Cảm Nghĩ Về ‘Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư’
(Phát biểu của nhà văn Huy Trâm nhân buổi ra mắt tác phẩm "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" của nhà giáo Trần Văn Chi, ngày Thứ Bảy 16 tháng 9 năm 2006 tại Phòng Sinh Hoạt của nhựt báo Người Việt.)
Dễ thường lâu lắm, tôi mới lại được đọc một cuốn sách mang tánh chất hoài niệm quá khứ mà gieo buồn mam mác như cuốn "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư", vừa mới xuất bản của nhà giáo Trần Văn Chi.
Thực ra, đây là ba quyển sách Giáo Khoa dành cho ba lớp Đồng Ấu, Dự Bị và Sơ Đẳng bậc tiểu học do Nha Học Chánh Đông Pháp ủy nhiệm cho bốn nhà mô phạm tên tuổi thời bấy giờ (khoảng năm 1926- 1928) là các cụ Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận soạn thảo.
Bộ sách giáo khoa nầy nhằm mục đích giảng dậy bằng những bài luận văn thật ngắn, nói về luân thường, đạo đức trong đời sống gia đình và học đường cũng như ngoài xã hội.
Nhìn chung bộ sách mang nội dung lương thiện, dậy cho thiếu nhi cách sống cho hợp với đạo lý và đã được viết một cách giản dị mà duyên dáng, dễ hiểu, khiến ai đọc cũng thích. Tuy nhiên nó cũng có một khuyết điểm là các soạn giả, do hoàn cảnh bó buộc thời bấy giờ, thuộc Pháp, đã không nhắc nhở đến lòng yêu nước, dù chỉ trong một bài hay một đôi câu!
Từ ngày bộ sách ra đời đến nay, đã 80 năm trôi qua, kéo theo nhiều biến chuyển lớn lao, qua những thăng trầm và phế hưng của dòng lịch sử, vậy mà tác giả Trần Văn Chi vẫn đưa ra và triển khai từng bài một, điều nầy làm chúng ta phải suy nghĩ...
Chúng tôi thấy, động lực chính khiến Ông trở lại với bộ Luân Lý và Quốc Văn Giáo Khoa Thư là do lòng hoài niệm mãnh liệt với một quá khứ, trong đó, có cảnh sống của chính Ông và gia đình.
Ông coi những đoạn tả về cảnh sinh hoạt ở thời bấy giờ như "Anh em như thể tay chân", "Chọn bạn mà chơi" hoặc "Gia đình sum vầy buổi tối", "Kẻ ở người đi" v.v... là một phần của đời mình khi còn thơ ấu!
Thấp thoáng qua những trang sách "Tình Nghĩa Giáo Giáo Khoa Thư", Ông tìm thấy ngôi làng thân yêu cùng bóng dáng bà mẹ hiền tần tảo nắng sương trên con đường quê để nuôi mình. Ông tìm thấy hình ảnh của ngôi trường làng với thầy xưa, bạn cũ.
Sau lòng hoài niêm day dứt ấy là ý hướng muốn đề cao nền đạo lý cổ truyền mà bộ sách Giáo Khoa Thư đã rao giảng.
Xã hội hôm nay, dù có đổi thay nhiều nhưng trước sau cũng chỉ có một nền đạo lý cần tuân thủ. Không có chuyện mỗi thời đại có một nền đạo lý riêng. Đây là một điểm mà không một ai dám phủ nhận và cũng là điểm son của cuốn sách "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư".
Ngày hôm nay cho dù ở trên quê hương hay các xứ người, chúng ta vẫn trân quý và theo đuổi những giá trị tinh thần tàng ẩn trong phong cách sống và sự ăn ở. Càng đúng với lẽ đời, lẽ đạo càng đáng quý.
Riêng câu ngạn ngữ "Chân lý bên nầy rặng Pyrénées là sai lầm ở phía bên kia rặng" chỉ mang giá trị tương đối khi nói về phong tục và tập quán ở từng địa phương, từng xứ sở, chớ không liên quan đến phạm trù đạo lý.
Đọc tác phẩm "Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư" của Trần Văn Chi, nửa luận đề, nửa tùy bút này, chúng ta đã bắt gặp tấm lòng tha thiết với quê hương và niềm gắn bó với những vang bóng thời xưa của tác giả.
Chính hai điều này đã làm cuốn sách có giá trị.
Huy Trâm
Tháng 8 năm 2006
Ghi Chú: Muốn có sách xin vui lòng liên lạc với tác giả
Trần Văn Chi, email: tranvanchi@earthlink.net
Địa chỉ: 1911W 148 th ST, Gardena CA 90249.USA