Thời Điểm Răng-Rắc
Từ mấy ngày qua hệ phái chiến Iraq đã giết hại đến 52 người dân Iraq. Nghiêm trọng nhất là vào đúng ngày lễ Ashura của Shi-a, một kẻ đánh bom tự sát đã xen vào đám đông trong một ngôi đền Shi-a ở Mandali, vùng Đông Bắc Baghdad, gần biên giới Iran, giết chết 19 người và làm 54 người bị thương. Vài giờ sau có vẻ để trả thù, nhiều đạn mọt-chê đánh vào một khu ở Baghdad phần đông cư dân Sun-ni, làm ít nhất 5 người chết và 20 bị thương. Ở phía Bắc một quả bom đặt trong thùng rác nổ giữa lúc những người Shi-a (phần lớn gốc Kurd) đang hành hương, vừa đi vừa tự đánh roi vào mình theo truyền thống ngày lễ này, đã làm ít nhất 13 người chết và 39 người bị thương.
Những vụ đó đã xẩy ra trong hai ngày thứ ba và thứ tư tuần này. Nhưng đáng chú ý hơn nữa là những diễn biến hai ngày trước đó. Quân đội Mỹ và Iraq đã mở cuộc hành quân càn quét rộng lớn ở gần Najaf, thành phố có những đền Shi-a quan trọng nhất thuộc phía Nam Baghdad, sau khi có những tin tức cho biết bọn khủng bố có kế hoạch trà trộn vào vào đám đông tín đồ để tìm cách giết các giáo sĩ Shi-a cấp cao nhân lễ Ashura, kể cả Đại giáo trưởng Shi-a là al-Sistani. Những cuộc giao tranh dữ dội đã xẩy ra, kết quả 235 tên nổi loạn và khủng bố bị giết chết, 100 tên bị bắt. Bọn này tự xưng là "Lính Trời" và quân Iraq cho biết lãnh tụ của bọn này đã bị giết trong cuộc xung đột. Tên lãnh tụ này là Ahmed Hassan al-Yamani, một người Shi-a ở Ad-Diwanuyah, miền Nam Iraq (đa số là Shi-a). Danh xưng "Lính Trời" nghe thật mới lạ đối với người ngoại cuộc. Từ ngữ tiếng Anh dịch là "Soldiers From Heaven" hay "Soldiers of The Sky". Không có những chữ Allah, Thượng đế hay Thánh chiến như thường thấy trước đây.
Ngày Ashura là lễ tưởng niệm Giáo trưởng Imam Hussein, cháu nội của Tiên tri Muhammad, một trong những vị Thánh được hệ phái Shi-a tôn sùng nhất, đã chết từ thế kỷ thứ 7. Chủ trương của nhóm "Lính Trời" là sự khải tượng theo thuyết Ngày Tận Thế, quét sạch kẻ ngoại đạo để dọn đường cho sự giáng trần trở lại lần thứ hai của Trưởng giáo Shi-a Muhammed al-Mahdi, đã mất tích từ thế kỷ thứ 9. Vậy "Lính Trời" thuộc hệ phái nào" Theo nhà chức trách Iraq, nhóm này gồm các phần tử Sun-ni, Shi-a, Afgha và cả những tay súng ngoại quốc khác. Nhưng chữ al-Madhi đáng chú ý, vì đó cũng là tên gọi đám dân quân của Giáo sĩ al-Sadr lừng danh về lập trường chống Mỹ quyết liệt, ở Sadr City ngay trong thủ đô Baghdad. Nếu những tin tức trên là đúng, người ta phải kết luận nạn xung đột hệ phái đã trở nên vô cùng phức tạp, giống như một mớ bòng bong, chẳng còn biết đâu mà rờ. Cho đến nay người ta chỉ biết có sự phân chia giữa hai hệ phái Hồi giáo là Shi-a và Sun-ni. Sự phân ly này đã xẩy ra từ thế kỷ thứ 7 ngay sau khi đấng Tiên tri Muhammad từ trần. Sau đó đã có lần lượt 3 vị được đưa lên làm giáo chủ, đến nay hệ phái Sun-ni vẫn thừa nhận các vị này. Nhưng cũng vào thời điểm đó phe Shi-a lại tôn Ali là con rể của Muhammad lên làm giáo chủ. Hiện nay Hồi giáo có khoảng 1.3 tỷ tín đồ trên thế giới, nhưng đa số là Sun-ni, thiểu số là Shi-a chỉ có 20% tổng số. Tín đồ Shi-a đông nhất ở nước Iran.
Giữa một bối cảnh phức tạp như vậy, một số vấn đề khẩn cấp được đặt ra. Câu hỏi đầu tiên là nước Iran sát bên Iraq có liên hệ gì đến bọn "Lính Trời" này không" Các chiến lược gia Mỹ có vẻ đã trả lời câu hỏi này từ trước. Mỹ đã thi hành những biện pháp xiết chặt Iran về hai mặt quân sự và kinh tế. Ngoài việc đưa thêm chiến hạm đến vịnh Ba Tư, Mỹ đã ra lệnh cấm bán ra nước ngoài những đồ trang bị của loại chiến đấu cơ F14 đã cổ không còn được dùng trong Không quân Mỹ, nhưng Iran vẫn sử dụng loại phi cơ này từ lâu. Ngoài ra Mỹ vận động các nước Á rập giầu có hạ giá dầu thô quốc tế, gây thiệt hại cho Iran, vì kinh tế Iran sa sút, chỉ còn biết trông cậy vào tiền bán dầu.
Trước đó chính quyền Teheran chính thức đề nghị nâng cấp quan hệ ngoại giao với Iraq, đồng thời tỏ ý sẵn sàng tiếp tay với chính phủ Maliki ở Iraq về việc bảo vệ an ninh cũng như việc huấn luyện lực lượng an ninh nhằm dẹp tan sự xung đột hệ phái ở Iraq. Ý đồ của Iran quá rõ, ai cũng thấy. Iran muốn thế chân Mỹ. Từ gần 4 năm nay, trên 3,000 quân Mỹ chết, hàng chục ngàn người bị thương, hơn 300 tỷ đô la đã bỏ vào mặt trận và việc phục hồi cho Iraq. Chẳng lẽ mất bao nhiêu xương máu tiền của như vậy rút cuộc là làm cỗ cho kẻ thù tọa hưởng kỳ thành hay sao" Cố nhiên Mỹ không đếm xỉa đến đề nghị của Iran, trái lại đã gây thêm áp lực và tìm mọi cách ngăn chặn việc Iran ngấm ngầm chuyển người và vũ khí bất hợp pháp vào Iraq để tạo thêm bạo loạn và chiến tranh hệ phái.
Câu hỏi thứ hai được đặt ra ngay trong lúc này là mức đáng tin cậy của Thủ tướng Iraq Maliki được đánh giá như thế nào" Maliki là người Shi-a Á rập ở Iraq. Ông đã được phe Shi-a của Giáo sĩ al-Sadr ủng hộ, vậy ông có làm việc vì sự an ninh và lợi ích của mọi người dân Iraq hay không" Hay ông làm việc vì quyền lợi của những người thuộc hệ phái Shi-a làm tay sai cho người Shi-a Ba tư ở Iran" Các giới chức quân sự Mỹ phản ảnh dư luận của người dân cũng như lập trường của Quốc hội Mỹ, đã tuyên bố kế hoạch Mỹ yểm trợ chính quyền Iraq tự đảm nhận trách nhiệm an ninh trong nước không phải vô hạn định trong thời gian. Ý nói Maliki nên tự lo lấy bản thân đi thì vừa.
Thời xưa làm báo ở Việt Nam, chúng tôi thích gọi Iran là "Răng", Iraq là "Rắc" cho gọn, nên mỗi khi nói đến chuyện "đụng độ răng rắc" nghe thật vui tai. Nhưng thời nay không phải chỉ có tay đôi song đấu mà có đến tay ba, nên phải nói là "Tam Quốc Răng-Rắc-Mỹ" cho hợp thời. Chữ Tam Quốc làm chúng tôi liên tưởng đến cuốn Tam Quốc Chí diễn nghĩa ở bên Tầu. Diễn nghĩa tức là có cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen hay cả "xổ Nho" nếu cần. Ở Trung Đông ngày nay Tam Quốc không còn diễn nghĩa gì nữa. Thời nói bóng nói gió hay chửi bới đã qua rồi. Bây giờ người ta "diễn nôm", nghĩa là sắn tay áo lên, lên gân tay nghe "răng rắc", để sẵn sàng phạng nhau. Thật đáng sợ vô cùng.