôi căng thẳng, nên ăn uống chả ra làm sao cả. Hôm nay, tôi muốn ăn bát cháo. Nơi đây nổi tiếng cháo ngon của Hà Thành thanh lịch của mấy hiệu: Sinh Ký, Tư Ký. Tôi vẫn cố tránh, chưa dám về phố Hàng Bạc. Vì thế nhiều lần tôi cứ phải đi vòng qua. Bây giờ, tôi cũng không phải quá giữ gìn về cách tiêu tiền, dù rằng tôi cũng không tiêu gì quá lố. Khi chúng chưa phát hiện ra tôi, tôi vẫn đóng vai một học sinh ở thôn quê, nên phải tỏ ra dè xẻn chắt chiu. Cũng vẫn là hiệu cháo Sinh Ký nổi tiếng ngày xưa của Hà Nội, mà bây giờ bát cháo thịt bò nhạt nhẽo như nấu cơm nguội. Cháo bò nhưng có lẽ thịt trâu, với 5, 6 mẩu thịt con đen xì. Nhất là cái “dầu cháo quẩy” thật buồn cười, bé tí, khô, cứng ngắc, ăn có vị ngô, trông như hai ngón tay út dính vào nhau.
Tôi quan sát hết một lượt, không thấy bộ mặt nào quen. Mãi chéo phía xa, gần ngã tư Tạ Hiền – Lương Ngọc Quyến là hai bộ mặt, một đàn ông và một đàn bà, tôi đã thấy trên cửa sổ trước nhà trọ Hàng Quạt. Họ tỏ vẻ như đang bàn nhau chuyện gì. Cách xa tôi đến 200 mét, nhưng đôi mắt hai người vẫn thỉnh thoảng hướng về tôi. Bên kia đường, ngay trước hiệu cháo, một ông chừng bốn chục tuổi, mặc áo sơ mi cụt tay mầu xám bộ đội, đang vờ hý hoáy chữa cái tay thắng xe đạp, vẫn đưa mắt về tôi.
Trong hiệu cháo có mươi người khách. Những người khi tôi bước vào đã có ở đấy rồi, tôi loại. Vào sau tôi, 3 người. Người ngồi mãi góc là một thanh niên, có vẻ học sinh, chừng 20 tuổi, cũng đội cái mũ cối. Tôi không bao giờ nhìn thẳng anh ta, mà chỉ nhìn bằng thị trường mắt của mình, tôi thấy anh ta chú ý tôi không bình thường. Ngay ngoài hè, một phụ nữ khoảng 20, tay xách cái làn cói đang mặc cả mua mấy bắp ngô luộc. Đôi mắt sâu hoắm, nhiều lần cũng liếc tôi như có chủ ý.
Với cái khứu giác của nghiệp vụ, tôi đã thấy 3 người, hai người thì chắc chắn, còn người thứ ba, nghi ngờ. Ra khỏi hiệu cháo, tôi trở lên Hàng Bồ, theo Mã Mây xuống Hàng Dầu, rồi đến trước đền Bà Kiệu. Hôm nay, tôi lên cầu Thê Húc vào thăm đền Ngọc Sơn.
Cảnh chùa vắng vẻ, lác đác dăm bẩy người, với một lũ trẻ con 6, 7 đứa nó đùa đuổi nhau. Nhìn Chấn Ba Đình mốc meo, sứt mẻ đứng chơ vơ như nỗi niềm tăm tối của những kiếp người, đang lê thê sống ở miền Bắc, tôi cũng chạnh lòng đăm chiêu. Thoáng nghe 6, 7 em nhỏ, vì sao đó chửi nhau thật là thô tục, tôi không ngờ. Tại sao, một em nhỏ 10, 12 tuổi lại có những câu tục tĩu như vậy" Đứa nào cũng thế! Một chị phụ nữ chừng 26, 27 tuổi, dáng dấp như một giáo viên hoặc một thư ký của một hợp tác xã ở nông thôn, nghe các em chửi nhau như vậy, nên đứng dậy nói như giáo dục:
- Này các em, sao các em là con trai, mà chửi nhau bẩn thỉu thế" Thiếu nhi Thủ Đô là cháu ngoan Bác Hồ mà! Chị mới ở nông thôn ra, chị đọc báo vẫn thấy thiếu nhi Thủ Đô, luôn xứng đáng là ngọn cờ, của cả nước cơ mà!
Tôi thấy chị rất nhiệt tình và có ý thức. Nhưng các em, trái lại, lúc đầu chúng đứng nhìn và nghe chị nói; nửa chừng, một đứa rồi hai, ba đứa văng “Con cặc..., im mẹ nó mồm đi!”. Một đứa khác: “Con đĩ mắt toét, biết củ l... gì”. Thậm chí, hai em khác móc đất ở mép nước ném chị ta, và nói: “ngoan con cặc... đây này!”
Chính tôi cũng ngạc nhiên và xông đến mắng:
- Các em không được hỗn!
Với thái độ và ánh mắt của tôi, chúng phải chạy nhưng còn chưởi lại. Chị nhìn tôi, tôi nhìn chị, thông cảm. Tôi đi ra khỏi đền, lại quẹo xuống Tràng Tiền. Lúc đó đã 11 giờ, tôi vào vườn hoa Chí Linh mở tờ báo Quân Đội Nhân Dân ra đọc. Một lúc, tôi mới ngửng lên, vươn vai, vặn vẹo lưng cho đỡ mỏi người. Đó cũng là lúc tôi đã nhìn thấy hết: Chị xách làn cói, ngồi cách tôi 3 ghế, quay lưng lại phía tôi. Lão hơn 40 tuổi đang đứng xấp vào một chòm cây, thập thò cái mặt xa tôi hơn 200 mét. Đôi vợ chồng (cứ gọi như thế) ngồi ở một ghế đá đường Đinh Tiên Hoàng, quay lưng lại phía tôi, đang nhìn ra phía hồ, xa tôi phải đến hơn 300 mét. Anh chàng có vẻ học sinh đội mũ cát, đang chăm chú đọc sách, ngồi dưới chân bức tượng phun nước, cách tôi hơn 100 mét.
Đến đây, tôi khẳng định có 5 người. Như thế, cứ mỗi ngày chúng lại đổi người. “Sao chúng nó lắm người thế!”, tôi tự nhủ. Bốn ngày nay, trong gần 20 người tôi đã thấy mặt. Chỉ có tên đội mũ cát két đeo kính râm của buổi đầu tiên là dễ nghi ngờ nhất, còn hầu hết, trông không có dáng gì là công an ngầm hay tình báo. Chính tụi sau, có thể nghiệp vụ thấp, nhưng đầy nguy hiểm, chúng nó chẳng khác gì quần chúng bình thường đi ngoài phố.
Để thử khả năng nghiệp vụ của phản gián miền Bắc, tôi đứng dậy đi loanh quanh trong vườn hoa, mắt lơ đãng nhìn cây lá. Cứ thả bước nhàn du, khi gần tới tên có vẻ học sinh, đang ngồi trên một ghế xi măng, bất chợt tôi ngồi ngay xuống bên cạnh. Y không thể nghĩ, tôi lại đến bên y ngồi, vì vậy, y lúng túng vội xoay người và nghiêng lưng về phía tôi. Tôi ngồi xuống đấy, nhưng mắt vẫn đăm đăm nhìn vòi nước phun từ nơi bức tượng. Tôi hiểu nguyên tắc của người đi theo dõi. Là cố tránh, đừng để cho con mồi thấy mặt mình. Bởi vì, khi đến chỗ khác, lúc khác, mà con mồi lại gặp bộ mặt ấy, thì từ chỗ không biết cũng phải cảnh giác mà nghi ngờ. Nhưng trong trường hợp vừa qua, nếu là người già nghiệp vụ, hãy cứ ngồi yên, một lúc sau làm như mỏi người mới từ từ xoay thế. Thậm chí, đã trót còn phải gợi chuyện, nghĩa là đôi khi còn phải làm trái với nguyên tắc của nghiệp vụ, con mồi mới khỏi nghi ngờ. Giả sử, con mồi suy nghĩ rằng, nếu nó theo dõi mình, đời nào nó lại nói chuyện với mình.
Ngồi mươi phút, tôi đứng lên, đi xuống rạp Eden cũ, bây giờ đổi tên là rạp “Công Nhân”. Hôm nay có phim “Rắn Crơ Ba”, phim Liên Xô. Lần đầu tiên tôi vào xem phim của Cộng Sản Liên Xô. Xem trình độ nghệ thuật Thứ Bảy của Cộng Sản Nga ra sao.
Vì hôm đó là chiều Thứ Bẩy nên cũng đông. Giá vé 4 hào. Lẫn ngay trong đám đông, cô ả xách làn cói vất vả xếp hàng, chen lấn. Tôi thoáng thấy “hai vợ chồng”, chúng chẳng lấy vé. Chúng chỉ đưa ra một cái gì đó, có thể là một cái thẻ, mà vì đông khuất tôi kkông nhìn thấy, rồi người xé vé để chúng vào. Vào rạp, tối như bưng, tôi biết chúng nó phải vất vả để nhìn tôi. Còn tôi, biết rồi nên mặc chúng, tôi chú ý nội dung phim. Tôi hiểu, ít nhất còn 3 đứa nữa gác bên ngoài. Có lẽ, ở Hà Nội thời gian đó, duy nhất ở rạp xi nê, mà phải là hôm phim hay. Đông người, may ra mới có thể cắt đuôi, với điều kiện phải có thuốc hóa trang, và một bộ quần áo chưa bao giờ mặc trước đấy.
Nếu lúc này tôi có lọ thuốc đó! Trong bóng tối lờ mờ của rạp xi nê, tôi sẽ vờ đi tiểu tiện vài lần, như bị đái “rắt” rồi lần bôi xoa thuốc ngay từ ngoài, 10 phút sau da mặt đã kéo nhăn. Cởi sẵn khuy quần, khuy áo. Nghĩa là phải chuẩn bị sẵn sàng trước. Lúc rạp sắp mãn, vào nhà “xí” thay áo mũ thật nhanh. Nếu cần vất luôn túi dết, gắn bộ râu giả lên, để trở thành một người khác, chen trong đám đông đi ra. Đã biết hết mặt 5 tên theo dõi mình rồi, lúc đó chỉ lủi nhanh về hướng không có chúng mà chuồn. Chỉ cần như vậy là gây nên một chuyện thần kỳ, nghĩa là, đột nhiên con mồi biết mất.
Lúc này, phần vì tôi không có loại thuốc đó, phần khác, tôi chưa tích cực cắt đuôi, vì muốn dềnh dàng chờ ngày 16, 18. Đấy cũng là một tính toán sai lầm của tôi, mà sau này, thời gian và sự việc mới giải đáp cho tôi. Ở Sài Gòn, tôi đã từng xem màn ảnh ở rạp Rex hoặc Đại Nam. Bây giờ, thấy màn ảnh bé tí, nhỏ con một bề khoảng 2 mét, bề kia 1 mét hai, không có phụ đề chữ Việt, mà còn có giọng nói của một cô gái ở loa phóng thanh, mà ở miền Bắc khi ấy người ta gọi là “thuyết minh”.
Nội dung phim. Một ổ gián điệp Đức đang hoạt động trong lòng địch là đất Ba Lan. Lúc này, Nga đang chiếm đóng Ba Lan. Tình báo Nga và Ba Lan, do nhân dân giúp đỡ nữa, đã dùng mưu mô, lừa lọc, cuối cùng bắt trọn ổ gián điệp Đức.
Tôi thấy nhạt nhẽo, chán phè, nhất là cảnh gián điệp Đức lơ là, ngây thơ mắc vào những cái bẫy cũng ngây thơ của Nga. Toàn bộ cuốn phim, không có một tình tiết lắt léo, tinh vi nào đáng kể, so với những phim tình báo trước đây tôi xem ở Sài Gòn. Thế mà quần chúng cũng trầm trộ ca tụng. Quần chúng Hà Nội bây giờ, đa số ở các tỉnh mới về từ 1954.
Tan rạp, tôi kéo “đuôi” lang thang về mãi Ngã Tư Sở. Thấy một nhà trọ có vẻ sang hơn, tôi vào thuê một buồng. Tôi vẫn đưa giấy thông hành. Tôi nghĩ, dù chủ nhà trọ có phát hiện giấy giả, tôi vẫn không sao, tôi vẫn được thuê như thường. Bởi vì, sẽ có lệnh bí mật bắt chủ nhà trọ đồng ý, không được hỏi han làm khó dễ gì tôi cả. Tiền buồng 1 đồng rưỡi. Tôi ngủ đỡ khổ, và bắt chúng nó, những chiếc đuôi, tốn nhiều công, của hơn. Lúc nãy khi đi đường, tôi đã mua một đôi dép Thái Lan và chiếc mũ xanh công nhân. Phần vì chân tôi đi dép râu vẫn chưa quen, rất đau, cái quai cao su thôi ra đen xì cả chân. Hơn nữa, dép Thái Lan và mũ công nhân là hai mật hiệu khi tôi trao tài liệu “M”. Bây giờ, tôi phải mang trước cho bình thường.
Sau khi tắm rửa, đêm đó tôi nằm một mình một buồng, cảm thấy thật dễ chịu. Đem sách ra đọc một lúc, rồi tôi nằm suy nghĩ, tính toán: Mai, Chủ Nhật cứ đến Nhà Thờ Lớn đi lễ xem thế nào" Cứ ghé về Hàng Bạc, xem phố cũ thay đổi ra sao" Ghé luôn Lương Ngọc Quyến, xem bà dì họ thế nào (nhưng sẽ không vào nhà). Tôi hiểu, tất cả những người có nhiệm vụ theo dõi tôi, sau giờ quy định bàn giao con mồi cho người khác, mỗi người phải làm một bản báo cáo, tường thuật tỉ mỉ mọi chi tiết đường đi nước bước của con mồi theo thứ tự thời gian và không gian. Nghiệp vụ càng già dặn, càng phát hiện được những điều sâu sắc, thậm chí cả những động tác vờ vịt, động tác giả của con mồi, nếu cử chỉ ấy có lồng trong một ẩn ý gì. Ngoài ra, mỗi cuối bản báo cáo tường thuật, phải có một câu nhận định: Theo ý anh, con mồi đã có hiện tượng gì nghi ngờ có người theo dõi không"
Những tên nghiên cứu và ra lệnh ở nhà, đối chiếu nhiều bản báo cáo, tường thuật để nắm được cái chung, từ đấy chúng sẽ có những biện pháp thích nghi theo những diễn tiến của sự việc... (Còn tiếp…)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.