Bài diễn văn của ông Bush nói với cả hai phe bạo lực: Như vậy là "đủ rồi", hãy mau tiến đến hòa bình. Sự thật sáng kiến hòa bình của ông Bush cũng chẳng có gì mới lạ. Ông kêu gọi Israel ngưng đánh chiếm các thành phố của Palestine và kêu gọi người Ả rập Palestine ngừng bạo động. Nhưng bài diễn văn của Bush có một lỗ trống to lớn. Ông không kêu gọi Israel phóng thích Yasser Arafat giữa lúc ông này bị khốn quẫn đã hơn một tuần trong một căn phòng cúp nước cúp điện, với chiến xa vây chặt xung quanh và chĩa đại bác vào đó. Sự thật Bush khó nói, vì trong bài diễn văn, ông đã lên án Arafat bằng một câu nói rất thấm thía: "Ông ấy lâm cảnh này là do chính ông ấy tự gây ra". Bush nhắc lại điều kiện đã từng nói để Arafat "ra khỏi cảnh này". Đó là Arafat và các nước Ả rập láng giềng "hãy cùng chúng tôi đưa ra một lời tuyên bố thật rõ ràng không chút úp mở đối với quân khủng bố: Tự mình làm nổ tan xác không có ích gì cho chính nghĩa Palestine, mà ngược lại chỉ làm nổ tan hy vọng duy nhất đẹp nhất về một quốc gia của người Palestine". Bush đã đi hẳn vào trung tâm của sự xung đột: mối hận thù giữa hai bên Do thái và Ả rập.
Tự sát bằng cách chết banh xác chỉ cốt để giết được thêm kẻ thù, trên thế gian này liệu có mối căm thù nào đến độ như vậy không" Những người Do thái đã làm gì để những người Ả rập Palestine thù ghét khủng khiếp đến thế, họ cũng nên tự xét. Chỉ có những người khác hành tinh (aliens) mới có thể ghét nhau đến độ đó, nếu căn cứ theo suy tư của các nhà văn khoa học giả tưởng. Nhưng Do thái và Ả rập đâu có phải là những người sống ở hai hành tinh khác nhau, trái lại cả hai đều xuất phát từ mảnh đất nhỏ Palestine ở Trung Đông trên hành tinh Quả đất này và họ đã chung sống bên nhau hàng ngàn năm.
Sự xung đột Do thái-Ả rập bùng nổ dữ dội sau khi dân Do thái từ các nơi trên thế giới đổ về lập quốc ở Palestine theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ năm 1947, ngay sau Đệ nhị thế chiến. Người Ả rập cho rằng dân Do thái không có nước, nay họ về cướp đất Palestine của họ để lập thành nước. Điều đó có thật không" Hãy ngược dòng lịch sử xa hơn nữa mà hỏi từ ngữ Palestine ở đâu ra vậy" Chữ Palestine xuất phát từ chữ Philistines, tên của một bộ tộc đã chiếm đóng miền Nam mảnh đất này 12 thế kỷ trước Công nguyên và luôn luôn xung đột với dân Hebrew, tổ tiên người Do thái cũng ở trên mảnh đất này, mà họ gọi là Canaan. Một Vương quốc Hebrew được thiết lập ở đây khoảng 1,000 năm trước Công nguyên, luôn luôn bị các bộ tộc khác đánh phá, sau họ chia làm hai nước: Judah và Israel. Nhưng rồi hai nước của người Do thái cũng bị tiêu diệt bởi sự xâm chiếm của các dân tộc xung quanh không thuộc dòng Hebrew. Người Do thái mất nước và đã phải chạy tứ tán từ đó. Sự phân tán này được gọi là Diaspora, cũng giống như những hạt giống rải đi khắp bốn phương. Nhưng cũng phải nói thêm vùng Trung Đông có rất nhiều bộ tộc sinh sống từ mấy ngàn năm trước và ở thời đại xa xưa đó, ý niệm quốc gia và dân tộc rất mơ hồ, chưa thể xác dịnh rõ rệt như ngày nay. Hơn thế nữa, chính mảnh đất Palestine đã nhiều lần đổi chủ, hết người La Mã chiếm vào đầu Công nguyên, lại đến các nước Ả rập nổi lên với Hồi giáo vào khoảng thế kỷ thứ 7 và đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman cai trị từ thế kỷ 16 cho đến thế kỷ 20. Vậy đất Palestine của dân tộc nào"
Bài diễn văn của Tổng Thống Bush không phải là một kế hoạch hòa bình mới, nhưng cũng có nhiều điểm đáng chú ý. Ông nói "đủ rồi, quá đủ rồi" vào lúc quân đội Israel dùng cả trăm chiến xa ào ạt và cấp tốc chiếm xong Nablus, thành phố lớn nhất của Palestine. Đúng là "đủ rồi" thật, vì sau Nablus còn có thành phố nào lớn nữa đâu. Từ thứ sáu tuần trước, khi khởi sự cuộc hành quân có tên gợi cảm "Lá chắn Bảo vệ", quân Israel đã lần luợt chiếm những thành phố và thị trấn sau đây của Tây ngạn: Ramallah, Tulkarem, Qalqilya, Bethlehem, Jenin, Salfit và Nablus, chủ yếu nhằm vào những nơi gọi là có hạ tầng cơ sở của khủng bố, kể cả những trại tị nạn của người Palestine. Đối lại Palestine đã đánh đến quả bom tự sát thứ 6.
Bây giờ Tổng Thống Bush yêu cầu Israel rút khỏi các thành phố Palestine nhưng không nói bao giờ phải rút. Đối với Palestine, ông Bush cũng yêu cầu ngưng đánh bom tự sát, nhưng lại cột vào đó một điều kiện có thể thi hành ngay. Ông yêu cầu Arafat phải công khai lên án khủng bố, với một ngụ ý quá rõ: đánh bom tự sát là khủng bố. Nếu Arafat lên án khủng bố, đó sẽ là một lệnh chấm dứt vĩnh viễn bom tự sát. Arafat làm như vậy sẽ là một thắng lớn của Mỹ và Israel, nhưng không chắc Arafat đã chịu đầu hàng nhục nhã khi chính ông đã quả quyết "sẵn sàng tử đạo". Tình thế chưa chín mùi chăng".
Hội Đồng Bảo An LHQ với số thăm nhất trí 15-0 ra lệnh cho Israel rút quân "không được chậm trễ". Vẫn không có thời hạn nhất định. Israel phúc đáp: Sẽ rút khi hoàn tất nhiệm vụ đã đề ra. Đặc phái viên Mỹ Zinni đã đến tận phòng quản thúc ở Ramallah để họp với Arafat trong 90 phút và còn họp nữa. Mỹ không gấp. Ngoại trưởng Colin Powell đến tuần tới mới đi Trung Đông. Có lẽ ông Bush còn chờ "người khác hành tinh" bay đi hết khỏi Quả đất.