SYDNEY: Các nhóm sắc tộc vừa lên án thủ hiến NSW, ông Bob Carr, đã khơi động thù hằn chủng tộc, đồng thời quỷ hóa (demonising) và làm ô uế danh dự của các cộng đồng sắc tộc qua những lời tuyên bố gần đây của ông về những nhóm tội phạm sắc tộc. Họ lên án ông làm như vậy là nhằm đánh lạc hướng dư luận về những vấn nạn thực sự của các cộng đồng sắc tộc bằng hành động nói trên.
Chủ tịch Hội Đồng Sắc Tộc, ông Salvatore Sevola nói rằng phương pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa tội phạm là các chương trình nhằm giải quyết những vấn nạn về kinh tế và xã hội hơn là sự tập trung chú ý vào vấn đề màu da và chủng tộc.
Ông Charlie Moussa, phát ngôn nhân của Hiệp Hội Đoàn Kết Người Úc Gốc Li Băng cho biết đã có một thiếu nữ theo đạo Hồi bị hãm hiếp, như một hành động trả thù cho những cuộc hãm hiếp phụ nữ da trắng gần đây. Ông lên án thủ hiến, cảnh sát và giới truyền thông đã đồng loạt hiệp lực trong việc phá hoại cộng đồng ông. Ông nói: "Một phần trong những lời tuyên bố của ông Carr đã quỷ hóa nguyên cả cộng đồng. Ông đã buộc cả một cộng đồng phải chịu trách nhiệm vì hành động của một vài phần tử tội phạm trong đó".
Phát ngôn viên của Hiệp Hội Phụ Nữ Di Dân, cô April Pham nói: "Hành động miêu tả những nhóm người bằng ngôn từ mang tính khích động, kỳ thị một cách thiếu lương tâm như thế chỉ là những hành động nhằm che đậy sự bất lực của chính phủ Carr trong việc đáp ứng nhu cầu của những nhóm người yếu kém trong xã hội, trong việc giải quyết các vấn nạn như tỷ lệ thất nghiệp cao của giới trẻ và sự kỳ thị có hệ thống trong guồng máy công quyền".
Cô cho rằng "ông Carr đáng bị thưa về tội sách động thù hằn chủng tộc, thế nhưng ông đã được quyền miễn tố của quốc hội bảo vệ".
NÊN HAY KHÔNG NÊN PHÁT BẠCH PHIẾN CHO KẺ NGHIỆN"
CANBERRA: Đảng Tự Do cầm quyền tại ACT, dự định sẽ trưng cầu dân ý về việc chính phủ ACT có nên tổ chức thí nghiệm phát bạch phiến miễn phí cho người nghiện hay không trong kỳ tuyển cử địa phương sắp tới đây. Dự định này đã gây nhiều tranh cãi sôi nổi tại ACT cũng như trên chính trường liên bang.
Ông Michael Gardiner, một cư dân tại Canberra nói ông hết lòng ủng hộ chương trình thử nghiệm này vì nó sẽ giúp giữ được mạng sống của những người nghiện ngập trẻ tuổi cho đến khi họ có đủ nghị lực để dứt bỏ bạch phiến. Ông có đứa con trai chết vì dùng bạch phiến quá liều năm 1999.
Ngược lại, ông Don Allan, một người mà gia đình đã gặp nhiều đau khổ vì bạch phiến (ba người chết, một đứa cháu gái bỏ nhà ra đi mất tích), lại cương quyết chống lại cuộc thử nghiệm. Ông nói: "Mặc dù ma túy đã giết ba người trong gia đình tôi và tôi có đứa cháu gái nghiện ngập, tôi vẫn chống lại chương trình thí nghiệm này cũng như phòng chích an toàn bởi vì, cho đến bây giờ chưa có lý luận nào có thể thuyết phục tôi về lợi ích của chúng".
Tuy hai người đứng ở hai thái cực khác nhau về vấn đề thử nghiệm phân phát bạch phiến miễn phí, cả hai cùng gặp nhau ở một điểm: không đồng ý với chính phủ ACT trong việc tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này.
Ông Allan nói: "Đấy chỉ là một mánh khóe chính trị để họ có thể quay lại đổ lỗi cho công chúng và không phải tự mình quyết định một vấn đề như thế".
Ông Gardiner thì cho đó là một hành động "đáng phỉ nhổ" khi tổ chức trưng cầu dân ý về một vấn đề thuần túy nhân đạo và y tế. Ông nói: "Vì sao mà một xã hội văn minh lại từ chối không cứu giúp những người đang đau khổ" Nếu họ không tán thành (trong kỳ trưng cầu dân ý), chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết vấn nạn này".
NHIỀU CẢNH SÁT VICTORIA PHẠM TỘI
MELBOURNE: Theo tài liệu của Ethical Standard Department (ESD), cơ quan có nhiệm vụ kiểm soát hành vi của cảnh sát, thì chỉ trong vòng 22 tháng đã có hơn 110 cảnh sát viên tại Victoria bị buộc đã có những hành động phi pháp hoặc không thích hợp.
Các cảnh sát viên này đã bị buộc những tội bao gồm: hiếp dâm, sách nhiễu tình dục, lừa đảo, buôn súng lậu, lái xe lúc say xỉn, và sửa đổi bằng chứng. Thêm vào đó, đã có ít nhất ba trường hợp cảnh sát viên bị buộc tội buôn bán ma túy.
Từ năm 1998 đến giờ đã có 63 cảnh sát viên bị sa thải, 153 người khác phải ra trước hội đồng kỷ luật và 270 tội trạng được chứng minh là có xảy ra.
Bản báo cáo của ESD cũng nhắc đến việc hai cảnh sát viên trung cấp chỉ bị phạt sau khi bị buộc tội đã bán súng lậu, cũng như việc một thanh tra bị phạt sau khi một khẩu súng bị thất lạc.
Bản báo cáo nêu ra hơn 60 loại tội mà nhiều cảnh sát viên đã bị phạm phải trong thời gian từ tháng 7/99 đến tháng 4/01. Bản báo cáo này được phổ biến lúc Tổng tư lệnh cảnh sát tại Victoria, bà Christine Nixon, tuyên bố kiểm tra hành vi cảnh sát, sau khi 2 cảnh sát viên thuộc toán đặc nhiệm bài trừ ma túy bị bắt trong hai vụ buôn lậu ma túy khác nhau: Trung sĩ thám tử Malcolm Roseness trong vụ $3 triệu ecstasy, và thám tử Stephen Baton trong một vụ khác.
THANH TRA CẢNH SÁT THÚ NHẬN ĐÃ GIAN DỐI ĐỂ ĐƯỢC THĂNG CHỨC
SYDNEY: Hôm đầu tuần qua, Thanh Tra Thám Tử Robert Menzies, phó chủ tịch Nghiệp đoàn Cảnh Sát NSW, đã thú nhận trong cuộc điều tra của Ủy Ban Thanh Tra Sự Thanh Liêm của Cảnh Sát - Police Integrity Commission (PIC), rằng anh đã dùng những dữ kiện kín để chuẩn bị cho kỳ thi lên chức của mình, và xác nhận rằng đấy là một chuyện thường tình trong ngành, mặc dù chuyện đó trái phép.
Anh cho biết anh đã được thông báo trước về những câu hỏi cũng như những vấn đề trọng yếu mà mình sẽ được hỏi trong cuộc phỏng vấn hầu có thể chuẩn bị sẵn. Ủy Ban đã được nghe cuốn băng thâu bí mật cuộc đối thoại giữa Menzies và một cảnh sát viên khác về những câu hỏi mà anh ta đã được hỏi trong kỳ sát hạch thăng chức vào tháng Ba. Trong cuộc đối thoại này, họ đã thảo luận rất chi tiết về tám câu hỏi sát hạch mà Menzies sẽ phải trả lời trong kỳ thi của anh vào tháng 6.
Menzies đã được thăng chức vùn vụt trong vòng hai năm, từ Hạ Sĩ Thám Tử (Detective Snr Constable) lên Thanh Tra (Inspector), một điều mà những cảnh sát viên trong sạch, tuyệt đối tuân hành theo quy luật, khó có thể làm được.
Ông Chris Hoy, trạng sư điều tra của Ủy Ban PIC cho biết rằng Ủy Ban có thể sẽ mở thêm nhiều cuộc điều tra khác về vấn đề thăng chức của cảnh sát. Ông nói: "Những bằng chứng trong cuộc điều tra này cho thấy rằng có thể có một số cảnh sát viên đương nhiệm đã tham dự vào những hành vi có chủ đích lũng đoạn nguyên tắc công bình cơ bản trong vấn đề này".
SỐ TRẺ EM VICTORIA MỒ CÔI VÌ MA TÚY GIA TĂNG
MELBOURNE: Chương trình thâu nhận con nuôi tại Victoria đang gặp khủng hoảng do sự gia tăng cấp tốc số trẻ em bị bỏ rơi hoặc mồ côi vì cha mẹ nghiện ma túy.
Sự khủng hoảng này đã khiến cho giới chức thẩm quyền lên tiếng kêu gọi dân chúng Victoria hãy mở rộng vòng tay để thâu nhận các thiếu nhi bất hạnh này vào gia đình của mình.
Bà Christine Campbell, bộ trưởng Dịch Vụ Xã Hội tiểu bang cho hay rằng nguyên nhân chính của việc gia đình đổ vỡ, đưa đến chuyện cần cha mẹ nuôi cấp tốc, là ma túy. Bà nói: "Nhân viên của bộ đã báo cáo rằng vấn đề phụ huynh nghiện ngập dùng thuốc quá liều hoặc không còn khả năng nuôi dưỡng con em đã trở thành mối quan tâm hàng đầu".
Bà cho biết đến cuối tuần qua có 40 trẻ em đang đợi thủ tục làm con nuôi trong chương trình chăm sóc vĩnh viễn trong khi chỉ có 38 gia đình đang được chấp thuận cho phép mang các em về nuôi. Và khoảng cách ngày càng tăng vọt vì, trung bình, mỗi tuần có ba thiếu nhi phải vào chương trình này. Và cứ mỗi một em phải vào chương trình này vì cha mẹ nghiện ngập, ít nhất là có ba em đang được bà con thân thuộc chăm sóc, điển hình là một cặp vợ chồng già hiện đang chăm sóc bảy đứa cháu nội của mình vì họ có ba đứa con trai bị chết vì dùng ma túy quá liều.
CHÍNH PHỦ NAM ÚC CHUẨN BỊ CHO VIỆC BẦU CỬ TIỂU BANG
ADELAIDE: Hôm Thứ Hai vừa qua, Thủ hiến John Olsen vừa tuyên bố chính sách giáo dục mới. Theo chính sách này thì các trường trung học và đại học cùng các trường kỹ thuật sẽ được yêu cầu cải tiến những môn học ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của các ngành kỹ nghệ mới chẳng hạn như sản xuất nhu liệu phần mềm cho điện toán.
Chính sách giáo dục này là một trong số những chính sách sẽ được loan báo trong vòng vài tháng tới đây trong sách lược chuẩn bị cho kỳ bầu cử tiểu bang đã cận kề.
Những chính sách sẽ được lần lượt công bố bao gồm: phát triển kỹ nghệ quốc phòng tại Nam Úc, tăng gia các hệ thống hạ tầng cơ sở về vấn đề y tế cũng như luật pháp.
Thủ hiến Olsen cho biết: "Chúng là những viên gạch đầu tiên của một nền tảng bền vững nhằm bày tỏ cho cử tri biết, khi cuộc vận động bầu cử xảy ra, đường hướng tương lai của chúng tôi trong 5 năm sắp tới".
Tuy nhiên ông đã phủ nhận dư luận rằng cuộc bầu cử tiểu bang sẽ được tổ chức trong năm nay, và tái khẳng định rằng cuộc tuyển cử sẽ được tổ chức vào tháng Ba năm tới (mặc dù nhiệm kỳ 4 năm chấm dứt vào ngày 11/10 tới đây).
TRẠNG SƯ TRỐN THUẾ BỊ RÚT BẰNG VĨNH VIỄN
SYDNEY: Hôm thứ Ba vừa qua, thêm một trạng sư đã bị rút bằng hành nghề vì tội trốn thuế, sau khi ông John Cummins QC, bị trục xuất khỏi Hiệp Hội Trạng Sư hồi tháng rồi.
Trước mặt ba vị chánh án thuộc Tòa Kháng Án tiểu bang NSW, ông Robert Somosi đã đồng ý là ông không phải là người có đủ tư cách để tiếp tục hành nghề luật sư nữa.
Được biết Hiệp Hội Trạng Sư NSW đã đệ đơn yêu cầu tòa quyết định về trường hợp của ông Somosi sau khi ông bị kết tội trốn thuế năm 1996, và bị phạt vạ hơn $32,000 đồng vì đã không khai thuế trong suốt 17 năm trời. Thêm vào đó, ông cũng từng tuyên bố bị phá sản đến 2 lần, năm 1995 và 2000.
Trạng sư bào chữa cho Somosi, ông Francis Douglas, cho biết: "Trong xã hội có rất nhiều người, không riêng gì giới trạng sư, không có khả năng quản lý vấn đề tài chánh cá nhân mình, đưa đến nhiều thiệt thòi cho chính họ, như trường hợp ông Somosi".
CẢNH SÁT NAM ÚC TRUY TẦM THỦ PHẠM VỤ BẮN NGƯỜI GIAO BÁO
ADELAIDE: Hồi đầu tuần, một người đàn ông sinh sống bằng nghề giao báo tại vùng Unley đã bị một kẻ lạ mặt chĩa súng bắn vào đầu khi ông đang trên đường giao báo thường xuyên của mình.
Cảnh sát cho biết ông Geoff Williams vừa giao xong báo cho một khu chung cư trên đường Arthur và đang lùi xe ra đường vào khoảng 4g0 sáng thì bị một tên đàn ông, dùng khẩu súng 9mm, bắn xuyên cửa sổ xe bên tay trái trúng vào đầu ông, gây thương tích trầm trọng.
Theo cảnh sát thì ông Williams không hề thấy được kẻ đã bắn ông. Sau khi bị bắn, cho dù máu chảy đầm đìa, ông đã lái xe một quãng ngắn đến đường King William và dùng điện thoại lưu động để gọi cấp cứu. Sau đó, xe cứu thương đã đến chở ông về bệnh viện điều trị. Bệnh tình nghiêm trọng nhưng không quá nguy hiểm, ông có thể bị mù một mắt.
Cảnh sát cũng cho biết thêm có hai thiếu nữ có thể thấy thủ phạm khoảng 10 phút trước khi vụ nổ súng xảy ra. Hai thiếu nữ này không thấy hắn cầm súng nhưng hắn có vẻ đang cầm một vật gì trong túi khi hắn đi theo sát hai cô trên đường Arthur. Quá hoảng sợ, hai cô đã ghé vào một ngôi nhà gần đó để tìm sự giúp đỡ và chủ nhà gọi cảnh sát. Họ miêu tả hắn là một kẻ trong khoảng từ hai mươi đến gần ba mươi tuổi, cao khoảng 175m, đô con, da ngăm, tóc đen, ngắn và dợn sóng.
CỰU ỨNG CỬ VIÊN ĐẢNG TỰ DO PHỦ NHẬN CÁO BUỘC ĐÃ GIẾT NGƯỜI CƯỚP CỦA
BRISBANE: Hồi đầu tuần, một cựu ứng cử viên của đảng Tự Do trong kỳ bầu cử tiểu bang vừa qua, đã phủ nhận lời cáo buộc rằng mình đã cố tình bơm ma túy quá liều cho người bạn cùng nhà để đoạt $20,000 Úc kim.
Cô Mardi McLean, 23 tuổi, từng là ứng cử viên của đảng Tự Do tại đơn vị Bundamba trong kỳ bầu cử tiểu bang hồi đầu năm nay, đã ra làm chứng tại Tòa Giảo Nghiệm (Coroners Court) Brisbane, về cái chết của Mitchell Colins hôm 26/12 năm ngoái.
Ông Collins, cựu chủ nhân của một khách sạn và thành viên của băng Odin's Warriors, chết vì có quá nhiều độc tố từ nhiều loại ma túy khác nhau.
Thế nhưng gia đình ông cho biết ông không bao giờ xử dụng bạch phiến và cho rằng cô McLean có dự phần vào cái chết của ông. Trạng sư của gia đình Collins, ông Barry Thomas, cho biết ông Collins vốn dĩ rất ghét những kẻ nghiện ma túy, và chỉ cho phép cô McLean, một kẻ nghiện bạch phiến, tạm trú tại nhà ông khi cô đồng ý sẽ cai nghiện.
Theo ông Thomas thì cô McLean vẫn tiếp tục dùng bạch phiến và khi cô khám phá chỗ Collins dấu tiền thì cô đã chuốc bạch phiến vào ly nước của ông.
Cô McLean khai báo với tòa rằng trong ngày Collins chết, cô đã thấy ông tự tiêm bạch phiến hai lần, và trong phòng ông có rất nhiều kim đã xài rồi. Tuy nhiên, khi bị hỏi nếu cô đồng ý để giới thẩm quyền thử máu cô xem có phải những cây kim trong phòng ông Collins thực ra là của cô hay không, cô đã từ chối.
TỪ TRIỆU PHÚ THÀNH HÒA THƯỢNG
SYDNEY: Tháng trước ông Jose Sanz là chủ nhân một căn biệt thự đáng giá bạc triệu cùng với ba cơ ngơi khác. Tháng trước ông nhậu nhẹt với tầng lớp thượng lưu của Sydney. Và ông cũng là người thừa kế của một gia sản thuốc lá trị giá nhiều triệu.
Sáng thứ Hai đầu tuần này, vị cựu bác sĩ phụ khoa và giảng sư đại học thức dậy lúc 5g00 sáng và khoác lên người chiếc áo đà, của cải duy nhất còn sót lại của ông. Bác sĩ Sanz đã phân phát hết tài sản hơn 5 triệu của mình cho các con, giao lại cho người em gái một trang trại thuốc lá 3,000 mẫu tại Á Căn Đình, để tìm sự bình an tâm hồn trong tư cách một nhà sư tại ngôi chùa Lào ở Edensor Park, một quyết định đã khiến cho các con ông giận dữ.
Ông nói: "Chúng ta vật lộn, tranh đua để có nhà cửa, tiền bạc, xe cộ. Tôi muốn xa lánh tất cả những phiền toái ấy. Tôi bước ra khỏi nhà và giao chìa khóa lại cho lũ con. Chúng bực mình lắm vì chúng là dân Cơ Đốc Giáo thuần thành. Chúng nghĩ tôi đã bị một bọn tà đạo hớp hồn."
Là phật tử chân chính đã 15 năm nay, ông Sanz được phép quy y theo cửa Phật như một nhà sư Lào lúc chứng minh rằng ông không còn nợ nần hay phải cưu mang một ai nữa kể từ khi vợ của ông qua đời 18 tháng trước đây.
Bây giờ mỗi ngày ông dành ra 12 giờ để thiền định và tụng kinh. Trong cuộc sống mới này, ông cũng làm việc với giới thanh thiếu niên nghèo khổ cũng như những người tù được đi làm ban ngày.
Ông cho biết: "Chúng ta phải quét sạch bụi trần khi quy y, thế nhưng tôi vẫn nhớ mấy con chó của tôi mà không nhớ gì về gia đình tôi cả".
THỦ HIẾN QLD BỊ LÊN ÁN MUỐN BAO TRÙM CHÍNH PHỦ TRONG BÍ MẬT
BRISBANE: Thủ hiến Peter Beattie vừa bị phe Đối Lập tiểu bang lên án là quá ham muốn bao trùm chính phủ trong bí mật sau khi ông tuyên bố sẽ duyệt thảo lại đạo luật Freedom Of Information (FOI) - Quyền Tự Do Yêu Cầu Cung Cấp Dữ Liệu, kể cả việc có thể tăng lệ phí nộp đơn FOI.
Tin tức về cuộc duyệt thảo này được tung ra sau khi có bằng chứng là chính phủ đã không duyệt xét ít nhất 60 đơn FOI trong thời gian luật định là 45 ngày.
Ông Beattie than phiền rằng chi phí ngày càng gia tăng trong việc duyệt xét, phê chuẩn và thực thi các đơn xin FOI này đã làm cho chi phí hàng năm của chính phủ trong lãnh vực này tăng lên đến $8 triệu Úc kim. Tuy nhiên, ông khẳng định là ông vẫn tuyệt đối tin vào FOI, và chỉ không muốn phung phí công quỹ mà thôi.
Chiếu theo luật FOI, bất cứ ai cũng được quyền yêu cầu được cung cấp các hồ sơ chính phủ sau khi nộp lệ phí $31 Úc kim. Đạo luật này được xử dụng rộng rãi bởi các chính đảng, dân biểu đối lập, những cá nhân cũng như giới truyền thông để lấy được những hồ sơ liên quan đến các quyết định của chính phủ, ngoại trừ những hồ sơ đã được đem đến các buổi họp nội các là được miễn.
Thủ hiến Beatie cho biết lệ phí $31 không đủ trang trải cho chi phí của FOI. Ông nói: "Chúng tôi phải duyệt xét nó, xem coi $31 có đủ hay không".
Thủ lãnh đảng Tự Do, ông Bob Quinn cho rằng ông Beattie muốn phủ trùm bức màn bí mật lên chính phủ và đây chỉ là "một bước tiến gần hơn đến tình trạng một thể chế bí mật (không trong sáng)".
TRUỒNG CHẠY ĐỂ "THẤY MÌNH ĐANG THỰC SỰ SỐNG"
BRISBANE: Một thiếu phụ trẻ tuổi, là mẹ của hai đứa con thơ, truồng chạy tồng ngồng trước hơn 20,000 khán giả của trận đấu bóng rugby tại Brisbane đã bị kết tội phô bày tục tĩu (indecent exposure) hôm đầu tuần vừa qua.
Cô Catherine Maher, 28 tuổi, đã bị phạt phải làm 40 giờ phục vụ cộng đồng sau khi đồng ý nhận tội khuấy rối và cố tình phô bày tục tĩu trong trận đấu giữa hai đội Brisbane Broncos và Sydney Roosters hôm 5/8 vừa qua.
Hôm ấy, trần như nhộng, cô đã chạy dọc theo sân banh và đứng nhảy múa giữa hai cột gôn cho đến khi cảnh sát và nhân viên bảo an đến dẫn cô ra khỏi sân.
Cô cho biết hôm ấy cô đã gởi con cho người ta giữ và đã chuẩn bị cho việc có thể bị bắt giữ. Cô nói: "Tôi đã chuẩn bị tinh thần về việc có thể phải ngủ qua đêm trong bót. Tôi nghĩ đấy là một việc mà tôi phải làm để tìm được cảm giác rằng mình đang thực sự sống".
Mặc dù chồng cô không đồng ý với hành động này, cô vẫn không có chút gì hối hận về việc làm của mình. Cô cho biết: "Đấy là cách duy nhất để tôi không bị khùng lên vì cảm thấy bị gò bó phải suốt tháng quanh năm trông chừng con cái".
CẢNH SÁT KIỂM SOÁT BĂNG ĐẢNG THANH THIẾU NIÊN
PERTH: Cảnh sát Tây Úc cho biết mặc dầu các băng đảng sắc tộc Việt Nam và Li Băng không nguy hiểm bằng những băng đảng đồng loại tại Sydney và Los Angeles, chúng vẫn cần bị kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm rằng chúng sẽ phát triển đến độ không kềm chế được.
Trong nỗ lực tiên hạ thủ vi cường, cảnh sát đã viếng thăm bốn trường đại học tại Tây Úc để báo động với sinh viên học sinh về vấn đề bạo động liên quan đến băng đảng.
Viên chức thuộc Văn phòng Tình báo Tội ác (Bureau of Crime Intelligence) đã nhận diện được 7 băng đảng hoạt động tại Perth trong 10 năm qua.
Cảnh sát tin tưởng rằng một trong những băng đảng Việt Nam đầu tiên ở Perth, được biết đến dưới tên CIA, được thành lập năm 1992, sau khi một thiếu niên thổ dân đâm một phụ nữ Việt Nam tại Girrawheen.
Một băng khác tên Monkey Boys (Tề Thiên Nam Tử) cũng được thành lập vào khoảng thời gian đó và nhóm Bentley Triads (Thiên Địa Hội Bentley) ra chơi vào năm 1995.
Ba băng đảng Việt Nam đang hoạt dộng - Dragon Boys (Thần Long Nam Tử), M'Bros (Huynh Đệ) và Spider Boys (Trai Nhện) - đã từng đụng độ với nhau nhiều lần trong hai năm qua.
Và gần đây một băng đảng Li Băng, Sword Boys, đã được biết đến nhiều hơn qua những cuộc đụng độ băng đảng.
CHÍNH PHỦ NSW THÔNG BÁO CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY
SYDNEY: Chính phủ TB NSW vừa tuyên bố một chương trình giáo dụn nhằm ngăn cản sự lan tràn của tệ nạn ma túy tại tây Nam Sydney.
Theo chương trình Gateways này thì hơn 600 học sinh tiểu học và trung học có nguy cơ bỏ học hoặc bị quyến rũ vào vòng nghiện ngập sẽ được nhận diện và giúp đỡ với những khóa học thêm thích hợp với hoàn cảnh của từng em.
Thủ hiến Bob Carr cho biết chương trình với chi phí $700,000 này là một phần của chiến lược bài trừ ma túy tại Cabramatta được thông báo hồi tháng Ba vừa qua.
Theo ông thì có mối liên hệ rõ rệt giữa những học sinh bỏ học sớm và những người có nguy cơ dính líu với ma túy. Ông nói: "Họ bỏ học sớm và kết quả là họ ít có cơ hội tìm được việc làm, và trong những hoàn cảnh như thế, họ sẽ có nhiều nguy cơ dính líu đến ma túy".
Chương trình Gateways sẽ được tổ chức tại 48 trường trung và tiểu học trong phạm vi của hội đồng thành phố Fairfield, bao gồm luôn cả Cabramatta. Những học sinh yếu kém học vấn hoặc có vấn đề kỷ luật sẽ được những giáo viên có huấn luyện đặc biệt, giúp đỡ trên căn bản cá nhân.
TAXI PERTH KỲ THỊ NGƯỜI MÙ
PERTH:Một phụ nữ khiếm thị đã than phiền với bộ Kế Hoạch hạ Tầng Cơ Sở (Planning & Infrastructure Department) rằng mình đã bị các tài xế taxi kỳ thị.
Hồi đầu tuần, cô Carolyn Rupe đã đệ đơn than phiền sau khi bị một tài xế taxi từ chối không chở cô và con chó hướng dẫn của cô hôm thứ năm tuần rồi, trước khách sạn Hyatt.
Cô cho biết, lúc đầu, gã tài xế taxi nói rằng xe hắn không chở chó, thế nhưng khi biết rằng đó là chó hướng dẫn người mù thì hắn bèn nói hắn đã hết giờ làm việc và không chở cô được. Nhân viên của khách sạn phải gọi điện thoại cho một taxi khác đến chở cô và con chó về nhà.
Cô cũng cho biết thêm là trong vòng 21 tháng vừa qua, cô và chó đã bị taxi từ chối bẩy lần, và có một lần thì cô bị tên tài xế khạc nhổ vào người.
Ông Stewart Blair, phát ngôn viên của hội huấn luyện chó hướng dẫn người mù tại Tây Úc cho biết rằng đạo luật Cấm Kỳ Thị Kẻ Tật Nguyền (Disability Discrimination Act of 1992) cũng như đạo luật về chó (Dog Act of 1976), cho phép loại chó hướng dẫn người mù được quyền lên hết tất cả các phương tiện giao thông công cộng, kể cả taxi.
Tổng giám đốc công ty taxi Swans, ông Kevin Foley cho biết phần lớn tài xế taxi đều bất mãn khi nghe rằng một người trong bọn họ đã kỳ thị người mù như thế.
Giám đốc đơn vị đặc trách về taxi của bộ Kế Hoạch, ông Rob Leicester cho biết gã tài xế sẽ được phỏng vấn và nếu câu chuyện thực sự như lời của cô Rupe thì hắn sẽ bi phạt $175 ngay lập tức.
PHỤ HUYNH PHẪN NỘ VÌ TRANG WEB CHO HỌC SINH
MELBOURNE: Các kiểu làm tình được miêu tả kỹ càng và bằng những ngôn ngữ trắng trợn đã được phổ biến dưới dạng hướng dẫn cho học sinh trên một trang web được trợ cấp bằng tiền chính phủ.
Tổ chức The Australian Drug Foundation (ADF) gởi thơ đến hiệu trưởng các trường trung học, quảng cáo trang web này như một dụng cụ nhằm giúp đỡ học sinh ở tuổi thiếu niên tìm hiểu thêm về những vấn đề liên quan đến sức khỏe và y tế.
Thế nhưng một số phụ huynh và giáo chức đã bày tỏ sự phẫn nộ của họ về trang web này. Trang web có tên somazone nhắm vào thanh thiếu niên từ 14 đến 18 tuổi chứa đựng rất nhiều dữ kiện hết sức trắng trợn về tình dục.
Phần hỏi đáp của trang bao gồm những câu hỏi của học sinh và các câu trả lời hết sức trắng trợn qua những từ ngữ rất táo bạo. Một thí dụ điển hình là đoạn chỉ dẫn cách ái ân bằng mồm (oral sex) kèm với lời khuyên: "Thong thả mà thực tập để vui chơi". Một học sinh khác hỏi về những kiểu ái ân khác nhau thì được khuyên hãy mua quyển Kama Sutra, có chỉ dạy nhiều vị trí và phương pháp, để học hỏi.
Tổ chức ADF hàng năm nhận lãnh khoảng $2 triệu Úc kim từ chính phủ liên bang và tiểu bang. Phó hiệu trưởng trường Mazenod Colege, ông Tony Coghlan cho biết ông rất kinh ngạc và hoảng sợ khi đọc được những dữ kiện của trang web này. Ông nói: "Nó không thích hợp với những giá trị mà chúng tôi khuyên dạy các em tại trường. Nó không cùng đường lối với những nỗ lực của bộ giáo dục và nhà trường trong vấn đề này".
Ông cũng cho biết thêm ADF đã không thông báo cho nhà trường biết trang web có những dữ kiện mang tính cách trắng trợn về vấn đề tình dục.