CÁI TÁT ĐÁNG ĐỜI
Trương Ngọc Bảo Xuân
Bỏ hát đâu mà được"
Còn để đó giống như những con vi khuẩn bịnh thương hàn trong cơn bất động đợi chờ môi trường thuận tiện mà.
….
Sao cái hồi mình cở tuổi mười mấy đó, ngày tháng thấy dài quá dài hà.
Mấy tiếng đồng hồ ngồi trong lớp cái đồng hồ làm như nó đứng một chỗ.
Còn bài vở nữa!
Mắc cái chi mà, cộng trừ nhơn chia đủ ăn tiền rồi, chẳng hạn như mình ra đời, đi làm lãnh bao nhiêu đó lương, xài hết nhiêu đó, còn lại nhiêu đó, dễ ợt.
Tại sao bắt phải học đại số với tiểu số, hình học với vật lý chi cho rắc rối"
Tìm số đo của hình tam giác được rồi, sao bắt phải tuởng tượng vẽ lan ra ngoài khung, rồi bầy đặt ra hình học không gian làm chi cho khó thấy mồ!
Dòm vô bài toán tui thấy tòan là đồ rê mi fa sol la sí đố… .
Bây giờ đã nếm sơ qua sự buồn phiền, phẩn uất. Nói thiệt với các bạn, buổi tối đó về nhà, tui chớ có khóc. Chỉ tức thôi. Càng nghĩ càng tức.
Tức xong rồi mới buồn. Phải chi lúc đó tui ca bản nhạc của thầy T. An thì chắc chắn tui có thể diễn tả tâm sự của cô ca sĩ bước từng bước thầm về trong ngõ hẹp rồi.
…
Năm Đệ Ngũ. Cũng còn ở năm đệ ngũ.
Ngồi chung bàn đầu ngay buy rô của giáo sư là bốn đứa tui. Loan Phụng Cảnh Xuân. Thân nhau lắm tuy tánh tình chẳng đứa nào giống đứa nào.
Tui biết hát. Hơn tụi nó một điểm đó thôi.
C. thì đẹp dễ mê. Đi tới đâu cũng có người ngó theo nó đi mút đầu đường
Nó vừa đẹp vừa thông minh học giỏi. Mà giỏi đều mới chết nguời ta chớ. Toán đứng số một, văn cũng hổng thua gì ai. Thêm chuyện nữa, tánh tình rộng rãi. Thường cho tui cọp dê toán.
L. thì đeo hột xoàn lóng lánh (má nó bán hột xoàn cẩm thạch, tay nó trắng, má bắt nó đeo làm mẫu) Nhỏ nầy nhát hít hà. Nhớ có một lần, một chàng nào đó tò tò đi theo L. dìa. Sợ teo quá nó đi lăng quăng xấp xải thiệt lẹ. Vừa tới cửa nhà thấy dạng ba nó trong sân, nó bèn làm phách xây ra, xỉ xỉ anh chàng si tình, mặt vác hất, miệng chu ra “ vô đây vô đây giỏi vô đây ba tui oánh gãy xương”
Trời Phật ơi !!!
Nó vô lớp kể tụi tui cười bò lăn bò càng trên bàn học cười ra nước mắt tuôn tuôn.
Tụi tui cứ hù nó “mầy đeo hột xoàn cùng mình hổng ai dám cưới”
Nhỏ Ph. thì xí xọn. Nó đẹp lắm. Đẹp khác hơn nhỏ C. Dân đầu gà đít vịt mờ (nguời Tàu lai Miên) Miệng nó cười có duyên vô cùng nhờ hai cái răng lòi sĩ.
Khi vui thì thấy nó có duyên, khi giận nhau thì thấy nó giống như con gái Dracula.
Đó là năm 1963.
Các bạn cùng lứa tuổi với tý xuân nầy chắc còn nhớ. Đó là năm phong trào tranh đấu Phật Giáo từ Trung vô Nam.
Học hành gián đoạn. Mà tụi tui khoái chí tử. Mỗi lần nghe tin sinh viên học sinh kêu gọi bải khóa biểu tình, mừng muốn chết.
Những ngày đó là vọt lên xe lam, đi lên quân trường Thủ Đức.
Nhỏ C. có một người yêu (xời ơi chắc tại nó đẹp nó biết yêu sớm) và một người anh lính chiến học ở quân trường. Nhớ hổng rõ, người nào khóa 16 người nào khóa sau, 17, 18, 19, 20 gì đó…
Về nhà nghe ba dặn, lúc nầy lộn xộn lắm mấy đứa con đừng đi đâu bậy bạ nghe. Đừng nghe lời ai xúi dục đi biểu tình nầy nọ nghe. Bị bắt là khổ đó nghe. Học thì phải lo học nghe.
Bao nhiêu là tiếng “nghe” mà ba đâu dè mình đã hổng nghe lời cha mẹ rồi.
Ham vui. Hễ bạn rủ là vọt liền.
Cứ vậy đó. Hễ bải khóa là đi chơi.
Trường mình học bên trai bên gái phân chia ranh giới bằng hai cái buynh đinh B, C đàng hoàng. Nhưng, hễ có lịnh bải học là đám con trai ùa qua bên con gái . Tụi nó chụp thời cơ ùa vô lớp. Chụp được sách là liệng sách, chụp được vở là liệng vở xuống lầu (lớp học trên từng nhì) Có đứa sẵn dịp muốn trả thù nầy nọ khiêng luôn bàn của giáo sư tính liệng xuống luôn. Tới lúc đó nhà trường phản ứng, hay chính phủ cũng hổng rỏ. Thế là tụi học trò ăn lựu đạn cay lựu đạn khói tưng bừng.
Về sau dạy nhau mỗi ngày đi học thủ sẵn cái bịt nylông đựng khăn ướt hoặc trái chanh, khi bị khói cay cứ lấy khăn ướt hay chanh vắt mà bịt mắt rửa mắt…
Chuyện tranh đấu nào mà tránh khỏi những kẻ lợi dụng thời cơ để làm lợi cho họ.
Mình bị lôi cuốn theo phong trào tranh đấu ấy đôi khi quên ba mình là cảnh sát.
Cho tới một buổi sáng.
Người nữ sinh gan dạ, khi bị những người bồng súng chận đoàn học sinh xuống đường biểu tình, người ta lùi lại, nàng tiến lên.
Một viên đạn vô tình đã cướp mạng sống của cô nữ sinh Quách thị Trang.
Giòng máu đỏ loang trên nền áo trắng.
Chúng mình vừa sợ vừa tức giận.
Ba bắt ở nhà.
Làm sao mà canh suốt ngày được" hễ hở một cái là lén đi. Đi tới nhà giáo sư Đ. dạy Sử Địa. Ông là đảng viên của đảng… Đại Việt Quốc Dân Đảng gì đó. (không biết tui có nhớ lầm hông")
Thầy đưa cho mỗi đứa một xấp truyền đơn cho tụi nầy đi rải bươm bướm.
…
Cái tuổi 14, chưa tới 15 đó sao mà hung hăng"""
Tuy hung hăng nhưng cũng còn biết sợ.
Nhỏ C. bạn tui còn bà ngoại. Bà già lắm. Tóc bạc trắng. Lưng khòm cúp xương sống. Suốt ngày bà lục đục trong bếp. Bà nấu ăn cho cả nhà, it chịu cho con cháu rớ tay vô phụ đâu. Mấy lần tới chơi nhà nó, bà thường hay nấu chè cho tụi tui ăn. Món chè ngon nhứt tui còn nhớ rất rõ là chè khoai môn. Nếp nhừ ra, những miếng khoai màu trắng ngà hơi hơi tím tím, thơm lừng, chế lên miếng nước cốt dừa béo gì đâu…
Tui ham ăn ngọt, mê nồi chè của ngoại nên ngoại cũng thương tui lắm.
Tụi bạn đặt biệt hiệu tui là Nguyễn thị Chè.
Cái hôm nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết, hình đăng lên nhiều tờ nhựt báo. Bà ngoại của nhỏ C. đọc xong bà hết hồn. Bà biểu nhỏ C. đâu con chạy qua nhà nó coi coi, sao tao thấy cái hình nầy… giống nó quá vậy trời!
Nhỏ C. chạy xất bất qua nhà tui. Xa chớ gần sao. Nhà nó ở đường Bác sĩ Calmette, nhà tui ở Thành Cộng Hòa (thành Ô Ma cũ) tức là cư xá của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia. Muốn vô cư xá phải đợi ở cổng nhờ người kêu tui ra lảnh người quen chớ đâu phải dễ vô đâu. Vậy mà nhỏ C. cũng chịu khó. Vừa thấy tui, mặt nó đổi màu liền như cắt kè!
Từ xanh lè qua ‘dàng” khè.
Thở cái khì.
Nói “ rời. Giống hịt. Coi nè” Vừa nói vừa chỉa tờ báo xếp gọn, ló ra tấm hình của Quách Thị Trang cho tui coi. Mà giống thiệt. Tui còn nhớ rõ. Hình trang bìa. Trên góc. Cô mặc áo dài trắng.
Mới mười mấy tuổi đầu.
Khổ cho cha mẹ cô biết là bao nhiêu.
Thấy tui rồi nhỏ C. yên tâm nhẹ nhõm xề xuống nói chuyện tào lao. Khi nó bắt đầu mơ màng kêu tên “chàng” thì tui ngéo tay nó ra ngoài sân, sợ nhỏ Ngọc Anh lóng nghe rồi có khi nó xí xọn tài lanh chạy đi méc má Má ơi Xưng có mèo thì tiêu!
C. rủ tui tuần tới nếu có ngày nào bải khóa thì vọt lên Thủ Đức. Tui nói nếu muốn tui đi chung thì nó phải bao tui ăn một tô bún nem chua. Trời. Nhắc tới tô bún nem chua ở chợ Thủ Đức, bạn còn nhớ những keo đồ chua họ bày trên quầy hôn" Ngó là thấy nước miếng ứa ra. Củ kiệu trắng, tỏi trắng lẫn với cà rốt củ cải trắng, chua chua ngọt ngọt dòn rụm ngon vô cùng.
Nó nói ừ thì nó đãi, rồi mắng vói, con quỉ ham ăn. Xí. Tử tế dữ. Nó cũng xực vậy. Lần trước người đẹp xực hai tô.
Nó nhắc tui đi chợ nhớ mua vải batis trắng với chỉ thêu đặng "rua" vài cái khăn tặng mấy anh.
Bạn gái, còn nhớ kiểu “rua” khăn hôn" Vải cắt ra từng cái vuông, theo đường chu vi của khăn, bốn cạnh, rút từ năm tới mười sợi chỉ dệt ra rồi luồn kim cùng chỉ thêu loại bóng, trắng hoặc màu rua đường chu vi chỗ mình đã rút chỉ ra đó.
Khi xong sẽ có những hình dạng như chử I hay chử X, xinh lắm.
Những cái khăn nầy để mấy em nhỏ giọt dầu thơm tặng mấy anh cầm hít hít hửi hửi cho đở nhớ người em gái nhỏ hậu phương chớ có xài được gì đâu.
...Trước sân dọc theo hàng rào có một khoảnh đất nhỏ.
Mấy chị em tui rải hột cải bẹ xanh. Bây giờ cải mới nhú nhú lên. Màu lá cải xanh non mơn mởn nõn nà như tuổi chúng mình mới lớn.
Có đàn bướm bay chập chờn trên dây bông dại… Ngó xuyên qua hàng rào thấy thành tường của trường Trung Học Công Lập Petrus Ký.
Dợt lên dợt xuống liếc qua hàng rào mà chẳng thấy anh nào lởn vởn ngoài vòng tường, hai đứa nắm tay nhau đi dọc theo con đường đặc biệt của cư xá Cộng Hòa nầy.
Đặc biệt ở chỗ, hai bên đường là hai hàng cây trứng cá.
Bạn còn nhớ cây trứng cá hôn"
Cây không cao lắm. Tàng rộng tỏa ra. Lá thưa thưa nhỏ nhỏ rì rào theo gió.
Vói tay oằn nhánh xuống.
Những trái màu xanh.
Những trái màu vàng.
Aaa đây nè .
Những trái màu đỏ tươi.
Bóc. Lủm. Bóc. Lủm.
Bụp. Chất ngọt đậm đà bể ra tan trong miệng. Những hột trứng cá li ti lừa lừa trên lưởI chơi.
Mùi thơm kỳ lạ. Nồng nàn.
Sao hổng thấy ai dùng tinh chất của trái trứng cá làm dầu thơm"
Tui mua liền.
Ăn đã đời một bụng trứng cá
Đang nói chuyện bổng nhỏ C. đứng lại. Nói, -thôi để tao dìa cho ngoại biết mầy còn sống nhăn.
Ờ nghe nói ngày mai có “đêm không ngủ” mấy anh chị sinh viên tổ chức đằng trường … mầy muốn dự hông" Tui nạt, muốn chớ sao hông, hỏi kỳ.
Thế là, bửa sau nói láo ba má, trốn nhà đi tới trường....
Sau khi tụ họp rồi cuộc nói chuyện đả đảo chính quyền và ủng hộ phong trào tranh đấu cho tự do tín ngưởng bắt đầu.
Người nầy lên cầm micro nói hùng hổ, nói hăng hái một hồi rồi tới phiên người khác. Nhưng dù cho có đủ thứ chuyện, nói riết tới khuya khuya cũng hết chuyện nói. Vậy thì làm sao để đừng bị buồn ngủ và cầm chân mọi người" Có gì khó. Ai biết hát xin mời lên sân khấu.
Dạ. Có tui đây.
Trúng mối.
Con nhỏ thấy sân khấu, thấy dàn đèn với cây ghi ta là rồi rồi! Lên liền sợ gì ai.
Đó đó. Đâu mà bỏ được.
Hát đã đời. Thuộc bao nhiêu bản làm tuốt hết.
Hơn nửa đêm mới bỏ cuộc mà về.
Vừa lén lén mở cửa nhón vô nhà thì thấy ba ngồi ngay đó.
Hỏi “đi đâu về đó"”
Đành phải thú thiệt con đi biểu tình làm đêm không ngủ.
Bốp.
Nhá thấy mười ông trời
Chớp thấy tám ông sao xẹt.
Thấy nguyên dàn đèn trên sân khấu nổ lụp bụp.
Tá hỏa.
Đau ít. Ngạc nhiên nhiều.
Từ hồi tui biết tía tui tới giờ, mới bị đòn lần thứ nhứt!
Một bợp tay thôi.
Nhưng tui hiểu. Vì quá sức sợ, quá sức lo lắng cho tui, ba mới “thương cho roi cho vọt” nầy.
Từ đó về sau ai muốn không ngủ thì cứ việc thức.
Còn tui - làm thinh - ở nhà - ngủ thẳng cẳng.
Tiêu tùng cái việc đấu tranh!
Trương Ngọc Bảo Xuân