Cầu nguyện -- đối với người lớn, vị trí thức, hay nhà thần học, là “sự nâng tâm hồn lên cùng Thượng ĐÐế”, là “tương quan tình yêu giữa đương sự với Đấng Thiêng Liêng”, là “liên lạc, câu thông với Cha trên trời” v.v… Nhưng cầu nguyện là gì đối với một em bé" Đó chỉ là “xin”. Vâng, khi còn bé, chúng ta phải hoàn toàn lệ thuộc, tùy thuộc vào cha mẹ của mình, cần gì chỉ việc xin. Điều này đúng với lời dạy của Chúa Giêsu: “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ thấy, hãy gõ sẽ mở”. Ðây là những lời hứa sự thật. Đức Chúa Trời, hay Ông Trời, không bao giờ cho người ta “ăn bánh vẽ”!
Sáng hôm nay tôi đọc được một phóng sự đã gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn mình, tựa đề “Lời Cầu Nguyện Của Bé L” do Việt Khuê viết mà tôi chép lại để chúng ta cùng thưởng thức và suy nghĩ trong những ngày đầu năm mới này:
“Con muốn được đi học, con muốn được làm cô giáo”… Đó là ước mơ của bé L, 6 tuổi, bị nhiễm HIV/AIDS, hiện được nuôi dưỡng tại Nhà Hy Vọng, số 55/7 đường Bình Long, quận Tân Phú, TP.SG.
8 giờ sáng 25-12-2003, bốn bạn nhỏ của Nhà Hy Vọng (là các trẻ đường phố bị nhiễm HIV/AIDS) đã cùng giáo dục viên Hoàng Lan Duy Linh lên xe về Đồng Nai để dự “Noel xuyên tỉnh”. Sau khi tắm rửa, ăn tối cùng gia đình anh Linh, các em “diện” những bộ quần áo đẹp nhất để đi tham quan Hố Nai. Bé L, bị nhiễm HIV/AIDS từ trong bụng mẹ, đêm ấy trông thật dễ thương với chiếc váy và đôi giày trắng tinh. Đến trước nhà thờ Kẻ Sặt, bé L đang được anh C cõng trên lưng bỗng đòi cho xuống. Bé chạy ra hang đá, miệng lẩm bẩm cầu nguyện. Nhìn hình dáng nhỏ bé, thánh thiện của L, mọi người xung quanh đều chú ý. Cầu nguyện xong, bé L lại chạy tung tăng đến đòi anh C cõng tiếp.
- Bé L cầu nguyện gì mà bí mật thế" Chúng tôi hỏi.
- Con cầu được đi học đó mà! Bé đáp.
Lời nguyện cầu thật đơn sơ, bé nhỏ nhưng khi nghe bé hồn nhiên nói ra, tất cả chúng tôi đều ứa nước mắt. Cha mẹ và anh của bé L đã qua đời do căn bệnh AIDS hồi năm 2001. Bé được chương trình Thảo Đàn đón về Nhà Hy Vọng để nuôi dưỡng. Sau hai năm, đến nay bé đã đến tuổi vào lớp 1. Hàng ngày, các giáo dục viên – anh Hoàng Lan Duy Linh và chị Trương Hồng Tâm, cùng các bạn nhỏ của Nhà Hy Vọng đã cầm tay dạy L tập tô, tập viết, tập đếm số, tập đọc… tại nhà. Thế nhưng mỗi khi nhìn các bạn nhỏ trong xóm được cha mẹ chở đi học, bé L rất thích và lại đòi được đi học như các bạn khác…
Không chỉ bé L, tất cả các thành viên trong Nhà Hy Vọng đều mong muốn bé được đến trường, được hòa nhập với các bạn đồng trang lứa, được phát triển bình thường về mặt tâm lý tuổi thơ. Các giáo dục viên của Nhà Hy Vọng đã tìm cách liên hệ với Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS ở Tam Bình, Thủ Đức, để xin cho bé L được theo học tại lớp 1/8 dành cho trẻ bị nhiễm HIV/AIDS. Tại đây, họ được hướng dẫn các thủ tục cần thiết để L được đi học: làm công văn có sự xác nhận của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội (LĐTBXH) TP.SG, sau đó chuyển đến Trung tâm. Liên hệ với Sở LĐTBXH, họ được yêu cầu đưa hồ sơ về phường và quận chứng nhận trước. Nhưng câu trả lời của các địa phương liên quan lại là: “Trường hợp này mới mẻ quá, chúng tôi không quen giải quyết!” Các giáo dục viên đành mang hồ sơ trở lại Sở LĐTBXH TP.SG. Một lần nữa, họ lại bị từ chối vì bé L là “người của tỉnh khác”, nên cần phải có Sở LĐTBXH tỉnh Bình Dương xác nhận lại toàn bộ hồ sơ, lý lịch của bé L… Đưa bé L quay về Sở LĐTBXH Bình Dương, chị Tâm lại tiếp tục bị từ chối vì Sở cho rằng gia đình bé L không có hộ khẩu, không biết từ đâu đến Bình Dương thuê nhà ở trọ, nay cha mẹ bé đã chết nên Sở không thể chứng nhận gì cả vào hồ sơ này. Chuyến ấy, chị Tâm chỉ có thể chở bé L ra thắp cho cha mẹ bé nén hương rồi cùng mang hồ sơ về lại thành phố.
“Con muốn được đi học, con muốn được làm cô giáo” – bé L luôn ước mơ như vậy. Thật tội, vì cho đến nay, việc xin cho bé được đi học tại lớp 1/8 vẫn đang “nằm ở ngõ cụt”. (VietNam Net, mồng 5-1-04)
Tại quê nhà hôm nay dưới chế độ xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản độc tài toàn trị, biết bao nhiêu nhu cầu chính đáng của người dân thấp cổ bé miệng phải “nằm ở ngõ cụt”! Cùng trong ngày thứ hai mồng 5-1 (giờ VN), tại Hà Nội, đảng cộng sản VN đã tổ chức Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khóa IX). Trong phần phát biểu tại phiên khai mạc, tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nhấn “mạnh”: Một trong những chương trình nghị sự quan trọng của hội nghị là bàn việc đẩy “mạnh” hơn nữa cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng; gắn cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn đảng với cải cách hành chính, làm trong sạch bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước.
Những ai đã có kinh nghiệm về cộng sản VN, đọc những lời huyễn-hoặc này chỉ thấy “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!” mà thôi. Nếu đảng cộng sản VN thực hiện đúng đắn những đường lối, các chính sách rất đẹp đẽ qua lời của tổng bí thư trên đây, thì chúng ta quả thực đã có một “thiên đường cộng sản” từ năm 1954. Hơn một triệu đồng bào miền Bắc trong đó có tôi là một trẻ em lúc ấy, tội gì phải rời bỏ thiên đường hạnh phúc ấm no, để gồng gánh vào Nam.
Trở lại câu chuyện về bé L, tình cảnh của em rất đáng cho chúng ta tỏ lòng yêu thương em. Ðồng thời tôi vô cùng khâm phục và ngưỡng mộ tấm lòng cao cả của anh Duy Linh và chị Hồng Tâm. Họ không phải là tu sĩ, họ chỉ là người thường. Ở ngoài đường gặp họ, không ai biết họ là ai. Họ cũng không phô trương việc làm của mình. Họ chỉ âm thầm tận tụy giúp đỡ tha nhân, cách riêng chăm sóc các trẻ em bất hạnh, bằng việc quên đi hạnh phúc của chính bản thân mình.
Họ đã thành lập Nhà Hy Vọng từ tháng 9 năm 2001, bắt nguồn từ chương trình Thảo Đàn lo cho trẻ em đường phố, xuất phát từ tấm lòng của các sinh viên khi chứng kiến các em nhỏ sống lang thang ở vỉa hè, công viên, gầm cầu, vừa vất vưởng đói khổ, vừa mù chữ… Thoạt đầu chỉ có 3 tình nguyện viên, tự đặt tên là nhóm Thảo Đàn, tập hợp một số em nhỏ 1 lần/tuần vào các ngày chủ nhật để sinh hoạt, vui chơi, dạy học cho các em tại Thảo cầm viên, và sau đó là Công viên Tao ĐÐàn. Ba năm sau, vào năm 1992, thu hút được rất nhiều tình nguyện viên, nhóm Thảo Ðàn bắt đầu thuê nhà, đón các em bụi đời đường phố về nuôi dưỡng, cho đi học, giáo dục, khuyên bảo các em tránh xa nguy cơ trở thành tội phạm. Cũng vào năm ấy, chương trình chăm lo trẻ em đường phố Thảo Đàn chính thức được hình thành. Chương trình Thảo Đàn gồm 3 dự án nhỏ:
1. Trung tâm tạm trú: Nơi để các em đường phố có thể đến ở tạm thời; nếu không thích, các em có thể tự do ra đi.
2. Nhà an toàn: Nơi nuôi dưỡng trẻ em đường phố có quyết tâm xa rời cuộc sống lang thang để trở thành những người có ích cho xã hội. Ở đây, các em được nuôi dưỡng, ăn học và được bảo vệ về mặt pháp lý.
3. Nhà Hy Vọng: Nơi dưỡng nuôi trẻ em đường phố bị nhiễm HIV/AIDS, hiện có 5 em. Tại đây, các bạn nhỏ được săn sóc chu đáo về mặt y tế, được uống thuốc đều đặn, ai có bệnh được đưa đi khám chữa ngay. Nhờ vậy, sức khoẻ của các em khá tốt. Kinh phí cho hoạt động của dự án đều do tấm lòng của các nhà hảo tâm giúp đỡ.
Trong 3 lần về thăm Quê Hương mến yêu, vào các năm 1996, 1997 và 2001, tôi đã được chứng kiến rất nhiều người – không kể các vị nam nữ tu sĩ của các giáo hội, đã hy sinh, xả thân phục vụ những người già yếu, phong cùi, các cô nhi và tật nguyền. Tại quận 3 ở Sàigòn, tôi đã được đến thăm mái nhà tình thương, nằm ở trong hẻm đàng sau thánh đường Vinh-Sơn, do chị Đơn đảm đang nuôi nấng các bé thơ côi cút và các em bơ vơ, bằng việc hàng ngày chị phải vất vả đẩy xe ba gác đi thu mua và bán ve chai, để trả tiền thuê nhà hàng tháng và mua thực phẩm cho các “thành viên” trong gia đình thiêng liêng, nhưng như là ruột thịt của chị vậy.
Viết xong những dòng này, tôi đã gửi quà lì-xì cho bé L, cùng với lời cầu nguyện cho em được Thượng Ðế chữa lành căn bệnh ngặt nghèo mà em vô tội bị mắc phải từ trước khi mở mắt chào đời. Xin cho ước mơ dễ thương của em – “Con muốn được đi học, con muốn được làm cô giáo” thành sự thật trong năm nay. Bạn đọc muốn giúp bé L và Nhà Hy Vọng, xin gủi về chị Trương Hồng Tâm, theo địa chỉ ghi ở trên. Chân thành cảm tạ quý vị Ân Nhân.
* LM. Joseph Nguyễn Thanh Sơn, DCCT (San Jose, CA, Jan. 5-04)