Trong một bức thư ngỏ gửi Hun Sen hôm thứ năm 24-5, tổ chức này có trụ sở ở Washington, nói các quan chức tỉnh Mondulkiri đã cưỡng bách hồi hương những người Thượng được sự bảo vệ của Cao ủy Tị nạn LHQ.
Ông Lionel Rosenblatt, chủ tịch danh dự của Hội, viết trong thư: “Tôi mới từ Mondulkiri trở về, nơi đây tôi nghe nhiều tin nói có những vụ trục xuất về Việt Nam.
“Chính quyền tỉnh hình như không chịu bảo vệ những người tị nạn theo quy ước quốc tế, mặc dù trên phương diện chính phủ trung ương của cả nước...đã có lời hứa cho họ tạm trú”.
Đặc biệt bản tin AP ghi là Hội Refugees International hôm Thứ Năm đã tố cáo rằng các thám tử CSVN đang săn lùng những người Thượng đang chạy trốn trên đất Cam Bốt.
Rosenblatt viết, “Việt Nam đã làm vấn đề xấu tệ hại thêm bằng cách gửi các cán bộ quân đội và công an qua biên giới để săn lùng người tị nạn và bắt họ về lại Việt Nam. VN phải ngưng ép buộc dân chúng chạy trốn và phải ngưng vị phạm chủ quyền Cam Bốt bằng cách gửi cán bộ quân đội và công an qua biên giới.”
Phó Thủ tướng Cam Bốt Sar Kheng tuần trước đã nói với ông Johanchah Assadi, đại diện vùng Cao ủy Tị nạn LHQ, rằng những người Thượng chạy từ Việt Nam qua sẽ được hưởng quyền tị nạn tạm thời cho đến khi điều kiện ở Việt Nam được cải tiến để họ có thể trở về.
Nhà cầm quyền tỉnh nói Hà Nội treo giải thưởng cho những ai trở về, tuy nhiên vẫn có tin tiếp tục xẩy ra những vụ cưỡng bách hồi hương hay mất tích.
Hôm thứ ba Cao ủy Tị nạn nói “cưỡng bách hồi hương mà không xét quyền xin tị nạn của họ là một điều không thể chấp nhận được”.
Trong khi đó, bản tin BBC hôm Thứ Năm tường thuật là Cao Ủy Tị Nạn LHQ (UNHCR) đã khám phá ra thêm 1 nhóm người Việt tị nạn đang trốn trong rừng Cam Bốt. Nhóm 52 người Việt này đã vượt biên giới vào Cam Bốt và trốn trong vùng hẻo lánh phía Đông Bắc khi Cao Ủy gặp họ. Họ lập tức xin tị nạn, nói là sợ bị truy bức nếu về VN.
Nhóm người này may mắn, vì chính các nhà hoạt động nhân quyền địa phương đã giúp Cao Ủy liên lạc với họ. Cao Ủy cũng nói là có nhận các tường trình là có 1 số người Thượng VN đã bị địa phương còng tay giải giao cho công an biên phòng CSVN.
Như vậy là có gần 250 người Thượng đã thành công trong việc rời bỏ VN, trong đó 38 người đã định cư tại Mỹ.