Trong dịp Tết Nguyên Đán, các bạn thiếu nhi ăn nhiều quá, chơi nhiều quá nên không ai chịu làm thơ gửi cho Mỹ Lan. Mỹ Lan phải "cầu cứu" Ông La Fontaine, để gửi tới các bạn một bài thơ ngụ ngôn, do cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra Việt Ngữ.
CON LỪA
VÀ CON CHÓ CON
Tài tự nhiên, xin ai chớ ép,
Gượng nên công có đẹp mẽ gì"
Mấy đời những đứa ngu si,
Làm ra mặt thiệp nó thì nên duyên.
Ai cũng mến là "thiên chi phó",
Bẩm sinh ra sẳn có mấy người.
Ai tài thì cũng mặc ai,
Lừa ngu, chuyện nọ, là bài dạy khôn:
Gã lừa ấy đến hôn ông chủ,
Nghĩ thầy ta há phụ không yêu!
Chó kia phỏng lớn bao nhiêu,
Ông, bà bữa sớm bữa chiều cho ăn.
Lại có lúc quá thân hôn hít,
Lại có khi quấn quít xoa đầu,
Trò vè phỏng có chi đâu.
Chỉ giơ chiếc vó, gâu gâu một hồi.
Đùa bỡn có thế thôi mà quí,
Còn ta đây động tí thì đòn,
Rầy ta, há lại không khôn,
Cũng là như rứa phỏng còn khó chi.
Nhân thấy chủ đang khi đắc ý,
Lừa ta bèn rủ rỉ đến bên:
Móng chân cùn cụt đưa lên,
Vuốt cằm ông chủ mà rên một hồi.
Chủ vội thét: Lừa toi. Quái lạ!
Đem gậy đây, sửa gã một phen.
Nói rồi cầm gậy đả liền,
Để lừa rối rít như điên như cuồng.
Thế là thôi hết tấn tuồng.
(trích bài "L" âne et Le Petit Chien
trong Les Fables De La Fontaine,
Nguyễn Văn Vĩnh dịch)
Gửi ý kiến của bạn