Hơn nửa năm đã trôi qua, đột nhiên Mỹ mới nhìn thấy thứ vũ khí của mình đã han gỉ và có nhiều chỗ sứt mẻ. Sự thật nếu không có "một quả bom" báo động nổ trong nội bộ FBI, có lẽ người ta còn cố bưng bít, bao che vì thói quen ù lỳ bảo thủ, chỉ sợ bên ngoài nhìn thấy chỗ yếu kém nên mất giá. Quả bom đó là một tờ trình của một nhân viên cao cấp của FBI, bà Coleen Rowley, gửi thẳng đến Giám đốc Mueller và trao cho cả Quốc hội và báo chí Mỹ, trong đó bà vạch rõ FBI đã cố ý cản trở những biện pháp mà đáng lẽ ra có thể ngăn ngừa được vụ khủng bố ngày 11-9 năm ngoái. Bà Rowley đã được mời ra điều trần trước Ủy ban Thượng viện, trong khi đó Mueller nói bà được an toàn, không hề có biện pháp trừng phạt vì đã vạch ra lỗi lầm của cơ quan. Quả bom cáo giác đã vung ra nhiều mảnh, giống như một phản ứng dây chuyền và trong những ngày qua, trước khi Ủy ban Quốc hội mở cuộc điều tra, nhiều tiết lộ khác đã được báo chí Mỹ phanh phui.
Các giới chức Mỹ nói cả cơ quan tình báo CIA cũng có lỗi vì cơ quan này đã biết từ đầu năm 2000 có hai nghi can khủng bố là Almihdhar và Nawaf Alhazmi đã dự một cuộc họp của al-Qaida ở Singapore. Hai tên này đã dính líu vào vụ đánh bom tầu Cole của Mỹ ở Yemen. Nhưng CIA lại sơ xuất, không thông báo ngay cho các cơ quan bạn, để cho hai tên này ra vào Mỹ nhiều lần, rút cuộc cả hai đều ở trong số những tên không tặc đánh bom tự sát ngày 11-9. Nếu CIA đã biết như vậy, tại sao chờ đến ngày 23-8-01 mới thông báo cho FBI biết. Thời điểm đó cả hai tên không tặc đã có mặt ở Mỹ với chiếu khán chính thức. Hiển nhiên hai cơ quan FBI và CIA đã thiếu một sự liên lạc chặt chẽ, nếu không nói là thiếu tinh thần hợp tác. Có thể sự thiếu sót này đã bắt nguồn từ tình trạng không tin cậy lẫn nhau.
Tin tức tình báo là những tài liệu tế nhị, nguyên tắc ưu tiên của các cơ quan tình báo là phải bảo mật nguồn tin. Một tin tình báo thẩm lậu ra ngoài sẽ có nhiều nguy hiểm. Thứ nhất là kẻ địch sẽ thấy Mỹ đã biết những gì để từ đó thay đổi kế hoạch hành động. Và thứ hai, tin tình báo có thể làm tiết lộ nguồn tin, khiến kẻ địch tìm những nguồn sơ hở đó để bít kín bằng mọi cách, kể cả hạ sát để khóa chặt vĩnh viễn nguồn tin đó. Nếu CIA có nghi ngại FBI không bảo quản tốt nguồn tin, điều đó cùng không phải vô lý. FBI đã có vết cũ là để cho gián điệp nhị trùng Robert Hansen nằm trong nôi của mình suốt 15 năm mà không hề hay biết gì.
Trước ngày họp của Ủy ban Quốc hội, Tổng Thống Bush nói ngày nay FBI có sự liên lạc mật thiết hơn với CIA và cả hai đều chia sẻ cho nhau tin tức tình báo. Nhưng lời tuyên bố đó vẫn bị một vài giới trong Quốc hội tiếp nhận với một vẻ hoài nghi. Một nhân vật nói: "Sau mỗi cuộc khủng khoảng, chúng tôi vẫn thường nghe nói đến hợp tác, chia sẻ tình báo như một việc chưa từng có. Nhưng vấn đề thực sự là sự hợp tác có hiệu quả đến độ nào và tin tình báo có được khai thác hay không". Từ mấy chục năm qua FBI và CIA vẫn nổi tiếng là hay đá ngầm lẫn nhau, bên này đổ lỗi cho bên kia đã giữ chặt lấy tin riêng.
Nếu người trong nhà không chịu bảo cho nhau biết, có khi kẻ ở bên ngoài lại mách nước. Tổng Thống Ai Cập Mubarak nói một tuần lễ trước ngày 11-9 năm ngoái, giới tình báo Ai Cập đã báo động cho chính quyền Mỹ biết bọn bin Laden đã chuẩn bị đến giai đoạn chót để đánh vào một mục tiêu quan trọng ở Mỹ. Sở dĩ Ai Cập biết được tin này vì đã cài được một nội tuyến vào al-Qaida. Tin của Ai Cập không thể biết trước khủng bố đánh thế nào và đánh ở đâu tại Mỹ, nhưng lời nói của Mubarak cũng cho thấy lần đầu tiên một vị lãnh đạo nước ngoài đã cài được nội tuyến nằm trong tổ chức khủng bố. Vậy còn Mỹ thì sao"
Tin của USA Today cho biết tình báo Mỹ nghe được những thông tin liên lạc của al-Qaida nói đến một cuộc đánh lớn vào trước ngày 11-9 và điệp viên Mỹ đã xâm nhập được tổ chức này, nhưng tin liên lạc của al-Qaida cũng như báo cáo của nội tuyến vẫn không nói rõ ở đâu và lúc nào. USA Today cho biết sự tiết lộ trên bị vùi lẫn trong khoảng 350,000 trang tài liệu của CIA chuẩn bị tường trình trước ủy ban Quốc hội. Vẫn tin theo tờ báo trên, điệp viên Mỹ đã xâm nhập vào hàng ngũ al-Qaida và Taliban, dù không nậy được sự bí mật về vụ tấn công 11 tháng 9, nhưng cũng thu được nhiều manh mối cho thấy khủng bố nhằm đánh vào Mỹ. Nếu tin này đúng, người ta phải tự hỏi tại sao biết thế mà không thấy có sự báo động nào ở Mỹ trước ngày 11 tháng 9"
Tuần này lại có tin báo động bọn al-Qaida dọa sắp đánh nữa và đánh lớn hơn trước. Đề phòng là chuyện tất nhiên và cũng nên quen với cuộc sống lúc nào cũng có hiểm nguy ngay sát nách. Nhưng tôi có ý nghĩ rất quê mùa theo kiểu dân gian Việt Nam như thế này: Nếu nó đã nói trước, nó sẽ không đánh; nó không nói gì mới đúng là lúc nó sắp đánh.