Mỹ đang lâm vào hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, những khó khăn ngày càng phức tạp thêm. Theo báo Washington Post mấy ngày trước, các giới chức quân sự Mỹ ở Iraq tin rằng họ đã giáng cho bọn khủng bố al-Qaida những đòn tai hại khiến chúng không phục hồi lại được lực lượng như trước. Các vụ đánh bom tự sát hồi đầu năm lên đến khoảng 90 vụ một tháng, nhưng từ tháng 7 đến nay chỉ còn 30 vụ một tháng. Gần đây những bộ lạc thuộc đủ mọi sắc dân hay hệ phái tôn giáo đã ghê tởm nạn khủng bố giết người bừa bãi nên hợp tác với quân Mỹ. Tuy vậy các giới chức Mỹ vẫn tỏ ra thận trọng, nói chưa thể có kết luận dứt khoát đã chiến thắng. Sự thật nếu các vụ đánh bom tự sát có giảm, các vụ đánh bom bằng xe chứa chất nổ vẫn tiếp tục.
Chiến tranh Iraq chưa có lối thoát.
Trước tình hình này hôm thứ ba báo Washington Post đã đăng một bài cho biết có khoảng 12 cựu đại úy quân đội Mỹ từng phục vụ ở Iraq đã yêu cầu chính phủ Bush nên bỏ rơi Iraq để rút quân về, hoặc ra lệnh tổng động binh để gia tăng đến tối đa quân Mỹ ở Iraq. Họ cho rằng nếu cứ kéo dài cuộc chiến với số quân và những vũ khí quân trang quân cụ thiếu sót như ngày nay, Mỹ không thể nào thắng. Đồng thời một vấn đề chiến lược rất quan trọng được đặt ra ở Bộ Quốc phòng Mỹ. Bộ Chỉ huy Thủy quân Lục chiến Mỹ đã yêu cầu cho rút hết Thủy quân Lục chiến ra khỏi Iraq, không phải để cho về nước mà cho chuyển qua Afghanistan. Tại sao có đề nghị này"
Hiện nay toàn bộ quân lực Mỹ ở Iraq có 160,000 người, trong đó có 25,000 Thủy quân Lục chiến. Ở Afghanistan Mỹ có khoảng 26,000 quân thuộc đủ loại binh chủng và một vài đơn vị nhỏ TQLC tham gia, cùng quân đội đồng minh NATO chiến đấu từ năm 2001. TQLC là một binh chủng thiện chiến của Mỹ, đã lừng danh với các chiến thắng trong Thế chiến II. Mỹ tạo ra binh chủng này vì nhu cầu đặc biệt về chiến lược chiến thuật từ thế kỷ trước. TQLC gọi là Marines như hải quân, nhưng sứ mạng của nó là đánh trên bộ. Sở dĩ gọi là Thủy quân vì binh chủng này là những đơn vị lớn võ trang nặng di chuyển xa vượt qua biển cả, nên phải có chiến hạm chở thay vì dùng phi cơ hay xe vận tải. TQLC cần di chuyển nhanh, có thể sống trên chiến hạm mai phục ở ngoài khơi, để chờ lệnh đổ bộ đánh thẳng vào mục tiêu địch một cách thật bất ngờ, tốc chiến tốc thắng.
TQLC là loại binh chủng có tổ chức lớn và trang bị nặng để đánh trận theo quy ước chiến với quân chính quy địch, có trận tuyến hai bên rõ ràng để chiếm đất giành dân. Nhưng trong cuộc chiến tranh hậu Saddam Hussein ở Iraq bây giờ, quân Mỹ chỉ còn nhiệm vụ tuần tiễu trong thành phố, tìm kiếm du kích hay khủng bố, vì thế thường bị các đòn đánh lén đánh tỉa mà không thể dùng sức mạnh tối đa để đánh trả vì sợ gây thiệt hại đến thường dân. Ngoài ra quân Mỹ di chuyển bằng quân xa trên đường lộ cũng dễ làm mồi cho bom và mìn của khủng bố mà không nhìn thấy địch ở đâu hết. Hiển nhiên mặt trận Iraq không còn thích hợp với binh chủng TQLC. Bởi vậy di chuyển TQLC qua mặt trận khác là một sự thay đổi chiến lược chiến thuật rất đáng chú ý. Chỉ có điều đáng tiếc là tuần trước dự tính như vậy, đến tuần này mặt trận Iraq lại có thể lâm vào thế biến chuyển mới. Đó là sự gay go đột biến giữa Thổ Nhĩ Kỳ và dân tộc Kurd ở phía Bắc Iraq, sát biên giới Thổ.
Người Kurd là một dân tộc thiểu số, từ lâu vẫn sống ở khu vực "ba biên giới" lấn vào đất của ba nước. Họ sống ở đất vùng Bắc Iraq, một vùng Bắc Iran, và một vùng Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Từ thời xa xưa, trước khi Iraq lập quốc, người Kurd vẫn có ước mơ họp ba mảnh đất của họ làm một để lập thành một nước Kurdistan độc lập. Người Kurd thân Mỹ từ thời Saddam Hussein, mong được Mỹ giải phóng. Nay Kurd là thành phần của dân Iraq và một người Kurd đã được bầu làm Tổng Thống Iraq. Gần đây người Kurd Iraq ngầm giúp đỡ cho đồng bào của họ sống ở Nam Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên chống chính quyền Thổ. Quân Thổ động binh, chuẩn bị tấn công vào lãnh thổ Bắc Iraq để tiễu trừ phiến loạn, tình thế trở thành căng thẳng với Mỹ, đến độ muốn đoạn giao. Thành ra ở Iraq, khủng bố chưa yên, loạn Saddam chưa hết, nay lại đến ông đồng minh Thổ hăm đánh, nước Mỹ dính vào một thế trận hỗn tạp chưa từng thấy. Đó chưa kể vụ Iran cũng đang căng thẳng.
Trở lại vụ di chuyển TQLC qua Afghanistan, Mỹ cũng gặp phải một số vấn đề. Trước hết nếu Mỹ thấy cần phải tăng cường bằng các đơn vị lớn của TQLC đó cũng là việc nên làm, bởi vì nó nhằm sửa lại một lỗi lầm tai hại khi Mỹ mới đem quân đánh bọn Taliban ở Afghanistan vào tháng 10 năm 2001. Lúc đó quân Mỹ đánh tan Taliban dễ dàng, trùm khủng bố Osana bin Laden và thủ hạ phải chạy dài. Việc thay đổi chế độ cũng quá dễ. Taliban tan hàng, chính phủ lâm thời Afghanistan được lập ngay sau đó rồi ông Karzai được bầu làm Tổng Thống. Bởi vậy chính phủ Bush lo xây dựng dân chủ nhiều hơn tìm cách truy nã đến cùng trùm khủng bố bin Laden. Thành ra vào tháng 12 năm 2001, quân Mỹ bao vây nhưng lỏng lẻo, nên bin Laden thoát ra khỏi vòng vây ở Tora Bora. Vụ đào thoát này di họa cho Mỹ đến ngày nay ở Iraq, ở Afghanistan và cho toàn thế giới.
Bây giờ di chuyển đại quân TQLC đến Afghanistan liệu có ích gì" Bom tự sát, bom xe khủng bố, nạn giết chóc lan tràn. Từ 2005 Taliban sống lại, al-Qaida phục hồi, cảnh chém giết tàn bạo không kém gì Iraq. Taliban chiếm một số khu vực, bắt cóc dân ngoại quốc rồi đòi tiền chuộc. Chính phủ Karzai phải nói chuyện với Taliban để ngoại quốc điều đình nộp tiền. Dân quê Afghanistan không chống Taliban, vì họ nghèo khổ được khủng bố cho phép tự do trồng nha phiến bán lấy tiền, trong khi chính phủ Karzai, LHQ và quân NATO cấm trồng. Afghanistan nay đã trở thành "ma-túy quốc", Taliban làm đường dây buôn lậu ma túy, kiếm tiền cho ngân quỹ khủng bố hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Bài toán chiến lược hiện đại hiển nhiên là câu hỏi: chiếm đất giành dân hay trả đất mua lòng dân"