Hôm nay,  

Dự Thi Người Việt Trên Đất Úc: Niềm Vui Trong Nỗi Buồn

27/05/200200:00:00(Xem: 4698)
Với một người trên đầu đã hai thứ tóc như tôi thì tình yêu và hạnh phúc trên đất Úc là một cái gì vừa ngoài tầm tay với, lại vừa có những thương đau hơn là hạnh phúc. Nhưng có hạnh phúc nào mà không có thương đau và có thương đau nào mà không tiềm ẩn những mầm mống của hạnh phúc, phải không các bạn" Hưởng ứng cuộc thi của báo Sàigòn Times, hôm nay tôi xin mộc mạc kể lại cuộc tình của tôi trên đất Úc, tuy có hạnh phúc, nhưng xem ra khổ đau vẫn có phần nhiều hơn... Hy vọng, sau khi đọc chuyện của tôi, các bạn sẽ thấy mình may mắn hơn tôi...

Vợ chồng tôi đến Úc vào cuối thập niên 1980. Khi đó, chúng tôi đã có hai đứa con trai và một đứa con gái. Hai đứa con trai tôi có trước ngày đi cải tạo nên khi sang Úc chúng đã lớn, cao to tồng ngồng như hai con đười ươi. Đến Úc được ăn uống đầy đủ, chúng phổng phao to lớn như thổi. Nhìn hai đứa nó ăn, uống, chơi tạ, bắp thịt lên cuồn cuộn, tôi cứ nghĩ thương cho dân tộc Việt Nam mình. Thiệt tình, ngày xưa ngó tụi Mỹ to con, da đỏ như gà chọi, tôi cứ thấy như là tụi nó được trời thương hơn dân mình. Giòng giống nó tốt, nên to con, da trắng, đứa nào đứa nấy thông minh, khôi ngô hơn mình nhiều lắm. Bảo các dân tộc sinh ra đều bình đẳng, nhưng đó là nói theo lối nói đa văn hóa, nói cho đẹp lòng nhau để khỏi nổi loạn, khỏi đánh đập lẫn nhau, chứ trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ tụi tây phương nó được trời ưu đãi hơn mình nhiều. Thì cũng giống như người mình đi ra chợ bảo mua con heo con gà, cũng biết chọn con nào to béo, thịt chắc, lườn lẳn, chứ đâu có thể bảo tất cả mọi con gà, mọi giống gà chúng đều giống nhau được.

Cứ xem như con chó, có giống chó tinh khôn, to cao, có giống nhỏ bé chỉ sủa vặt, thiệt là vô tích sự. Tôi nghĩ người cũng vậy. Nhưng đó là chuyện tôi nghĩ ngày xưa. Còn bây giờ, ngó mấy thằng con tôi to cao không kém gì tụi Úc, tôi mới thấy trăm sự tại cái ăn cái uống và cái nhàn. Ăn nhiều, uống lắm, toàn đồ ngon, lại được nghỉ ngơi đầy đủ thì sao không to lớn cho được. Hai thằng con tôi chỉ sang Úc có mấy năm trời mà nó cao hơn tôi một cái đầu. Cứ cái đà này thì mai sau, con cháu của chúng đâu có thua gì Mỹ, Úc... Chả trách, mấy thằng da đen ở châu Phi bị buôn nô lệ sang Mỹ, thằng nào cũng thước tám hai thước. Còn những thằng da đen khác ở lại thì đến giờ vẫn còi cọp, gầy gò ốm yếu...

Nói vòng vo tam quốc chuyện nọ dính chuyện kia, tí nữa thì quên chuyện chính là đứa con gái của tôi nó sinh sau khi tôi đi cải tạo về. Cũng tính là chẳng có nó làm gì. Mình thân tù tội. Nhà cửa lại mất thì có thêm con chỉ thêm cực. Nghề nghiệp của cải chẳng còn cái gì thì rồi cũng buồn bã, nên tối ngày khi ở trại cải tạo về, chẳng có gì làm, thấy cũng ngượng ngùng với con vợ. Vợ tôi ngày ấy nó đảm đang thì thôi, một tay chèo chống, buôn bán đủ thứ, từ xăng dầu, đến thuốc tây, vải vóc, sách vở, phe phẩy nuôi chồng nuôi con. Mà cấm có cho chồng làm cái gì. Bảo bà ấy thương tôi thì cũng không đúng, nhưng tính bà ấy độc đoán nó quen rồi. Độc đoán từ hồi bả còn sống với bố mẹ cơ đấy. Vì thế nên khi bả về nhà chồng, cái tính đó làm sao gột rửa cho được. Nhất là cái thằng tôi làm chồng mà cứ đi tối ngày, trăm sự ở nhà trong bàn tay bà, nên bà lại càng được thể. Tôi vào bếp là bà đuổi ra. Tôi vô nhà có đụng tay đụng chân vô bất cứ cái gì, bà cũng la lên bảo để đó bà làm. Mà tôi có làm thì bà cũng làm lại. Từ nồi niêu soong chảo, chén đũa, rửa ráy hay quét nhà, tôi làm xong là bà lôi ra làm lại, vừa làm vừa càu nhàu.

Ai lại chẻ có khúc củi, tôi chẻ xong là bà lại đem ra chẻ lại. Riết rồi bà muốn làm thì cho bà làm, mình càng nhàn. Nhưng nhàn rồi thì mới biết, cái người bận rộn bao giờ cũng làm chủ, còn thằng ở nhàn bao giờ cũng nể thằng bận rộn. Đi cải tạo về, tiền bạc đã không có, nghề nghiệp cũng không, chỉ biết ăn bám vợ, rồi lại hưởng nhàn, không thèm động chân động tay vào bất cứ chuyện gì, thì đâm ra càng ngày càng sợ vợ một phép. Chân tay dư thừa, thấy vợ bận rộn thì thương, nhưng chẳng giúp đỡ được vợ điều gì. Đấy tôi cứ bứt rứt như vậy mà rồi đâm chịu khó "ấp ủ" vợ đều đều mỗi khi vợ hở chân hở tay ra... đòi yêu. Thế là bả "dính" bả có bầu lúc nào chẳng ai hay. Lúc bà có bầu thì tôi đã gần 50 mà bà thì cũng đã ngoài 40 rồi. Ở bên Úc này mà vậy là mấy mụ y tá bác sĩ hè nhau khuyên mình phá thai vì sợ đẻ con quái thai. Nhưng ở Việt Nam, già đầu mà có con thì lại mừng "lão bạng sinh châu"... Thế là đẻ ra đứa con gái, hai vợ chồng cưng thì thôi. Mà từ khi đẻ ra nó thì bà xã tôi lại đốc chứng, lười chảy thây chảy xác, nấu nướng cũng lười luôn. Thôi thì cũng là chuyện bù trừ. Cả ba chục năm trời, vợ hầu mình, nay có được mụn con gái, mình hầu vợ hầu con cũng là cái sung sướng ở đời. Chả vậy mà anh hùng trong thiên hạ ai cũng thích được ngồi kẻ lông mày cho vợ...

Đến khi hai vợ chồng sang Úc cùng với ba đứa con, tôi mới thấy bả xã nhà tôi càng ngày càng khó tính, đốc chứng đốc tật thôi thì đủ cả. Hết chuyện bả nghe thằng em vợ đi kéo máy riết rồi đâm mê lúc nào không hay. Thôi thì mấy cái pub, cái club ở chỗ nào, thắng thua ra làm sao, bà ấy thuộc hết chơn. Tiền bạc thì chả có, mà cứ thấy bả đi theo thằng em, tôi buồn, tôi bực nhưng cũng không dám nói, vì nể sợ bà nó quen rồi. Cái thời trước 75, tôi cũng là thằng chồng chì lắm, liếc vợ một cái là bả biết ý liền hà. Ngày ấy bảo nể vợ thì có nể nhưng bảo sợ vợ thì tuyệt nhiên là không. Nhưng đi cải tạo về thì chẳng biết sao, mình đâm ra sợ đủ thứ. Đi đường gặp thằng con nít nó thổi còi cũng giật mình. Gặp ai đôi co ngoài đường ngoài phố là mình tìm đường lỉnh, chứ chẳng dám bước tới hỏi han, nghe thiên hạ phân trần rồi giải quyết rồn rột như hồi trước 1975. Thì sống trong trại cải tạo, mấy thằng cán bộ, quản giáo, chúng nó vừa dốt, vừa bẩn mà nó vẫn vỗ ngực tự xưng là đỉnh cao trí tuệ mà mình vẫn nhún nhường tâng bốc chúng nó thì làm sao khi ra xã hội, mình không giống con chim trúng tên sợ cành cây cong cho được...

Thấy bả xã tôi càng ngày càng trở chứng như vậy, mấy đứa bạn tôi khuyên tôi ly dị, đời sống chẳng được bao lâu mà phải bóp mồm bóp miệng chiều một mụ vợ mê cờ bạc làm gì cho khổ. Nghe chúng nó khuyên, tôi giẫy nẩy lên. Tôi bảo chúng nó, làm thằng chồng đi cải tạo được vợ lặn lội nuôi nấng thì dù một ngày cũng phải đền ơn vợ suốt đời. Tôi nói nguyên văn như vậy, nói sai có trời làm chứng. Cũng tưởng nói chơi với mấy thằng bạn như vậy là xong. Vậy mà không hiểu sao đến tai bả, lập tức bả bỏ kéo máy cái oạch. Thiệt nói thì chẳng ai tin, nhưng đúng là như vậy. Cái cô làm việc xã hội, chuyên về chống cờ bạc, thấy vợ tôi bỏ ngang xương cái đùng như vậy, ngạc nhiên lắm, cứ hỏi tôi bí quyết nào mà bả được vậy. Tôi nói, cô ta chẳng tin, cứ bảo tôi có bí quyết hay thuốc gì..

Thấy bả bỗng dưng hết kéo máy, hết đánh bài đánh bạc, tôi mừng quá... Thôi thì được vậy, chồng con cũng được nhờ. Nào ngờ, hết tật này thì bà lại quay sang đủ thứ tật khác. Chuyện dài dòng lắm, cứ thong thả để tôi kể cho mà nghe. Cái tật đầu tiên là bả nhất định không cho tôi ra khỏi nhà. Đi đâu một tí là có chuyện, khỏi nói đến ăn nhậu, chơi bời, đàn đúm thì còn chết nữa. Đúng là người già, thêm tuổi là thêm tật. Bả hành hạ tôi đủ điều. Mà nói của đáng tội, có nhiều chuyện lạ, tôi chẳng hiểu làm sao được nữa. Ngày trước, bả cũng là dân nấu nướng có hạng, từng dậy cho con cháu nội ngoại cách nấu nướng, làm đồ nhậu, đủ thứ cả. Món bò 7 món mà bà đã làm thì tiệm Ánh Hồng phải thua xa. Phở bà đã nấu thì không có tiệm nào bằng. Đó là chuyện thật, chứ không phải là mèo khen mèo dài đuôi đâu...

Ngày trước bà nấu nướng giỏi vậy, mà sau này chẳng hiểu sao quanh đi quẩn lại bả cũng chỉ cho tôi ăn hết món thịt kho nước dừa thì lại đến nước dừa kho thịt. Mà đâu có phải là mỗi ngày mỗi kho đâu. Bả kho một nồi thịt như vậy là để ăn cả tuần lễ, hay đến khi thiu mốc thiu meo ra rồi thì mới có chuyện đổ đi cho chó cho mèo. Rau cỏ thì cũng vậy, ngoài vườn bả trồng được thứ nào thì ăn thứ đó, cấm có mua bao giờ. Nói mãi thì tôi cũng đành chịu chứ biết nói gì bây giờ. Bả thì ăn chay nên thế nào cũng được. Chỉ khổ cho người ăn mặn đã sống với người ăn chay lại không có trong tay chùm chìa khóa nên trăm sự phải dựa vào bà, thiếu thốn trăm bề...

Trong nỗi thiếu thốn ngược xuôi như vậy, cái già nó thì xồng xộc theo sau lúc nào không hay. Mới đó, khi đặt chân đến Úc, tôi còn phong độ ngang tàng của một gã đàn ông ngoài tam thập. Mà thấm thoát đã 45 tuổi khi thằng con trai lớn của tôi ra ở riêng. Sau ngày cưới vì nó phải đi làm ở tận dưới Melbourne, xa nhà cả mấy ngày xe, vì ở dưới đó hãng xưởng người ta cần, người ta trả lương bổng gần gấp đôi so với trên này. Thôi thì nước chạy xuôi chứ có bao giờ nước chảy ngược. Cha mẹ lo cho con bằng giời bằng bể, đến khi chúng đủ lông đủ cánh thì chúng bay đi lập tổ uyên ương. Nhất là ở bên này, chúng nó lớn lên học hành ở đây nên bao giờ chúng cũng nghĩ cha mẹ già thì đã có chính phủ lo. Chúng nó đâu có hiểu, chính phủ lo là lo cái chuyện cơm ăn, áo mặc, nhà cửa để ở, chứ đâu có thể lo lắng chuyện yêu đương tình cảm hiếu thuận như con cái lo cho cha mẹ ở Việt Nam được. Ngày thằng con trai lớn của tôi dọn đi Melbourne sau cái đêm cưới thật tưng bừng và nhộn nhịp, tôi buồn quá. Nhớ trước 1975, có nhà thơ Thanh Nam viết bài thơ lâu quá rồi tôi không nhớ tên, chỉ còn nhớ được mấy câu mà tôi thích, không ngờ lại hợp với hoàn cảnh của tôi lúc này:

Bốn mươi lăm tuổi rồi sao"

Ngó gương xưa thấy tóc râu rối bù

Trán hằn dăm lũng ưu tư

Cuộc chơi trần thế chừng như mỏi mòn

Sóng nhồi, thác đẩy, mưa tuôn

Đời như cuối hạ, mộng còn đang xuân.

Sau khi thằng con cả tôi dọn xuống Melbourne, tôi thấy buồn như mất một phần thân thể của mình. Con nào cha mẹ cũng thương, nhưng nó là đứa sinh ra trong nghèo khổ, túng bấn, mà tôi thì lại ở xa. Chiến tranh lúc đó liên miên, nên gia đình phải dọn từ ngoài Nha Trang vào Sàigòn. Ở Sàigòn thì đắt đỏ, phải chạy ra nhà bà dì họ ở Vũng Tàu tá túc cả nửa năm trời. Nghe bả xã nói thì thật tội. Đêm đến nó đói sữa nó khóc, bả xã nhà tôi cứ nhét vú vô cho nó đừng khóc, chứ ăn uống đâu có gì thì lấy đâu ra sữa cho nó bú. Phải làm vậy vì sợ ông dượng già thức giấc nửa đêm là ông chửi mất mặn mất nhạt. Mình ở nhờ, tiền bạc không phải trả thì đành cắn răng mà chịu chứ biết làm sao hơn. Những năm tháng đó, thấy nó còi cọp, người cứ dài ra như cây gậy, cứ ngỡ nó chẳng bao giờ lớn nổi. Vậy mà bây giờ nó phổng phao thì thôi... Thiệt cứ nghĩ đến nó là tôi thấy biết ơn nước Úc. Đúng là có từng trải trên cõi đời này, tôi mới thấy thấm thía, đôi khi những người dưng nước lã, không ruột thịt, có khi chẳng cùng chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, mà sao thân thiết, giúp đỡ mình quá chừng chừng...

Tiện đây tôi cũng nói thêm chuyện này nữa để qúy vị thấy nhiều khi thà nhờ người dưng còn hơn nhà vả người thân. Chuyện thật 100 phần, tôi nói dối phải tội đó. Khi tôi làm việc cho hãng Ford (ở tận dưới Sydney lúc tôi mới sang), tôi có quen một người bạn. Anh ta kém tôi vài tuổi, nhưng khoái nghe chuyện chiến tranh nên lúc nào cũng coi tôi như anh hai của ảnh. Quen thân rồi mới nghe ảnh kể chuyện ảnh mượn tiền của ông cậu ruột để mua nhà. Ông cậu thì có lò bánh mì, tiền bạc ra vô cũng dễ nên ông cho thằng cháu mượn với điều kiện thằng cháu phải trả tiền lời y hệt như ngân hàng. Phải tội thằng bạn tôi (tức là cháu của ông) chữ nghĩa tiếng Anh tiếng u không rành nên ngại không muốn ra ngân hàng mượn tiền lôi thôi. Thế là nó chịu mượn tiền của ông cậu, có ký giấy tờ đàng hoàng.

Sau khi mua được nhà, cả hai vợ chồng nó chịu khó cầy ngày cày đêm. Tiền lương, tiền may vá thêm, được bao nhiêu là cả hai vợ chồng chỉ giữ lại đúng 100 đô (đồng đô Úc lúc đó lớn lắm, bằng rưỡi đồng Mỹ đó) còn lại bao nhiêu trao hết cho ông cậu ruột. Tiền mượn thì ký nhận, mà tiền trả mỗi tuần thì chẳng ai ký cái gì sất. Nhà thời đó mua rẻ, chỉ sáu, bảy chục ngàn là có căn nhà ngon rồi. Đến khi giá nhà tăng vọt, thằng bạn tôi bán, lời gần gấp đôi, ông cậu ruột liền nhảy vô đòi thằng bạn tôi phải trả phần tiền lời chỗ ông cho mượn. Vậy có kỳ lạ không. Ông ta bảo cái đó cũng giống như chính phủ lấy thuế tiền lời đầu tư vậy đó. Thằng bạn tôi sợ ông cậu nên cãi cọ qua lại một đôi lần, rồi nó cũng cắn răng trả cho ông ta hai mươi mấy ngàn đồng. Cũng vì chuyện tiền bạc phải trả cho ông cậu lúc đó mà hai vợ chồng nó gấu ó, suýt ly dị đó. Nghe đâu hai người đã ly thân được gần một năm rồi vì con vợ nó ra gặp luật sư đàng hoàng mà, may là nếu không có bà mẹ vợ qua thì chắc hai bên đường ai nấy đi rồi. Chuyện xảy ra ngày đó, mà sau này đến cả chục năm, hễ gặp họ hàng từ Việt Nam qua, bất cứ ai, ông cậu cũng bô bô bảo là làm ơn làm phước cưu mang cho gia đình thằng cháu nên chúng mới có cái nhà mà ở đàng hoàng, chứ không thì cả đời chúng cũng chỉ ở flat. Rồi mỗi khi gia đình ông cậu có chuyện giỗ chạp, đình đám, ma chay cưới hỏi, hay ở Việt Nam có chuyện gì xảy ra là nhất nhất ông ta gọi thằng cháu qúy hóa lại bắt đóng hụi chết. Thằng bạn tôi mà ngần ngừ, xin khất một hai tuần để lo liệu là lập tức có chuyện. Cả cậu ruột lẫn mợ dâu nó đều sa sả lên lớp tình nghĩa họ hàng, hoạn nạn đùm bọc, tắt lửa tối đèn, giọt máu đào hơn ao nước lã, một miếng khi đó bằng gói khi no... Về sau, ông T. cũng mang tiền về Việt Nam buôn gỗ hay buôn đồ đạc gì, thua lỗ hết tất cả, nhưng đó là chuyện riêng tư của ổng nên tôi không kể ra đây làm gì.

Chuyện đáng tội, thì quả tình thằng bạn tôi lúc đó mượn tiền của ông cậu để mua nhà rồi sau này nó bán nhà có lời thật. Nhưng thời đó, thiếu gì người cũng mượn tiền ngân hàng rồi mua nhà, bán nhà có lời cả trăm ngàn, mà đâu có thấy ngân hàng họ kể công kể ơn gì đâu. Đó, cái công cái ơn do tình thân nó bao giờ cũng giằng dai, ngoắt ngoéo khiến mình sa lầy, rạnh ròi mọi chuyện thì mất tình mất nghĩa, mà cứ im lặng thì thiệt đến xương đến thịt...

Như vậy sống ở Úc sướng hay khổ" Tôi cũng không rõ nữa, nhưng câu trả lời đúng nhất có lẽ là có sướng có khổ. Trong khổ có sướng, trong sướng có khổ. Nhưng nói vậy chả hóa đánh đồng tất cả, và như vậy thì vượt biên làm gì cho nó khổ" Đúng ra, tôi thấy sống ở Úc sướng nhiều hơn khổ. Ước gì, mình kéo được nước Úc về VN thì hay biết mấy"!

Phạm Văn Hải

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.